Xứ Thanh sâu đậm nghĩa tình

Chúng tôi về Lạch Trường-vùng cửa biển nằm giáp ranh hai huyện Hậu Lộc và Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Đây là một trong những điểm neo đậu tàu Hải quân trong chiến tranh chống Mỹ và cũng là địa danh minh chứng cho nghĩa tình quân dân sâu đậm trong trận đánh ngày 5-8-1964.

14 giờ 15 phút ngày 5-8, khi bà con các xã ven biển của hai huyện Hậu Lộc và Hoằng Hóa đang trên đường đi làm buổi chiều thì nhiều tốp máy bay địch từ Hạm đội 7 bay vào bắn phá từ khu vực Hòn Nẹ (Hậu Lộc) đến cửa Lạch Trường (Hoằng Hóa). Sau hồi kẻng báo động, các đơn vị Hải quân, Đồn Công an nhân dân vũ trang 74, Đại đội ra đa 19 Phòng không Không quân, Tự vệ Thủy sản Lạch Trường và dân quân du kích các xã nhanh chóng có mặt tại các vị trí chiến đấu.

Sát cánh bên nhau cùng chiến đấu

Ngay từ loạt đánh phá đầu tiên của máy bay địch, toàn bộ khu vực này đã sôi sục đạn bom. Đại tá Nguyễn Xuân Bột, nguyên Phân đội trưởng Phân đội 3, Tiểu đoàn tàu phóng lôi 135 Hải quân kể lại: “Thấy tốp máy bay đang bổ nhào, tôi hô: Chặt neo! Đồng chí Luyện cầm búa chặt cái phắt một cái đứt dây neo. Tôi ấn cần ly hợp cho tàu chạy. Tàu tôi (333) vừa vòng vèo tránh đạn vừa bắn yểm trợ để các tàu cơ động ra biển. Loạt đạn đầu tiên, máy bay địch bắn trúng Tàu 130. Anh em bên đó bị thương và mất sức chiến đấu. Tàu tôi và Tàu 336 phối hợp với các tàu còn lại tập trung hỏa lực đáp trả các đợt máy bay địch bổ nhào đánh phá”.

Bia di tích đánh thắng trận đầu tại Công viên văn hóa du lịch tâm linh Lạch Trường, xã Hoằng Trường. Ảnh: PV

Bà Tô Thị Đạo (hồi ấy là Trung đội trưởng nữ dân quân xã Hoa Lộc, huyện Hậu Lộc) cho chúng tôi biết: “Trên trời thì máy bay thả bom, phóng rốc két; dưới biển thì đạn của tàu ta bắn lên; hai bên bờ thì hỏa lực của các lực lượng đan chéo nhau nhằm máy bay mà bắn. Còn chúng tôi được lệnh chèo thuyền ra tàu Hải quân để tiếp đạn, tải thương. Các thuyền đánh cá cũng chạy về đấy. Người ta đi đánh cá thì sáng đi, chiều về nhưng thấy có chiến đấu là ở lại để hỗ trợ bộ đội. Tiếc là không phải ở đất liền nên ai không phải ai muốn ra với anh em là ra được, đi thuyền thì chỉ có thanh niên thôi”.

15 giờ 15 phút, trận chiến đấu anh dũng của quân và dân khu vực kết thúc. Ta hạ được 2 máy bay và bắn bị thương 2 chiếc khác. Đây cũng là lần đầu tiên quân và dân Thanh Hóa đã bắn rơi máy bay Mỹ bằng súng bộ binh.

Nhắc lại chuyện xưa, nhiều người dân Lạch Trường vẫn còn xúc động trước những tấm gương chiến đấu kiên cường của cán bộ, chiến sĩ Hải quân. Pháo thủ Đặng Đình Lống, Tàu 146 đã bị thương cả hai chân nhưng kiên quyết không rời vị trí mà dùng thắt lưng để cột chặt thân mình vào giá súng, tiếp tục bắn máy bay địch đến hơi thở cuối cùng. Thuyền trưởng Tàu 187 Lê Văn Tiếu khi chỉ huy tàu đánh máy bay địch lần thứ 3 thì bị thương ở cánh tay trái. Thuyền phó, Chính trị viên phó của Phân đội hy sinh, không còn người thay thế, ông đã nhờ đồng đội cắt bỏ phần dưới cánh tay cho khỏi vướng, ga rô cầm máu rồi tiếp tục chỉ huy cho đến lúc ngất đi.

Sẵn sàng hiến máu cứu thương binh

Chúng tôi tìm đến nhà ông Trần Văn Lự ở mép biển, ngay nơi ghềnh đá Phổ Eo. Hồi đó ông Lự là Trung đội trưởng Trung đội dân quân xã Hoằng Trường. Bây giờ, do sức khỏe yếu, ông vừa kể vừa làm động tác diễn tả để chúng tôi có thể hiểu những điều ông muốn nói.

 

Nữ dân quân xã Hoa Lộc, huyện Hậu Lộc. Ảnh: Tư liệu

Theo ông cho biết thì ngay sau trận đánh, Ủy ban xã huy động bà con chèo thuyền ra trận địa để tìm vớt thương binh. Những người bị thương được tập kết về Phổ Eo để sơ cứu rồi đi thuyền về Hoa Lộc. “Những người nào đã hy sinh thì được đưa về Đồn Công an vũ trang nhân dân cách Phổ Eo này 400 mét, cách nghĩa địa mà tôi phụ trách 400 mét nữa. Hòm ván thì do Đảng ủy, UBND, cán bộ, Chủ nhiệm Hợp tác xã, các đoàn thể vận động nhân dân hiến. Hết hòm ván, có người về nhà tháo cả cánh cửa, phản nằm mang ra đóng thành quan tài chôn cất anh em. Cũng phải nói với các anh là tấm áo quan đóng sẵn cho người già còn sống ở quê tôi ngày ấy là cả một gia tài; tấm gỗ làm cửa nhà, bộ phản nằm cũng vậy. gia sản không còn gì đáng giá hơn đâu!”. Ông Lự kể.

Trận đánh ngày 5-8 tại Lạch Trường cũng là trận đánh mà quân và dân ta chịu nhiều tổn thất. Theo số liệu từ Phòng Chính sách Hải quân, đã có 68 cán bộ, chiến sĩ Hải quân hy sinh. Cũng chính tay ông Lự đã tham gia chôn cất 42 liệt sĩ ngày hôm đó.

Bà Tô Thị Đạo thuật lại câu chuyện cấp cứu thương binh ngày 5-8. Qua câu chuyện của bà, tình cảm của bà con nhân dân với bộ đội Hải quân càng làm chúng tôi xúc động. Đó là hình ảnh Xã đội trưởng dân quân Hoa Lộc Hoàng Văn Mão bơi ra tận nơi tàu hải quân bị đắm, lặn xuống biển để mò tìm những người đã hy sinh. Đó là hình ảnh nữ dân quân xã Hoa Lộc Hoàng Thị Khuyên đã không ngượng ngùng cởi chiếc áo đang mặc trên mình để băng bó vết thương cho người chiến sĩ.

“Đưa thương binh vào bờ, bệnh viện thông báo anh em bị mất máu nhiều lắm, cần bà con tiếp máu. Bác sĩ vừa nói xong đã có dăm bảy chục người xúm lại, ai cũng đồng lòng hiến máu-bà Đạo kể-Tôi vừa đưa thương binh vào, nghe nói vậy liền chạy vào chìa tay ra bảo anh y tá: Anh ơi lấy máu của em này, anh xem cứ hợp máu ai thì cứ lấy! Anh ấy thử xong thì bảo tôi cho máu. Xong rồi tôi đi ra. Khoảng 20 phút sau tôi lại nghe tiếng loa thông báo hiến máu tiếp tục vang lên. Tôi lại chạy vào bảo y tá: Anh cứ lấy nữa để cứu cho anh em đã. Anh y tá bảo: Không, anh vừa lấy máu của em rồi mà. Có phải em là Tô Thị Đạo không? Tôi bảo: Ban nãy lấy máu rồi nhưng em vẫn khỏe. Lấy máu xong lần nữa, tôi ngồi nghỉ mệt một lúc rồi cùng với chị Khuyên tiếp tục chèo thuyền ra tàu đưa thương binh vào bờ”.

Công viên văn hóa du lịch tâm linh Lạch Trường, xã Hoằng Trường. Bia di tích đánh thắng trận đầu của Hải quân nhân dân Việt Nam và quân dân miền Bắc được xây dựng ngay bên ghềnh Phổ Eo, nơi tập kết thương binh, liệt sĩ sau trận chiến ấy hôm nay ngát khói hương. Chúng tôi đứng bên bia di tích, hướng tầm mắt nhìn sang bờ đối diện, đó là Hoa Lộc. Tôi cố mường tượng ra cảnh hàng nghìn người dân vừa người đốt đuốc vừa đắp 6 km đường để xe ô tô có thể về đón thương binh từ xã Hoa Lộc lên trên huyện ngay trong đêm 5-8 vất vả như thế nào... Rồi những câu chuyện thấm đẫm tình người về bà Đạo, ông Lự, ông Mão, bà Khuyên… Tất cả đều nhắc nhớ về một xứ Thanh hừng hực trong khói lửa, sâu đậm nghĩa tình như muối mặn, gừng cay.

Minh Đức

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn