Xây dựng nền nếp chính quy kỹ thuật ở Lữ đoàn 161

* Trung tá Tô Quang Tuấn, Chủ nhiệm Kỹ thuật Lữ đoàn 161, Vùng 3

HQVN -

Thời gian qua, dịch Covid-19 bùng phát mạnh đã ảnh hưởng rất lớn đến các mặt công tác của các đơn vị, tuy nhiên, cán bộ, nhân viên ngành Kỹ thuật Lữ đoàn 161, Vùng 3 đã nỗ lực vượt khó, bảo đảm cho các tàu hoạt động gần 30 ngàn hải lý an toàn tuyệt đối, hệ số kỹ thuật luôn đạt và vượt chỉ tiêu trên giao.

Lữ đoàn 161, Vùng 3 có nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ bảo vệ chủ quyền biển, đảo; tìm kiếm cứu nạn và các nhiệm vụ khác. Trang bị vũ khí của Lữ đoàn phần lớn có niên hạn sử dụng lâu năm, nhiều lần tăng hạn kéo dài thời gian phục vụ, vật tư thay thế khan hiếm… đã ảnh hưởng lớn đến công tác đảm bảo kỹ thuật. Do vậy, cùng với thực hiện nghiêm các hướng dẫn, chỉ lệnh của trên, ngành Kỹ thuật đơn vị đã phối hợp đồng bộ nhiều giải pháp tìm ra những cách làm phù hợp thực tế.

 Với phương châm “của bền tại người”, từng cán bộ, nhân viên kỹ thuật nắm chắc trang bị ngành mình để vừa quản lý, khai thác, bảo dưỡng và sửa chữa các hỏng hóc phát sinh. Từng tàu, tổ sửa chữa biết phối kết hợp chặt chẽ giữa con người với trang bị máy móc, lý thuyết với kinh nghiệm thực tế; phát huy vai trò của từng cá nhân, tập thể để tìm ra phương pháp bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa tốt nhất, đảm bảo trang bị hoạt động hiệu quả...

Bảo quản máy tàu ở Lữ đoàn 161, Vùng 3

Theo đó, toàn ngành tổ chức thực hiện tốt chế độ ngày kỹ thuật tuần, tháng, quý. Các thao tác vũ khí, máy móc đều được cơ quan kỹ thuật và hải đội hướng dẫn, giám sát chặt chẽ. Chế độ bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa được thực hiện theo đúng phiếu công nghệ đã được ban hành, ưu tiên cho các loại VKTB phục vụ SSCĐ, huấn luyện chiến đấu, bảo vệ chủ quyền biển đảo, cứu hộ, cứu nạn. Trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát, để hoạt động kỹ thuật của đơn vị được duy trì theo đúng nền nếp chính quy, ngoài việc bảo đảm “thường xuyên, từ trước, từ xa”, ngành Kỹ thuật đã tận dụng quy định làm việc trong thời gian giãn cách triển khai công tác bảo đảm kỹ thuật theo từng nhóm, từng kíp.

Trong khi nhóm này bảo dưỡng, kiểm sửa, thì nhóm khác sẽ thảo luận, nghiên cứu tài liệu, trao đổi bồi dưỡng bổ sung kiến thức…  Sau đó họ sẽ quay lại với máy móc, trang bị và áp dụng kiến thức vừa được bổ sung… Cách làm này vừa an toàn phòng, chống dịch, không lãng phí thời gian, nhân lực vừa đảm bảo mọi người đều có thể nắm vững lý thuyết và thực hành trên trang bị.

Do nhiều trang bị có tuổi đời cao nên thời gian định kỳ đi sửa chữa ở các nhà máy luôn được chỉ huy đơn vị và cơ quan kỹ thuật cấp trên đặc biệt quan tâm. Đơn vị luôn cắt cử cán bộ trực tiếp theo dõi, chỉ đạo và có những văn bản quy định hướng dẫn cụ thể cho tàu đi sửa chữa tại nhà máy. Chính vì thế, trong giai đoạn cách ly do tình hình dịch Covid-19 các tàu vẫn duy trì tổ chức sửa chữa một cách chặt chẽ, an toàn và đạt hiệu quả cao. Cán bộ chỉ huy tàu luôn nắm chắc văn bản hướng dẫn của cấp trên, nắm chắc trang bị mình được giao phụ trách để quản lý, điều hành công việc và tham gia giúp đỡ nhà máy trong xử trí các tình huống kỹ thuật, bảo đảm an toàn...

 Quán triệt nhiệm vụ trước khi đi biển

Ngoài ra, để tận dụng cơ hội học hỏi và nâng cao tay nghề cho cán bộ, nhân viên ngành kỹ thuật, trong quá trình sửa chữa, các tàu kết hợp tổ chức huấn luyện các nội dung chuyên ngành cho cán bộ, chiến sĩ. Mỗi tàu còn lấy trang bị thực tế sửa chữa làm tài liệu nghiên cứu học hỏi, đặc biệt là học kiến thức, kinh nghiệm từ thợ của nhà máy.

Cán bộ tàu duy trì nghiêm túc kế hoạch huấn luyện năm, huấn luyện trực tiếp trưởng ngành; trưởng ngành huấn luyện cán bộ nhân viên trong ngành; người đi trước huấn luyện người đi sau; người giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm huấn luyện người yếu hơn. Cán bộ, chiến sĩ đều xác định mỗi đợt tàu đi sửa chữa tại nhà máy là cơ hội để học tập, rèn luyện nâng cao khả năng thao tác vận hành, bảo quản bảo dưỡng, sửa chữa các hỏng hóc của VKTB... Từ đó nâng cao trình độ, tay nghề khả năng tự sửa chữa của bộ đội.

Hiện nay, bên cạnh các trang bị cũ có niên hạn sử dụng lâu năm, đơn vị mới được biên chế một số trang bị hiện đại... Xác định việc bảo dưỡng trang bị cũ phải đi cùng với làm chủ trang bị mới, ngành Kỹ thuật Lữ đoàn yêu cầu cán bộ, nhân viên các đơn vị được biên chế trang bị mới ngoài kiến thức được tiếp thu khi chuyển giao thì phải không ngừng tự tìm tòi, học hỏi, nghiên cứu, nắm vững các thông số, các lỗi kỹ thuật thường gặp để sử dụng, khai thác trang bị đạt hiệu quả cao nhất.

Nhờ đó, chỉ sau một thời gian ngắn khi tiếp nhận trang bị, cán bộ, nhân viên kỹ thuật của đơn vị đã sử dụng thành thạo và có thể sửa chữa các hỏng hóc nhỏ, nhất là các máy thông tin công nghệ cao. Cùng với công tác bảo quản, bảo dưỡng trang thiết bị, toàn ngành duy trì nghiêm nền nếp công tác huấn luyện kỹ thuật. Đặt mục tiêu chuẩn hóa trình độ chuyên môn về kỹ thuật, đơn vị đã tranh thủ các đợt cử đoàn công tác đi giám sát sửa chữa, hay các chuyên gia có kinh nghiệm đến làm việc để kết hợp huấn luyện, bồi dưỡng thêm cho đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật theo từng vị trí công tác, nhất là các thành phần trực tiếp tham gia khai thác, sử dụng vũ khí trang bị kỹ thuật mới.

Năm 2021, tuy gặp nhiều khó khăn nhưng ngành Kỹ thuật Lữ đoàn đã cố gắng nỗ lực tổ chức thực hiện tốt kế hoạch bảo đảm cho tàu, xuồng, xe, VKTBKT cho các nhiệm vụ; duy trì và thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động 50 gắn với 2 khâu đột phá của ngành kỹ thuật, thực hiện có hiệu quả đơn vị điểm “Năm an toàn giao thông 2021” của Vùng, bảo đảm an toàn tuyệt đối.

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn