Xây dựng Đà Nẵng thành trung tâm kinh tế biển lớn

HQVN -

Qua gần 2 năm thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP.Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (viết tắt là Nghị quyết số 43), cấp ủy Đảng, chính quyền thành phố đã triển khai đồng bộ các giải pháp hướng đến xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm kinh tế biển lớn của cả nước.

Đà Nẵng là một trong 28 tỉnh, thành phố ven biển của cả nước, có cảng biển nước sâu thuận lợi cho phát triển kinh tế tổng hợp biển. Những năm qua, TP.Đà Nẵng đã có nhiều chủ trương, giải pháp quản lý, bảo vệ, khai thác tiềm năng, thế mạnh của biển theo hướng bền vững. Để giúp ngư dân vươn khơi, bám biển, giảm áp lực khai thác ven bờ, từ năm 2012, TP.Đà Nẵng đã ban hành quyết định về chính sách hỗ trợ ngư dân đóng mới tàu khai thác hải sản và tàu dịch vụ khai thác hải sản. Theo đó, ngư dân đóng mới tàu từ 400 đến dưới 600 CV, được hỗ trợ bằng tiền mặt 500 triệu đồng/tàu; từ 600 đến dưới 800 CV được hỗ trợ 600 triệu đồng; trên 800 CV được hỗ trợ 800 triệu đồng. Ngoài ra, các phí, lệ phí đăng kiểm đóng mới tàu thuyền được thành phố hỗ trợ hoàn toàn.

Âu tàu Thọ Quang, Đà Nẵng hôm nay

Với những chính sách trên, số tàu có công suất 90 CV trở lên tăng từ 461 chiếc năm 2015 lên 690 chiếc năm 2020, sản lượng khai thác tăng bình quân 2,3%/năm. Thành phố hỗ trợ ngư dân khai thác vùng biển xa với tổng kinh phí gần 430 tỷ đồng. Ngoài ra, thành phố còn hỗ trợ hầm bảo quản sản phẩm bằng vật liệu PU, khay bảo quản sản phẩm, chuyển đổi nghề, ứng dụng các trang thiết bị trong khai thác... Đến nay, toàn thành phố có trên 1.250 tàu cá, với tổng công suất 381.508 CV. Tổng sản lượng khai thác hải sản hằng năm đạt từ 38.500 đến 43.000 tấn, với tổng giá trị từ 1.500 đến 1.750 tỷ đồng…

Cùng với hỗ trợ ngư dân đóng mới tàu lớn, TP.Đà Nẵng cũng đầu tư phát triển đồng bộ các dịch vụ hậu cần nghề cá theo hướng là trung tâm nghề cá của khu vực miền Trung. Đồng chí Nguyễn Lại, Phó Trưởng ban Quản lý âu thuyền và cảng cá Thọ Quang cho biết: “Âu thuyền và cảng cá Thọ Quang có diện tích 62ha (trong đó mặt nước 58ha, trên bờ 4ha), gồm cảng cá, chợ đầu mối thủy sản và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá. Cơn bão số 9 vừa qua đã có hơn 1.440 các phương tiện vào tránh trú an toàn. Chợ đầu mối thủy sản Thọ Quang diện tích hơn 15 nghìn m², sản lượng thủy sản qua chợ 110 nghìn tấn/năm. Ngoài ra, Khu công nghiệp dịch vụ thủy sản Thọ Quang có diện tích 58ha, hiện có trên 23 doanh nghiệp chế biến thủy sản nội địa và xuất khẩu vào các thị trường EU, Mỹ, Nhật… với giá trị xuất khẩu gần 200 triệu USD/năm”.

Để tiếp tục phát huy hiệu quả, khai thác lợi thế, nguồn lực, đáp ứng dịch vụ hậu cần nghề cá, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và TP.Đà Nẵng đang triển khai Dự án “Nâng cấp, mở rộng cảng cá Thọ Quang” với kinh phí hơn 200 tỷ đồng. Khi hoàn thành, nơi đây sẽ có cơ sở hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hợp lý, đáp ứng nhu cầu hậu cần nghề cá, tạo động lực phát triển nghề cá Đà Nẵng nói riêng và khu vực miền Trung nói chung. Đồng chí Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng cho biết: Cùng với đầu tư phát triển du lịch và dịch vụ biển, những năm tới, thành phố tập trung phát triển các ngành kinh tế biển trọng tâm như: Kinh tế hàng hải, khai thác hải sản, năng lượng tái tạo… Thành phố huy động mọi nguồn lực xây dựng cụm cảng Đà Nẵng trở thành cụm cảng lớn, hiện đại, là trung tâm cảng biển của miền Trung, đạt đẳng cấp khu vực Đông Nam Á; nâng cao năng lực, công suất các cảng, bảo đảm giải quyết 100% khối lượng hàng hóa đi và đến; từng bước phát triển dịch vụ vận tải biển, dịch vụ hàng hải trở thành thế mạnh, khâu đột phá trong việc phát triển các lĩnh vực kinh tế khác; nâng cấp và đầu tư xây dựng các cảng biển của thành phố, khai thác có hiệu quả các dịch vụ vận tải biển...

Một góc cảng Tiên Sa, TP.Đà Nẵng

Đại hội Đảng bộ TP.Đà Nẵng lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định, tận dụng lợi thế về địa lý, hạ tầng giao thông đường bộ, đường biển, đường sắt và đường hàng không để tập trung phát triển thành phố trở thành trung tâm kinh tế biển, hướng đến hình thành chuỗi cung ứng dịch vụ logistics tại miền Trung với vai trò là cửa ngõ giao nhận, vận chuyển với các địa phương, các quốc gia khu vực Đông Nam Á và quốc tế. Đà Nẵng khuyến khích phát triển các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, các tập đoàn kinh tế biển hoạt động sản xuất kinh doanh trên biển, đặc biệt là ở các vùng biển xa bờ.

 Phát biểu tại Đại hội Đảng bộ TP.Đà Nẵng lần thứ XXII, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh: Đà Nẵng cần phát triển kinh tế biển theo tinh thần Nghị quyết 36/NQ-TW ngày 22-10-2018 “Về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” hướng đến 2 mục tiêu quan trọng là phát triển kinh tế và bảo vệ chủ quyền biển, đảo, chú trọng xây dựng trung tâm hậu cần nghề cá, phát triển đội tàu hiện đại đánh bắt xa bờ, bảo quản hải sản trên biển...

Bài, ảnh: Hải Hà

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn