Vùng 4 Hải quân: Xây dựng nền nếp chính quy kỹ thuật

HQVN -

Vùng 4 Hải quân quản lý số lượng lớn tàu, xe, VKTBKT, đa dạng về chủng loại, có cả thế hệ cũ đã qua nhiều năm sử dụng và cả thế hệ mới, hiện đại. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao, Vùng xác định tiếp tục quán triệt sâu sắc Cuộc vận động 50, đề ra nhiều chủ trương, giải pháp, chương trình hành động hiệu quả để tạo sự bứt phá trong quản lý, khai thác và xây dựng nền nếp chính quy kỹ thuật.

Năm 2019, Vùng 4 được thủ trưởng Bộ Tư lệnh Hải quân chọn làm đơn vị điểm về công tác kỹ thuật cấp Quân chủng. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, Bộ Tư lệnh Vùng xác định tiếp tục triển khai và thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động 50 về “Quản lý, khai thác VKTBKT tốt, bền, an toàn, tiết kiệm và an toàn giao thông” và hai khâu đột phá của ngành Kỹ thuật Hải quân “Xây dựng nền nếp chính quy kỹ thuật và làm chủ VKTBKT”. Đây là vấn đề then chốt không chỉ để cho Vùng hoàn thành tốt nhiệm vụ Quân chủng giao mà còn là nội dung quan trọng trong công tác huấn luyện khai thác, làm chủ VKTBKT.

Ngày kỹ thuật trên tàu Lữ đoàn 162, Vùng 4 Hải quân

Thượng tá Lê Hồng Quang, Chủ nhiệm Kỹ thuật Vùng 4 Hải quân cho biết: Để thực hiện tốt nội dung “Xây dựng nền nếp chính quy kỹ thuật và làm chủ VKTBKT” toàn Vùng tập trung vào xây dựng nền nếp chính quy về quy trình khai thác, bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa (theo phân cấp); duy trì xây dựng “Tàu chính quy mẫu mực”, “Kho, trạm mẫu mực”; chế độ trực canh sức sống tàu, trực canh đi ca, trực kho đạn, hầm đạn. Các đơn vị duy trì và thực hiện nghiêm, chính quy “Ngày kỹ thuật” và làm chủ VKTBKT. Trong ngày kỹ thuật, theo phân cấp, cơ quan kỹ thuật của vùng, lữ đoàn, hải đội cử cán bộ theo chuyên ngành xuống các tàu theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra. Quá trình kiểm tra, nếu phát hiện có sự cố hỏng hóc ngoài khả năng tự sửa chữa ở tàu, cơ quan kỹ thuật của Vùng sẽ báo cáo và xây dựng kế hoạch đưa tàu về xưởng sửa chữa của Vùng hoặc các nhà máy của Quân chủng để kịp thời sửa chữa.

Thiếu tá Trần Văn Tú, Chủ nhiệm Kỹ thuật Lữ đoàn 162, Vùng 4 Hải quân khẳng định: Hàng ngày tất cả các tàu chiếu đấu của Lữ đoàn đều thực hiện chế độ sấy VKTBKT trước khi huấn luyện, công tác. Công việc này đã được đơn vị duy trì nghiêm nhằm đảm bảo tình trạng kỹ thuật của tàu và VKTBKT hoạt động ổn định. Các tàu của Lữ đoàn đều xây dựng kế hoạch thực hiện ngày kỹ thuật tuần, tháng, quý đồng bộ, hiệu quả.

Một trong những thành tích nổi bật của Vùng 4 Hải quân về thực hiện các nội dung, tiêu chí “Xây dựng nền nếp chính quy kỹ thuật và làm chủ VKTBKT” là chú trọng nghiên cứu, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật. Theo Thượng tá Lê Hồng Quang, những năm qua, các đơn vị của Vùng đã đẩy mạnh phong trào học tập, nghiên cứu, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, ứng dụng công nghệ nội địa, công nghệ tự chủ trong nghiên cứu chế tạo vật tư tương đương, cải tiến hiện đại hóa và bảo đảm kỹ thuật cho VKTBKT theo chỉ thị của Tư lệnh Hải quân. Năm 2019, toàn Vùng đã có nhiều sáng kiến thiết thực, hiệu quả, hàm lượng chất trí tuệ cao, làm lợi lớn cho ngân sách quốc phòng. Điển hình là sáng kiến thay thế đèn sợi đốt bằng đèn led trên tàu, lắp đặt hệ thống điều hòa buồng hành trình các tàu chiến đấu của Lữ đoàn 162; chế tạo hệ thống đường ống nước làm mát sinh hàn các điều hòa trên tàu bằng vật liệu mới; xây dựng phần mềm huấn luyện trắc thủ sonar; chế tạo màn hình hệ thống điều kiển trên tàu Grepard...

Tại Trung tâm Bảo đảm kỹ thuật 719 của Vùng, công tác nghiên cứu, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật đã trở thành phong trào sâu rộng, thu hút đông đảo cán bộ, nhân viên tham gia. Hiện nay ở đây đã thành lập Câu lạc bộ “Thanh niên nghiên cứu khoa học”. Từ câu lạc bộ này, nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật đã được ra đời và khi ứng dụng vào công tác đã góp phần nâng cao chất lượng huấn luyện, rút ngắn thời gian khai thác, làm chủ VKTBKT. Điển hình là sáng kiến thiết bị “Mô phỏng tổ hợp kiểm tra hệ thống lái, máy kiểm tra độ cao vô tuyến” phục vụ công việc bảo quản, bảo dưỡng, nâng cấp tên lửa. Thiết bị do Đại úy Trịnh Thế Anh, PhóTrạm trưởng Trạm chuẩn bị tên lửa, Trưởng nhóm câu lạc bộ cùng các thành viên nghiên cứu, chế tạo. Sáng kiến này đã đạt giải Nhất “Tuổi trẻ sáng tạo trong Quân đội” năm 2017 và giải B Giải thưởng Nguyễn Phan Vinh của Quân chủng Hải quân năm 2016.

Đánh giá về sáng kiến thiết bị này, Trung tá Nguyễn Tài Đại, Phó Tham mưu trưởng Trung tâm Bảo đảm kỹ thuật 719 cho biết: Một số máy kiểm tra tên lửa của đơn vị là thiết bị cũ, thời gian sử dụng đã lâu. Nếu bộ đội thực hiện sai quy trình rất dễ làm rối loạn hoạt động của máy; nếu thực hiện kiểm tra trên tên lửa có thể làm sai lệch các thông số, hỏng hóc, khắc phục mất rất nhiều thời gian. Vì vậy, thiết bị mô phỏng giúp cho nhân viên kỹ thuật thực hành thuần thục trước khi thao tác trên thiết bị thực. Hơn nữa mô hình thể hiện rất rõ bản chất hiện tượng, trực quan sinh động, giúp người học dễ hiểu, hiểu nhanh bản chất thiết bị, rút ngắn được thời gian làm chủ trên thiết bị thật.

Bài, ảnh: Duy Khánh

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn