Vùng 1 Hải quân: Đảm bảo tốt kỹ thuật cho những con tàu
HQVN -
Với nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền vùng biển, đảo của Tổ quốc từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh, trong những năm qua, Vùng 1 Hải quân đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực bảo đảm tốt kỹ thuật cho tàu thuyền hoạt động, nhất là nhiệm vụ huấn luyện, tuần tiễu, tuần tra dài ngày trên biển.
Chúng tôi đến thăm Quân cảng Hạ Long (Quảng Ninh)-nơi neo đậu các biên đội tàu của Lữ đoàn 170, Vùng 1 Hải quân vào một buổi chiều cuối tuần, đúng thời điểm các tàu đang thực hiện chế độ ngày kỹ thuật. Tiếng búa, tiếng máy hòa lẫn với tiếng sóng của biển đã làm cho không khí làm việc, bảo quản, bảo dưỡng trở nên khẩn trương và nhộn nhịp. Trên từng boong tàu cho tới hầm máy và các bảng bố trí chiến đấu, theo sự phân công của người chỉ huy, cán bộ, thủy thủ chia nhau thành từng nhóm, từng tổ miệt mài cọ rỉ, quét sơn, tra dầu mỡ, hiệu chỉnh thông số kỹ thuật vũ khí trang bị. Vừa làm, họ vừa trao đổi kinh nghiệm cho nhau. Người có nhiều kinh nghiệm hướng dẫn, truyền đạt lại cho những người mới về tàu các thao tác, nguyên lý hoạt động của vũ khí, trang bị kỹ thuật (VKTBKT).
Kiểm tra thao tác vận hành máy tàu ở Lữ đoàn 170
Thượng tá Phạm Hồng Thuỷ, Phó Chủ nhiệm Kỹ thuật Vùng 1 Hải quân cho biết: Khó khăn lớn nhất đối với công tác đảm bảo kỹ thuật của Vùng 1 là tàu thuyền, VKTBKT đa dạng, đã qua nhiều năm sử dụng; vật tư, phụ tùng thay thế và kinh phí đảm bảo còn hạn hẹp… Trong khi đó, các tàu của Vùng vẫn phải hoạt động thường xuyên trên các vùng biển, đảo xa bờ với tình trạng đảm bảo kỹ thuật tốt nhất.
Trước thực tế đó, Đảng uỷ, chỉ huy Phòng Kỹ thuật đã tham mưu cho Đảng uỷ, thủ trưởng Bộ Tư lệnh Vùng 1 chỉ đạo các đơn vị phát huy nội lực trong bảo quản, bảo dưỡng VKTBKT; thực hiện nền nếp ngày kỹ thuật tuần, tháng, quý theo đúng quy định ở các cấp. Toàn Vùng đã lồng ghép chặt chẽ các nội dung, chỉ tiêu của các cuộc vận động vào thực hiện nhiệm vụ chính trị trọng tâm. Đó là thực hiện tốt hai khâu đột phá về “Xây dựng nền nếp chính quy kỹ thuật và làm chủ VKTBKT” gắn với Cuộc vận động “Quản lý, khai thác VKTBKT tốt, bền, an toàn, tiết kiệm và an toàn giao thông” ngày càng có hiệu quả, đi vào chiều sâu. Với tinh thần tích cực, chủ động, vượt khó vươn lên, các đơn vị đã triển khai thực hiện tốt nội dung xây dựng “Tàu chính quy, mẫu mực” và các hội thi: Tàu, xe, kho, trạm tốt.
Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 170 bảo quản vũ khí trang bị
Với phương châm “Thiết thực, kịp thời, đồng bộ và hiệu quả” công tác huấn luyện kỹ thuật được Vùng hết sức coi trọng. Cơ quan Kỹ thuật các cấp đã phân nhóm đối tượng để giao đề tài, củng cố kiến thức chuyên ngành; kết hợp tập huấn, bồi dưỡng chuyên sâu với tổ chức các hội thi hàng năm; tham gia kiểm tra kỹ thuật, nghiệm thu bảo hành để học tập, nâng cao trình độ khai thác, sử dụng VKTBKT. Nhờ đó hằng năm, Vùng đã hoàn thành tốt các chỉ tiêu về công tác kỹ thuật, hệ số kỹ thuật đạt và vượt từ 3%-5%, nhất là khả năng, trình độ khai thác, làm chủ VKTBKT mới được nâng lên đáng kể.
Cũng theo Thượng tá Phạm Hồng Thuỷ, để bảo đảm và giữ vững hệ số kỹ thuật, hàng ngày tất cả các tàu chiếu đấu đều phải thực hiện chế độ sấy VKTBKT trước khi huấn luyện, công tác. Các tàu, các đơn vị phải xây dựng kế hoạch thực hiện ngày kỹ thuật tuần, tháng, quý đúng quy định. Khi thực hiện chế độ ngày kỹ thuật, theo phân cấp, từ cơ quan Kỹ thuật của Vùng, Lữ đoàn, Hải đội đều phải cử cán bộ theo chuyên ngành xuống các tàu theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra. Quá trình kiểm tra, nếu phát hiện có sự cố hỏng hóc ngoài khả năng tự sửa chữa của tàu, cơ quan Kỹ thuật của Vùng sẽ báo cáo và xây dựng kế hoạch đưa tàu về các trạm sửa chữa của Vùng hoặc các nhà máy của Quân chủng để kịp thời sửa chữa.
Chủ động xây dựng nền nếp chính quy kỹ thuật, Phòng Kỹ thuật Vùng đã ban hành và hướng dẫn các đơn vị thực hiện bộ tiêu chí “Tàu chính quy, mẫu mực”. Vùng yêu cầu các đơn vị tàu tập trung đầu tư, củng cố và thực hiện theo đúng tiêu chí chính quy, mẫu mực cho từng chủng loại tàu. Các tàu phải xây dựng các phiếu công nghệ bảo quản, bảo dưỡng, kiểm sửa cho từng mục, hạng mục đối với từng loại VKTBKT cụ thể trên tàu. Chẳng hạn, khi thực hiện ngày kỹ thuật, bắt buộc các ngành trên tàu phải lập phiếu công nghệ về thời gian, nội dung thực hiện ngày kỹ thuật. Từ phiếu công nghệ này bộ đội thực hiện đúng thứ tự các nội dung bảo quản, kiểm sửa, bảo đảm khoa học, dễ theo dõi và kiểm tra.
Khi các biên đội tàu hành trình làm nhiệm vụ dài ngày trên biển, tuỳ theo tính chất của từng nhiệm vụ, Vùng sẽ cử tổ sửa chữa cơ động đi cùng tàu để vừa tham gia huấn luyện cùng bộ đội vừa sẵn sàng sửa chữa, khắc phục sự cố khi có tình huống xảy ra. Nhờ những biện pháp thiết thực, hiệu quả, các tàu của Vùng 1 Hải quân luôn hoạt động ổn định, kể cả trong điều kiện thời tiết phức tạp, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Bài, ảnh: Đàm Duy Khánh
Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn
- Lữ đoàn 169 tập huấn hàn, cắt, gia công cơ khí - ( 23-11-24 01:00 )
- Cục Hậu cần - Kỹ thuật Hải quân: Công bố quyết định sáp nhập và tổ chức lại các phòng, ban trực thuộc - ( 22-11-24 04:00 )
- Quân chủng Hải quân kiểm tra đơn vị VMTD mẫu mực, tiêu biểu tại Vùng 4 - ( 22-11-24 02:00 )
- Vùng 4 rút kinh nghiệm công tác huấn luyện, đào tạo các đơn vị khối binh chủng hợp thành - ( 22-11-24 08:00 )
- Lữ đoàn 679 bế mạc Hội thi VKTBKT, kho trạm tốt và 4 chuyên ngành hậu cần năm 2024 - ( 21-11-24 06:00 )