Ứng dụng khoa học công nghệ vào đảm bảo kỹ thuật đặc chủng

HQVN -

Thời gian qua, Nhà máy X28, Cục Kỹ thuật Hải quân đã đưa các giải pháp, sáng kiến vào đảm bảo kỹ thuật cho các nhiệm vụ, nhất là nâng cao năng lực bảo đảm vũ khí thủy lôi, bom phóng, bom chìm, ngư lôi.

Trong quá trình thực hiện công tác bảo quản, bảo dưỡng sửa chữa sản xuất phụ tùng thủy lôi tại Nhà máy xuất hiện một số vấn đề cần được giải quyết. Các loại bảo hiểm mô đun có hệ thống đầu dây, chuyển mạch phức tạp nên khi sản xuất, kiểm tra sản phẩm hoặc nghiệm thu hoàn thiện mất nhiều thời gian và dễ xảy ra sai sót do thao tác lặp lại nhiều lần.

Từ thực trạng đó, Thiếu tá QNCN Phạm Xuân Thành, Nhân viên Xưởng sửa chữa lắp ráp thủy lôi đã nghiên cứu thành công sáng kiến “Thiết kế, chế tạo máy kiểm tra chuyển mạch đóng mở tiếp điểm của bảo hiểm thủy lôi”. Thiết bị được nghiên cứu trên nguyên lý hiển thị trạng thái chuyển mạch của bảo hiểm qua các đèn LED và sử dụng IC logic OR… Sản phẩm nhỏ gọn, chắc chắn, chạy ổn định, có khả năng cơ động cao và đã được các tổ công tác của Nhà máy sử dụng trong quá trình chuẩn bị thủy lôi cho nhiệm vụ huấn luyện của các đơn vị.

Ứng dụng sáng kiến này, thời gian kiểm tra 1 sản phẩm chỉ còn 15 phút so với 3 giờ như trước đây. Kết quả các thiết bị đều hoạt động đúng tính năng kỹ thuật, rút ngắn thời gian kiểm tra, giảm chi phí vật tư, nhân công-Thượng tá Nguyễn Phú Bình, Quản đốc Xưởng sửa chữa lắp ráp thủy lôi cho biết.

Thợ kỹ thuật hiệu chỉnh thông số của thiết bị kiểm tra thủy lôi

Cũng tại Xưởng Thủy lôi chúng tôi được giới thiệu về sản phẩm của đề tài cấp Bộ Quốc phòng: Nghiên cứu thiết kế chế tạo mô đun thu và xử lý tín hiệu thủy lôi. Sản phẩm có tham khảo các thiết kế của nước ngoài song toàn bộ phụ tùng, linh kiện được sản xuất trong nước. Đến nay, sản phẩm đã hoàn thành sản xuất loạt “0” và ứng dụng hiệu quả trong các nhiệm vụ của Quân chủng. Đảng ủy Nhà máy đánh giá, kết quả của đề tài đã tạo ra đột phá trong công nghệ sản xuất thủy lôi, với mô đun thế hệ mới và hoàn toàn số hóa. Qua nhiệm vụ này đã xây dựng được đội ngũ cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật có kinh nghiệm, kỹ năng về kiểm tra, hiệu chỉnh, lắp ráp hệ thống điện, điện tử, cơ khí chính xác.

Những năm gần đây, Quân chủng được trang bị nhiều vũ khí, khí tài hiện đại tuy nhiên các trang bị cũ đang sử dụng vẫn là những mắt xích quan trọng trong công tác đảm bảo kỹ thuật cần tiếp tục nghiên cứu, cải tiến, nâng cấp. Do các sản phẩm hiện nay đang có trong biên chế các đơn vị không được phát triển mới dẫn đến nguồn vật tư bảo đảm khan hiếm, nhất là những loại vật tư đặc chủng.

Giải pháp được Đảng ủy, Ban giám đốc Nhà máy đưa ra là phải tự lực, tự cường; tận dụng kinh nghiệm, kiến thức của nguồn nhân lực hiện có để nghiên cứu, bảo dưỡng, sửa chữa tăng tuổi thọ của TBKT và sản xuất sản phẩm thay thế. Theo đó, các phân xưởng đưa ra chỉ tiêu, biện pháp nhằm khuyến khích, động viên cán bộ, nhân viên phát huy khả năng, nghiên cứu sáng kiến, cải tiến kỹ thuật áp dụng trong thực hiện nhiệm vụ. Nhà máy, căn cứ vào mức làm lợi về kinh tế, giá trị công nghệ và giá trị sử dụng của sáng kiến để biểu dương, khen thưởng…

Ngoài ra, Nhà máy cũng chú trọng đến công tác bồi dưỡng, tập huấn nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, kỹ sư và nhân viên chuyên môn kỹ thuật. Một mặt, phân công các nhóm trưởng có trình độ, kinh nghiệm dẫn dắt các tổ; thường xuyên tổ chức trao đổi thông tin, tìm biện pháp giải quyết những vướng mắc trong chuyên môn. Mặt khác tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, nhân viên nghiên cứu khoa học, những sáng kiến mới, khả thi sẽ được hỗ trợ về kinh phí, vật tư để hoàn thiện ứng dụng vào thực tiễn công tác. Kết quả nhiều năm liền các sản phẩm của Nhà máy đều đạt giải cao khi tham gia Giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo trong Quân độ và Giải thưởng Nguyễn Phan Vinh.

Bảo quản thủy lôi ở Nhà máy X28

Bằng những biện pháp quyết liệt đó nên dù điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, kinh phí bảo đảm, linh kiện, chế thử, thử nghiệm… phục vụ cho công tác nghiên cứu, phát huy sáng kiến còn nhiều hạn chế song Nhà máy đã tập trung trí tuệ, đưa ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào giải quyết những yêu cầu cấp bách trong khai thác, sửa chữa trang bị vũ khí.

Từ năm 2020 đến nay, Nhà máy X28 đã có 124 đề tài, sáng kiến cải tiến kỹ thuật của cán bộ, nhân viên được áp dụng hiệu quả vào thực hiện nhiệm vụ. Từ những nghiên cứu khoa học này, Nhà máy đã ứng dụng, chủ động sản xuất, phục hồi nhiều chủng loại vật tư, giải quyết yêu cầu cấp bách về vật tư thay thế đặc chủng, đồng thời đem lại lợi ích kinh tế, tiết kiệm thời gian, chi phí.

Thượng tá Bùi Ngọc Lâm, Giám đốc Nhà máy cho biết: Việc đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, cải tiến kỹ thuật đã mang lại hiệu quả thiết thực, với nhiều thiết bị sửa chữa được chế tạo mới giúp nâng cao mặt bằng công nghệ của Nhà máy và giải quyết các vấn đề khó về vật tư thay thế. Hiện nay, nhiều ý tưởng, giải pháp có giá trị ứng dụng thực tiễn cao là cơ sở để chúng tôi không ngừng nâng cao năng lực, làm chủ công nghệ sửa chữa không chỉ riêng về khí tài thủy lôi mà còn nhiều chuyên ngành khác sau này.

Bài, ảnh: Xuân Hương 

Năm 2023, Nhà máy bảo vệ thành công đầu vào 1 đề tài cấp Nhà nước, 1 đề tài cấp Bộ và 1 nhiệm vụ cấp Tổng cục; thử nghiệm, nghiệm thu trên biển 2 đề tài cấp Bộ, 1 nhiệm vụ sản xuất loạt “0”; thực hiện 16 sáng chế, tham gia biên soạn 6 quy trình công nghệ sửa chữa trang bị kỹ thuật và thực hiện số hóa 21 tài liệu kỹ thuật.

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn