Trường Sa dưới biển, trên rừng

HQVN -

Đi nhiều là lính Hải quân. Nhưng ấy là đi biển. Còn đi mà xuyên suốt từ Bắc tới Nam, từ biển lên rừng, tỉnh thành nào cũng đến thì chắc chỉ có Văn công Hải quân. Trong các hành trình ấy, phần lớn là hành trình biểu diễn của anh chị em Văn công Hải quân trong khuôn khổ Chương trình phối hợp tuyên truyền biển, đảo của Đảng ủy Quân chủng Hải quân với các tỉnh, thành trên cả nước.

Thu Phương, một ca sĩ trẻ của Đoàn Văn công Hải quân kể lại: Chuyến đi của chúng em lên Tây Nguyên là chuyến đi đáng nhớ nhất trong năm anh ạ. Di chuyển liên tục từ máy bay đến ô tô hàng trăm cây số. Khi đến điểm diễn chúng em ai cũng mệt nhoài. Chẳng kịp nghỉ ngơi, ai say xe thì cố mà gượng dậy, còn tất cả đều vội vàng thay trang phục, làm quen với sân khấu, ăn vội cái bánh mì hay bát mì tôm rồi chuẩn bị cho đêm diễn…

Bà con ở đây định cư phân tán, lại xa trung tâm xã nên xe của Đoàn, công nông của xã đều được huy động, mang theo cả loa để thông báo và đón mọi người về nơi Văn công Hải quân biểu diễn. Mọi người mang theo ghế nhựa, ghế gỗ, thậm chí cả một khúc cây làm ghế xuống xe háo hức đón chờ. Háo hức vì lần đầu tiên được thấy bộ đội Hải quân "bằng xương, bằng thịt"; háo hức vì hôm qua xem ti vi thì biết bộ đội Hải quân lên đây để nói chuyện về biển, đảo, hôm nay lại được nhìn tận mặt, được cầm tận tay những con, những cháu Hải quân. "Bộ đội Hải quân ai cũng đẹp. Bộ đội nữ Hải quân đẹp hơn nhiều". Đó là lời khen mộc mạc, thật thà, hồn nhiên nhưng ấm áp tình người dành cho lính biển…

Hát, múa, giao lưu. Chả biết bà con có hiểu hết những lời bài hát bằng tiếng Kinh không nhưng chúng em cứ thấy bà con vỗ tay rào rào là thấy khí thế lắm rồi. Lại càng phải hát hay hơn, múa hay hơn. Những lúc như thế chúng em thấy tự hào lắm. Tự hào được là chiến sĩ Hải quân. Tự hào được Đoàn chọn đi biểu diễn ở đây. Tự hào đến ứa nước mắt. Bao nhiêu mệt mỏi, rã rời bỗng như tan biến hết. Chỉ còn sân khấu với những bà con đồng bào người Kinh, Ba Na, Gia Rai, Ê Đê, Cơ Ho… đang mong đêm diễn đừng trôi đi nhanh quá...

Thiếu tướng Trần Hoài Trung, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Hải quân và đồng chí Võ Thị Ánh Xuân, Bí thư Tỉnh ủy An Giang trao văn bản ký kết Chương trình phối hợp tuyên truyền biển, đảo tại tỉnh An Giang. Ảnh: CTV

Tính từ tháng 11-2006 đến nay đã là hơn 11 năm cán bộ, chiến sĩ Hải quân lên rừng, xuống biển theo đúng nghĩa để thực hiện Chương trình phối hợp tuyên truyền biển, đảo với các tỉnh thành trên cả nước. 52 tỉnh thành đã in dấu chân người lính biển làm công tác tuyên truyền biển, đảo. Tiếp năm nay và năm tới sẽ là đủ 63 tỉnh, thành. Đó là một dấu mốc, một điểm nhấn quan trọng của Hải quân nhân dân Việt Nam đóng góp vào hoạt động tuyên truyền biển, đảo của hệ thống chính trị cả nước.

Bám sát những định hướng lớn của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, trong hành trình phối hợp tuyên truyền biển, đảo ấy, cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam đã sát cánh cùng các ban, ngành của từng địa phương mở rộng tuyên truyền để cán bộ, chiến sĩ trong quân đội và nhân dân hiểu rõ vị trí, vai trò, tầm quan trọng của biển, đảo Việt Nam; phạm vi và chế độ pháp lý các vùng biển Việt Nam; về hoạt động và kết quả đấu tranh bảo vệ chủ quyền của Hải quân nhân dân Việt Nam, từ đó tạo sự đồng thuận với quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta trong giải quyết vấn đề ở Biển Đông; góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, biển đảo của Tổ quốc.

Không giống như ở những quốc gia có biển khác, hơn 96 triệu người dân Việt Nam ở khắp mọi miền đất nước dường như đều đã ngấm trong mình dòng máu Lạc Hồng; đều đã thuộc lòng sự tích mẹ Âu Cơ, cha Lạc Long với 50 người con theo Mẹ lên rừng khai khẩn đất, 50 người con theo Cha xuống biển để mở mang bờ cõi nước nhà. Nhưng chuyện về biển, đảo không chỉ có vậy-chuyện về biển, đảo còn là chuyện về thế đứng vững chãi của Tổ quốc ở Biển Đông; là sự hy sinh thầm lặng của những người giữ biển, giữ đảo; là sự phát triển hiện đại của Hải quân nhân dân Việt Nam để gìn giữ hòa bình cho đất nước và khu vực.

Để rồi tâm điểm của Biển Đông trong tầm nhìn của người dân trên mọi miền Tổ quốc là Hoàng Sa, là Trường Sa. Nơi “Một tấc biển cắt rời, vạn tấc đất đớn đau” (Thơ Nguyễn Phan Quế Mai) ấy là nơi rất nhiều người muốn đến. Đến để chiêm nghiệm và trải nghiệm.

Trên các chuyến tàu ra huyện đảo Trường Sa, các đại biểu đã được đóng vai trò chủ nhà: Được sinh hoạt, nghỉ ngơi, ăn uống theo đúng điều lệnh tàu. Được lên trên phòng điều khiển xem cách người thủy thủ vận hành con tàu hàng nghìn tấn vượt qua sóng gió, luồng lạch nông sâu. Được hiểu nỗi khổ của người say sóng trong khi bộ đội Hải quân ngày đêm neo mình trên sóng cả thì có sá gì bão tố.

Trường Sa-địa danh bao la rộng lớn như đong đầy bởi những giọt nước mắt mừng vui, xúc động khi đón tình cảm từ đất liền. Nhưng khi lên đến đảo chìm, mỗi đại biểu đều có cảm giác mình thêm nhỏ nhoi giữa muôn trùng sóng gió. Có như vậy mới càng cảm phục, tự hào về ý chí, nghị lực kiên cường của những người giữ biển, giữ đảo. Có như vậy mới kiêu hãnh vì giữa biển khơi luôn có những người lính chắc tay súng bảo vệ chủ quyền bất khả xâm phạm của Việt Nam. Có như vậy mới cảm nhận hết vai trò của biển, đảo quê hương-một bộ phận cấu thành phạm vi chủ quyền của Tổ quốc không thể tách rời.

Những chuyến đi đã tác động sâu sắc đến đại biểu. Để rồi ý thức về độc lập, chủ quyền và tự hào dân tộc lớn dần lên trong mỗi người. Để rồi còn lại trong mỗi người niềm cảm phục, lòng tự hào về những bức tượng đài sống của lòng yêu nước đang hiển hiện ở Trường Sa: “Những người lính lấy thân mình làm bến/ Cho neo đậu niềm tin ở giữa đất liền” (Phạm Xuân Nguyên).

 

Cán bộ, chiến sĩ đảo Song Tử Tây hướng dẫn tàu cá của ngư dân vào âu tàu tránh trú bão Ảnh: CTV

Tôi đã gặp những người ao ước, ao ước đến khát khao là được một lần đặt chân đến Trường Sa. Nhưng mỗi năm, vì những điều kiện khách quan, cũng chỉ có hơn 3 ngàn đại biểu thuộc các tầng lớp nhân dân, thuộc các thành phần dân tộc được tận mắt chứng kiến cuộc sống thường nhật và sứ mệnh giữ gìn chủ quyền biển, đảo của quân dân Trường Sa. Còn tính từ thời điểm này trở đi, có lẽ còn phải đến hơn 300 năm nữa thì chúng ta mới có thể sắp xếp cho 96 triệu người dân hiện tại ra với Trường Sa mỗi người một lượt.

Nhưng đó chỉ đơn thuần là con số, một con số không quá quan trọng, bởi quan trọng hơn là những đại biểu ra Trường Sa khi đã lên bờ rồi nhiều người vẫn còn chao đảo, chập chùng với Trường Sa với bộ đội Hải quân; quan trọng hơn cả là những ai chưa một lần đặt chân đến Trường Sa hay Hoàng Sa thì trong mỗi người cũng đều đã đến Trường Sa, Hoàng Sa trong tình cảm, trong việc làm của mình rồi.

Trong mỗi người chúng ta đều rất căng sợi dây đàn yêu nước. Chỉ một xao động thoảng qua, tiếng đàn đã vang lên. Nhưng để bản tổng phổ về lòng yêu nước ấy không có âm thanh nào lỗi nhịp phải có vai trò quan trọng của người nhạc trưởng. Đó là người tạo sự đồng thuận về lòng yêu nước trong mỗi giàn nhạc tinh thần. Bởi nền tảng của lòng yêu nước trong giai đoạn hiện nay là một nhân tố tạo nên sức mạnh quốc gia để bảo vệ chủ quyền Tổ quốc và hội nhập sâu rộng trên trường quốc tế. 

Minh Đức 

Tại hội nghị sơ kết 5 năm công tác phối hợp tuyên truyền biển, đảo với các tỉnh thành, các cơ quan Trung ương, cơ quan báo chí năm 2016, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam đã đánh giá: Công tác phối hợp tuyên truyền biển, đảo của Quân chủng Hải quân thực sự trở thành một phương thức quan trọng tạo nên sức mạnh to lớn trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định trên biển.

 

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn