Triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống bệnh đau mắt đỏ

HQVN -

Từ tháng Tám đến nay, số ca bệnh viêm kết mạc (đau mắt đỏ) trên cả nước tăng mạnh, trong đó nhiều ca lâu khỏi và biến chứng nặng. Đóng quân rải rác trên cả nước, có địa phương đang là ổ dịch, các cơ quan, đơn vị Hải quân đã và đang thực hiện nhiều biện pháp nhằm tăng cường phòng, chống bệnh đau mắt đỏ.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Cục Hậu cần Hải quân đã có công văn số 19027/HC-QY đề nghị cơ quan, đơn vị tăng cường biện pháp phòng, chống đau mắt đỏ đồng thời cung cấp một số thông tin về nguyên nhân, các thời kì phát triển của bệnh, phương pháp chẩn đoán, phác đồ điều trị.

Thượng tá Trương Văn Tứ, Chủ nhiệm Quân y Hải quân cho biết: Đây là bệnh lành tính song nếu không điều trị đúng cách dễ tăng nguy cơ giảm thị lực của người bệnh. Trong giai đoạn thời tiết chuyển mùa, bộ đội phải học tập, huấn luyện cường độ cao; ăn ngủ, sinh hoạt tập trung; khi cơ thể mệt mỏi, hệ thống miễn dịch hoạt động kém khiến bệnh dễ tấn công lây lan thành ổ dịch. Do đó, trên cơ sở hướng dẫn của Cục Hầu cần, các cơ quan, đơn vị cần triển khai quyết liệt và đồng bộ các giải pháp sát với thực tế đơn vị, kết hợp với y tế địa phương để hạn chế thấp nhất quân số bị nhiễm bệnh đau mắt đỏ.

 

Nhiều bệnh nhân đến Khoa Mắt, Viện Y học Hải quân khám và điều trị bệnh đau mắt đỏ

Đến thời điểm này, toàn Quân chủng có khoảng 500 ca nhiễm bệnh đau mắt đỏ, trong đó đơn vị có số ca nhiều là Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn và Vùng 4.

Ghi nhận tại Vùng 4 đã có gần 80 ca đau mắt đỏ. Riêng Lữ đoàn 955 có 40 trường hợp mắc bệnh, nguyên nhân được lý giải là do đơn vị có nhiều quân nhân ở ngoại trú. Ngay khi phát hiện trường hợp đầu tiên, quân y đơn vị đã nhanh chóng xác định nguồn lây, bố trí phòng riêng, đồ dùng cá nhân để cách ly, điều trị. Đồng thời, đơn vị tổ chức phun sát khuẩn khu sinh hoạt, cấp phát nước muối nhỏ mắt 0,9%, xà phòng sát khuẩn cho bệnh nhân. Những trường hợp tiếp xúc gần cũng được kiểm soát chặt chẽ nhằm hạn chế nguy cơ lây nhiễm chéo. Bước đầu đơn vị đã khoanh vùng được khu vực có nguy cơ cao và hạn chế lây nhiễm ra diện rộng.

Thượng úy, Bác sĩ Nguyễn Văn Phán, phụ trách Ban Quân y, Phòng Hậu cần Vùng 4 cho biết: Bệnh đau mắt đỏ lây qua đường hô hấp, nước mắt, nước bọt, bắt tay khi tiếp xúc trực tiếp với người bệnh hoặc cầm, nắm, chạm vào những vật dụng nhiễm nguồn bệnh. Vì vậy, chúng tôi tuyên truyền để quân nhân tự phòng bệnh, đồng thời cấp bổ sung các trang thiết bị dự phòng, chống dịch lây lan trong đơn vị. Quân y đơn vị thường xuyên giám sát chặt chẽ sức khỏe bộ đội, phát hiện sớm các ca nghi ngờ, cách ly kịp thời và điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế. Chúng tôi cũng liên hệ, nắm chắc tình hình dịch bệnh khu vực phường Cam Nghĩa, TP.Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa để chủ động ứng phó.

Để đảm bảo an toàn trước dịch bệnh, quân nhân trong toàn Quân chủng được khuyến cáo trang bị nước muối sinh lý nhỏ mắt, đảm bảo vệ sinh đồ dùng cá nhân, đeo khẩu trang...

Các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền qua truyền thanh nội bộ, dán tờ rơi hướng dẫn các biện pháp cũng như nâng cao ý thức, trách nhiệm cho mỗi cán bộ, chiến sĩ trong phòng ngừa bệnh đau mắt đỏ, nhất là các đồng chí thực hiện nhiệm vụ ngoài đơn vị. Với những người đã nhiễm bệnh, nếu đang ở khu gia đình sẽ được làm việc tại nhà để tránh mang mầm bệnh vào đơn vị.

Tại Lữ đoàn Đặc công 126 hiện mới chỉ vài trường hợp mắc bệnh song đơn vị đã có nhiều biện pháp ngăn chặn, phòng tránh hiệu quả. Môi trường huấn luyện của đơn vị chủ yếu là dưới nước-nơi dễ mang mầm bệnh, Quân y Lữ đoàn yêu cầu cán bộ, chiến sĩ dùng kính bảo hộ trong lúc huấn luyện, nhỏ nước muối vệ sinh mắt ngay khi thực hiện xong nhiệm vụ, thường xuyên sát khuẩn tay và theo dõi sát tình hình sức khỏe…

Đóng quân tại địa bàn có nhiều ổ dịch đau mắt đỏ nhưng Lữ đoàn 147, Vùng 1 vẫn “giữ sạch lưới nhà”. Ngoài tổ chức phun khử khuẩn; phát nước muối nhỏ mắt, súc miệng, nước tỏi nhỏ mũi, đơn vị còn hạn chế thân nhân thăm bộ đội vào ngày nghỉ cuối tuần.

Trung tá Bùi Văn Thắng, Chính trị viên Tiểu đoàn 474, Lữ đoàn 147 cho biết: Chúng tôi hướng dẫn bộ đội chủ động trao đổi thông tin với gia đình trước, nếu gia đình có người bị đau mắt đỏ sẽ không tổ chức đến thăm. Cán bộ khi về nghỉ tại gia đình nếu bị đau mắt đỏ sẽ tự cách ly ở nhà, hạn chế tiếp xúc với người khác.

Trung sĩ Đỗ Trọng Bách, Tiểu đội trưởng, Đại đội 2, Tiểu đoàn 474 chia sẻ: Nhận thức rõ về ảnh hưởng của bệnh đau mắt đỏ, chúng tôi tuyên truyền cho người thân ý thức giữ vệ sinh cá nhân. Bản thân không dùng chung khăn, thau rửa mặt; sát khuẩn tay sau khi huấn luyện; hàng tuần mang chăn, màn, gối, chiếu và đồ dùng cá nhân ra sân phơi nắng để diệt trừ mầm bệnh…

Hiện nay, quân y các cơ quan, đơn vị trong toàn Quân chủng đã chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc để phòng, chống dịch đau mắt đỏ. Khi phát hiện có quân nhân mắc bệnh, ngoài việc cách ly, theo dõi, điều trị đúng phác đồ, quân y sẽ từng bước khoanh vùng, khử khuẩn, hạn chế thấp nhất nguy cơ lây lan, phát tán bệnh.

“Ngành Quân y cũng khuyến cáo, nhắc nhở quân nhân không tự ý dùng các biện pháp điều trị dân gian, truyền miệng như xông mắt, dùng các loại lá chứa tinh dầu nhỏ mắt hay lạm dụng các loại thuốc có chứa thành phần Corticoid…”-Thượng tá Trương Văn Tứ khẳng định.

Bài, ảnh: Tuệ Minh

Viêm kết mạc cấp (bệnh đau mắt đỏ) là tình trạng viêm lớp màng trong suốt ở bề mặt nhãn cầu và kết mạc mi. Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, thường xuất hiện vào thời điểm giao mùa, dễ lây lan. Các chuyên gia cho biết, đau mắt đỏ có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau; trong đó, nguyên nhân đáng lo ngại nhất là do virus vì có thể lây lan trong cộng đồng.

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn