“Trái ngọt” từ sự nỗ lực bền bỉ

HQVN -

Lữ đoàn 679, Vùng 1 Hải quân là đơn vị được trang bị tổ hợp tên lửa có tầm bắn xa của Hải quân nhân dân Việt Nam. Đây là vinh dự song cũng là thách thức lớn đối với cán bộ, quân nhân chuyên nghiệp (CB,QNCN) Lữ đoàn bởi yêu cầu nhiệm vụ đòi hỏi rất cao, đặc biệt là về trình độ làm chủ vũ khí, khí tài, giữ gìn các thông số về kỹ thuật.

Mới đầu giờ sáng, tại thao trường của Lữ đoàn 679, Vùng 1 Hải quân, chúng tôi đã được chứng kiến kíp chiến đấu của Đội Hỏa lực đang luyện tập. Thời tiết đã sang thu nên mặt trời chỉ rải những tia nắng vàng nhẹ, vậy mà mồ hôi vẫn túa ra trên các gương mặt và lưng áo của bộ đội. Đại tá Nguyễn Văn Tính, Lữ đoàn trưởng vừa theo dõi buổi luyện tập vừa phấn khởi chia sẻ với chúng tôi: Kết quả của đợt kiểm tra bắn đạn thật vừa qua đã làm thay đổi tư duy của tất cả cán bộ, chiến sĩ đơn vị. Ai nấy đều tự hào, phấn khởi và nỗ lực phấn đấu, thi đua luyện giỏi, rèn nghiêm. Mặc dù 34 năm qua không có sự hỗ trợ của chuyên gia nhưng bằng những nỗ lực, Lữ đoàn đã làm chủ trang bị, duy trì tốt hệ số kỹ thuật và bắn đạt loại giỏi. Để có được kết quả đó, theo tôi yếu tố nhân lực vẫn là quan trọng nhất.

Lữ đoàn 679 bắn đạn thật năm 2017. Ảnh: Hoàng Sơn

Nhân lực là khâu then chốt

Do đặc thù, đơn vị có quân số hầu hết là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp. Một mặt, Lữ đoàn chú trọng việc giáo dục chính trị, tư tưởng, xây dựng ý chí quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ cho bộ đội. Mặt khác, đơn vị đẩy mạnh công tác bồi dưỡng, huấn luyện đội ngũ CB, QNCN. Quy trình khai thác, vận hành tên lửa của Lữ đoàn đòi hỏi mỗi vị trí phải có chức trách, nhiệm vụ riêng biệt, tương đối độc lập nên đối tượng huấn luyện rất đa dạng. Số CB mới được biên chế về đơn vị phần lớn chưa được đào tạo cơ bản về chuyên ngành tên lửa đất đối hải. Vì vậy, hằng năm, Lữ đoàn đều tổ chức đào tạo lại. Nội dung huấn luyện tập trung vào bồi dưỡng về kỹ thuật chuyên ngành tên lửa theo cương vị, chức trách; đi sâu vào những nội dung mới, nội dung khó và nội dung còn yếu của năm trước, như: hợp luyện đại đội, diễn tập chỉ huy - cơ quan trên bản đồ, ngoài thực địa…

Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 679 nạp tên lửa phục vụ nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu

Một trong những phương pháp được Lữ đoàn khuyến khích và triển khai đạt hiệu quả là bồi dưỡng lẫn nhau. Theo đó, cấp trên bồi dưỡng cho cấp dưới; người có kinh nghiệm bồi dưỡng cho người chưa có kinh nghiệm; CB quân sự bồi dưỡng cho CB chính trị về kỹ năng chỉ huy, chuyên môn kỹ thuật tên lửa; CB chính trị lại bồi dưỡng cho CB quân sự về kiến thức, phương pháp tiến hành công tác đảng, công tác chính trị trong huấn luyện, SSCĐ,… Từ đó, phong trào tự học tập, tự nghiên cứu của mỗi CB, QNCN được nâng lên rất nhiều.

Để công tác huấn luyện, bồi dưỡng CB, QNCN đạt hiệu quả cao, Lữ đoàn còn tăng cường vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, người chỉ huy các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, tổ chức thực hiện nhiệm vụ huấn luyện. Thượng úy Nguyễn Khắc Trọng, Phó Đội trưởng Đội Hỏa lực tâm sự: Lữ đoàn quy định CB chủ trì phải chịu trách nhiệm về kết quả huấn luyện của CB thuộc quyền và lấy đó làm tiêu chí để bình xét thi đua, khen thưởng, đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ.

Đến nay, 100% CB của Lữ đoàn có kiến thức vững vàng, tương đối toàn diện, đủ năng lực huấn luyện theo phân cấp.

Tăng cường cọ xát thực tiễn

Trung tá Phùng Đức Cường, Tham mưu trưởng Lữ đoàn cho chúng tôi biết: Hằng năm, đơn vị đều rà soát, lập kế hoạch và tổ chức huấn luyện theo hướng chuyên sâu, sát nhiệm vụ, phù hợp với tổ chức biên chế VKTBKT hiện có. Trong đó, tập trung vào huấn luyện khai thác làm chủ bộ khí tài, đi sâu vào nghiên cứu nguyên lý hoạt động của VKTBKT; kỹ năng sử dụng, phương pháp kiểm tra phán đoán và cách tổ chức sửa chữa khắc phục các cụm, khối chi tiết… hư hỏng.

Đối với giáo trình huấn luyện, để chống nhàm chán, thụ động trong học tập đồng thời kích thích tư duy sáng tạo, Lữ đoàn đã cải tiến phương pháp dạy học và ứng dụng các đề tài nghiên cứu khoa học vào huấn luyện như: xây dựng giáo án điện tử, chế tạo maket và viết các chương trình mô phỏng nguyên lý hoạt động của VKTBKT gồm: quỹ đạo bay của tên lửa; hoạt động của mạch phóng, hệ thống điều khiển tên lửa trong các chế độ bắn; hoạt động của động cơ hành trình, thiết bị tự dẫn, tự lái… Song song với đó, các phòng huấn luyện theo chuyên ngành được đầu tư sơ đồ, tranh vẽ và trưng bày các chi tiết. Các cụm, khối máy hỏng đã được cắt, bổ ra làm mô hình học tập. Điều này giúp người học tư duy trực quan, sinh động hơn; huấn luyện lý thuyết sát với thực tế hơn.

Từ các buổi rút kinh nghiệm sau huấn luyện, diễn tập, quá trình vận hành, bảo quản VKTBKT, Lữ đoàn rà soát các nội dung còn yếu, còn thiếu, các nội dung cấp thiết để giao, đặt đề tài tự học, tự nghiên cứu cho đội ngũ CB, QNCN, trong đó tập trung vào sĩ quan cấp phân đội (ngành). Theo Thượng úy Nguyễn Xuân Thùy, Ngành trưởng Ngành Thiết bị tự lái, Trạm Kỹ thuật đánh giá, đây là một nội dung huấn luyện có tính tương tác rất cao. Trong quá trình nghiên cứu, tìm hiểu và vận hành các cá nhân sẽ dần tích lũy được kiến thức. Cách làm này còn khơi dậy được sự sáng tạo trong đội ngũ CB, QNCN.

Một điểm nổi bật nữa trong công tác huấn luyện ở Lữ đoàn 679 là để tăng tính thực tế, tích lũy kinh nghiệm cho người học, đơn vị kết hợp nhuần nhuyễn giữa công tác bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa VKTBKT với huấn luyện kỹ thuật. Mỗi khi các nhà máy, học viện đến sửa chữa, nâng cấp vũ khí, khí tài của đơn vị, Lữ đoàn luôn cắt cử CB, QNCN theo dõi, giám sát và trao đổi học tập. Qua đó, CB, QNCN đơn vị được tiếp nhận, bổ sung, cập nhật kiến thức kỹ thuật mới, đảm bảo cho việc tiếp cận và làm chủ chuyên sâu VKTBKT. Đây là một phương pháp huấn luyện đơn giản, giảm chi phí nhưng rất hiệu quả.

Việc tên lửa của Lữ đoàn 679 bắn trúng mục tiêu ở đợt kiểm tra bắn đạn thật vừa qua đã chứng minh cho hướng đi đúng của đơn vị trong đổi mới công tác huấn luyện và những nỗ lực không ngừng nghỉ của đội ngũ CB, QNCN Lữ đoàn. 

Phúc Vinh

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn