Tiếp tục làm tốt công tác Tham mưu-Kế hoạch góp phần xây dựng Cục Kỹ thuật chính quy, hiện đại

Đại tá Phạm Xuân Mạnh, Trưởng phòng Tham mưu-Kế hoạch Cục Kỹ thuật Hải quân

HQVN -

Trước yêu cầu phát triển lực lượng của Quân chủng Hải quân, nhất là sự phát triển nhanh chóng của các loại VKTBKT, ngày 6-5-1970 Cục Kỹ thuật Hải quân được thành lập. Cùng với việc ra đời của Cục Kỹ thuật, ngày 11-5-1970, Phòng Kế hoạch (tiền thân của Phòng Tham mưu-Kế hoạch ngày nay) được thành lập. 

Ngay sau khi thành lập, mặc dù điều kiện cơ sở vật chất còn thiếu thốn, quân số ít, nhiệm vụ rất nặng nề, khẩn trương song Phòng Kế hoạch đã chủ động tham mưu, đề xuất với Đảng ủy, chỉ huy Cục Kỹ thuật các giải pháp về củng cố lực lượng, tổ chức biên chế, xây dựng kế hoạch huấn luyện đào tạo, củng cố các xưởng trạm, bảo đảm kỹ thuật cho các đơn vị trực tiếp chiến đấu và chi viện cho chiến trường miền Nam. Phòng đã chỉ đạo hoàn thành 21 đề tài nghiên cứu về rà phá các loại thủy lôi, bom từ trường góp phần vào chiến công chống phong tỏa sông biển miền Bắc của đế quốc Mỹ.

Trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, Phòng luôn bám sát tình hình nhiệm vụ, giúp thủ trưởng Cục Kỹ thuật chỉ đạo, đôn đốc các xưởng tích cực sản xuất, bảo đảm đủ phương tiện cho các lực lượng vận chuyển lực lượng, VKTBKT bằng đường biển cho chiến dịch; bảo đảm tàu, VKTBKT cho các đơn vị chiến đấu giải phóng quần đảo Trường Sa.

Thủ trưởng Cục Kỹ thuật và Phòng Tham mưu-Kế hoạch kiểm tra công tác bảo đảm kỹ thuật ở Lữ đoàn 189. Ảnh: Trọng Đăng

Giai đoạn 1975-1985, nhiệm vụ của Quân chủng rất nặng nề, Phòng đã chủ động xây dựng các phương án, kế hoạch bảo đảm kỹ thuật cho các chiến dịch, nhất là chiến dịch đổ bộ đường biển Tà Lơn lịch sử, góp phần vào thắng lợi của chiến dịch bảo vệ biên giới Tây Nam, giải phóng Cam-pu-chia khỏi họa diệt chủng của Khmer đỏ; tham mưu kịp thời công tác bảo đảm cho các chiến dịch CQ-88, 89 và các cuộc diễn tập lớn của Quân chủng giai đoạn này.

Từ năm 1985 đến nay, trước yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo ngày càng nặng nề và xây dựng Quân chủng, Cục Kỹ thuật chính quy, hiện đại; Phòng Tham mưu-kế hoạch đã tham mưu cho Đảng ủy, chỉ huy Cục điều chỉnh tổ chức biên chế cơ quan, đơn vị; công tác quân sự quốc phòng, huấn luyện kỹ thuật, khoa học quân sự, công tác kế hoạch, củng cố kho tàng, trạm xưởng. Phòng trực tiếp tham mưu xây dựng nhiều đề án lớn như: Đề án Công tác kỹ thuật Hải quân, Đề án xây dựng ngành Kỹ thuật Hải quân chính quy, hiện đại; Đề án Quy hoạch hệ thống kho tàng... Đồng thời chỉ đạo thực hiện có hiệu quả 2 khâu đột phá công tác kỹ thuật là: Xây dựng nền nếp chính quy kỹ thuật và làm chủ VKTBKT, qua đó các cơ quan, cơ sở kỹ thuật được xây dựng theo hướng chính quy, thống nhất, sổ sách khối bờ, tàu được ban hành chính quy; hệ thống văn bản pháp lý được triển khai đồng bộ, VKTBKT chủng loại cũ đến loại mới được làm chủ nhanh chóng; mỗi năm có hàng trăm sáng kiến cải tiến kỹ thuật được triển khai, hơn 100 nội dung hợp tác trong bảo đảm kỹ thuật với các đối tác trong và ngoài quân đội góp phần hoàn thành nhiệm vụ công tác kỹ thuật hàng năm.

Những thành tích về công tác tham mưu kỹ thuật Hải quân đạt được trong 50 năm qua có sự hy sinh đóng góp công sức, trí tuệ thầm lặng và hiệu quả của lớp lớp cán bộ, nhân viên Phòng Tham mưu-Kế hoạch qua các thời kỳ, góp phần tô thắm truyền thống “Tham mưu chủ động, hiệp đồng chặt chẽ, nền nếp chính quy, thi đua quyết thắng”.

 Trong những năm tới dự báo tình hình trên biển sẽ có những diễn biến phức tạp, nhiệm vụ công tác bảo đảm kỹ thuật nặng nề hơn, công tác tham mưu kỹ thuật đòi hỏi phải khẩn trương, tích cực, chủ động, tham mưu trúng, đúng ý định người chỉ huy. Để đạt được yêu cầu đó công tác tham mưu kỹ thuật cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung sau:

Một là, nắm chắc tình hình, thu thập, nghiên cứu, xử lý thông tin có liên quan đến nhiệm vụ công tác kỹ thuật, trọng tâm là tình hình biển, đảo; kịp thời tham mưu trúng, đúng với cấp ủy, người chỉ huy các chủ trương, giải pháp để xử trí kịp thời các vấn đề thực tiễn đặt ra.

Hai là, xây dựng Phòng Tham mưu-Kế hoạch thực sự vững mạnh, làm nòng cốt xây dựng Cục Kỹ thuật VMTD. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, có ý chí quyết tâm cao, khắc phục khó khăn, tự lực, tự cường, thường xuyên học tập, rèn luyện nâng cao trình độ mọi mặt; sẵn sàng nhận và hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Ba là, phát huy truyền thống, chủ động, sáng tạo tham mưu đề xuất với cấp ủy, người chỉ huy về xây dựng ngành kỹ thuật chính quy, hiện đại. Tập trung củng cố xây dựng cơ quan, cơ sở kỹ thuật chính quy, tinh gọn, hệ thống kho tàng Hải quân theo hướng chính quy, hiện đại, đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật có trình độ chuyên môn tốt, tác phong làm việc công nghiệp.

Bốn là, nghiên cứu đổi mới phương pháp, nội dung huấn luyện kỹ thuật, thi nâng bậc thợ, thực hiện Cuộc vận động 50, mở các lớp huấn luyện chuyên sâu nâng cao trình độ cho đội ngũ nhân viên kỹ thuật, nhất là những người trực tiếp lao động sản xuất, khai thác, sử dụng VKTBKT.

Năm là, tham mưu cho cấp ủy, người chỉ huy phát động phong trào phát huy công nghệ nội địa, tự chủ vào công tác nghiên cứu làm chủ VKTBKT mới, sửa chữa đồng bộ vững chắc VKTBKT chủng loại cũ, nghiên cứu sản xuất VKTBKT, biên dịch, biên soạn quy trình công nghệ, tài liệu công nghệ hợp lý hóa sản xuất.          

Phòng Tham mưu-Kế hoạch được tặng thưởng: Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba (2009); Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (2007, 2014); Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (2005, 2013, 2017); 32 năm đạt danh hiệu “Đơn vị Quyết thắng” 18 lần được Bộ Tư lệnh Quân chủng, Tổng cục Kỹ thuật tặng Bằng khen…

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn