Tiến hành nền nếp hoạt động CTĐ, CTCT trong huấn luyện

HQVN -

Là một trong những lực lượng đặc biệt tinh nhuệ của Lữ đoàn Đặc công Hải quân 126 nói riêng, Quân chủng Hải quân nói chung, Tiểu đoàn 2 Đặc công người nhái đã có nhiều biện pháp nhằm nâng cao chất lượng huấn luyện, trong đó chú trọng đến hoạt động CTĐ, CTCT.

Chúng tôi đến Tiểu đoàn 2 Đặc công người nhái, Lữ đoàn 126 vào những ngày đơn vị chuẩn bị cơ động lực lượng cho nhiệm vụ huấn luyện nhảy dù, đổ bộ đường không. Mặc dù khẩn trương, bận rộn chuẩn bị quân tư trang cá nhân, các trang bị kỹ thuật nhưng từ cán bộ đến chiến sĩ ai cũng quyết tâm khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Lần đầu tham gia nhảy dù với đồng đội, Hạ sĩ Nguyễn Đức Giang, chiến sĩ Tiểu đội 3, Trung đội 3, Đại đội 6 chia sẻ: Cũng có lo lắng, hồi hộp nhưng được cán bộ, anh em động viên, tôi đã sẵn sàng và quyết tâm hoàn thành tốt các nội dung huấn luyện, giành thành tích cao chào mừng kỷ niệm 57 năm Ngày thành lập Lữ đoàn (13/4/1966 - 13/4/2023).

 

Chuẩn bị huấn luyện ở Lữ đoàn Đặc công Hải quân 126. Ảnh: CTV

Là đơn vị thiện chiến, tinh nhuệ của Quân chủng, ở Lữ đoàn 126, quân nhân bơi đường dài hàng chục ki-lô-mét, lặn sâu hàng chục mét, thả trôi nhiều giờ liên tục trên biển là chuyện thường ngày. Riêng đơn vị đặc công người nhái chống khủng bố phải huấn luyện thuần thục kỹ năng đu dây ở độ cao lớn xuống tàu và xuống biển để chi viện ứng cứu cho các lực lượng; huấn luyện nhảy dù, đổ bộ đường không chi viện phải đạt chỉ tiêu yêu cầu, bảo đảm an toàn tuyệt đối về người và VKTBKT.

Yêu cầu cao là vậy nhưng không phải người nào mới về đơn vị cũng biết bơi, lặn thành thạo. Nhiều chiến sĩ còn sợ độ cao và chưa quen với môi trường sông, biển nên ban đầu gặp không ít khó khăn. Nhưng nhờ sự tận tình giúp đỡ của cán bộ, đồng chí, đồng đội, họ đã vượt qua rào cản tâm lý để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Chỉ sau 3 tháng huấn luyện, 100% chiến sĩ đã nắm chắc kỹ chiến thuật đặc công người nhái. 

Thiếu tá Nguyễn Văn Lộc, Chính trị viên Tiểu đoàn 2 khẳng định: Cùng với bám sát nguyên tắc, phương châm, nhiệm vụ, các khâu đột phá, chúng tôi chú trọng triển khai các hoạt động CTĐ, CTCT trong huấn luyện, SSCĐ. Nhờ đó, mặc dù thực hiện nhiệm vụ phân tán trong điều kiện khó khăn, cường độ huấn luyện cao ở môi trường phức tạp, dễ mất an toàn song cán bộ, chiến sĩ đều sẵn sàng nhận nhiệm vụ và quyết tâm hoàn thành nội dung chương trình, đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. 

Tiểu đoàn đã làm tốt công tác giáo dục, quán triệt nhiệm vụ kết hợp với xây dựng ý chí, quyết tâm, bản lĩnh chính trị và trách nhiệm cho bộ đội trong thực hiện tốt các chỉ tiêu, tiêu chí huấn luyện. Ngay từ đầu năm và trước khi thực hiện nhiệm vụ huấn luyện dã ngoại tại các khu vực biển, đảo, đơn vị vận dụng linh hoạt các hình thức, biện pháp giáo dục, động viên để bộ đội nắm chắc, hiểu rõ yêu cầu nhiệm vụ, chỉ tiêu cần đạt được…

 Chiến đấu viên đặc công thực hành nhảy dù. Ảnh: CTV

"Xác định cán bộ là cái gốc của mọi công việc, chúng tôi luôn coi trọng việc lựa chọn cán bộ phù hợp với từng nhiệm vụ, sở trường, khả năng của từng người, nhất là các đồng chí trực tiếp huấn luyện (tiểu đội trưởng, trung đội trưởng…). Cán bộ phải luôn sâu sát, gần gũi lắng nghe, quan tâm, chia sẻ và giúp đỡ động viên bộ đội cả trong huấn luyện và trong cuộc sống sinh hoạt" - Thiếu tá Vũ Minh Tiến, Phó Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2 cho biết.

Với phương châm “Hành động của người chỉ huy là mệnh lệnh không lời đối với chiến sĩ”, Tiểu đoàn yêu cầu cán bộ đại đội, trung đội, tiểu đội phải thường xuyên làm gương cho bộ đội noi theo. Trong quá trình huấn luyện, cán bộ phải thực hiện trước các nội dung khó để bộ đội an tâm và có lòng tin vào chỉ huy, vào kỹ chiến thuật và chính mình, từ đó quyết tâm thực hiện tốt các nội dung khó, phức tạp…

Điển hình như trường hợp của Hạ sĩ Hoàng Văn Thắng, Chiến sĩ Tiểu đội 1, Trung đội 1, Đại đội 5, mặc dù bơi trong bể tốt nhưng khi ra sông lại ngợp nước, không dám rời phao. Nắm được tâm lý của bộ đội, đơn vị đã cử cán bộ kèm cặp, hướng dẫn, động viên từng bước từ khởi động, làm quen nước, thả lỏng, lấy hơi đều, tập cơ bản đến nâng cao và buông phao tự bơi từ cự ly ngắn rồi đến cự ly dài. Đến nay, Hạ sĩ Hoàng Văn Thắng đã bơi đạt chỉ tiêu, yêu cầu đề ra. 

Thi đua khen thưởng, bồi dưỡng, nhân rộng điển hình tiên tiến cũng là một trong những biện pháp nâng cao chất lượng huấn luyện của đơn vị. Từng trung đội, đại đội xác định chỉ tiêu, từ đó đưa ra các nội dung, biện pháp thi đua sát với đặc điểm, nhiệm vụ của đơn vị và tổ chức thực hiện bảo đảm chất lượng hiệu quả. Sau mỗi đợt huấn luyện, đơn vị kịp thời biểu dương, đề nghị khen thưởng các tập thể cá nhân có thành tích tốt.

Năm 2022, Tiểu đoàn có 18 tập thể, 116 cá nhân được khen thưởng về thành tích cao trong huấn luyện và trong thực hiện phong trào thi đua quyết thắng. "Những gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến được tuyên truyền rộng rãi trên hệ thống loa truyền thanh nội bộ của Tiểu đoàn, Lữ đoàn và thông qua giao ban, sinh hoạt đơn vị... tạo sức lan tỏa và động viên, khích lệ cán bộ, chiến sĩ nêu cao ý chí quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao" - Thiếu tá Nguyễn Văn Lộc cho biết thêm.

Xuân Hương

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn