Tất cả vì chiến sĩ mới thân yêu

HQ Online -

Tới Tiểu đoàn 565-một trong hai đơn vị huấn luyện chiến sĩ mới (CSM) của Vùng 5 Hải quân, chúng tôi bị thu hút bởi cảnh quan nơi đây. Những hàng cây xanh thẳng tắp tỏa bóng mát cùng nhiều loài hoa đua nở, vươn mình trong nắng ấm. Ấn tượng hơn nữa là nhiều vị trí trong doanh trại có treo bảng chữ “Tất cả vì chiến sĩ mới thân yêu”. Đó là phương châm hành động của toàn đơn vị.

Tìm hiểu về khẩu hiệu trên, chúng tôi được Trung tá Đồng Quảng Đại, Tiểu đoàn trưởng cho biết: Để cụ thể hóa phương châm trên, Tiểu đoàn xác định vì chiến sĩ phải thực chất, được thể hiện mọi lúc, mọi nơi, cả trong lời nói lẫn hành động chứ không chỉ là hô hào suông. Vì thế, trước tiên chúng tôi chủ động làm tốt công tác chuẩn bị cơ sở vật chất để đón chiến sĩ; quán triệt xây dựng quyết tâm, trách nhiệm trong huấn luyện CSM cho cán bộ các cấp.

Huấn luyện bắn súng AK bài 1 ở Tiểu đoàn 565, Vùng 5. Ảnh: Trần Khắc

Mặc dù đã cuối giờ chiều nhưng ở từng điểm tập của Đại đội 34, từ cán bộ trung đội, tiểu đội đến CSM đều say sưa, miệt mài huấn luyện điều lệnh đội ngũ. Chứng kiến các CSM chỉnh tề trong bộ quân phục, thống nhất trong đội hình, đội ngũ, nghiêm túc lĩnh hội và thực hành tốt yêu cầu, nội dung huấn luyện, chúng tôi cảm nhận được những thay đổi bước đầu của CSM. 

Ở Tiểu đoàn 565, sau khi tiếp nhận CSM, toàn đơn vị tập trung thực hiện tốt đột phá “Dự báo, nắm quản lý, định hướng và giải quyết tư tưởng bộ đội”, trong đó chú trọng vào thực hiện tốt “5 biết”, “4 không”, “4 có”, “4 nên” trong quản lý tư tưởng bộ đội. 3/3 đại đội duy trì hiệu quả “Hòm thư góp ý” để tiếp nhận, giải quyết kịp thời phản ánh của chiến sĩ; xây dựng, phát huy hiệu quả các mô hình: “Cán bộ, đảng viên dìu dắt quần chúng và cấp dưới”, “Trên làm gương mẫu mực, dưới tích cực làm theo”... Mặc dù, tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng chỉ huy đơn vị vẫn định kỳ tổ chức đối thoại dân chủ với chiến sĩ thông qua nhiều hình thức như: Đối thoại tập trung, theo nhóm đối tượng, gián tiếp... Để tránh tình trạng e dè, sợ cấp trên không dám nói, đơn vị đã vận dụng song song cả hình thức đối thoại trực tiếp và phát phiếu thăm dò ý kiến…

CSM Hứa Phương Thế Ngọc, Tiểu đội 14, Trung đội 12, Đại đội 36 tâm sự: Trước đây, tôi đã có việc làm với thu nhập 12 triệu đồng/tháng. Vì mong muốn được rèn luyện và cống hiến nên tôi đã viết đơn tình nguyện nhập ngũ. Những ngày mới vào đây, tôi cũng bỡ ngỡ và gặp một số khó khăn trong sinh hoạt nhưng được sự quan tâm, chăm lo tận tình, chu đáo của cán bộ giờ tôi cảm thấy rất thoải mái và yên tâm.

Còn Chiến sĩ Ngô Thanh Lợi, thanh niên của huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế được biên chế về Tiểu đội 9, Trung đội 7, Đại đội 35 tâm sự: Mới tốt nghiệp Đại học Nguyễn Huệ, là đảng viên trẻ, tôi tình nguyện nhập ngũ để có cơ hội trải nghiệm. Với trách nhiệm của đảng viên tôi sẽ luôn gương mẫu đi đầu trong huấn luyện và xây dựng đơn vị.

Để CSM yên tâm, tin tưởng như trên, một biện pháp được đơn vị triển khai ngay khi đón CSM về là làm tốt công tác rà soát chất lượng chính trị, tư tưởng. Thiếu tá Trần Khắc Luyện, Chính trị viên Tiểu đoàn chia sẻ: Sau khi ổn định tổ chức biên chế, cán bộ tìm hiểu chất lượng chính trị, tư tưởng của CSM bằng nhiều kênh khác nhau như: Liên hệ với gia đình, địa phương, đồng hương; qua thái độ, hành vi, biểu hiện, nếp sống sinh hoạt của bộ đội. Từ đó, đơn vị nắm chắc lý lịch, sở trường, sở đoản, trình độ học vấn, tâm tư của anh em làm cơ sở tiến hành phân loại chiến sĩ theo từng nhóm. Với trường hợp cá biệt, cán bộ chủ động gặp gỡ, tìm hiểu thêm thông tin để có biện pháp uốn nắn, động viên, giúp đỡ đồng thời phân công người theo dõi, kèm cặp.

 CSM giải lao giữa giờ huấn luyện

Trung úy Trần Đức Công, Chính trị viên Đại đội 36 kể: Đơn vị tôi có chiến sĩ Phạm Chí Thanh, quê ở xã Mông Thọ A, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, cha mẹ đều làm nông, thu nhập không đủ sống nên phải vay mượn nhiều. Khi còn ở nhà, Thanh chưa biết thương cha mẹ, thường theo bạn bè chơi bời khiến cha mẹ phiền lòng. Nắm được tình hình đó, chúng tôi đã chủ động gần gũi, trò chuyện, động viên, chia sẻ và khuyên bảo Thanh. Dần dần, Thanh đã hiểu ra, thấu hiểu nỗi vất vả của cha mẹ nên xin phép gọi điện về xin lỗi, động viên cha mẹ và hứa sẽ tích cực luyện giỏi, rèn nghiêm, hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Cùng với đó, đơn vị đã phát huy vai trò của các chiến sĩ bảo vệ, chiến sĩ dân vận, tổ 3 người... Đây không chỉ là “tai mắt” giúp chỉ huy kịp thời phát hiện, nắm bắt tình hình và những dấu hiệu bất thường trong đơn vị mà còn là nơi để các CSM giãi bày tâm tư, tình cảm, những vướng mắc trong sinh hoạt, học tập; bảo ban, giúp đỡ nhau những lúc khó khăn, xây dựng tinh thần lạc quan, thái độ, hành vi ứng xử đúng đắn.

Qua tiếp xúc với CSM, chúng tôi nhận thấy, đến thời điểm này, 100% yên tâm tư tưởng, xác định tốt nhiệm vụ. Trao đổi thêm về kinh nghiệm trong thực hiện phương châm “Tất cả vì CSM thân yêu”, Tiểu đoàn trưởng Đồng Quảng Đại nhấn mạnh: Muốn thực hiện hiệu quả, mỗi cán bộ phải xuất phát từ trách nhiệm, tình cảm, trân trọng công lao đóng góp của từng chiến sĩ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tại đơn vị. Cán bộ cần bám sát thực tiễn để có những chủ trương, giải pháp phù hợp. Khi cán bộ hết lòng vì chiến sĩ thì mối quan hệ cán-binh càng thêm gần gũi, thân tình.

Thời gian huấn luyện, rèn luyện với những vất vả, khó khăn đang còn ở phía trước song với việc bắt nhịp nhanh nền nếp sinh hoạt trong những ngày đầu quân ngũ là cơ sở để các CSM Tiểu đoàn 565 vững vàng hơn, cùng thi đua huấn luyện giỏi, kỷ luật nghiêm ngay từ những ngày đầu, tuần đầu.

Phúc Vinh

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn