Tạo động lực để quân nhân chuyên nghiệp phát huy tài năng, trí tuệ xây dựng đơn vị
HQVN -
Lần đầu tiên Quân chủng Hải quân tổ chức gặp mặt 150 QNCN tiêu biểu nhằm tuyên dương thành tích và sự cống hiến của đội ngũ QNCN trong toàn Quân chủng đối với quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Hải quân Nhân dân Việt Nam. Sự quan tâm của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Hải quân và cấp ủy, chỉ huy các cấp tiếp thêm động lực để đội ngũ này tiếp tục phát huy tài năng, trí tuệ xây dựng đơn vị và Quân chủng vững mạnh.
Mặc dù buổi gặp mặt tôn vinh diễn ra trong thời điểm đang bùng phát dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra nhưng từ cơ quan đến các đơn vị và mỗi QNCN đều nỗ lực để hội nghị thành công. Công tác chuẩn bị cho buổi gặp mặt được Ban tổ chức tiến hành gấp rút “xuyên” Tết nguyên đán Canh Tý.
Nhiều việc làm ý nghĩa
QNCN là lực lượng nòng cốt của đội ngũ chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ bảo đảm cho công tác lãnh đạo, chỉ huy, quản lý; thực hiện nhiệm vụ SSCĐ, chiến đấu, phục vụ chiến đấu và các nhiệm vụ khác của Quân đội. Trong chặng đường 65 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành, Hải quân Nhân dân Việt Nam đã lập nhiều chiến công và thành tích xuất sắc.
Trong đó đội ngũ QNCN có những đóng góp quan trọng vào những chiến công, thành tích đó. Thước phim ngắn chiếu ngay lúc khai mạc đã một phần khắc họa được bức tranh chung về lực lượng QNCN cũng như sự đóng góp to lớn của họ đối với mỗi giai đoạn lịch sử, mỗi chiến công và sự phát triển của Quân chủng. Trên mỗi con tàu, đảo, nhà giàn, trạm ra đa, nhà máy, xí nghiệp… QNCN đã và đang góp nhiều công sức xây dựng đơn vị.
Thiếu tá QNCN Đinh Văn Bằng, Thợ sửa chữa VKTBKT ở đảo Sinh Tồn, huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa-người đã có 5 năm gắn bó với đảo chia sẻ: Từ việc giữ gìn từng viên đạn đến sắp xếp kho tàng gọn gàng, sẵn sàng cơ động đến khắc phục sửa chữa những hỏng hóc của từng khẩu súng tôi đã đúc kết thành kinh nghiệm khi làm việc trên đảo “mắt nhìn, tai lắng nghe, tay sờ để thay thế”. Qua đó, góp phần vào việc các bài bắn kiểm tra của đảo đều đạt khá, giỏi. Khả năng SSCĐ và chiến đấu của đảo Sinh Tồn luôn ở mức cao.
Đoàn đại biểu QNCN tiêu biểu dâng hương tại Bến K15 Đồ Sơn, TP. Hải Phòng
Những việc làm gắn với niềm say mê công việc của người lính đảo đã làm rung động trái tim các đại biểu dự. Một thực tế bảo quản vũ khí đạn ở kho tàng trên đất liền đã khó khăn đỏi hỏi sự tỉ mỉ và chính xác. Chỉ một bất cẩn nhỏ sẽ gây hậu quả khó lường. Ở đảo xa, điều kiện khí hậu biển khắc nghiệt đòi hỏi người lính thợ ngoài kỹ thuật cao thì phải có lòng yêu nghề thực sự “súng là vợ, đạn là con”. Ở lĩnh vực công tác nào QNCN đều có sự đóng góp không nhỏ vào công việc chung của đơn vị. Những thời điểm khó khăn, vất vả thì tinh thần sáng tạo lại tỏa sáng.
Trung tá QNCN Nguyễn Văn Khiêm, Nhân viên hàng hải, Tàu 954, Hải đội 511, Lữ đoàn 127, Vùng 5 Hải quân là một minh chứng điển hình. Dù chỉ học sơ cấp nhưng với lòng say mê với công việc và óc sáng tạo anh đã có nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật được cán bộ, chiến sĩ đơn vị nể phục. Các sáng kiến tiêu biểu như: Thiết bị cắt dây cáp; mô hình biên đội tàu bắn đối hải, đối không; mô hình dẫn tàu đi theo thiết bị phao luồng trên tàu LCM8; mô hình hải đồ điện tử trên Tàu 954… Nỗ lực phấn đấu không ngừng của Nguyễn Văn Khiêm được các cấp ghi nhận. 12 năm liên tục anh được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở.
Thành tích nối tiếp thành tích của các QNCN, xen lẫn là các tiết mục nghệ thuật đặc sắc ca ngợi về Đảng, về biển, đảo, vẻ đẹp của người lính biển được trình bày tại hội nghị đã cuốn hút người nghe. Trung tá QNCN Nguyễn Văn Khiêm cho biết: Trong lần cứu nạn một chiếc sà lan bị dạt vào bờ. Khi tiếp cận, do Tàu 954 có độ mớn nước sâu sóng to, gió lớn, phương án hạ xuồng và người xuống nước không thể thực hiện được nên không thể đưa dây mồi cho sà lan bị nạn để kết nối với Tàu 954 mà kéo về bờ được. Tôi nảy ra ý tưởng, dùng phao tròn cột dây cước, thả cho dây trôi theo dòng, theo gió và điều chỉnh phao để sà lan bị nạn bắt được, làm dây mồi kết nối với Tàu 954 và cứu kéo thành công.
Viết tiếp truyền thống vẻ vang
Hải quân là quân chủng kỹ thuật, quân chủng chiến đấu, do vậy đội ngũ QNCN càng có vai trò quan trọng đối với quá trình xây dựng và phát triển của Quân chủng. Trong những năm qua, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Hải quân và cấp ủy, chỉ huy các cấp luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với công tác xây dựng nguồn nhân lực quý báu này. Trường Cao đẳng Kỹ thuật Hải quân, nơi đào tạo nguồn nhân lực cho Quân chủng và Quân đội đã tuyển chọn kỹ nguồn vào, hàng năm đào tạo hàng trăm nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay. Cùng với đó, QNCN ở các đơn vị hay trong các kíp tàu cũng được gửi đi đào tạo trong nước và ngoài nước. Từ thực tế học tập, tiếp thu kinh nghiệm ở chuyên gia nước ngoài, nhiều QNCN có những đóng góp không nhỏ vào việc đẩy nhanh việc làm chủ các trang bị, khí tài hiện đại. Thượng úy QNCN Nguyễn Văn Dũng, Tiểu đội trưởng Hầm tàu, Ngành 5, Tàu 182, Lữ đoàn 189 chia sẻ: Trong thời gian học tập tại Liên bang Nga, cường độ học tập cao, tài liệu mật, để có “cẩm nang” sau buổi học, mỗi đồng đội và tôi tự nhớ và ghi ra từng trang tài liệu bằng tiếng Nga.
QNCN tiêu biểu giao lưu tại buổi gặp mặt
Dưới sự dẫn dắt khéo léo và ăn ý của MC và những tràng pháo tay giòn giã từ hội trường đã động viên các điển hình chia sẻ nhiều kinh nghiệm một cách tự nhiên. Một thực tế cho thấy, hoạt động của thủy thủ trong tàu ngầm trong môi trường đặc biệt. Những QNCN trước kia vốn dĩ quen với tay ca lê, mỏ lết, tuổi đời cao, khi họ được tuyển chọn sang thủy thủ tàu ngầm phải học tập ngoại ngữ, tin học và kiến thức chuyên môn, chế độ sinh hoạt… nhưng họ đã nỗ lực cao để hoàn thành tốt nhiệm vụ cao cả này. Đến nay các kíp tàu ngầm đã làm chủ hoàn toàn, đi biển dài ngày, bắn tên lửa chính xác mục tiêu không có sự trợ giúp của chuyên gia Nga. Sự thành công đó có sự đóng góp rất lớn của đội ngũ QNCN.
Trong bất cứ hoàn cảnh nào QNCN đều nỗ lực, vươn lên hoàn thành nhiệm vụ được giao. Thượng tá QNCN Phùng Văn Cường, Xưởng trưởng, Xưởng Bảo dưỡng kỹ thuật hàng không, Lữ đoàn 954 Không quân, Hải quân thực hiện sáng kiến trong công tác bảo quản, nạp nhiên liệu cho trực thăng săn ngầm Ka-28. Ưu điểm nổi bật của sáng kiến, tiết kiệm nhân lực và giá thành, duy trì độ tin cậy của kỹ thuật hàng không. Anh Cường được đồng đội thường gọi “Người nâng cánh bay an toàn”. Cũng từ quá trình huấn luyện chuyển giao, Thượng úy QNCN Phạm Ngọc Oánh, Trắc thủ Điều khiển hệ thống chỉ huy chiến đấu toàn tàu, Tàu 016, Lữ đoàn 162, Vùng 4 Hải quân đã viết phần mềm “Thay đổi hiển thị thông số mục số tiêu trên màn hình chỉ huy”. Quá trình học tập tại Liên bang Nga Phạm Ngọc Oánh đạt loại giỏi và xuất sắc. Kết thúc khóa huấn luyện tại Hạm đội Biển Đen, anh được cấp bằng xuất sắc về thành tích học tập. 4 năm liên tục, từ năm 2016-2019 anh được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở.
Một điểm chung mà chúng tôi cảm nhận được từ những điển hình chia sẻ đó là họ có một niềm đam mê công việc, tư duy mở và nhận được sự quan tâm của lãnh đạo, chỉ huy và tập thể đơn vị. Chuẩn Đô đốc Đặng Minh Hải, Phó Chính ủy Hải quân khẳng định: Có con tàu hay có những trang bị tuổi thọ hơn 70 năm nhưng đến nay vẫn hoạt động tốt nhờ vào bàn tay, khối óc của QNCN bảo quản, bảo dưỡng, duy tu thường xuyên. Từ nhiều năm nay, Quân chủng và các đơn vị đều quan tâm để QNCN tiếp phát huy lòng yêu biển, đảo, yêu nghề, tâm huyết với công việc của mình. Hiện nay, Quân chủng và các đơn vị tiếp tục xây dựng đội ngũ QNCN nghiệp giỏi một biết nhiều; giỏi nhiều việc, xuất sắc một việc.
Bài, ảnh: Hưởng Thanh Tuấn
Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn
- Lữ đoàn 126: Hội thi cán bộ đại đội và các chức danh tương đương - ( 26-11-24 02:00 )
- Hội đồng thi đua - khen thưởng Quân chủng tổng kết phong trào thi đua quyết thắng năm 2024 - ( 25-11-24 02:00 )
- Khai mạc tập huấn kỹ thuật cho học viên Cam-pu-chia - ( 25-11-24 09:00 )
- Hợp tác để tự chủ đảm bảo kỹ thuật - ( 24-11-24 10:00 )
- Lữ đoàn 169 tập huấn hàn, cắt, gia công cơ khí - ( 23-11-24 01:00 )