Tăng cường quản lý, chăm sóc sức khỏe bộ đội

Kỳ 1: Nâng cao năng lực của quân y từ cơ sở

HQVN -

Sức khỏe bộ đội là một trong những yếu tố cơ bản, góp phần quan trọng tạo nên sức mạnh của quân đội nói chung và Quân chủng Hải quân nói riêng. Vì vậy, công tác quản lý, chăm sóc sức khỏe bộ đội luôn nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của thủ trưởng Bộ Tư lệnh; được chỉ huy các cơ quan, đơn vị trong Quân chủng tổ chức thực hiện nghiêm túc.

Từ năm 2015 đến 2020, mặc dù lực lượng quân y của Quân chủng còn thiếu so với biên chế (bác sĩ thiếu 55 đồng chí, y sĩ thiếu 116 đồng chí); trang thiết bị y tế chưa đáp ứng được nhu cầu song Cục Hậu cần Hải quân đã làm tốt chức năng tham mưu, đề xuất, chỉ đạo công tác quản lý, chăm sóc sức khỏe bộ đội.

Chuyên gia của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 chuyển giao kỹ thuật mổ mắt phaco cho bác sĩ Hải quân

Đề án “Quy hoạch, sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở quân y Hải quân giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo” được xây dựng và triển khai là nội dung mới, đi trước đón đầu của ngành Quân y Hải quân. Xuất phát từ sự thay đổi về tổ chức biên chế, yêu cầu nhiệm vụ, phương thức khám chữa bệnh theo hình thức bảo hiểm y tế, trong khi thực tế các bệnh xá cấp trung, lữ đoàn và tương đương bộc lộ nhiều hạn chế bất cập về lực lượng, trang thiết bị y tế, nhân lực không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, Phòng Quân y đã chủ động tham mưu, đề xuất xây dựng Đề án và chỉ đạo các vùng triển khai thực hiện theo lộ trình. Một số bệnh xá cấp trung, lữ đoàn và tương đương được tổ chức thành tổ quân y có giường lưu để tập trung lực lượng cho bệnh xá cấp vùng, khu vực. Đại tá Nguyễn Hoàng Luyến, Chủ nhiệm Quân y Hải quân cho biết: “Từ 31 bệnh xá, đến nay, Quân chủng sắp xếp lại còn 23 bệnh xá. Nhờ đó, các y, bác sỹ được làm chuyên môn thực tế nhiều hơn giúp nâng cao trình độ chuyên môn; năng lực thu dung, cấp cứu điều trị của các bệnh xá vùng, cụm lực lượng được nâng lên, tương đương bệnh viện hạng 3 khu vực”.

Đảng ủy, thủ trưởng Bộ Tư lệnh đã cho phép ngành Quân y chủ động kết nối với các bệnh viện quân y (Bệnh viện 108, 105, 103...) và các bệnh viện lớn có uy tín như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Huyết học truyền máu Trung ương để có chương trình đào tạo chuyên sâu, nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ y, bác sĩ. 5 năm qua, Quân chủng đã gửi đi đào tạo các chuyên ngành chuyên sâu cho gần 400 lượt y, bác sĩ; mời hàng trăm chuyên gia đầu ngành trực tiếp huấn luyện chuyển giao kỹ thuật làm chủ trang thiết bị y tế và cầm tay chỉ việc, bồi dưỡng chuyên môn cho các y, bác sĩ Hải quân. Ngoài ra, Quân y Hải quân cũng tự bồi dưỡng cho hơn 500 cán bộ, nhân viên quân y các vùng, cụm lực lượng. Qua đó, khả năng khám, tư vấn, chăm sóc sức khỏe bộ đội được nâng lên rõ rệt.

Do lực lượng quân y thiếu so với biên chế, ngành Quân y Hải quân đã chủ động xây dựng kế hoạch huy động hàng trăm lượt y, bác sĩ ở tất cả các đơn vị trong toàn Quân chủng thực hiện nhiệm vụ trên biển khi có tình huống xảy ra. Cùng với đó, Quân chủng đã hiệp đồng xong với 5 quân khu ven biển (Quân khu 3, 4, 5, 7, 9) về tăng cường lực lượng. Theo đó, khi có tình huống trên biển, mỗi quân khu ven biển tăng cường cho Hải quân từ 30 đến 35 y, bác sĩ/đợt (1 kíp mổ và 30 y sĩ nam) thực hiện nhiệm vụ trên biển. Đồng thời, triển khai huấn luyện cho lực lượng này làm quen với điều kiện sóng gió, công việc cứu chữa thương binh trên tàu khi thực hiện nhiệm vụ dài ngày trên biển.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, chăm sóc sức khỏe bộ đội, nhất là lực lượng Trường Sa, Nhà giàn DK1 trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc, Quân chủng đã củng cố, xây dựng mới, bổ sung trang thiết bị y tế cho các bệnh xá ở khu vực này; kết nối hệ thống Telemedicine giữa các bệnh xá đảo nổi với các bệnh viện lớn trong quân đội (108, 175) để cấp cứu, điều trị...

Năm 2020 là một năm đặc biệt bởi dịch bệnh Covid-19. Thành công lớn của ngành Quân y Hải quân là đã ngăn chặn hiệu quả, không để dịch bệnh xâm nhập vào các đơn vị. Đại tá Luyến chia sẻ thêm: Ngành đã tích cực chủ động trong việc xây dựng kế hoạch, triển khai chống dịch Covid-19 trong toàn Quân chủng; thực hiện tốt việc báo cáo, nắm tình hình dịch bệnh hàng ngày từ đơn vị cơ sở đến cơ quan Quân chủng để kịp thời chỉ đạo chống dịch; kiện toàn gần 150 tổ quân y, triển khai 48 khu cách ly; tiếp nhận và chăm sóc gần 200 công dân từ vùng dịch về nước tại Đoàn 22 (Cục Chính trị) và 63 quân nhân đi học tập, công tác từ Liên bang Nga về tại Lữ đoàn 679, Vùng 1... Riêng đối với lực lượng đi đảo, nhà giàn, tàu trực dài ngày trên biển thì phải cách ly tập trung ít nhất 14 ngày trước khi đi thực hiện nhiệm vụ.

Đại tá Đỗ Tấn Hồng, Phó Chủ nhiệm Hậu cần Hải quân khẳng định: Quân chủng Hải quân đóng quân trên địa bàn rộng khắp, trải dài từ Bắc vào Nam, từ trong đất liền ra đến biển, đảo xa xôi với các địa hình khác nhau, thời tiết khắc nghiệt. Bộ đội phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, trước hết bộ đội phải có sức khỏe tốt. Vì vậy, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của Quân chủng trong thời kỳ mới, ngành Hậu cần Hải quân nói chung và ngành Quân y Hải quân nói riêng đã nỗ lực triển khai các biện pháp cụ thể, đồng bộ nhằm quản lý, chăm sóc tốt sức khỏe cho bộ đội. Điều đó được thể hiện bằng kết quả cụ thể, đó chính là quân số khỏe hàng năm của Quân chủng đều đạt và vượt chỉ tiêu quy định với tỷ lệ trung bình là 98,86%”.

Bài, ảnh: Phúc Vinh

Giai đoạn 2015-2020, Quân chủng tổ chức khám sức khỏe định kỳ hàng năm cho các đối tượng đạt trên 96% tổng quân số. Qua đó phân loại sức khỏe cán bộ, chiến sĩ; phát hiện, quản lý số người mắc bệnh mạn tính, có sức khỏe loại 3 và 4 để tư vấn, điều trị kịp thời, đồng thời tích cực hướng dẫn, quy định chế độ công tác, ăn uống, sinh hoạt cho phù hợp. Quân chủng kiên quyết không để những đồng chí có sức khỏe loại 3,4 công tác ở tàu, đảo; hạn chế thấp nhất tỷ lệ đột tử, tử vong nhanh.

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn