Tăng cường giải pháp hạn chế vi phạm pháp luật Nhà nước, kỷ luật quân đội: Kỳ 2 - HẠN CHẾ, NGUYÊN NHÂN VÀ BÀI HỌC KINH NGHIỆM
HQVN -
7 tháng đầu năm nay, bên cạnh nhiều chuyển biến tiến bộ rất đáng ghi nhận, việc chấp hành pháp luật Nhà nước, kỷ luật quân đội (PLNN, KLQĐ) và bảo đảm an toàn ở một số cơ quan, đơn vị vẫn còn hạn chế, khuyết điểm cần rút kinh nghiệm. Toàn Quân chủng còn để xảy ra 13 vụ vi phạm KLQĐ, trong đó có 6 vụ mất an toàn giao thông và 2 vụ đuối nước. Vậy nguyên nhân do đâu, bài học kinh nghiệm cần rút ra là gì?
Hạn chế và nguyên nhân
Theo báo cáo về kết quả chấp hành pháp luật, kỷ luật 7 tháng đầu năm 2021 của Bộ Tham mưu, các vụ mất an toàn trong thời gian qua chủ yếu là do nguyên nhân chủ quan. Theo đó, 3 vụ mất an toàn giao thông xảy ra ở Vùng C nguyên nhân được xác định là do người điểu khiển xe máy tham gia giao thông không nắm chắc Luật Giao thông, thiếu chú ý quan sát, không làm chủ tốc độ và đã sử dụng rượu, bia những vẫn điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Nhất là còn một vụ mất an toàn giao thông là do vi phạm quy định cấm chiến sĩ điều khiển xe mô tô. Còn 2 vụ đuối nước xảy ra vừa qua là do các cá nhân không chấp hành nghiêm quy định bảo đảm an toàn khi hoạt động dưới nước: Đi bơi một mình, đi bơi ở khu vực cấm, không khởi động kỹ, còn biểu hiện chủ quan nghĩ mình bơi tốt nên không có biện pháp bảo đảm an toàn… Cá biệt, một số quân nhân còn thiếu ý thức tu dưỡng, rèn luyện, chấp hành các quy định không nghiêm dẫn đến vi phạm “3 dứt điểm”, vi phạm KLQĐ...
Kiểm tra nồng độ cồn quân nhân tham gia giao thông khi ra ngoài doanh trại ở Vùng 4 Hải quân. Ảnh: Trọng Thiết
Theo Thượng tá Vũ Hữu Kiêm, Trưởng phòng Tuyên huấn, Cục Chính trị: Bên cạnh một số đơn vị làm tốt công tác giáo dục, tuyên truyền, góp phần quản lý kỷ luật hiệu quả thì vẫn còn có đơn vị chưa coi trọng công tác giáo dục, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Các nội dung của “Ngày pháp luật” chưa phong phú, hiệu quả. Các mô hình giáo dục pháp luật mới chỉ dừng lại ở việc thông tin các chính sách pháp luật, quy định trong quân đội một cách khô cứng mà chưa mềm hoá, lồng ghép vào trong sinh hoạt, huấn luyện hằng ngày để bộ đội thấm, ngấm; chưa coi trọng rút kinh nghiệm các vụ việc xảy ra ở đơn vị khác để ngăn chặn, phòng ngừa ở đơn vị mình.
Có một điểm chung mà lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị đều nhận thấy là, quân nhân vi phạm kỷ luật bên cạnh ý thức cá nhân thì điều quan trọng là việc quán triệt các quy định, chỉ thị của trên về đảm bảo an toàn và chấp hành kỷ luật chưa nghiêm. Công tác nắm, dự báo tình hình vi phạm của đơn vị còn hạn chế, chưa đề ra được các biện pháp quyết liệt để ngăn chặn, phòng ngừa hiệu quả. Một số cán bộ chủ trì còn buông lỏng quản lý, chưa thực hiện đúng, đủ chức trách, nhiệm vụ và các quy định trong điều lệnh quản lý bộ đội, đặc biệt là trong ngày nghỉ, giờ nghỉ, sau 22 giờ. Việc xử lý vụ việc vi phạm kỷ luật (VPKL) chưa kiên quyết, triệt để, thiếu kịp thời và nghiêm minh, thậm chí còn giấu khuyết điểm vì sợ mất thành tích. Qua các vụ việc vi phạm năm nay, Quân chủng đều chỉ đạo xử lý rất nghiêm. Một số cán bộ, chỉ huy đơn vị đã bị kỷ luật liên đới do để quân nhân dưới quyền vi phạm kỷ luật (Trung tâm Huấn luyện Vùng C...).
Bài học kinh nghiệm
Có một thực tế là ở đâu cấp ủy, chỉ huy sâu sát bộ đội cả trong sinh hoạt, học tập, rèn luyện hằng ngày thì ở đó VPKL, pháp luật rất ít xảy ra. Điều này đã được chứng minh tại Lữ đoàn 955, Vùng 4, đơn vị có vụ vi phạm PLNN nghiêm trọng năm 2020 nhưng sang 7 tháng đầu năm 2021 đảm bảo an toàn mọi mặt. Một số cơ quan, đơn vị khác vốn là “điểm nóng” về VPKL nhưng 7 tháng đầu năm nay đều có sự chuyển biến tiến bộ.
Phi công DHC 6 báo cáo công tác bảo đảm an toàn bay trước giờ làm nhiệm vụ ở Lữ đoàn Không quân Hải quân 954. Ảnh: Trọng Thiết
Qua trao đổi với chỉ huy các đơn vị, chúng tôi thấy ở đâu cấp ủy, chỉ huy vào cuộc thật sự, nhất là tăng cường vai trò làm gương, đề ra chủ trương, biện pháp sát, đúng, quyết liệt, hiệu quả, tăng cường kiểm tra, giám sát, nhất là sâu sát bộ đội, biết phát huy sức mạnh tổng hợp thì ở đó có sự chuyển biến tiến bộ về chấp hành pháp luật, kỷ luật.
Từ các vụ việc vi phạm của đơn vị, theo Đại tá Vũ Đình Hiển, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Vùng 3, kinh nghiệm rút ra là: Để giảm thiểu tình trạng vi phạm kỷ luật và tai nạn giao thông, lãnh đạo, chỉ huy các cấp phải thực hiện nghiêm các quy định về quản lý bộ đội, đặc biệt là trong ngày nghỉ, giờ nghỉ. Có sự phân công, phân nhiệm và trách nhiệm rõ ràng, tránh sự giao khoán, ít kiểm tra cán bộ cấp dưới, đặc biệt là cán bộ cấp phân đội. Trong xử lý phải kiên quyết, triệt để, kịp thời đồng thời phải tăng cường giáo dục, tuyên truyền để bộ đội nắm và chấp hành nghiêm kỷ luật, pháp luật.
Nắm bắt tâm tư, tình cảm, các mối quan hệ của các đối tượng có nguy cơ cao vi phạm “3 dứt điểm” cũng là khâu quan trọng trong quản lý kỷ luật. Không chỉ cấp ủy, chỉ huy mà phải có sự tham gia vào cuộc của các tổ chức quần chúng, phát huy các mô hình “Tổ tư vấn tâm lý-pháp luật”, “Tổ 3 người” để tìm hiểu, định hướng tư tưởng, đồng thời giúp quân nhân tìm ra các biện pháp tháo gỡ khó khăn, tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra. Bên cạnh đó, việc phối hợp tốt với chính quyền địa phương, công an khu vực và gia đình cũng là một trong những bài học rút ra từ giải quyết các vụ việc vi phạm về vay mượn tiền vượt khả năng chi trả xảy ra ở một số đơn vị.
Giờ huấn luyện bơi ở Học viện Hải quân luôn có giáo viên duy trì quản lý và lực lượng cứu hộ khi cần. Ảnh: Trọng Thiết
Quán triệt, thực hiện nghiêm các quy định về bảo đảm an toàn, kết hợp tăng cường quản lý bộ đội trong ngày nghỉ, giờ nghỉ và khi đi công tác xa, dài ngày cũng là bài học kinh nghiệm mà đơn vị có vụ việc vi phạm đưa ra. Đại tá Dương Minh Hải, Viện trưởng Viện Kỹ thuật Hải quân cho rằng: Việc quán triệt không chỉ được thực hiện tại đơn vị mà còn phải thường xuyên, liên tục ngay tại đơn vị có cán bộ thường xuyên đi công tác xa, có thể triển khai bằng văn bản, qua các buổi giao ban hoặc thậm chí là qua điện thoại, bởi có những vi phạm không lường trước được do lơ là, chủ quan, nắm các quy định chưa kỹ, chưa sâu…
Phát biểu tại Hội nghị rút kinh nghiệm về chấp hành pháp luật, kỷ luật 7 tháng đầu năm của Quân chủng, Chuẩn Đô đốc Trần Thanh Nghiêm, Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Hải quân chỉ đạo: Các đơn vị phải xác định kỷ luật là xương sống để duy trì, triển khai các nhiệm vụ. Kỷ luật là để răn đe, nhưng phải kết hợp hài hòa với tuyên truyền, giáo dục để bộ đội có nhận thức đúng chuyển sang hành động đúng, từ đó nghiêm túc chấp hành pháp luật, kỷ luật, quy định… Từ những vụ việc của các cơ quan, đơn vị khác, các đơn vị phải lấy làm bài học kinh nghiệm cho cơ quan, đơn vị mình để chủ động dự báo tình hình, kịp thời xử lý, không để xảy ra hậu quả đáng tiếc…
Trọng Thiết, Xuân Hương
------------------------------------------
Kỳ 3: Các giải pháp hạn chế vi phạm pháp luật Nhà nước, kỷ luật quân đội
Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn
- Lữ đoàn 602: 145 lượt tập thể và cá nhân được các cấp khen thưởng - ( 28-11-24 03:00 )
- Lữ đoàn 170: Hội nghị Quân chính năm 2024 - ( 28-11-24 03:00 )
- Lữ đoàn 679: Hội thi sĩ quan cấp phân đội, hội thao quân nhân QNCN - ( 27-11-24 09:00 )
- Lữ đoàn 126: Hội thi cán bộ đại đội và các chức danh tương đương - ( 26-11-24 02:00 )
- Hội đồng thi đua - khen thưởng Quân chủng tổng kết phong trào thi đua quyết thắng năm 2024 - ( 25-11-24 02:00 )