Sáng rõ bài học lịch sử, bồi đắp chủ nghĩa anh hùng cách mạng

Hội thảo khoa học cấp quốc gia với chủ đề: “Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968-Bước ngoặt quyết định và bài học lịch sử” do Bộ Quốc phòng, Ban Tuyên giáo Trung ương và Thành ủy TP. Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức ngày 29-12 là sự kiện quan trọng trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.

Tham dự hội thảo có các đồng chí: Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh. Các đồng chí nguyên Ủy viên Bộ Chính trị: Đại tướng Phạm Văn Trà, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Đại tướng Phùng Quang Thanh, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Thượng tướng Phạm Thanh Ngân, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; Lê Thanh Hải, nguyên Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh... cùng đại diện lãnh đạo nhiều bộ, ban, ngành, địa phương và hơn 500 đại biểu lão thành cách mạng, cựu chiến binh, nhân chứng lịch sử, đại diện tuổi trẻ và các nhà khoa học, nhà nghiên cứu… trong cả nước.

Chủ trương đúng đắn, sáng tạo của Đảng

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thượng tướng Lê Chiêm, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nêu rõ: “Hội thảo lần này là một trong những hoạt động quan trọng góp phần tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang (LLVT) và nhân dân, nhất là thế hệ trẻ phát huy truyền thống cách mạng, hun đúc tinh thần yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội (CNXH), lòng tự hào, tự tôn dân tộc, truyền thống đại đoàn kết trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc"... 

Các nhân chứng lịch sử tham gia hội thảo

Cuộc hội thảo được tổ chức tại địa điểm 50 năm trước là chiến trường trọng điểm. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Sài Gòn-Gia Định trước đây, TP. Hồ Chí Minh hôm nay luôn dốc sức cho sự nghiệp cách mạng, khẳng định ý chí, bản lĩnh Nam Bộ thành đồng. Với ý nghĩa đó, phát biểu chào mừng hội thảo, đồng chí Tất Thành Cang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Từ hội thảo khoa học quan trọng này, quân và dân TP. Hồ Chí Minh sẽ tiếp thu được nhiều nội dung sâu sắc, tiếp tục vun đắp lòng yêu nước và truyền thống cách mạng hào hùng, trân trọng và giữ gìn những thành quả mà cha ông đã dày công vun đắp. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố nguyện phát huy truyền thống kiên cường, năng động, sáng tạo và hào khí Tổng tiến công, nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, tiếp tục phấn đấu “đi trước, về đích trước” trong sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa “vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Thay mặt Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, phát biểu chỉ đạo hội thảo, Đại tướng Ngô Xuân Lịch yêu cầu: Hội thảo cần tập trung phân tích làm rõ, khẳng định đường lối, chủ trương và sự lãnh đạo của Đảng là cội nguồn thắng lợi với tư tưởng chiến lược tiến công, dám đánh, dám thắng đế quốc Mỹ xâm lược và chính quyền ngụy Sài Gòn ngay tại sào huyệt của chúng; làm rõ sự đoàn kết, thống nhất, phối hợp các lực lượng, trong đó LLVT là nòng cốt; kế thừa và phát huy nghệ thuật quân sự Việt Nam lên tầm cao mới; kết hợp chặt chẽ đấu tranh chính trị với đấu tranh quân sự và ngoại giao, tận dụng sức mạnh thời đại và sự ủng hộ của nhân dân tiến bộ trên thế giới; rút ra bài học lịch sử có giá trị lý luận, thực tiễn về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 để vận dụng, phát huy vào công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hiện nay...

Cùng với thời gian, giá trị của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy ngày càng được khẳng định, trở thành biểu tượng của ý chí quyết chiến, quyết thắng, khí phách quật cường và khát vọng hòa bình, độc lập của toàn thể dân tộc Việt Nam. Trong phát biểu đề dẫn hội thảo, Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị đề nghị: “Bằng tư duy khách quan, khoa học và cách tiếp cận mới, hội thảo tập trung làm rõ những nội dung chủ yếu, gồm: Bối cảnh, tình hình thực tiễn để khẳng định chủ trương đúng đắn, sáng suốt của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh; tái hiện diễn biến và những nét độc đáo của nghệ thuật quân sự Việt Nam trong cuộc tổng tiến công, trình độ chỉ huy, khả năng cơ động và phối hợp chiến đấu giữa các lực lượng trên chiến trường miền Nam… từ đó, rút ra ý nghĩa và bài học kinh nghiệm của sự kiện…”.

Qua hơn 100 tham luận gửi đến hội thảo, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 được tái hiện một cách chân thực, hào hùng. Trong tham luận gửi về hội thảo, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh, Tham mưu trưởng Bộ chỉ huy Miền năm 1968 khẳng định: Với tầm nhìn xa, trông rộng, Bác Hồ và Bộ Chính trị đã nhận thấy ở thời điểm đó ta không đủ sức đánh bại cùng một lúc cả đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn để giành thắng lợi hoàn toàn nên đã chủ trương chia thành 2 nhịp: “Đánh cho Mỹ cút”, rồi tiến tới “đánh cho ngụy nhào”. Cuộc Tổng tiến công, nổi dậy cùng với những cú “đánh bồi” đã tạo nên một đòn đủ nặng làm nhụt ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, tạo ra bước ngoặt của cuộc chiến tranh, buộc chúng phải xuống thang, ngồi vào bàn đàm phán.

Dưới góc nhìn khoa học lịch sử, PGS, TS Vũ Quang Hiển (Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội) nêu rõ: “Trên cơ sở nắm chắc diễn biến, đồng thời nhận định chính xác khả năng phát triển của chiến tranh cách mạng ở miền Nam, cũng như cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của miền Bắc; nhận rõ sự lúng túng tiến thoái lưỡng nan của chính quyền Mỹ và tình hình chiến sự, Bộ Chính trị đã quyết định tổng công kích, tổng khởi nghĩa trên toàn chiến trường miền Nam, nhằm đập tan ý chí xâm lược và buộc Mỹ phải thất thủ ở miền Nam, chấm dứt mọi hành động chiến tranh đối với miền Bắc”.

Kết quả nghiên cứu của Thiếu tướng, PGS, TS Nguyễn Văn Bạo, Giám đốc Học viện Chính trị cho thấy: Điểm nổi bật trong chỉ đạo chiến lược của Đảng là xác định phương pháp tiến công táo bạo với cách đánh hoàn toàn mới: Tổng công kích và Tổng khởi nghĩa để giành thắng lợi quyết định; đồng thời lựa chọn thời cơ đúng để đạt hiệu quả cao; lựa chọn đúng hướng tiến công chủ yếu nhằm vào đô thị, nơi tập trung cơ quan đầu não của chính quyền Sài Gòn; tổ chức lực lượng gây bất ngờ cho đối phương… Đây là quyết định sáng suốt được thể hiện ở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy đã tạo ra một sự thay đổi đột biến về cục diện chiến tranh trên cả 3 mặt: Chiến lược, lực lượng và chính trị, mở ra giai đoạn mới “vừa đánh, vừa đàm”.

Sức mạnh cộng hưởng và ý chí quật cường

Trong tham luận của mình, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân khẳng định: Với quyết tâm xây dựng lực lượng cách mạng tạo sức mạnh tổng hợp, Khu ủy Sài Gòn-Gia Định đặc biệt chú trọng chỉ đạo củng cố các cơ sở đảng, phát triển Đảng trong công nhân, học sinh, sinh viên ưu tú; tăng cường công tác lãnh đạo vùng ven, xây dựng cơ sở cách mạng, chuẩn bị kho bí mật cất giấu vũ khí và những chỗ ém quân… Chỉ trong thời gian ngắn, gần 400 cơ sở, 9 mục tiêu tiến công và nhiều nhiệm vụ khác đều được Đảng bộ, LLVT và nhân dân Sài Gòn-Gia Định chuẩn bị hoàn tất với quyết tâm cao; xây dựng 19 cơ sở cách mạng (hồi đó gọi là “lõm” chính trị), với 325 gia đình sát sào huyệt địch ở nội đô. Đó là nhờ tinh thần đoàn kết, ý chí quật cường tạo nên sức mạnh sẵn sàng đánh địch.

Kết quả của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 là sự hòa quyện của thế và lực, của điều kiện vật chất, tinh thần và sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng cả trong nước và quốc tế. Đề cập vấn đề này, tham luận của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã nêu rõ: Suốt thời gian diễn ra Tổng tiến công và nổi dậy, mặt trận ngoại giao đã liên tục triển khai các mũi tiến công để tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè và dư luận quốc tế, khơi mào cho hàng nghìn cuộc biểu tình, mít tinh, tuần hành vì Việt Nam diễn ra ở nhiều thủ đô trên thế giới… Có thể nói, ngoại giao đã góp phần quan trọng mở rộng mặt trận nhân dân thế giới đoàn kết ủng hộ nhân dân Việt Nam chống Mỹ.

PGS, TS Lê Hữu Phước (Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh) nhấn mạnh thêm: “Không chỉ phối hợp đa dạng lực lượng, phát huy sức mạnh trong nước và quốc tế, ngay tại địa bàn Sài Gòn-Gia Định, ta đã mưu trí, sáng tạo đưa chiến tranh vào tận sào huyệt đầu não của đối phương. Các tiểu đoàn mũi nhọn thuộc các phân khu cũng nhanh chóng cơ động lực lượng, tiếp cận địa bàn, phối hợp với lực lượng biệt động tiến công rộng khắp. Sau 7 ngày cao điểm tập kích chiến lược của đợt 1, chúng ta đã “đưa chiến tranh vào lòng nước Mỹ”, làm xuất hiện tư tưởng dao động trong quan chức Mỹ, cho rằng nước Mỹ sẽ không bao giờ đạt được thành công ở Việt Nam bằng phương tiện quân sự, bởi ý chí đanh thép của người Việt Nam”.

Minh chứng cho nhận định của PGS, TS Lê Hữu Phước, nhân chứng lịch sử Nguyễn Đức Hòa, nguyên chiến sĩ đặc công biệt động nêu dẫn chứng: “Ngay trong ngày đầu tiên đợt 1 cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, chúng tôi đảm nhiệm tiến công dinh Độc lập, 1 trong 5 mục tiêu trọng yếu, đầu não của chính quyền Sài Gòn. Dù chỉ còn lại 7 người nhưng chúng tôi kiên cường bám trụ, bắn đến viên đạn cuối cùng. Tuy chưa giành thắng lợi nhưng đã khiến quân địch hoang mang lo sợ, bởi “phủ Đầu rồng” không còn là nơi bất khả xâm phạm”.

Ý chí, sức mạnh tổng hợp đó đã làm nên cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, khiến Tổng thống Mỹ Lyndon B. Johnson phải phát biểu trên Đài truyền hình liên bang Hoa Kỳ, tuyên bố đơn phương chấm dứt ném bom Việt Nam Dân chủ Cộng hòa từ vĩ tuyến 20 trở ra. Mỹ sẵn sàng cử đại diện đàm phán với Việt Nam… Cuối cùng, Lyndon B. Johnson phải chua chát tuyên bố: "Tôi sẽ không tìm kiếm và sẽ không chấp nhận sự đề cử đưa tôi ra ứng cử tổng thống nhiệm kỳ mới nữa".

Xây dựng vững chắc “Thế trận lòng dân”

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đã tiếp tục khẳng định bài học dựa vào dân, lấy dân làm gốc, gắn bó máu thịt với nhân dân, bảo đảm sự đồng thuận tạo sức mạnh đồng bộ. Các tham luận đều nhận định “thế trận lòng dân” luôn là nền tảng cho mọi thắng lợi. Trong tham luận gửi về hội thảo, Thượng tướng Lương Cường, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị khẳng định: Vai trò của “Thế trận lòng dân” được thể hiện rõ trong suốt tiến trình lịch sử dân tộc, trong đó có cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Trong giai đoạn hiện nay, cần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc và mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước và chế độ XHCN; xây dựng “Thế trận lòng dân”, tạo tiền đề vững chắc để xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững chắc.

Từ cơ sở lý luận và thực tiễn tiến hành CTĐ, CTCT, Trung tướng Phạm Văn Dỹ, Chính ủy Quân khu 7 nhìn nhận: “Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy, “Thế trận lòng dân” được tổ chức rộng khắp, có hiệu quả. Mặc dù thời điểm đó ở Sài Gòn, do nhiều nguyên nhân chúng ta chỉ sử dụng một phần chủ lực, còn phần lớn là đặc công biệt động... Sự tham gia giúp đỡ hăng hái của đông đảo nhân dân đối với các lực lượng đã phản ánh sâu sắc chính nghĩa của cuộc kháng chiến và khát vọng độc lập, tự do, thống nhất đất nước. “Thế trận lòng dân” không chỉ là chỗ dựa cho các đơn vị vũ trang mà còn trực tiếp gây cho địch nhiều khó khăn, làm cho chúng hoang mang, dao động. Từ bài học sâu sắc đó, Quân khu 7 luôn chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng “Thế trận lòng dân” để củng cố tiềm lực quốc phòng”.

TS Nguyễn Thị Thu Hà, Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền (Ban Tuyên giáo Trung ương) bổ sung: Trong Tổng tiến công, tại Sài Gòn-Gia Định, “Thế trận lòng dân” được triển khai vừa có diện rộng, vừa có chiều sâu. Sự tham gia của đông đảo các lực lượng chính là “Thế trận lòng dân” đã được phát huy cao độ. Ngày nay, các ban, ngành, đơn vị LLVT cần vận dụng để củng cố vững chắc mối quan hệ đoàn kết, gắn bó quân dân, xây dựng “Thế trận lòng dân” vững chắc…

Kết luận hội thảo, Thượng tướng Lê Chiêm đánh giá cao tham luận của các đại biểu đồng thời nhấn mạnh: Hội thảo đã làm rõ vai trò, giá trị của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, làm thay đổi cục diện chiến trường với nhiều bài học quý về nghệ thuật chiến tranh nhân dân còn nguyên giá trị. Các tư liệu mới cần tiếp tục tổng hợp, sưu tầm để nghiên cứu vận dụng vào thực tiễn tại các cơ quan, đơn vị đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền để các đối tượng hiểu rõ hơn về tầm vóc lịch sử của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy, nhằm bồi đắp truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng cho thế hệ trẻ.

Nửa thế kỷ đã trôi qua nhưng bản hùng ca Mậu Thân 1968 vẫn vang mãi giai điệu tự hào, khẳng định bản lĩnh, trí tuệ con người Việt Nam, thôi thúc toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta củng cố quyết tâm, niềm tin, ý chí, bản lĩnh, trí tuệ và tinh thần đại đoàn kết xây dựng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Theo QĐND điện tử

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn