Quân chủng Hải quân: Nâng cao chất lượng sửa chữa tàu, xuồng và phương tiện nổi

HQVN -

Quân chủng Hải quân quản lý, sử dụng số lượng lớn tàu, xuồng, phương tiện nổi (PTN). Giai đoạn 2017-2020, Cục Kỹ thuật đã tham mưu cho Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Hải quân đồng thời tổ chức quản lý, hướng dẫn, chỉ đạo, thực hiện sửa chữa tàu, xuồng, PTN đạt hiệu quả, an toàn, tiết kiệm, đúng quy định, phục vụ kịp thời cho các nhiệm vụ.

Đại tá Đỗ Quốc Ân, Chủ nhiệm Kỹ thuật Hải quân cho biết: Để nâng cao chất lượng sửa chữa tàu, xuồng, PTN, hàng năm, chỉ huy Cục Kỹ thuật đã giao nhiệm vụ cho các phòng chức năng chủ động phối hợp với các đơn vị, cơ sở sửa chữa kiểm tra, rà soát, xây dựng kế hoạch, phương án sửa định kỳ để báo cáo Tư lệnh Hải quân phê duyệt. Sau đó, Cục Kỹ thuật (thường trực là Phòng Quản lý kỹ thuật tàu) chủ động hiệp đồng với các đơn vị và nhà máy, tổ chức quản lý, đôn đốc, chỉ đạo, triển khai sửa chữa tàu theo đúng kế hoạch, bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu sử dụng trang bị của Quân chủng và các đơn vị.

Cán bộ Cục Kỹ thuật kiểm tra sửa chữa tàu tại Hải đoàn 129, Quân cảng Sài Gòn

Khó khăn lớn nhất trong công tác sửa chữa là tàu, thuyền, VKTBKT của các đơn vị trong Quân chủng đã qua nhiều năm sử dụng, sửa chữa nhiều lần nên khả năng đồng bộ kém. Kinh phí bảo đảm có hạn, trong khi nguồn vật tư đặc chủng, vật tư thay thế của một số lớp tàu thế hệ cũ do nước ngoài sản xuất khan hiếm trên thị trường, giá thành cao. Để khắc phục khó khăn đó, cơ quan chức năng Quân chủng đã phối hợp với các đơn vị khảo sát, bàn biện pháp cụ thể trong quản lý và tổ chức sửa chữa, nhằm đảm bảo tình trạng và hệ số kỹ thuật của tàu, VKTBKT ổn định cho các nhiệm vụ.

Đại tá Lê Vũ, Trưởng phòng Quản lý kỹ thuật tàu cho biết: Cục Kỹ thuật yêu cầu các đơn vị, cơ sở sửa chữa xây dựng và quản lý chặt chẽ hạng mục sửa chữa, hạn chế thấp nhất việc phát sinh trong quá trình sửa chữa. 4 năm qua, các đơn vị tàu trong Quân chủng đã làm tốt công tác chỉ đạo các tàu lập bản hạng mục yêu cầu sửa chữa, được cơ quan kỹ thuật kiểm tra, rà soát, ký xác nhận và báo cáo Cục Kỹ thuật theo đúng quy định. Một số đơn vị đã chủ động giao nội dung bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa nhỏ trang bị theo phân cấp cho tàu, trạm, xưởng, kịp thời phát hiện và khắc phục sự cố ngay tại đơn vị nên đã giảm được chi phí sửa chữa lớn cho tàu, PTN mà vẫn đảm bảo duy trì tốt tình trạng kỹ thuật.

Tàu Kiểm ngư sửa chữa tại Nhà máy X52, Cục Kỹ thuật Hải quân

Là đơn vị quản lý số lượng tàu lớn nhất Quân chủng, 4 năm qua, Vùng 4 đã đưa trên 150 lượt tàu, xuồng, PTN đi sửa chữa tại các nhà máy trong và ngoài Quân chủng theo kế hoạch sửa chữa định kỳ. Các tàu sau khi sửa chữa đưa vào sử dụng hoạt động ổn định, một số tàu hoạt động dài ngày trên biển, xa bờ với độ tin cậy cao, giúp đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ. Trung tá Nguyễn Đức Điền, Chủ nhiệm Kỹ thuật Vùng 4 cho biết: Cùng với thực hiện nhiệm vụ sửa chữa tàu tại các nhà máy, các đơn vị trong Vùng còn duy trì chế độ công tác kỹ thuật thường xuyên, nghiêm túc; thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động 50, hai khâu đột phá công tác kỹ thuật và phong trào “Xây dựng tàu chính quy, mẫu mực”, góp phần nâng cao chất lượng tàu, xuồng, VKTBKT, giảm bớt khó khăn cho công tác sửa chữa tại nhà máy.

Cũng theo Trung tá Nguyễn Đức Điền, để nâng cao chất lượng sửa chữa tàu, xuồng, PTN, cơ quan kỹ thuật các cấp cần nắm chắc tình trạng kỹ thuật trang bị, làm cơ sở xây dựng kế hoạch sửa chữa sát với yêu cầu, nhiệm vụ đồng thời tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc sửa chữa. Bên cạnh đó, các đơn vị cần tập trung thực hiện tốt 5 khâu trong quản lý sửa chữa và có kế hoạch tự học tập, nghiên cứu làm chủ VKTBKT khi tàu sửa chữa tại nhà máy.

Trong những năm qua, Xí nghiệp sửa chữa, Hải đoàn 129, Quân cảng Sài Gòn được cấp trên giao nhiệm vụ tiếp nhận và sửa chữa nhiều tàu, xuồng, PTN cho các đơn vị trong Quân chủng. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, Xí nghiệp đã chấp hành đúng các quy định, quy trình sửa chữa. Trung tá Trần Xuân Hòa, Giám đốc Xí nghiệp sửa chữa, Hải đoàn 129 cho biết: Chúng tôi thực hiện nghiêm công tác kiểm tra, giám sát, theo dõi sửa chữa, nghiệm thu kỹ thuật, bàn giao tàu trước và sau khi sửa chữa theo đúng quy định. Tổ kiểm tra chất lượng của đơn vị luôn phát huy vai trò, trách nhiệm trong theo dõi, giám sát, kiểm tra sửa chữa. Nhờ đó, các sản phẩm sau sửa chữa đều đảm bảo chất lượng và tính đồng bộ kỹ thuật cao, không có hư hỏng phát sinh, bàn giao và đưa vào sử dụng đúng tiến độ; được cơ quan chức năng Quân chủng, khách hàng đánh giá cao.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng sửa chữa tàu, xuồng, PTN, Cục Kỹ thuật đã đề xuất, kiến nghị với thủ trưởng Bộ Tư lệnh Hải quân nhiều giải pháp sát thực; trong đó chỉ đạo các đơn vị quản lý tàu triển khai xây dựng hạng mục sửa chữa, phối hợp với các nhà máy, xí nghiệp, cơ quan chức năng Quân chủng (theo phân cấp) khảo sát tình trạng kỹ thuật trang bị trước khi đưa trang bị vào nhà máy 2 đến 3 tháng. Cùng với đó, Phòng Quản lý kỹ thuật tàu chủ động bố trí, sắp xếp, đưa các tàu đi sửa chữa cấp đốc tại các nhà máy, trạm, xưởng phù hợp để phát huy tối đa năng lực của đơn vị; kết hợp việc sửa chữa và huấn luyện nâng cao trình độ kỹ thuật cho bộ đội, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ ngày càng cao của Quân chủng và các đơn vị trong thời gian tới.

Bài, ảnh: Duy Khánh

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn