Phần mềm quản lý, lưu trữ hồ sơ sức khỏe quân nhân

HQVN -

Trong buổi nghiệm thu các nhiệm vụ sử dụng quỹ hiện đại hóa Quân chủng năm 2022 tháng 3 vừa qua, tôi ấn tượng về đề tài Phần mềm quản lý, lưu trữ hồ sơ sức khỏe quân nhân của Thượng tá Trương Văn Tứ, Trưởng phòng Quân y, Cục Hậu cần Hải quân. Đây cũng là đề tài đầu tiên về ứng dụng công nghệ thông tin trong lưu trữ hồ sơ, quản lý sức khỏe cho bộ đội ở Quân chủng Hải quân.

Bất cập trong lưu trữ hồ sơ    

Thượng tá Trương Văn Tứ cho biết: Xuất phát từ việc quản lý hồ sơ sức khỏe bằng phiếu hoặc sổ gây khó khăn trong việc theo dõi kết quả khám sức khỏe hàng năm. Khi quân nhân chuyển đơn vị, sổ sức khỏe bị rách, kết quả siêu âm, điện tim mờ, mất thời gian để tra cứu… Từ những lý do đó, chúng tôi tiến hành nghiên cứu xây dựng phần mềm quản lý hồ sơ sức khỏe bộ đội Vùng 4, các lực lượng thay phiên trên huyện đảo Trường Sa và các tàu đi công tác.

Để thực hiện nghiên cứu, chủ nhiệm đề tài và các cộng sự đã khảo sát thực tế việc lập và lưu trữ hồ sơ sức khỏe tại 9 đơn vị của Quân chủng, bao gồm: Lữ đoàn 131; Quân y cơ quan; Hải đội 4, Vùng 1; Đoàn đo đạc biên vẽ hải đồ và nghiên cứu biển; Tiểu đoàn DK1, Lữ đoàn 171, Vùng 2; Trung tâm Y tế Tân cảng, Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn; Lữ đoàn 146, Lữ đoàn 957, Vùng 4. Đối tượng khảo sát là hồ sơ sức khỏe của những quân nhân nhập ngũ từ năm 2016 trở về trước.

Lấy mẫu xét nghiệm kiểm tra sức khỏe định kỳ ở Lữ đoàn 162, Vùng 4. Ảnh: CTV

Kết quả khảo sát cho thấy tất cả các đơn vị đều có đầy đủ hồ sơ sức khỏe tương đương với quân số, trong đó chỉ có 53,29% số lượng hồ sơ có thể theo dõi được dữ liệu đầy đủ trong 5 năm; 5,48% hồ sơ chỉ theo dõi được 1 năm và 19,92% quân nhân chuyển đơn vị mang theo hồ sơ sức khỏe đến đơn vị mới…

Thiếu tá Ngô Văn Tân, Chủ nhiệm Quân y Lữ đoàn 146 cho biết: Công tác quản lý sức khỏe được lãnh đạo, chỉ huy đơn vị rất quan tâm nhằm bảo đảm tốt nhất sức khỏe cho bộ đội, nhất là bộ đội làm nhiệm vụ trên các đảo, nhà giàn và tàu trực dài ngày trên biển. Hiện nay hồ sơ sức khỏe được lập thành 2 bản, 1 do cơ quan chủ quản giữ và 1 do quân nhân giữ. Khi ra đảo, nhà giàn phải báo cáo chỉ huy, quân y nơi quân nhân thực hiện nhiệm vụ để quản lý, theo dõi.

Được quan tâm là thế, tuy nhiên thực tế cho thấy các cơ sở quân y tổ chức khám sức khỏe định kỳ, khám sức khỏe cho bộ đội trước khi đi đảo, nhà giàn… chưa có máy móc và phần mềm quản lý để hỗ trợ công tác khám và lưu trữ hồ sơ. Tất cả đều dùng sổ tay ghi chép. Khi thực hiện bất kỳ chỉ định nào như xét nghiệm, siêu âm, xquang… đều phải khai báo thông tin hành chính lại một lần. Để tổng hợp kết quả khám của từng đơn vị, người làm dò từng bản ghi chép của bác sĩ trên giấy dẫn đến dễ những nhầm lẫn, sai sót không đáng có…

Những lợi ích từ phần mềm mang lại

Hiện nay, việc lập và lưu trữ hồ sơ sức khỏe điện tử đã được áp dụng rộng rãi ở các bệnh viện trong nước. Trong quân đội, nhiều cơ sở khám chữa bệnh đã triển khai hệ thống phần mềm quản lý hồ sơ bệnh án, hồ sơ vào viện, hồ sơ khám sức khỏe. Một số cơ sở y tế trong Quân chủng có phần mềm phục vụ công tác khám chữa bệnh, thanh quyết toán bảo hiểm y tế như Viện Y học, Trung tâm Y tế Tân cảng nhưng chưa có phần mềm nào phục vụ công tác quản lý, lưu trữ hồ sơ, khám và phân loại sức khỏe theo Thông tư 37/2001/TT-BQP.  

Bệnh nhân đăng ký khám bệnh tại Viện Y học Hải quân. Ảnh: CTV

Bằng phương pháp nghiên cứu khảo sát thực tế công tác quản lý, lưu trữ hồ sơ sức khỏe tại các đơn vị trong Quân chủng, chủ nhiệm đề tài và các cộng sự đã nghiên cứu xây dựng phần mềm phù hợp với tình hình thực tế của Đội điều trị 486, Vùng 4. Phần mềm thể hiện quy trình khám sức khỏe định kỳ hằng năm, quy trình khám sức khỏe bộ đội công tác Trường Sa, nhà giàn, trên các tàu trực. Phần mềm cũng có đầy đủ các giao diện báo cáo thống kê, phân loại sức khỏe; lắp đặt thiết bị, cài đặt; kiểm tra hiệu chỉnh thiết bị; tạo lập cơ sở dữ liệu, chuẩn hóa, chuyển đổi phục vụ cho nhập dữ liệu; huấn luyện đào tạo cho y, bác sĩ, cách vận hành....

Hiện nay, sản phẩm đã qua giai đoạn chạy thử nghiệm và được đánh giá đáp ứng được yêu cầu thực tế đặt ra.

Thiếu tá Trần Văn Giang, Đội trưởng Đội điều trị 486, Vùng 4 - đơn vị đầu tiên ứng dụng phần mềm này vào công tác quản lý sức khỏe bộ đội, cho biết: Lập và quản lý hồ sơ sức khỏe, hồ sơ bệnh án bằng phần mềm có nhiều ưu điểm vượt trội so với hồ sơ bệnh án bằng giấy. Phần mềm giúp chúng tôi xây dựng quy trình khám chữa bệnh, khám sức khỏe khoa học; khai thác, phát huy tối đa các trang thiết bị y tế; số hóa các khâu từ đăng ký khám, khám lâm sàng, cận lâm sàng đến khâu trả lời kết quả. Tất cả các dữ liệu đều được kết nối liên thông qua máy chủ nên thuận tiện trong việc tra cứu thông tin, tổng hợp kết quả khám theo từng người, từng đơn vị, từng loại hình khác. Phần mềm đã tích hợp hỗ trợ lập danh sách lấy mẫu xét nghiệm lưu động phù hợp với điều kiện khám sức khỏe tại các đơn vị. Kho lưu trữ hồ sơ bền vững, không giới hạn, bảo đảm theo dõi chặt chẽ tiền sử bệnh và sức khỏe liên tục của quân nhân…

Sau hơn 6 tháng sử dụng tại Đội điều trị 486, Vùng 4, ngoài những lợi ích như đã nói ở trên, nhóm nghiên cứu còn kỳ vọng, phần mềm sẽ hỗ trợ các cơ quan, đơn vị hạn chế mức thấp nhất quân nhân có tiền sử về sức khỏe ra công tác tại các đảo, nhà giàn và trên tàu Hải quân, tiến tới nhân rộng ra toàn Quân chủng.

Xuân Hương

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn