Những sáng kiến nhỏ trực tiếp góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả huấn luyện

HQVN -

Để góp phần nâng cao chất lượng huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu, Lữ đoàn Hải quân đánh bộ 147 (Lữ đoàn 147), Vùng 1 Hải quân đã quan tâm, động viên để cán bộ, chiến sĩ nghiên cứu, cải tiến mô hình, học cụ và đồ dùng huấn luyện. Nhiều sáng kiến đã được áp dụng trực tiếp vào huấn luyện từng khoa mục ở các chuyên ngành khác nhau, tạo động lực để đơn vị tiếp tục nâng cao chất lượng huấn luyện.

Do đặc thù của đơn vị huấn luyện chiến đấu chuyên ngành hải quân đánh bộn nên để có những mô hình, học cụ áp dụng vào thực tế đòi hỏi cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn phải trăn trở, nhiệt tình tìm tòi, nghiên cứu. Lãnh đạo, chỉ huy các cấp thường xuyên quan tâm cả về vật chất và tinh thần để khích lệ tính tư duy sáng tạo. Đại tá Nguyễn Văn Kiền, Chính ủy Lữ đoàn 147 cho biết: Lữ đoàn luôn duy trì phong trào cải tiến, sáng kiến, sáng chế thành nền nếp, tuyển chọn ở cấp đại đội, tiểu đoàn, thi ở cấp lữ đoàn và cấp trên. Sáng kiến của tập thể hay cá nhân có ý nghĩa thực tiễn đều được khen thưởng thỏa đáng.

Trung tá Phạm Linh Phương, Phó Tiểu đoàn trưởng về Quân sự Tiểu đoàn 473, Lữ đoàn 147 sau nhiều năm tích lũy kinh nghiệm, đã đưa ra sáng kiến “Thiết bị hiệu chỉnh súng tiểu liên AK, trung liên RPK bằng phương pháp không sử dụng đạn bắn”. Trung tá Phạm Linh Phương chia sẻ: Tôi đọc rất kỹ tài liệu về sách dạy sử dụng súng tiểu liên AK, trung liên RPK, lý thuyết bắn súng bộ binh của Bộ Tổng Tham mưu; trải qua rất nhiều lần hiệu chỉnh tôi đã đúc rút và có sáng kiến này.

Sản phẩm sáng kién “Hộp báo thao trường đa năng” phục vụ bộ đội trong thời gian giải lao trên thao trường. Ảnh: Bùi Xuân

Cấu tạo của thiết bị gồm ốp điều chỉnh bệ lắp đầu ngắm; thước đo độ chênh cao giữa khe ngắm và đầu ngắm; bộ cờ lê hiệu chỉnh; hộp đựng và bảng hiệu chỉnh. Khi thực hành, người hiệu chỉnh tháo bộ phận của súng lấy thước ngắm; liên kết bộ ốp điều chỉnh vào bệ lắp đầu ngắm; hiệu chỉnh về tầm, về hướng. Sáng kiến hiệu chỉnh súng tiểu liên AK và súng trung liên RPK bằng phương pháp này không cần sử dụng đạn bắn mà vẫn bảo đảm độ chính xác cần thiết của đường đạn. Thiết bị này yêu cầu người hiệu chỉnh súng phải ngắm tốt, được huấn luyện về sử dụng loại súng hiệu chỉnh, nắm được thông số của bảng hiệu chỉnh súng, nắm được cách sử dụng các loại dụng cụ kèm theo. Đại úy Mai Thanh Tùng, Đại đội trưởng Đại đội 1 Tiểu đoàn 473 cho biết: Sáng kiến giúp tôi thao tác đơn giản hơn mà vẫn nhanh chóng kiểm tra, hiệu chỉnh bảo đảm độ chính xác cần thiết của súng theo yêu cầu kỹ, chiến thuật.

Sáng kiến “Thiết bị hiệu chỉnh súng tiểu liên AK, trung liên RPK bằng phương pháp không sử dụng đạn bắn” của Trung tá Phạm Linh Phương được Lữ đoàn 147 trao giải Nhất trong hội thi mô hình học cụ vừa qua. Sáng kiến này có thể áp dụng được ở mọi nơi, trong điều kiện, hoàn cảnh phù hợp, không phụ thuộc thao trường bắn; nhất là các đơn vị ở đảo, tàu, đài trạm ra đa, nhà giàn; tiết kiệm được nhân vật lực, bảo đảm an toàn tuyệt đối.

Cũng từ tiến hành hoạt động Công tác Đảng, công tác chính trị (CTĐ, CTCT) trong huấn luyện đơn vị chiến sĩ mới, Đại úy Bùi Xuân Ngọc, Chính trị viên phó Tiểu đoàn 471, Lữ đoàn 147 đã có sáng kiến “Hộp báo thao trường đa năng”.  Hộp báo được vận dụng trong huấn luyện bộ đội trong điều kiện dã ngoại ban ngày và ban đêm, những nơi không có điện. Hộp nhỏ gọn, dễ dàng di chuyển, vì vậy có thể áp dụng vào hoạt động CTĐ, CTCT ở các địa điểm khác nhau, kể cả trong hội trường cũng như ngoài trời.

Hộp báo được làm bằng khung nhôm gỗ, có độ chắc chắn cao. Toàn bộ hệ thống thiết bị, nguồn nuôi và mạch điều khiển đều được đặt bên trong, đảm bảo cho mô hình có tính thẩm mỹ. Hộp báo có công tắc nguồn hoạt động ở 2 chế độ: Nguồn 12V, nguồn 220V khi kết nối với điện lưới. Khi bật công tắc lên, toàn bộ hệ thống thiết bị âm thanh, ánh sáng của hộp báo sẽ được cấp điện. Hộp có một nút (MODE) để điểu chỉnh các chế độ: Chế độ line, nhận trực tiếp tín hiệu âm thanh từ bên ngoài (USB, thẻ nhớ, kết nối với dây tín hiệu); Chế độ bluetooth, kết nối bluetooth với điện thoại thông minh; Chế độ radio, phát các kênh của Đài tiếng nói Việt Nam. Hệ thống micromic dùng để tuyên truyền miệng, thông báo các nội dung hoặc hát karaoke... Giá thành của hộp báo khoảng 4 triệu đồng, có thể sử dụng liên tục trong nhiều giờ mà không giảm chất lượng, độ bền cơ học cao. Hệ thống thiết bị điện tử tích hợp trong hộp báo rất thuận lợi và dễ dàng sử dụng phục vụ cho các hoạt động CTĐ, CTCT tại đơn vị.

Trong mùa huấn luyện năm nay, Lữ đoàn 147 còn có các sáng kiến khác như: Giá kiểm tra đường ngắm súng tiểu liên AK; Thiết bị kiểm tra ngắm bắn và luyện tập trên xe tăng PT 76; Mô hình tời xích xe tăng PT 76 và Kính kiểm tra đường ngắm súng diệt tăng B41... Tất cả các sáng kiến đều được nghiên cứu từ thực tế huấn luyện ở thao trường, bãi tập của bộ đội. Sản phẩm làm ra có giá thành không cao, dễ làm, qua đó trực tiếp góp phần nâng cao hiệu quả chất lượng huấn luyện ở Lữ đoàn 147.

Văn Vũ

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn