Những người tạo ra “chìa khóa” để Việt Nam tiến ra hướng biển

HQVN -

Trong tiết trời se lạnh, hòa cùng những hạt mưa phùn phảng phất, chúng tôi đến Đoàn Đo đạc biên vẽ hải đồ và nghiên cứu biển, Bộ Tham mưu Hải quân. Trung tá Trần Ngọc Nam, Phó Chủ nhiệm Chính trị Đoàn dẫn chúng tôi xuống Hải đội 695-đơn vị tàu làm nhiệm vụ đo đạc biển.

Từ thiết bị đo đạc hiện đại…

Từ đường chính, qua cánh đồng cỏ lau, chúng tôi men theo con đường cấp phối dọc cửa sông để đến cảng Hải đội 695. Trước mắt chúng tôi, những con tàu vừa có chuyến hải trình gần 8 tháng đo đạc trên biển đang “nghỉ ngơi” tại bến. Thiếu tá Đoàn Văn Đông, Chính trị viên Hải đội dẫn chúng tôi tham quan Tàu 888 mang tên Giáo sư, viện sĩ Trần Đại Nghĩa. Đại úy Nguyễn Văn Hiếu, Phó thuyền trưởng Tàu 888 cho biết: Từ năm 2011, Tàu 888 được đưa vào hoạt động. Đây là tàu đóng mới hiện đại trong khu vực Đông Nam Á, được trang bị đầy đủ và đồng bộ các thiết bị chuyên ngành, có khả năng hoạt động dài ngày trên biển, phục vụ hiệu quả nhiệm vụ khảo sát, đo đạc và nghiên cứu biển.

Nguyễn Văn Hiếu dẫn chúng tôi lên phía mũi tàu giới thiệu máy đo đa tia Fansweep 20, máy đo độ sâu 450m và thiết bị Side Scan Sonar. Side Scan Sonar là thiết bị chụp ảnh đáy biển để xác định dị vật địa hình, máy có độ phân giải cao nên xác định rất chính xác. Rồi các thiết bị đo từ trường, trọng lực biển; các thiết bị khảo sát hải dương như: Đo dòng chảy, độ mặn, nhiệt độ nước biển, vận tốc truyền âm trong nước... Các thiết bị đo đạc hiện địa này đã góp phần giúp Đoàn Đo đạc biên vẽ hải đồ và nghiên cứu biển tham gia nhiều dự án trọng điểm của Nhà nước như Dự án xác định ranh giới ngoài thềm lục địa Việt Nam; Dự án đo đạc thành lập bản đồ biển thuộc "Đề án quy hoạch tổng thể về điều tra cơ bản và quản lý tài nguyên-môi trường biển đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020" của Chính phủ; rồi công việc thu thập và điều tra địa chất ở các khu vực xa bờ, các đảo xa, các khu vực nhạy cảm.

Thiếu tướng Ngô Minh Tiến (nay là trung tướng) Phó Tổng tham mưu trưởng QĐNDVN kiểm tra công tác biên tập bản đồ tại Đoàn Đo đạc biên vẽ Hải đồ và nghiên cứu biển

Rời Tàu 888, chúng tôi đến Tàu 884. Như đoán được ý định của tôi, Thiếu tá Đoàn Văn Đông nói ngay: Nhà báo nhìn tàu thế hệ cũ này thôi nhưng thiết bị đo biển của chúng tôi cũng rất hiện đại. Đúng lúc đó, từ dưới khoang tàu, bốn nhân viên khiêng một thùng gỗ sơn màu xanh lá cây được bao bọc khá cẩn thận để trên sàn tàu. Thiếu tá QNCN Phạm Văn Quang, Trưởng ngành đo đạc Tàu 884, vỗ vai tôi nói: Nhìn vậy nhưng “con cá mập” này tiền tỉ đấy nhà báo ạ! Hôm nay, chúng tôi mang “em nó” ra bảo quản.

Bên trong chiếc thùng là một vật thể dáng như con cá mập dài gần 2m bằng inox; phía sau đuôi và hai chiếc vây hướng lên trời để điều khiển cho nó khỏi lật ngửa trong nước và trên lưng là nơi kết nối thiết bị với dây cáp chằng chịt; hai bên hông của chú “cá mập” là hai ống thép màu đen với nhiều lỗ nhỏ. Anh Quang cho biết thêm: Con “cá mập” bằng điện tử này hết sức đặc biệt và cực kỳ thông minh, nó phát ra những chùm tia hoặc đơn tia xuống lòng đại dương, sau đó thu thập toàn bộ địa hình mặt đáy biển và chuyển dữ liệu về máy tính...

 … Đến những cán bộ đào tạo chuyên sâu

Theo Đại tá Hà Quyết Chiến, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Đoàn, sự phát triển về công nghệ đo đạc và bản đồ đã đặt ra cho Đoàn là đội ngũ cán bộ, nhân viên làm công tác kỹ thuật cần phải được đào tạo, học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ để đáp ứng được yêu cầu trong trong giai đoạn mới. Từ thực tế đó, Đảng ủy, chỉ huy Đoàn đã đưa nội dung xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật chất lượng cao vào nghị quyết lãnh đạo hàng năm của đơn vị. Đoàn đề ra các chính sách đãi ngộ, bồi dưỡng, bố trí công việc phù hợp với trình độ chuyên môn của từng người, tạo động lực cho cán bộ làm việc hiệu quả, phát huy tính sáng tạo, làm chủ công nghệ hiện đại.

Chuyên gia Canada tập huấn chuyển giao công nghệ đo đạc biển

Đến nay, toàn Đoàn có hơn 90% cán bộ có trình độ đại học, sau đại học; 100% nhân viên kỹ thuật có trình độ trung cấp trở lên. Đặc biệt, những năm gần đây, Đoàn đã cử hơn 20 cán bộ đi đào tạo tại các nước như Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Ấn Độ... đồng thời liên kết đào tạo ngoại ngữ tiếng Anh cho hơn 200 cán bộ, nhân viên kỹ thuật; đào tạo tin học cho hàng trăm đồng chí; động viên, tạo điều kiện cho cán bộ, nhân viên đi học văn bằng 2 về đo đạc biển, hoặc khí tượng, hải dương... Trong quá trình khai thác sử dụng, làm chủ trang thiết bị kỹ thuật, công nghệ hiện đại, cán bộ, nhân viên của Đoàn Đo đạc biên vẽ hải đồ và nghiên cứu biển đã có nhiều sáng kiến, giải pháp kỹ thuật áp dụng hiệu quả vào thực tiễn. Các giải pháp kỹ thuật: Xây dựng cơ sở dữ liệu địa lý và thành lập mô hình 3D; đo đạc và thu thập thông tin địa lý... của Đoàn đã đạt giải cao tại Hội thao kỹ thuật ngành Địa hình quân sự toàn quân và giải Tuổi trẻ sáng tạo toàn quân.

Thiếu tá Đỗ Văn Mong, Đội trưởng Đội 5 chia sẻ: Tôi được cấp trên tin tưởng cử đi học chuyên ngành thủy đạc tại Ấn Độ. Lúc đầu, tôi rất bỡ ngỡ vì môi trường mới và vốn tiếng Anh còn hạn chế. Nhờ xác định được đi học chính là cơ hội để tự khẳng định mình và đáp lại sự tin tưởng của cấp trên nên trong thời gian học ở nước ngoài tôi luôn cố gắng nghiên cứu, học hỏi, tích lũy kiến thức để khi về nước đem kiến thức đó phục vụ quân đội...

Chúng tôi có mặt tại Trung tâm xử lý số liệu và biên tập bản đồ. Những cán bộ, nhân viên Đội 4 đang miệt mài tác nghiệp. Đại úy Đào Quốc Khánh, Phó đội trưởng Đội 4 cho biết: Những  năm gần đây, được cấp trên đầu tư trang thiết bị đồng thời làm tốt công tác bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ nên cán bộ, nhân viên Đội 4 chúng tôi không chỉ biên tập bản đồ giấy mà còn biên tập được bản đồ số và hải đồ điện tử. Hiện 100% số cán bộ, nhân viên của Đội có đủ khả năng biên tập bản đồ số. Riêng với hải đồ điện tử, tuy chúng tôi mới sản xuất nhưng hải đồ này đã được cơ quan cấp trên đánh giá cao.

Và hòa nhập với cộng đồng thủy đạc quốc tế

Chúng tôi hẹn gặp Đại tá, Tiến sĩ Khương Văn Long, Phó Đoàn trưởng đến lần thứ 5 mới gặp được do anh bận nhiều công việc cuối năm. Nhấp một ngụm trà nóng, anh Long nhớ lại kỷ niệm: Vào mùa xuân năm 2015 (đúng năm Việt Nam trở thành thành viên thứ 84 tổ chức Thủy đạc quốc tế (IHO), tôi cùng đoàn Thủy đạc Việt Nam sang làm việc tại Na uy. Tại buổi làm việc, tôi đã vinh dự được giới thiệu về trang thiết bị công nghệ đo đạc biển, thành lập bản đồ của Việt Nam. Sau buổi hội thảo đó, các thành viên có mặt đã chúc mừng và đánh giá cao ý kiến của tôi. Cũng từ đó, Na uy là kênh phân phối bản đồ điện tử chính của Việt Nam.

Nhân viên kỹ thuật Tàu 886 chuẩn bị thả thiết bị đo đạc 

Anh Long chia sẻ: Hiện nay, Đoàn đã chủ động cập nhật các phiên bản mới tiêu chuẩn kỹ thuật đo đạc, bản đồ của IHO; triển khai biên dịch, biên soạn tài liệu, thiết kế chế tạo, mô phỏng trang thiết bị, khí tài phục vụ huấn luyện. Từ năm 2012, Đoàn tiến hành tích hợp, cài đặt các sản phẩm hải đồ điện tử ENC trên hệ thống ECDIS do Cục Bản đồ (Bộ Tổng Tham mưu) cung cấp. Đoàn lựa chọn cán bộ, nhân viên tham gia các khóa huấn luyện, chuyển giao công nghệ, làm nòng cốt để về huấn luyện cho đơn vị; mời các chuyên gia từ các nước có ngành thủy đạc phát triển đến huấn luyện, kiểm tra sản phẩm, trao đổi kinh nghiệm cùng cán bộ, nhân viên. Nhờ đó, sản phẩm hải đồ của đơn vị (hải đồ giấy, hải đồ số, hải đồ điện tử) được xuất bản đáp ứng yêu cầu theo tiêu chuẩn kỹ thuật rất khắt khe của IHO. Hàng triệu tờ hải đồ các loại đã được phát hành đáp ứng cho yêu cầu an ninh-quốc phòng, an toàn hàng hải trên biển và phát triển nền kinh tế biển.

Chia tay cán bộ, nhân viên Đoàn Đo đạc biên vẽ hải đồ và nghiên cứu biển, trong tâm trí tôi cứ hình dung ra hành trình của những con tàu đo đạc biển đã đưa các chiến sĩ đến với mọi vùng biển, đảo Tổ quốc. Họ thông thạo luồng lạch, hiểu biển rõ như lòng bàn tay, tựa như người nông dân thuộc từng thửa ruộng. Rồi hình ảnh những cán bộ, nhân viên kỹ thuật của Đoàn cần mẫn biên tập hải đồ... Họ chính là những người tạo ra “chìa khóa” để Việt Nam tiến ra đại dương, tiếp cận với những lợi ích to lớn do biển, đảo quê hương mang lại. 

Bài, ảnh: Hoàng Việt

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn