Những con tàu “Không số” được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND

1. Tàu 41

Tàu 41 được biên chế về Đoàn 125 năm 1962. Từ tháng 11 – 1962 đến tháng 4 – 1970 Tàu 41 đi được 15 chuyến, chở 530 tấn hàng an toàn. Tàu nhiều lần vượt qua khó khăn, nguy hiểm, đúc rút được nhiều kinh nghiệm để phổ biến chung trong toàn Đoàn.

Tiêu biểu như chuyến đi đầu tiên ngày 11-10-1962, Tàu 41 dùng thuyền gỗ có buồm, gắn máy để vận chuyển hơn 28 tấn vũ khí vào Cà Mau. Gặp gió mùa Đông Bắc, dù phải vật lộn với sóng to, gió lớn, nhiều lần gặp địch nhưng anh em vẫn bình tĩnh đánh lừa địch, đưa hàng đến bến an toàn. Chuyến đi đầu tiên thành công đã cổ vũ cán bộ, chiến sĩ toàn Đoàn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Với những thành tích đặc biệt xuất sắc, ngày 11-1-1973, Tàu 41 được Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVTND (lần thứ nhất).

Sau khi giải phóng miền Nam thống nhất đất nước năm 1975, Tàu 41 được bổ sung cho Vùng 4 Hải quân với tên mới là HQ 671. Trong chiến dịch CQ 88, Tàu HQ 671 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Ngày 6-1-1989, Tàu HQ 671 được Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVTND (lần thứ hai).

2.  Tàu 42

Tàu 42 được biên chế về Đoàn 125 năm 1962. Từ năm 1963 đến 1970, Tàu 42 đã chở được 11 chuyến với hơn 500 tấn vũ khí tới bến an toàn.

Mặc dù tàu nhỏ, máy móc thô sơ, nhiều chuyến đi tàu gặp sóng to, gió lớn, bị địch ngăn chặn, săn lùng 5 đến 6 chặng, nhưng cán bộ, chiến sĩ trên tàu vẫn dũng cảm, mưu trí, vượt mọi nguy hiểm để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Tiêu biểu là chuyến đi ngày 15-10-1965, Tàu 42 được cải dạng giống tàu cá của một số nước trong khu vực Đông Nam Á và chở hơn 61 tấn vũ khí vào Cà Mau. Tàu vượt qua Hải Khẩu (Trung Quốc), chuyển hướng theo đường hàng hải quốc tế xuống phía Đông quần đảo Hoàng Sa và phía Tây quần đảo Trường Sa, hòa vào dòng tàu buôn đi xuống Đông Nam Cà Mau. Trên đường đi, Tàu 42 vượt qua sự kiềm tỏa của 1 tàu Khu trục Mỹ, sau 6 ngày hành trình trên biển tàu đã cập bến ở rạch Kiến Vàng – Cà Mau an toàn. Chuyến vận chuyển mở đường theo phương thức mới của Tàu 42 đã thành công giúp nối thông con đường vận chuyển chiến lược trên biển sau 8 tháng tạm ngưng vận chuyển.

Với thành tích đó, ngày 25-8-1970, Tàu 42 được Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVTND.

3. Tàu C154

Tàu C154 được biên chế về Đoàn 125 năm 1965. Từ 1965 đến 1975 tàu thực hiện nhiệm vụ vận tải cho chiến trường miền Nam. Mỗi chuyến đi của tàu thường kéo dài hàng tháng, vượt hàng ngàn hải lý, thời tiết mưa bão thất thường, sóng to, gió lớn, địch kiểm soát gắt gao. Nhiều lần địch cho máy bay, tàu chiến khiêu khích ở hải phận quốc tế, do đó có chuyến Tàu C154 phải vòng qua vùng biển Philippin, Inđônêxia để đánh lừa và tìm cách tránh địch.

Trong chiến dịch giải phóng miền Nam vào mùa Xuân năm 1975, tàu đã phục vụ đắc lực cho việc vận chuyển bộ binh, đặc công tiến đánh giải phóng các đảo ở vùng biển phía Nam và chở hàng ngàn người bị địch giam giữ ở các đảo về đất liền an toàn.

Với những thành tích đó, ngày 12-9-1975, Tàu C154 được Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVTND.

4. Tàu C165

Tàu C165 được biên chế về Đoàn 125 năm 1964. Từ 1964 đến 1968, Tàu C165 đã đi được 9 chuyến, vận chuyển hơn 600 tấn vũ khí, hàng hòa chi viện cho chiến trường miền Nam.

Do yêu cầu kịp thời chi viện cho chiến dịch Mậu Thân năm 1968, Tàu C165 được lệnh chở 65 tấn vũ khí vào bến Vàm Lũng – Cà Mau. Ngày 1-3-1968, Tàu C165 gặp 8 tàu địch bao vây, chúng gọi loa yêu cầu ta đầu hàng. Cán bộ, chiến sĩ Tàu C165 đã bình tĩnh xử lý, không thuyết phục được ta, tàu địch liền nổ súng kết hợp với máy bay oanh tạc từ trên không. Trong tình thế hiểm nguy, cán bộ, chiến sĩ vẫn bình tĩnh điều khiển tàu luồn lách tránh đạn và đánh trả địch quyết liệt. Nhưng do lực lượng 2 bên không cân sức, Tàu C165 bị trúng đạn không cơ động được. Trước tình hình đó anh em đã tranh thủ bốc hàng thả xuống biển và điểm hỏa mìn phá hủy tàu, không để tàu và hàng rơi vào tay quân thù. 18 cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hi sinh cùng Tàu C165 tại vùng biển Cà Mau.

Với thành tích dũng cảm đó, ngày 10-4-2001, Tàu C165 được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND.

5. Tàu C43

Tàu C43 được biên chế về Đoàn 125 năm 1961. Từ 1961 đến 1968 Tàu C43 đi được 6 chuyến; chở được hơn 287 tấn vũ khí và phương tiện khác vào bến Cà Mau an toàn. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, tập thể Tàu C43 đã 2 lần chiến đấu anh dũng nhiều giờ liền với máy bay và tàu chiến địch trong tình thế không cân sức, nhưng cả 2 lần đã thắng lớn. Tại trận chiến đấu lần thứ nhất (tháng 3-1967) tàu đã diệt gọn 3 hải thuyền ngụy, bắn bị thương 1 tàu Mỹ. Lần 2 (3-1968), đã tiêu bắn rơi 3 máy bay HVIA; bắn chìm 1 tàu cao tốc, bắn bị thương 2 chiếc khác; tàu được phá hủy để bảo đảm bí mật con đường Hồ Chí Minh trên biển.

Với thành tích đó, Tàu C43 được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND ngày 20-9-2011.

6.  Tàu  C54

Tàu C54 được biên chế về Đoàn 125 năm 1963. Từ 1963 đến 1972, Tàu C54 đi được 16 chuyến, chở được 800 tấn vũ khí, hàng hóa vào 3 bến (Trà Vinh, Cà Mau, Bến Tre) và vận tải chiến trường Cửa Việt an toàn.

Tiêu biểu là chuyến đi ngày 17-3-1963, tàu chở 44 tấn vũ khí vào bến mới-Trà Vinh. Là loại tàu vỏ sắt, lần đầu thử nghiệm để khắc phục hạn chế trước đây của tàu gỗ và chống phát hiện của địch. Bằng sự khéo léo, tinh thần quyết tâm cao độ của tập thể tàu đã xử lý linh hoạt các tình huống và vượt chặng đường dài trên biển, cập bến Trà Vinh an toàn. Chuyến đi đã chở được một lượng vũ khí lớn cung cấp cho chiến trường Khu 9 sau cuộc chống càn “Sóng tình thương” của địch, đồng thời là dấu hiệu mở màn cho giai đoạn phát triển nhảy vọt của công tác vận tải quân sự trên biển và mở được nhiều bến mới ra khắp các chiến trường Nam Bộ,  Khu 6, Khu 5.

Với những thành tích đó, ngày 20-9-2011, Tàu C54 được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND.

7.  Tàu C55

Tàu C55 được biên chế về Đoàn 125 năm 1963. Từ 1963 đến 1975, Tàu C55 đi được 11 chuyến, chở được 747 tấn vũ khí và 2 tấn gạo, đưa 27 lượt cán bộ cao cấp của Trung ương vào tăng cường cho chiến trường miền Nam. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, tàu đã thực hiện hiệu quả việc quay vòng, nhanh chuyến, có thời điểm trong vòng 43 ngày tàu đã đi được 3 chuyến vào sâu trong chiến trường miền Nam.

Tiêu biểu là chuyến xuất phát ngày 11-10-1963 chở 61 tấn vũ khí vào bến Cà Mau. Nhiều ngày lênh đênh trên biển, khi vào bến Rạch Gốc, tàu bị mắc cạn ngay giữa cửa bến, xung quanh có tàu và máy bay địch ngày đêm tuần tra, kiểm soát. Trong một tình thế nguy hiểm, với một lượng hàng lớn, nhiều lần máy bay và tàu địch “thăm hỏi” nhưng tàu đã bình tĩnh, khéo léo dấu mình, che được mắt địch. Khi nước lên, tàu đã thoát cạn vào bến, xuống hàng và ra Bắc an toàn.

Với những thành tích đó, Tàu C55 được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND ngày 20-9-2011.

8.  Tàu C56

Tàu C56, được biên chế về Đoàn 125 năm 1961. Từ 1961 đến 1975, Tàu C56 đi được 9 chuyến, vào các bến (Bà Rịa- Vũng Tàu, Bạc Liêu, Bình Định, Phan Thiết) và 1 chuyến đi Cô Công- Cam phu chia. Tàu đã chở được hơn 349 tấn vũ khí và gần 100 cán bộ vào Nam chiến đấu.

Tiêu biểu là chuyến đi vào Đông Xuân 1964 – 1965 để cung cấp vũ khí cho chiến dịch Bình Giã. 22 giờ ngày 22-12-1964, tàu vào cửa Lộc An (sông Ray), nhưng chờ mãi không có tín hiệu của bến, tàu định trở ra, vừa lúc phía bờ có ánh đèn pin báo hiệu, một trung đoàn bộ binh đã chờ sẵn để nhận vũ khí. Nhờ sự cung cấp vũ khí kịp thời của Tàu C56 mà ngày quân ta đã đánh chiến dịch Bình Giã thắng lợi. Đây là một đòn góp phần quyết định làm phá sản hoàn toàn chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ - ngụy.

Với thành tích đó, Tàu C56 được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND ngày 20-9-2011.

9. Tàu C69

Tàu C69, được biên chế về Đoàn 125 năm 1963. Từ 1963 đến 1966 Tàu C69 đi được 9 chuyến, vào 2 bến (Trà Vinh, Cà Mau), chở được 654 tấn hàng cho chiến trường miền Nam. Sau trận chiến đấu năm 1966, Tàu 69 nằm lại ở bến Cà Mau cho Quân khu 9 quản lý, sử dụng. Nay con tàu là di tích lịch sử của địa phương để làm biểu tượng chiến thắng.

Tiêu biểu là chuyến đi ngày 15-4-1966, tàu chở 61 tấn vũ khí vào bến Vàm Lũng- Cà Mau. Chuyến đi bị địch theo dõi, tàu phải áp dụng nhiều chiến thuật ngụy trang nghi binh, luồn lách qua các hệ thống phòng thủ của địch để cập bến. Sau khi thả hàng xong, do Tàu C100 bị lộ, buộc Tàu C69 phải ngụy trang ém tại đây chờ thời cơ ra Bắc. Khi tàu vừa ra khỏi Vàm Lũng thẳng hướng giữa Hòn Khoai và Côn Đảo thì phát hiện tàu địch bám theo, chúng nổ súng vào tàu ta. Tình huống buộc phải chiến đấu, thuyền trưởng ra lệnh nổ súng đánh trả. Theo lệnh thuyền trưởng tất cả DKZ trên tàu đồng loạt nhả đạn khiến tàu địch không dám vào gần tàu. Máy bay C130 lượn vòng, hỗ trợ cho biên đội tàu chiến, xả đạn về phía tàu ta. Tàu bị bốc cháy, một số thiết bị trên tàu hỏng. Đứng trên khối bộc phá để chiến đấu với kẻ thù khi tàu đang bị cháy, cán bộ, chiến sĩ Tàu C69 đã bình tĩnh và dũng cảm, vừa cứu tàu vừa chiến đấu. Đến 0 giờ ngày 1-1-1967, Tàu C69 đã vào đến bến an toàn. Trong trận chiến đấu này, Tàu C69 đã đánh trả quyết liệt làm cho 5 tàu và 2 máy bay của địch bỏ chạy.

Với những thành tích đó, tàu Tàu C69 được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND ngày 20-9-2011.

10. Tàu C121

Tàu C121 được biên chế về Đoàn 125 năm 1963. Từ 1963 đến 1975, tàu đi được 9 chuyến vào 3 bến (Trà Vinh, Cà Mau, Bến Tre) và vận tải cho chiến trường Cửa Việt. Tàu đã chở được 427 tấn hàng cho chiến trường miền Nam.

Tiêu biểu là chuyến đi ngày 29-9-1970, tàu chở 40 tấn vũ khí vào Cồn Lợi-Bến Tre. Bằng chiến thuật và kinh nghiệm, chỉ huy tàu xử lý khéo léo linh hoạt các tình huống và đưa con tàu cập bến Cồn Lợi-Bến Tre an toàn rồi trở ra Bắc. Đây là con tàu đầu tiên đã vào được Bến Tre và về Hải Phòng an toàn sau 3 năm bị địch kiểm soát chặt chẽ. Điểm đặc biệt của chuyến đi này là cán bộ, chiến sĩ đã dùng xuồng cao su bọc nẹp nhôm chuyển tải hàng từ tàu vào bến đạt hiệu quả cao. Qua chuyến đi của Tàu C121 vào bến Cồn Lợi thành công và trở lại căn cứ an toàn, Bộ Tư lệnh Hải quân và Bộ Quốc phòng cho nhân rộng phương thức dùng xuồng cao xu bọc nhôm chuyển tải hàng từ tàu vào bến.

Với những thành tích đó Tàu C121 được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND ngày 20-9-2011.

11. Tàu C235

Tàu C235, được biên chế về Đoàn 125 năm 1968. Trong chuyến đi ngày 6-2-1968, tàu chở 16 tấn vũ khí vào Hòn Hèo (Khánh Hòa). Phát hiện ra tàu ta, quân ngụy điều 3 tàu chiến đến bao vây với ý định bắt sống tàu ta. Trước tình hình đó, thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh khôn khéo điều khiển tàu C235 luồn lách qua đội hình tàu địch và đã đến được bến. Tàu không gặp bến đón. Thuyền trưởng lệnh toàn tàu khẩn trương cho hàng xuống nước rồi sẽ vớt sau. Lúc này, các tàu địch đang khép chặt vòng vây. Thuyền trưởng cho ngừng việc thả hàng và đưa tàu chạy ven bờ với ý định nghi binh để không lộ vị trí thả hàng.

Tàu địch được lệnh bắn vào Tàu C235, đồng thời chúng gọi máy bay đến thả pháo sáng. Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh bình tĩnh vừa chỉ huy anh em chiến đấu, vừa điều khiển tàu chạy sát vào bờ. Dưới sự chiến đấu ngoan cường của tàu ta, tàu địch không thể tiếp cận được. Lúc này, bên ta đã có 5 thủy thủ hy sinh, 2 đồng chí bị thương nặng, 7 đồng chí bị thương nhẹ. Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh ra lệnh cho thợ máy Ngô Văn Thứ đặt kíp nổ phá khoang máy, còn lại anh em khác rời tàu bơi vào bờ. Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh và thợ máy Ngô Văn Thứ ở lại kiểm tra lần cuối và bơi vào bờ sau cùng. Hơn 10 phút sau, một cột lửa bùng lên cùng với một tiếng nổ dữ dội chấn động đến tận Nha Trang. Sức công phá mạnh của thuốc nổ, kiến Tàu C235 đứt làm đôi, một nửa chìm xuống biển, một nửa văng lên lưng chừng núi Bà Nam, lúc đó là 2 giờ 40 phút ngày 1-3-1968.

Những ngày sau đó, lực lượng ta lên bờ tiếp tục chiến đấu. Do đêm tối, lực lượng lên trước không bắt liên lạc được với đồng chí lên sau. Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh và thợ máy Ngô Văn Thứ đã chống trả quyết liệt, buộc địch phải rút lui. Những ngày sau, đồng đội tìm thấy thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh và thợ máy Ngô Văn Thứ đã hy sinh với tư thế vươn lên phía trước như còn đang chống trả quyết liệt và đã bắn đến viên đạn cuối cùng. Tàu C235 gồm 20 cán bộ, chiến sĩ qua trận chiến đấu ác liệt đã làm 14 cán bộ, chiến sĩ hy sinh anh dũng.

Với thành tích đặc biệt xuất sắc, Tàu C235 được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND ngày 20-9-2011.

Thanh Tùng (Tổng hợp)

 

Tư liệu sử dụng:

Lịch sử Đường Hồ Chí Minh trên biển (1961-2011), Nhà Xuất bản Quân đội nhân dân, tháng 10-2011.

Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động thuộc Quân chủng Hải quân (1955-2005), Nhà Xuất bản Quân đội nhân dân, tháng 4-2005.

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn