Nhớ vị tướng xuất sắc, suốt đời vì nước, vì dân

Đại tướng Văn Tiễn Dũng từng giữ nhiều trọng trách: Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương. Đồng chí chỉ huy trực tiếp nhiều chiến dịch lịch sử. Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng viết về ông: “Đồng chí Văn Tiến Dũng là một trong những tướng lĩnh tài ba xuất sắc của Quân đội ta, là người học trò ưu tú của Chủ tịch Hồ Chí Minh”.

Đồng chí Văn Tiến Dũng, bí danh là Lê Hoài, sinh ngày 2-5-1917 tại xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm, thành phố Hà Nội. Nhà nghèo, mẹ mất sớm, đến năm 15 tuổi thì cha cũng đột ngột qua đời nên Văn Tiến Dũng phải bỏ học phụ anh trai làm nghề may và đi làm thuê tại các xưởng dệt.

Đồng chí sớm giác ngộ cách mạng, tham gia hoạt động tích cực trong phong trào công nhân ngành dệt Hà Nội, được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương khi vừa tròn 20 tuổi. Từ 1939-1944, đồng chí bị thực dân Pháp bắt tới 3 lần. Lần đầu tiên, vì không có chứng cứ, chúng buộc phải trả tự do cho ông sau 3 ngày. Lần thứ 2, sau 2 năm đày ở Nhà tù Sơn La, ông đã trốn thoát trên đường địch áp giải về Hà Nội để đưa vào trại tập trung. Lần thứ 3 là bị bắt năm 1944, đồng chí cũng vượt ngục thành công và bị thực dân Pháp kết án tử hình vắng mặt.

Đại tướng Văn Tiến Dũng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Tháng 4-1945, đồng chí được Trung ương Đảng cử làm Ủy viên Thường vụ Ủy ban Quân sự cách mạng Bắc Kỳ, phân công tổ chức và tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền ở Chiến khu Quang Trung gồm các tỉnh Hoà Bình, Ninh Bình, Thanh Hoá và kiêm Bí thư Khu ủy Chiến khu Quang Trung.

Sau Cách mạng Tháng Tám, tháng 11-1945, đồng chí được giao nhiệm vụ lập Chiến khu 2 (gồm 8 tỉnh phía Tây Bắc và Tây Nam Bắc Bộ), làm Chính ủy Chiến khu, tham gia Quân ủy Trung ương. 
Tháng 11-1946 đến 1949, đồng chí được cử làm Cục trưởng đầu tiên Cục Chính trị Quân đội quốc gia Việt Nam (nay là Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam), Phó Bí thư Trung ương Quân ủy.

Tháng 1-1948, đồng chí được phong quân hàm Thiếu tướng QĐND Việt Nam. Tháng 10-1949, đồng chí làm Chính ủy Liên khu 3, sau đó kiêm Tư lệnh Liên khu. Tháng 1-1951, đồng chí được cử ra thành lập và làm Chính ủy kiêm Tư lệnh Đại đoàn 320 (Đại đoàn Đồng Bằng), hoạt động trong vùng địch kiểm soát. Trong 34 tháng, đồng chí đã chỉ huy Đại đoàn 320 thực hiện 8 chiến dịch, làm thay đổi cục diện ở đồng bằng Bắc Bộ.

Tháng 11-1953 đến tháng 5-1978, đồng chí Văn Tiến Dũng giữ chức Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam. Tháng 5-1954, trong những ngày cả nước vui mừng đón chào thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ, ông làm Trưởng đoàn đại biểu của Bộ Tổng Tư lệnh QĐND Việt Nam trong Ủy ban Liên hiệp đình chiến thi hành Hiệp định Geneve về Việt Nam.

Từ người thợ ham đọc, ham học, tích lũy dần kiến thức quân sự để suốt 25 năm làm Tổng Tham mưu trưởng, ông có nhiều đóng góp lớn cho nghệ thuật quân sự, chỉ đạo trên cả hai miền đúng đắn, sáng tạo. Từ 1954-1960, ông tập trung trí tuệ, sức lực vào việc triển khai nhiệm vụ xây dựng QĐND tiến lên chính quy, hiện đại. Tháng 8-1959, đồng chí được phong Thượng tướng. Năm 1971, ông được cử làm đại diện của Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh tại mặt trận, trực tiếp chỉ đạo chiến dịch Đường 9-Nam Lào, đánh bại cuộc hành quân Lam Sơn 719 của Mỹ-Ngụy ở Quảng Trị đến Xavannakhet. Năm 1972, ta mở cuộc tiến công chiến lược nhằm tạo ra bước chuyển căn bản làm thay đổi cục diện chiến tranh, ông được giao nhiệm vụ trực tiếp chỉ đạo hướng chủ yếu Trị-Thiên. Thắng lợi của chiến dịch Trị-Thiên cùng với các hướng tiến công khác trong cuộc tiến công chiến lược 1972 đã góp phần buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris 1973 về Việt Nam và rút quân về nước.

Tháng 4-1974, ông được thăng cấp Đại tướng. Đầu năm 1975, Bộ Chính trị hạ quyết tâm mở chiến dịch Tây Nguyên với sự chỉ đạo trực tiếp của Đại tướng Văn Tiến Dũng mở đầu cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975. Sau các hoạt động nghi binh, thu hút địch lên hướng Plâycu, Kon Tum, từ ngày 4-3 chiến dịch chính thức bắt đầu. 6 ngày sau, ta nổ súng tiến công thị xã Buôn Ma Thuột, đập tan cuộc phản kích của Sư 23 địch, truy kích địch trận Cheo Reo, Cung Sơn, giải phóng An Khê, Kon Tum, Plâycu, Kiến Đức, Gia Lai, Đak Lak, Phu Bổn, Quảng Đức... tạo điều kiện thay đổi so sánh lực lượng và thế chiến lược, đưa đến bước ngoặt quyết định.

Đại tướng Văn Tiến Dũng (người ngồi thứ nhất từ trái qua phải) cùng đồng chí Lê Đức Thọ và đồng chí Phạm Hùng đang chỉ đạo Chiến dịch Hồ Chí Minh

Chiến dịch Hồ Chí Minh (26 đến 30-4-1975) do đồng chí Văn Tiến Dũng làm Tư lệnh, đồng chí Phạm Hùng làm Chính ủy là chiến dịch quyết chiến chiến lược, táo bạo, kịp thời, chính xác của quân dân ta trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy Mùa Xuân 1975. Đây là một điển hình về hợp đồng chặt chẽ trên qui mô lớn giữa các lực lượng. Không đơn thuần là chiến dịch quân sự qui mô lớn mà còn liên quan mật thiết đến chính trị, xã hội, ngoại giao, Đại tướng Văn Tiến Dũng cùng tập thể Bộ Tư lệnh chiến dịch đã phân tích một cách thấu đáo, toàn diện, cụ thể, tìm ra đáp án tối ưu.

Từ tháng 5-1978 đến năm 1982, Đại tướng Văn Tiến Dũng được giao nhiệm vụ làm Phó Bí thư thứ nhất Quân ủy Trung ương. Từ tháng 2-1980 đến tháng 12-1986, đồng chí giữ chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và làm Bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương từ tháng 7-1985 đến năm 1986 (nay là Quân ủy Trung ương). Ngày 17-3-2002, Đại tướng Văn Tiến Dũng qua đời.

Có thể thấy cả cuộc đời cách mạng của đồng chí Văn Tiến Dũng là để thực hiện mục tiêu, lý tưởng của Đảng: phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, góp sức mình làm cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp thành công, đem lại độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Khi gặp bất cứ khó khăn, thử thách, thậm chí là phải hy sinh cả tính mạng, đồng chí cũng luôn sẵn sàng, không lùi bước như lời đồng chí đã trả lời tên mật thám Pháp tại Nhà tù Hỏa Lò khi bị bắt cuối năm 1944: “Ai chả muốn sống! Không ai muốn chết cả. Nhưng đối với người cách mạng, nếu vì sự nghiệp chung của đất nước, của Tổ quốc, cần phải chết thì cũng sẵn sàng thôi”.

Kỷ niệm 100 năm ngày sinh của đại tướng Văn Tiến Dũng là dịp để chúng ta tưởng nhớ, tôn vinh, tri ân những cống hiến to lớn của Người đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, dân tộc và Quân đội ta. Qua đó, cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam sẽ ra sức học tập tinh thần cách mạng, tấm lòng vì nước, vì dân của Đại tướng, xây dựng Quân chủng cách mạng, chính qui, tinh nhuệ và hiện đại đáp ứng yêu cầu bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo Tổ quốc trong tình hình mới.


Bảo Ngọc (Tổng hợp)

 

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn