Nhận diện cách nhìn thiển cận, xuyên tạc giá trị lịch sử chiến thắng 30/4/1975

HQVN -

Chiến thắng 30/4/1975 đi vào lịch sử dân tộc, trở thành biểu tượng cho trí tuệ và tinh thần Việt Nam, là niềm tự hào của dân tộc ta và của nhân loại tiến bộ trên thế giới. Chiến thắng mang đến sự thống nhất hoàn toàn đất nước, kết thúc 21 năm kháng chiến trường kỳ. Đó là kết quả của sự hy sinh, nỗ lực to lớn trong cuộc đấu trí và đấu lực quyết liệt, lâu dài của toàn Đảng, toàn dân tộc với đế quốc xâm lược.

Để có chiến thắng ngày 30/4/1975, nhân dân Việt Nam yêu nước chân chính phải đấu tranh kiên cường, bền bỉ dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chiến thắng đó thể hiện chủ nghĩa anh hùng cách mạng, sức sống mãnh liệt của văn hóa và con người Việt Nam, không chỉ dân tộc Việt Nam mà nhân loại tiến bộ trên thế giới đều thừa nhận, trân trọng và tự hào.

48 năm đã trôi qua, giá trị lịch sử và thời đại của chiến thắng 30/4/1975 vẫn còn nguyên vẹn. Vậy nhưng với mưu mô chống phá, kích động lòng thù hận trong các thế hệ và chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, hàng năm, cứ đến dịp 30/4, các tổ chức phản động, thế lực thù địch lại rêu rao những luận điệu mang tính cá nhân, thiển cận. Điển hình như luận điệu của Tổ chức Việt Tân, Đài Á châu tự do hòng phủ nhận giá trị lịch sử chiến thắng 30/4, khi cho rằng đó chỉ là việc “quân Mỹ tự rút lui”, hoặc đưa ra những luận điệu mang tính kích động “muốn hòa hợp dân tộc thì không nên tổ chức kỷ niệm ngày 30/4 hàng năm”. Nguy hiểm hơn, chúng tìm cách tác động, lôi kéo thế hệ trẻ đi theo sự dẫn dắt của chúng bằng việc lợi dụng triệt để không gian mạng để đưa hình ảnh, phim tư liệu về bối cảnh miền Nam Việt Nam trước và sau 30/4 rồi nêu ra lời nhận định phản động: “Giới trẻ nhìn nhận về 30/4 như một kí ức buồn”...

Ảnh minh họa

Trước âm mưu của các thế lực thù địch, phản động, chúng ta cần phải một lần nữa khẳng định sự thật không thể chối cãi, đó là:

Thứ nhất, chiến thắng 30/4/1975 là niềm mong chờ của toàn thể dân tộc. Sau 21 năm kháng chiến, cả dân tộc đã đổ biết bao mồ hôi, nước mắt và xương máu mới có được nên đó không thể cho là “ngày quốc hận”. Ngày 30/4/1975 là ngày đất nước thống nhất, Nam-Bắc thu về một mối dưới nền độc lập, tự do, dù còn vô vàn khó khăn song cả nước bước vào thời kỳ quá độ xây dựng CNXH. Gần 50 năm qua, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đã và đang nỗ lực, đưa ra nhiều quyết sách phát triển kinh tế gắn với phát triển văn hóa, xã hội và con người... phấn đấu xây dựng Nhà nước của dân, do dân và vì dân; thực hiện “dân là chủ, dân làm chủ”, tăng cường hội nhập, nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế. Đảng và Nhà nước cũng có nhiều chủ trương bảo vệ công dân Việt Nam ở nước ngoài, luôn xác định họ là một phần ruột thịt của Tổ quốc; khuyến khích họ cống hiến, đóng góp cho quê hương dù ở đâu, làm việc gì.

Thứ hai, không hề có chuyện “quân Mỹ tự rút lui”. Bởi để có được chiến thắng toàn diện, vĩ đại ấy, toàn thể dân tộc Việt Nam yêu nước chân chính phải trải qua hơn 2 thập kỷ đấu tranh kiên cường, bền bỉ dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chiến thắng 30/4/1975 đã thể hiện chủ nghĩa anh hùng cách mạng, sức sống mãnh liệt của văn hóa và con người Việt Nam trải qua hàng nghìn năm chống quân xâm lược. Để có chiến thắng vĩ đại ấy, hàng trăm ngàn cán bộ, chiến sĩ của ta đã phải hy sinh, có người hy sinh cách giờ phút giải phóng chỉ tính bằng giây, bằng phút. Ông Alain Rusco-nhà sử học người Pháp, kiêm chuyên gia nghiên cứu lịch sử Đông Dương cho rằng: Sự kiện 30/4/1975 gây tiếng vang lớn trên trường quốc tế về một dân tộc không chịu khuất phục trước quân thù. Để có được chiến thắng này, hàng triệu người dân Việt Nam đã ngã xuống trong nhiều thập kỷ đầy cam go, quyết liệt. Gần như gia đình người Việt Nam nào cũng có đóng góp và mất mát cho cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại này.

Xe tăng quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập, trưa 30/4/1975. Ảnh: Trần Mai Hưởng/TTXVN

Nhà sử học người Mỹ Nigel Cawthorne nhận xét: “Chiến tranh Việt Nam là một cuộc chiến tranh đầu tiên mà Mỹ thất bại trong việc giành chiến thắng và đã đẩy nước Mỹ đến những phân rẽ cay đắng”. Thậm chí, cựu Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Robert McNamara, sau chiến thắng của dân tộc Việt Nam gần 30 năm vẫn phải tự dằn vặt rằng: “Những người cộng sự của tôi... Tại sao nhóm người giỏi nhất và thông minh nhất ấy lại mắc sai lầm về Việt Nam?”.

Thứ ba, cả dân tộc Việt Nam luôn có khát vọng thống nhất, hòa hợp và đã chiến đấu kiên cường vì khát vọng ấy. Với chiến thắng 30/4/1975, đất nước Việt Nam đã thống nhất, Nam-Bắc sum họp một nhà. Tuy nhiên, hòa hợp, hòa giải dân tộc phải dựa trên sự tôn trọng lịch sử, coi trọng lợi ích quốc gia, dân tộc. Chiến thắng 30/4 là chiến thắng của chính nghĩa, chiến thắng của sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Trong điều kiện các thế lực thù địch tìm cách chống phá, nguy hại hơn là chúng hướng đến giới trẻ-những người không đi qua chiến tranh để làm lung lay niềm tin, lòng tự hào dân tộc, từ đó điều khiển nhận thức, hành động của giới trẻ theo âm mưu của chúng thì việc tổ chức lễ kỷ niệm 30/4 hàng năm là cách thức giáo dục truyền thống, lịch sử hào hùng của dân tộc, giúp họ nhận thức đúng quan điểm “hòa nhập nhưng không hòa tan”, “gác lại quá khứ” nhưng không được phép quên quá khứ, quên sự mất mát, hy sinh mà bao thế hệ cha anh phải ngã xuống để đổi lấy nền tự do, độc lập. “Gác lại” để cùng hướng tới tương lai vì một thế giới hòa bình, hữu nghị và hợp tác để có một Việt Nam với cơ đồ mới, vị thế lớn, uy tín cao trên trường quốc tế như ngày nay.

Đỗ Thị Quỳnh Anh

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn