Nhà máy X28, Cục Kỹ thuật Hải quân

50 năm hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo đảm kỹ thuật vũ khí đặc chủng

* Đại tá Chu Văn Hanh, Chính trị viên Nhà máy X28

HQVN -

Những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ 20, để đảm bảo kỹ thuật cho đoàn tàu tuần tiễu và phóng lôi mới được thành lập, Trạm Kiểm sửa và lắp ráp thủy lôi (tiền thân của Nhà máy X28 ngày nay) được thành lập. Ngày 31-7-1964, tàu khu trục Ma đốc của Mỹ tiến vào vùng biển nước ta. Ngày 2-8-1964, Trạm chuẩn bị 6 quả ngư lôi cho các tàu phóng lôi xuất kích đánh đuổi tàu khu trục Ma đốc góp phần làm nên chiến thắng trận đầu ngày 2 và 5-8-1964 của Hải quân nhân dân Việt Nam và quân dân miền Bắc.

Cùng với sự phát triển của các đơn vị trong Quân chủng, ngày 25-10-1967, Bộ Tư lệnh Hải quân kiêm Quân khu Đông Bắc ra quyết định thành lập Xưởng X28 trực thuộc Cục Hậu cần Hải quân.

Từ Quảng Ninh, đơn vị di chuyển về bờ sông Bạch Đằng và tổ chức củng cố, ổn định mọi mặt để tiếp nhận, bảo quản ngư lôi, thủy lôi, chuẩn bị đạn cho các tàu chiến đấu của Quân chủng bảo vệ vùng biển phía Bắc của Tổ quốc. Do nhiệm vụ công tác bảo đảm trang bị kỹ thuật của Hải quân có nhiều yêu cầu mới, ngày 6-5-1970, Cục Kỹ thuật Hải quân được thành lập. Theo quyết định của trên, Xưởng X28 được điều động từ Cục Hậu cần về Cục Kỹ thuật Hải quân.

Thả thử nghiệm thủy lôi KPM do nhà máy sản xuất. Ảnh: Quang Hòa

Bị thất bại nặng nề trong chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, đế quốc Mỹ điên cuồng dùng không quân và hải quân đánh phá miền Bắc nước ta lần thứ hai, cho máy bay thả thủy lôi trên khắp các vùng sông, biển miền Bắc hòng cắt đứt đường giao thông huyết mạch, ngăn cản sự chi viện của miền Bắc cho chiến trường miền Nam. Lúc này, đơn vị được Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Hải quân và Cục Kỹ thuật giao nhiệm vụ cùng với Công binh Hải quân, Viện Thiết kế Bộ Quốc phòng nghiên cứu thử nghiệm các ngòi nổ tự hủy cho thủy lôi APS, sản xuất các loại phương tiện rà phá thủy lôi… Trong thời gian ngắn, đơn vị đã cùng các lực lượng khác của Quân chủng vô hiệu 2.400 quả thủy lôi, bom mìn của địch, đảm bảo giao thông thông suốt trên các luồng chính. Ngoài ra, Xưởng còn sản xuất, cải tiến lắp ráp, chuẩn bị mìn cho Đặc công Hải quân cơ động đánh tàu địch trên chiến trường sông biển, nhất là chiến trường Cửa Việt-Đông Hà. Xưởng đã cử nhiều đoàn cán bộ tăng cường cho các phân đội tàu chiến đấu để lắp đặt thủy lôi, ngư lôi và huấn luyện khai thác kỹ thuật cho cán bộ, chiến sĩ trên tàu. Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đảm bảo vũ khí đặc chủng cho Quân chủng Hải quân, Xưởng X28 tiếp tục góp sức mình cùng quân dân cả nước làm nên chiến thắng lịch sử mùa xuân 1975.

Sau khi đất nước thống nhất, dù trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn song Xưởng đã nhanh chóng cử cán bộ đi khảo sát, tổ chức vận chuyển hàng trăm quả thủy lôi để sản xuất linh kiện thay thế và sửa chữa phục hồi, bảo đảm kỹ thuật cho nhiệm vụ SSCĐ của Quân chủng giai đoạn này.

Huấn luyện kiểm tra thuỷ lôi DM1. Ảnh: Quang Hòa

Năm 1986, Chi bộ Xưởng được nâng cấp thành Đảng bộ cơ sở. Ngoài việc tập trung cho nhiệm vụ bảo quản, tăng hạn sử dụng cho thủy lôi, Xưởng tiếp tục củng cố, xây dựng kho tàng; sản xuất bổ sung linh kiện, phụ tùng của vũ khí; từng bước đưa công tác bảo quản, sửa chữa, niêm cất đi vào nền nếp chính quy, đúng quy trình kỹ thuật; bảo đảm an toàn tuyệt đối về người và vũ khí, trang bị.

Thực hiện nghị quyết đại hội đảng các cấp, nhất là Nghị quyết Trung ương 4, Khóa X của Đảng về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”, Đảng, Nhà nước và Bộ Quốc phòng xác định Quân chủng Hải quân là một trong đơn vị tiến thẳng lên chính qui, hiện đại. Trong Đề án công tác Hải quân đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020 đã xác định X28 là cơ sở bảo đảm kỹ thuật vũ khí dưới nước tuyến cuối của Quân chủng với nhiệm vụ sửa chữa, cải tiến, cải hoán và tiến tới sản xuất vũ khí dưới nước. Ngày 26-4-2011, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ra quyết định thành lập Nhà máy X28 trực thuộc Cục Kỹ thuật Hải quân. Nhà máy là đơn vị tương đương cấp lữ đoàn. Đây là bước ngoặt lịch sử đánh dấu bước trưởng thành quan trọng của Nhà máy X28 Hải quân.

Bám sát yêu cầu, nhiệm vụ công tác kỹ thuật của Quân chủng, trong những năm gần đây Nhà máy thực hiện có nền nếp và hiệu quả 2 đột phá của ngành Kỹ thuật Hải quân là “Xây dựng nền nếp chính quy kỹ thuật và làm chủ vũ khí trang bị kỹ thuật”; thực hiện tốt Cuộc vận động “Quản lý, khai thác vũ khí trang bị kỹ thuật tốt, bền, an toàn, tiết kiệm và an toàn giao thông”. Từ thực hiện 2 đột phá của ngành và Cuộc vận động 50, ý thức, trách nhiệm của cán bộ, nhân viên Nhà máy với nhiệm vụ được nâng cao, góp phần xây dựng Nhà máy chính qui, mẫu mực, trở thành một trong những đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua của Cục Kỹ thuật Hải quân.

Để nâng cao chất lượng bảo quản, sửa chữa, sản xuất, hiện đại hóa vũ khí dưới nước, Nhà máy đã có nhiều sáng kiến, đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước, Bộ Quốc phòng, Quân chủng được áp dụng vào thực tiễn. Đến nay, đơn vị đã làm chủ được tất cả các loại thủy lôi, bom phóng, bom chìm; sản xuất đồng bộ nhiều loại thủy lôi đưa vào trang bị, góp phần nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu của toàn Quân chủng.

50 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Nhà máy X28 luôn phát huy tinh thần tự lực, tự cường, vượt qua gian khó, năng động sáng tạo xây đắp nên truyền thống vẻ vang “Đoàn kết, sáng tạo; khắc phục khó khăn; liên tục bền bỉ; hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo đảm kỹ thuật vũ khí đặc chủng”.

Những phần thưởng cao quý

- Chủ tịch nước tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công hạng Ba, 2 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba.

- 3 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

- 7 Bằng khen của Bộ Quốc phòng.

- 3 Bằng khen của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội.

- 4 “Cờ luân lưu” và “Cờ thi đua” của Bộ Tư lệnh Hải quân.

- 16 lần đạt danh hiệu “Đơn vị Quyết thắng".

- Nhiều tập thể và cá nhân được tặng các phần thưởng cao quý khác.

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn