Anh Hoàng chia sẻ: “Trước đây, khi còn khó khăn, các máy móc phục vụ công việc còn thô sơ nên người đi biển phải dựa vào kinh nghiệm cha ông để lại và tự đúc kết kinh nghiệm cho bản thân, còn bây giờ, để bám biển ngư dân phải đoàn kết, liên kết với nhau khắc phục khó khăn. Bởi vậy, ngư dân chúng tôi thành lập các tổ đoàn kết sản xuất trên biển để hỗ trợ nhau trong quá trình đánh bắt”.
Năm 2015 là bước ngoặt quan trọng trong hành trình vươn khơi của ngư dân Cẩm Nhượng. Từ khi các tổ đoàn kết, liên kết sản xuất trên biển được thành lập, những khó khăn phát sinh như: Thiếu nhiên liệu, lương thực, hư hỏng ngư cụ... hầu như được giải quyết kịp thời. Ngư dân Lại Tiến Sơn (thôn Lâm Hoãn) cho biết: “Các tổ đều được trang bị bộ đàm, định vị để khi xảy ra sự cố thì kịp thời thông báo cho các thuyền viên khác đến ứng cứu. Từ khi các tổ liên kết thành lập, thời gian đi biển của chúng tôi kéo dài hơn vì không lo cạn nhiên liệu, thiếu lương thực”.
Đến thời điểm này, toàn xã Cẩm Nhượng đã thành lập được 16 tổ đoàn kết, liên kết sản xuất trên biển, thu hút hơn 80 tàu cá tham gia, mỗi tổ có từ 5 tàu trở lên. Mô hình này đã mang lại lợi ích và hiệu quả kinh tế cao, giúp ngư dân giảm được 30% chi phí trong quá trình đánh bắt và cùng nhau bảo vệ chủ quyền biển, đảo.
Đặc biệt, để hỗ trợ những thuyền công suất lớn vươn khơi xa, ngày 18-8 vừa qua, tổ khai thác hải sản xa bờ Cẩm Nhượng cũng đã được thành lập. Tổ gồm 6 tàu công suất từ 250 CV trở lên với 35 lao động do chủ tàu vỏ thép Tôn Đức Vinh làm tổ trưởng.
“Với mỗi ngư dân, mỗi con tàu khi vươn khơi bám biển sẽ là một “cột mốc sống” khẳng định chủ quyền thiêng liêng trên vùng biển Tổ quốc nên việc thành lập tổ khai thác hải sản xa bờ không chỉ có mục đích hỗ trợ liên kết sản xuất, tìm kiếm cứu nạn mà còn bảo vệ chủ quyền biển đảo” - anh Vinh cho hay.
Sắm tàu lớn ra khơi
Song song với việc thành lập các tổ liên kết sản xuất trên biển, ngư dân Cẩm Nhượng còn đầu tư nâng cấp, cải hoán tàu thuyền để vươn khơi bám biển. Bên con tàu vỏ thép vừa hạ thủy từ đầu tháng 3 năm nay, anh Tôn Đức Vinh cho biết: “Từ khi hạ thủy đến nay, tàu vỏ thép đã cho lãi ròng 800 triệu đồng. Riêng chuyến ra khơi đầu tiên trong thời gian 5 ngày, anh em đánh bắt được 6 tạ hải sản, thu 80 triệu đồng. Chuyến này đi 7 ngày được gần 1 tấn, chủ yếu là cá thu trồi, giá bán khá cao (180.000 đồng/kg). Mới cập bến chưa đầy 1 giờ đồng hồ nhưng tất cả số cá đánh bắt về đã được mọi người thu mua hết. Với con tàu vỏ thép này, chúng tôi tự tin ra khơi đánh bắt xa bờ. Bước đầu, các thuyền viên được trả lương 10 triệu đồng/tháng”.
Cảng cá Hà Tĩnh tấp nập người mua, bán
Từ thắng lợi của tàu vỏ thép, anh Vinh tiếp tục đăng ký đóng thêm một tàu mới theo Nghị định 67/NĐ-CP. Tại xã Cẩm Nhượng, việc cải hoán tàu công suất lớn đang được người dân chú trọng. Cả xã có 248 tàu thuyền, trong đó có tới 80 tàu công suất từ 90 CV trở lên, từ đầu năm 2017 đến nay đóng mới 13 tàu công suất lớn. Do đầu tư nâng cấp tàu thuyền nên sản lượng đánh bắt của địa phương trong năm 2017 tăng đáng kể.
Theo thống kê của UBND xã Cẩm Nhượng, 8 tháng đầu năm, sản lượng hải sản thu được của toàn xã là 2.600 tấn, thu nhập trên 145 tỷ đồng, trong đó, tàu xa bờ chiếm khoảng 35%. Chủ tịch UBND xã Nguyễn Sỹ Huyền phấn khởi cho biết: “Riêng 6 tháng đầu năm bằng sản lượng của cả năm 2016. Năm nay, xã phấn đấu đạt sản lượng bằng năm 2015 (thời điểm trước khi xảy ra sự cố môi trường biển - PV), tức là khoảng 3.800 tấn. Hiện nay, trong xã đang có 3 ngư dân đăng ký đóng tàu vỏ thép theo Nghị định 67”.
Đội tàu công suất lớn của ngư dân Cẩm Nhượng đang phát triển mạnh về số lượng nhưng hiện nay, khó khăn lớn nhất của địa phương là cửa lạch cạn nên không thể cập bến. “Như tàu vỏ thép của anh Tôn Đức Vinh hay một số tàu công suất trên 250 CV thường phải cập cảng Thạch Kim chứ không thể vào cảng Cửa Nhượng. Để tạo điều kiện cho ngư dân vươn khơi đánh bắt thì việc quan trọng nhất lúc này là nạo vét cửa lạch và đầu tư xây dựng cảng cá” - Chủ tịch UBND xã Nguyễn Sỹ Huyền nhấn mạnh.
Bài, ảnh: Phan Trâm