Ngôi nhà chung ấm áp, nghĩa tình

HQVN -

Trung tâm Điều dưỡng Thương binh và Người có công Long Đất nằm ở thị trấn Long Hải, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Trung tâm có chức năng nuôi dưỡng, chăm sóc thương-bệnh binh, phục hồi chức năng cho thương binh tâm thần. Đây cũng là địa chỉ thường xuyên đón nhận các đoàn thương bệnh binh, Mẹ Việt Nam anh hùng của các tỉnh về điều dưỡng có thời hạn.

Chúng tôi-những học viên Lớp Thông tin viên báo Hải quân Việt Nam cùng Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân đến thăm Trung tâm Điều dưỡng thương binh và Người có công  Long Đất vào một ngày trung tuần tháng 7. Dọc đường đi, Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân-người đã 25 năm gắn bó, thân thiết với Trung tâm kể cho chúng tôi nghe về một số trường hợp thương binh nặng và chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm.

Những ngôi nhà của Trung tâm nằm dưới những tán cây bàng xanh mát. Không khí nơi đây thật bình yên và ấm áp. Một nhóm thương binh ngồi xe lăn đang hóng mát bên hòn non bộ. Mấy bác thương binh đi xe mô tô 3 bánh lượn mấy vòng rồi tụ lại ở góc sân, trò chuyện rôm rả. Hầu hết các thương binh mặc áo quân phục, một số bác còn đeo huân, huy chương. Ban đầu, nếu không có những chiếc xe lăn, nhiều người sẽ nghĩ nơi đây là một khu tập thể của một cơ quan nào đó.

Đoàn công tác giao lưu văn nghệ với thương, bệnh binh

Anh Tống Đức Bình mới từ ngoài Bắc vào làm Giám đốc Trung tâm được hơn 3 tháng. Dáng người nhanh nhẹn, giọng nói ân cần, ấm áp, anh kể: “Biết có  đoàn cán bộ, sĩ quan Hải quân đến thăm nên các cô bác thương, bệnh binh đã có mặt tại hội trường Trung tâm từ sớm, vẫn tác phong nhà binh mà!”

Cùng đoàn công tác, chúng tôi tỏa đi thăm hỏi các thương, bệnh binh nơi đây. Bác Nguyễn Xuân Nguyên là thương binh hạng ¼, mất 98% sức khỏe và phải ngồi xe lăn. Bác Nguyên vào miền Nam chiến đấu từ năm 1974 và bị thương tại chiến trường Cam-pu-chia. Bác bị thương lúc đang là sĩ quan tham mưu, mang quân hàm đại úy. Bác tâm sự: Khi bị thương, tôi đã giấu gia đình vì sợ khổ vợ con ở quê nên vẫn nhờ bạn bè nói là sức khỏe vẫn bình thường. Nhưng giấu mãi cũng không được, gia đình tìm đến đơn vị và được biết tôi đang nằm ở trung tâm này. Khi hỏi về cuộc sống sinh hoạt hiện nay, bác Nguyên cho biết: Về đây tôi được các y, bác sĩ chăm sóc tận tình, chu đáo nên sức khỏe cũng tạm ổn. Vợ con tôi vào đây được cấp đất làm nhà ổn định cuộc sống, hiện nay con gái đã tốt nghiệp đại học làm việc tại TP.Hồ Chí Minh.

Bác Phạm Thị Kim Phương, 74 tuổi là thương binh tại mặt trận Bình Trị Thiên. Bác Phương vào Trung tâm từ năm 1978 và phải ngồi xe lăn do liệt bán thân, bác cho biết: Nơi đây các thương, bệnh binh được chăm sóc hết sức tận tình, chu đáo, được sống cùng các thương-bệnh binh nên bác không chỉ ổn định về sức khỏe mà còn tìm thấy niềm vui trong cuộc sống...

Sau phần thăm hỏi, động viên, đại diện đoàn công tác đã cung cấp cho các thương bệnh binh một số thông tin về tình hình biển, đảo và các hoạt động bảo vệ chủ quyền của Hải quân nhân dân Việt Nam. Đoàn công tác đã bày tỏ mong muốn các thương bệnh binh sẽ tiếp tục điều trị, giữ gìn sức khỏe và tin tưởng vào lực lượng Hải quân sẽ làm nòng cốt, bảo vệ vững chắc biển, đảo và thềm lục địa của Tổ quốc.

Chương trình giao lưu văn hóa, văn nghệ được các thương, bệnh binh tích cực hưởng ứng. Những lời ca, tiếng hát ca ngợi Đảng, Bác Hồ, tình yêu quê hương đất nước của đoàn công tác cùng các thương, bệnh binh đã tạo nên những giây phút ấm áp, nghĩa tình, phần nào chia sẻ những vết thương còn đọng lại trên thân thể các thương-bệnh binh; thể hiện tinh thần lạc quan, yêu đời, luôn vươn lên trong cuộc sống của các thương-bệnh binh nơi đây.

Đến với Trung tâm lần này, chúng tôi gửi tặng các thương-bệnh binh bức ảnh “Chiến sĩ Hải quân bên cột mốc chủ quyền”. Bác Trần Khắc Hải, Thương binh hạng ¼ đánh xe lăn lên sát sân khấu để nhìn bức ảnh được rõ hơn. Hơn 30 năm ở Trung tâm, đây là lần đầu tiên bác nhìn thấy bức ảnh này. Bác ngồi rất lâu, ngắm nhìn cột mốc chủ quyền đảo Trường Sa một cách say sưa. Bác xúc động: Nếu cần thiết, tôi vẫn muốn xung phong chiến đấu để bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc.

Chia tay các thương, bệnh binh ở Trung tâm Điều dưỡng Thương binh và Người có công Long Đất, chúng tôi càng thêm khâm phục ý chí, nghị lực, tinh thần lạc quan, yêu đời của các thương-bệnh binh nơi đây. Bắt chặt tay tôi, anh Tống Đức Bình cho biết thêm: Hầu hết thương bệnh binh ở đây là những người lính trực tiếp chiến đấu, bị thương nặng, mất đi một phần cơ thể. Mặc dù còn nhiều khó khăn song cán bộ Trung tâm rất nỗ lực để xây dựng Trung tâm trở thành ngôi nhà thứ hai, giúp các thương-bệnh binh và người có công tích cực điều trị, phục hồi sức khỏe, phấn đấu vươn lên trong cuộc sống, xứng đáng với lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “thương binh tàn nhưng không phế”.                                                          

Bài, ảnh: Võ Minh Thắng

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn