Nghệ thuật sử dụng lực lượng trong Chiến dịch tiến công Trị - Thiên

Thắng lợi Chiến dịch tiến công Trị-Thiên (từ ngày 30/3 đến 27/6/1972) để lại nhiều bài học nghệ thuật quân sự, điển hình là nghệ thuật sử dụng lực lượng sáng tạo, khoa học.

Đầu năm 1972, ở Trị-Thiên, địch bố trí nhiều đơn vị thiện chiến và tổ chức hệ thống phòng ngự vững chắc thành 3 tuyến: Tuyến ngoài cùng (giáp ranh giữa ta và địch) kéo dài từ biển đến sát biên giới Việt-Lào. Tuyến giữa có nhiều điểm cao, các căn cứ được Mỹ dày công xây dựng, như: Cồn Tiên, Dốc Miếu, Ðộng Ông Do, 241, 544... Đây là tuyến phòng ngự cơ bản quan trọng nhất trong hệ thống phòng ngự của địch. Tuyến trong cùng (phòng ngự dự bị), chúng bố trí từ Đường số 1 kéo ra biển với nhiệm vụ phối hợp cùng lực lượng bảo an dân vệ kìm kẹp, đánh phá các phong trào đấu tranh, nổi dậy của quần chúng.

Trên cơ sở phân tích tình hình địch, địa hình, thực lực, Bộ tư lệnh chiến dịch sử dụng lực lượng tiến công trên 4 hướng: Hướng Bắc (chủ yếu) sử dụng Sư đoàn 308 (thiếu 1 trung đoàn) được tăng cường một số đơn vị, phối hợp với LLVT địa phương tiêu diệt Trung đoàn 57 và Trung đoàn 2 của địch ở các điểm cao 544, Ðồi Tròn, Ðộng Mã, Cồn Tiên, sau đó tiến công các mục tiêu ở Quán Ngang, Miếu Bái Sơn và sẵn sàng đánh địch ở Hồ Khê, Ðá Bạc, Thiện Xuân, Lăng Cô, Gia Bình.

Nghệ thuật sử dụng lực lượng trong Chiến dịch tiến công Trị - Thiên

Bộ đội Sư đoàn 304 đánh chiếm căn cứ Động Toàn tại Quảng Trị, năm 1972. Ảnh tư liệu

Hướng Tây, ta sử dụng Sư đoàn 304, Trung đoàn Pháo binh 38 và 4 trung đoàn pháo cao xạ đảm nhiệm tiến công tuyến phòng ngự của địch ở Ðộng Toàn, Ba Tum, vây ép Ba Hồ, sẵn sàng phối hợp với hướng Bắc đánh chiếm núi Kiếm, bao vây tiêu diệt các cứ điểm: 241, Mai Lộc, Ðầu Mầu, Ái Tử. Hướng Nam sử dụng Sư đoàn 324 (thiếu 1 trung đoàn) cùng các đơn vị phối thuộc, phối hợp chặt chẽ với lực lượng của tỉnh Quảng Trị, tiêu diệt địch ở nam và bắc sông Thạch Hãn, hỗ trợ nhân dân Triệu Phong, Hải Lăng nổi dậy diệt ác, phá kìm, giành quyền làm chủ. Hướng Đông (thứ yếu) gồm Tiểu đoàn 47 Vĩnh Linh, các đơn vị đặc công cùng một số lực lượng khác bao vây Dốc Miếu, Quán Ngang từ phía đông, tiêu diệt căn cứ hải thuyền Cửa Việt...

Ngày 30/3/1972, Chiến dịch tiến công Trị-Thiên bắt đầu, trên các hướng, lực lượng ta thực hành đột phá liên tục kết hợp với thọc sâu, vu hồi, phá vỡ toàn bộ hệ thống phòng ngự vòng ngoài, diệt nhiều sinh lực địch, giải phóng hai huyện Gio Linh và Cam Lộ (Quảng Trị), buộc địch phải bỏ tuyến phòng ngự Đường số 9, co về giữ Đông Hà, Ái Tử, tăng cường lực lượng phòng ngự. Ngày 2/5/1972, tỉnh Quảng Trị được giải phóng. Từ ngày 20 đến 26/6, ta mở đợt tiến công thứ ba nhằm tiêu diệt sinh lực địch, phá thế phòng ngự của chúng, không cho địch co cụm ở tuyến sông Bồ, tạo thế phát triển chiến đấu tiếp theo. Do địch tăng cường lực lượng, đánh phá ác liệt các đường vận chuyển và hậu phương chiến dịch của ta, đồng thời, mùa mưa đã bắt đầu, công tác vận chuyển tiếp tế hậu cần của ta gặp nhiều khó khăn, đêm 27/6/1972, Bộ tư lệnh chiến dịch quyết định kết thúc Chiến dịch tiến công Trị-Thiên, chuyển sang phòng ngự bảo vệ vùng giải phóng.

Kết quả chiến dịch, ta tiêu diệt và làm rã ngũ hơn 27.000 tên địch, bắt gần 3.400 tên; thu và phá hủy 636 xe tăng thiết giáp, giải phóng tỉnh Quảng Trị. Chiến dịch thắng lợi đã khẳng định việc sử dụng lực lượng đúng đắn, sáng tạo, góp phần tạo nên thắng lợi của cuộc tiến công chiến lược năm 1972.

Theo QĐND điện tử

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn