Lữ đoàn 162, Vùng 4: Chú trọng đảm bảo kỹ thuật cho những chuyến đi biển

HQVN -

Ngoài nhiệm vụ SSCĐ bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, trong những năm vừa qua các tàu của Lữ đoàn 162 luôn thực hiện thành công các chuyến đi biển đường dài thực hiện nhiệm vụ đối ngoại quốc phòng, diễn tập hàng hải đa phương mà mới đây nhất là chuyến đi đến TP.Vladivostok tham dự kỉ niệm  323 năm Ngày truyền thống của Hải quân Liên bang Nga. Để có được thành công ấy, công tác bảo đảm kỹ thuật có vai trò quan trọng hàng đầu.

Chúng tôi có mặt tại quân cảng của Lữ đoàn 162 vào một ngày giữa tháng 8 khi đơn vị đang thực hiện nhiệm vụ ngày kỹ thuật tuần. Không khí đơn vị dường như nhộn nhịp hơn ngày thường bởi đội hình tàu của đơn vị vừa thực hiện các nhiệm vụ diễn tập; đối ngoại quốc phòng trở về. Cán bộ, chiến sĩ đơn vị đang sơn sửa tàu, bảo quản, kiểm sửa VKTBKT. 

Biên đội tàu Lữ đoàn 162 thực hiện nhiệm vụ trên biển. Ảnh: Lê Ngọc

Trao đổi với chúng tôi Thiếu tá Trần Văn Tú, Chủ nhiệm Kỹ thuật Lữ đoàn cho biết: Là đơn vị tàu chiến đấu, để thực hiện tốt nhiệm vụ chúng tôi coi trọng công tác bảo đảm kỹ thuật cho các tàu ở bến và khi thực hiện nhiệm vụ trên biển. Mọi trang thiết bị trên tàu đều được đăng ký sổ sách đầy đủ, cán bộ kỹ thuật Lữ đoàn, cán bộ tàu và các ngành nắm chắc tình trạng hoạt động VKTBKT của từng tàu, từng ngành để có phương án sử dụng, thay thế, dự phòng trang thiết bị khi cần thiết, giúp cho con tàu luôn ở trong tình trạng tốt nhất, sẵn sàng thực hiện mọi nhiệm vụ.

Đảng ủy Lữ đoàn 162 đã xác định công tác kỹ thuật là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của đơn vị, từ đó đưa ra các giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt mặt công tác này. Chỉ huy Lữ đoàn đã chỉ đạo các cơ quan tăng cường huấn luyện nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ nhân viên kỹ thuật; nội dung huấn luyện tập trung vào làm chủ trên các tàu chiến đấu, nhất là các tàu mới tiếp nhận; trọng tâm là nâng cao trình độ, khai thác, vận hành thành thạo VKTBKT trên tàu, nhất là nội dung huấn luyện của chuyên gia bảo hành nước bạn.

Mặt khác, Lữ đoàn chú trọng bồi dưỡng, nâng cao trình độ ngoại ngữ cho cán bộ, nhân viên bằng việc phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ đã được đào tạo, huấn luyện ở nước ngoài. Các loại giáo án, bài giảng của từng ngành trên tàu được biên dịch, biên soạn ra tiếng Việt giúp các cán bộ trẻ, nhân viên các ngành nắm chắc hơn tình trạng VKTBKT ở vị trí, ở ngành mình phụ trách.

Trước khi thực hiện nhiệm vụ đường dài trên biển, cơ quan kỹ thuật Lữ đoàn chỉ đạo các tàu bảo quản dự phòng, kiểm sửa định kỳ tỉ mỉ. Nhiệm vụ này được giao đến từng cán bộ, nhân viên kỹ thuật. Cán bộ tàu, ngành có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc nhân viên kỹ thuật tàu mình. Cơ quan kỹ thuật tổ chức theo dõi, đánh giá công tác thực hiện bảo quản, bảo dưỡng và tập trung vào các trang bị làm việc nhiều, cường độ cao như: Hệ động lực, hệ thống lái. Cơ quan kỹ thuật cử tổ sửa chữa cơ động đi theo tàu để kịp thời hỗ trợ cán bộ, nhân viên khi có sự cố, hỏng hóc VKTBKT có thể xảy ra.

 Hướng dẫn quy trình bảo quản hệ thống nén khí điều khiển động cơ trên Tàu 015. Ảnh: Văn Vương

Thiếu tá Hoàng Ngọc Long, Phó Chủ nhiệm Kỹ thuật Lữ đoàn chia sẻ: Cán bộ kỹ thuật của Lữ đoàn được cử theo các tàu luôn bám sát các kíp trực hành trình, đôn đốc kiểm tra các thông số kỹ thuật, tình trạng của máy, thiết bị, hệ thống động lực, hệ thống VKTBKT, đặc biệt trong tình trạng sóng, gió lớn, kiên quyết không để xảy ra các sự cố do lỗi chủ quan, duy trì nghiêm kỷ luật công tác ngành kỹ thuật. Tùy theo điều kiện thực tế, chúng tôi chỉ đạo tàu tận dụng tối đa thời gian kiểm tra, bảo quản, bảo dưỡng, khắc phục những lỗi hư hỏng nhỏ phát sinh trong quá trình hoạt động.

 Nhờ sự sát sao chỉ đạo của cơ quan kỹ thuật Lữ đoàn mà công tác thống kê, đánh giá rút kinh nghiệm trong khai thác, sử dụng VKTBKT của các tàu được thực hiện có nền nếp; cán bộ, nhân viên từng ngành, từng tàu có ý thức học tập nâng cao trình độ, đảm nhận tốt vị trí mình được phân công, từ đó hạn chế tối đa những sự cố hỏng hóc trong quá trình làm nhiệm vụ trên biển. Đại úy Trần Thanh Sơn, Trưởng ngành Cơ điện Tàu 015-Trần Hưng Đạo cho biết: Các loại sự cố, hư hỏng của từng loại trang thiết bị được đăng ký, ghi chép đầy đủ về thời gian, địa điểm, tình trạng, biện pháp khắc phục, nguyên nhân... Hàng quý, cơ quan kỹ thuật Lữ đoàn tổng hợp, đưa ra các biện pháp phòng ngừa, xử lý góp phần giảm đáng kể các lỗi, sự cố kỹ thuật.

Trong những năm qua, Lữ đoàn luôn hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao như: Diễn tập vòng tổng hợp, diễn tập quốc tế, diễn tập cứu hộ, cứu nạn trên biển, thực hành bắn đạn thật... Năm 2019, các tàu hộ vệ tên lửa đã 5 lần tham gia thực hiện nhiệm vụ đối ngoại quốc phòng với tổng quãng đường 18 nghìn hải lý. Tàu 016-Quang Trung thực hiện chuyến hải trình lần đầu thăm Liên bang Nga với tổng quãng đường trên 4 nghìn hải lý. Tất cả các tàu đều bảo đảm an toàn tuyệt đối về người và VKTBKT, khẳng định khả năng bảo đảm kỹ thuật cho các tàu đi biển dài ngày nói riêng, khả năng SSCĐ của Lữ đoàn nói chung trong mọi tình huống.

Long Minh

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn