Lữ đoàn 162, Vùng 4: Bảo đảm tốt công tác kỹ thuật cho các nhiệm vụ
HQVN -
Đẩy mạnh hai đột phá của Ngành Kỹ thuật Hải quân “Xây dựng nền nếp chính quy kỹ thuật và làm chủ VKTBKT”, Lữ đoàn 162, Vùng 4 đã làm tốt công tác bảo quản dự phòng, kiểm sửa định kỳ, bảo đảm tốt công tác kỹ thuật cho các nhiệm vụ.
Lữ đoàn 162 được biên chế nhiều tàu chiến đấu hiện đại, số lượng VKTBKT lớn, đa dạng về chủng loại. Qua thời gian hoạt động, môi trường biển có nồng độ muối trong không khí cao tác động lớn tới tuổi thọ và tính ổn định của VKTBKT. Một số VKTBKT đã xuống cấp, tính đồng bộ không cao, vật tư đặc chủng khan hiếm... là những khó khăn trong công tác bảo đảm kỹ thuật.
Trung tá Phạm Anh Tuấn, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 162 cho biết: “Theo Mệnh lệnh công tác quân sự, chỉ lệnh công tác kỹ thuật của cấp trên, chúng tôi chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện công tác kỹ thuật. VKTBKT luôn bảo đảm hệ số kỹ thuật, tính đồng bộ, tàu sẵn sàng rời bến thực hiện nhiệm vụ khi có lệnh”.
Huấn luyện khai thác, làm chủ VKTBKT trên Tàu 372, Lữ đoàn 162
Lữ đoàn tổ chức huấn luyện cho mọi quân nhân nắm chắc tính năng kỹ chiến thuật, quy trình khai thác, sử dụng VKTBKT; bố trí cán bộ, nhân viên kỹ thuật học tập nâng cao trình độ khi tàu đi sửa chữa tại các nhà máy. Tại các tàu, cán bộ tàu cùng các đồng chí trưởng ngành chủ động xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch bảo quản dự phòng, kiểm sửa định kỳ theo tuần, tháng, quý, 6 tháng, năm và các nhiệm vụ đột xuất. Lữ đoàn đã chỉ đạo xây dựng bộ phiếu công nghệ bảo quản dự phòng, kiểm sửa định kỳ tuần, tháng, quý… cho từng trang bị cụ thể, chi tiết, cho từng dạng tàu, định mức vật tư tiêu hao đối với từng nội dung trang bị được bảo quản.
Thượng úy Nguyễn Văn Chiến, Ngành trưởng Ngành 7, Tàu 012 Lý Thái Tổ chia sẻ: Trong quá trình thực hiện bảo quản kiểm sửa, chúng tôi tuân thủ nghiêm quy tắc bảo đảm an toàn, đặc biệt quy tắc an toàn khi tiếp xúc với điện, làm việc trong khoang hầm kín, làm việc trên cao, ngoài mạn…
Xây dựng kế hoạch bảo quản dự phòng, kiểm sửa định kỳ, cán bộ ngành và các vị trí trưởng cùng khảo sát thực tế VKTBKT, xác định rõ nội dung công việc để đề ra biện pháp, phân công nguồn nhân lực thực hiện. Toàn Lữ đoàn thực hiện nghiêm giờ kỹ thuật trong ngày, ngày kỹ thuật trong tuần, tháng, chế độ sấy, kiểm tra VKTBKT buổi sáng… Các tàu của Lữ đoàn làm tốt công tác rút kinh nghiệm sau bảo quản, kiểm sửa nhằm khắc phục những khâu yếu, mặt yếu còn tồn tại đồng thời xây dựng nền nếp công tác kỹ thuật chính quy, an toàn.
Những năm vừa qua, phong trào học tập, nghiên cứu, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, ứng dụng công nghệ nội địa, công nghệ tự chủ tại Lữ đoàn phát triển rộng khắp góp phần nâng cao chất lượng bảo quản, kiểm sửa, bảo đảm kỹ thuật cho VKTBKT. Cán bộ, nhân viên kỹ thuật của Lữ đoàn đã nghiên cứu, chế tạo thành công một số linh kiện, vật tư thường xuyên hư hỏng trong quá trình khai thác sử dụng, nổi bật là: Thiết bị kiểm tra đường truyền; thiết bị đo và điện trở thuần các nhiệt ngẫu động cơ tua bin; thiết kế xe chạy phục vụ bảo quản ống phóng ngư lôi; thiết bị đo nhiệt độ hầm đạn; bộ tín hiệu báo áp lực nước biển làm mát máy phụ…
Đánh giá về các sáng kiến, cải tiến kỹ thuật của Lữ đoàn 162, Trung tá Trần Văn Tú, Phó Chủ nhiệm Kỹ thuật Vùng 4 khẳng định: Các sáng kiến, cải tiến kỹ thuật của Lữ đoàn áp dụng vào thực tế đã phát huy tốt hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng bảo quản, bảo dưỡng VKTBKT đảm bảo tốt cho nhiệm vụ đồng thời tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước hàng trăm triệu đồng.
Đội hình tàu Lữ đoàn 162 huấn luyện trên biển
Chỉ huy Lữ đoàn đã lựa chọn một số cán bộ, nhân viên kỹ thuật giỏi chuyên môn, nghiệp vụ để thành lập tổ sửa chữa cơ động. Tổ sửa chữa cơ động sẵn sàng hỗ trợ các tàu sửa chữa các hạng mục khó, hàm lượng kỹ thuật cao hoặc cơ động cùng các tàu thực hiện các nhiệm vụ khi cần thiết. Trước khi các tàu thực hiện nhiệm vụ đi biển, Phòng Kỹ thuật Lữ đoàn phối hợp với đơn vị kiểm tra nắm tình trạng VKTBKT, hệ động lực, thân vỏ… Trên cơ sở đó tham mưu cho chỉ huy Lữ đoàn bổ sung quân số, tổ sửa chữa cơ động; cấp bảo đảm các loại vật tư, kỹ thuật, sử dụng đúng chủng loại vật tư, xăng dầu, mỡ kỹ thuật cho từng trang thiết bị.
Trung tá Hoàng Anh, Thuyền trưởng Tàu 016 Quang Trung cho biết: Chúng tôi luôn chuẩn bị một số vật tư phụ tùng có xác suất hỏng hóc cao, sẵn sàng thay thế khi cần thiết đồng thời dự kiến một số tình huống đột xuất có thể xảy ra và phương án xử trí, bảo đảm hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Nhờ làm tốt công tác bảo quản dự phòng, kiểm sửa định kỳ mà hệ số kỹ thuật của VKTBKT của Lữ đoàn luôn đạt và vượt chỉ tiêu từ 3 đến 5%. Các tàu của Lữ đoàn có thể hoạt động dài ngày liên tục, hoạt động trong điều kiện thời tiết phức tạp, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ, diễn tập, bắn đạn thật, đối ngoại quốc phòng và các nhiệm vụ được giao.
Bài, ảnh: Vũ Bằng
Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn
- Lữ đoàn 679: Hội thi sĩ quan cấp phân đội, hội thao quân nhân QNCN - ( 27-11-24 09:00 )
- Lữ đoàn 126: Hội thi cán bộ đại đội và các chức danh tương đương - ( 26-11-24 02:00 )
- Hội đồng thi đua - khen thưởng Quân chủng tổng kết phong trào thi đua quyết thắng năm 2024 - ( 25-11-24 02:00 )
- Khai mạc tập huấn kỹ thuật cho học viên Cam-pu-chia - ( 25-11-24 09:00 )
- Hợp tác để tự chủ đảm bảo kỹ thuật - ( 24-11-24 10:00 )