Lữ đoàn 127, Vùng 5: Bảo vệ vững chắc vùng biển, đảo Tây Nam của Tổ quốc

* Thượng tá Bùi Văn Việt, Lữ đoàn trưởng, Lữ đoàn 127

HQVN -

Trước yêu cầu nhiệm vụ của cách mạng, ngày 27/5/1978, Bộ Quốc phòng ra quyết định thành lập Hải đoàn 127 Hải quân (đơn vị tiền thân của Lữ đoàn 127). Đến ngày 12/2/1979, Hải đoàn 127 được nâng cấp thành Lữ đoàn 127 trực thuộc Vùng 5 Hải quân.

Những ngày đầu thành lập, mặc dù còn gặp rất nhiều khó khăn nhưng Lữ đoàn đã tích cực tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam, làm nhiệm vụ quốc tế tại Cam-pu-chia và lập được nhiều chiến công xuất sắc. Những năm tháng chiến đấu trên đất nước bạn, Lữ đoàn thường xuyên đảm nhận nhiều nhiệm vụ nặng nề, hoạt động dài ngày trên biển, có nhiều trận chiến phức tạp, khó khăn. Mặc dù phải chống chọi với bệnh tật, sốt rét trong khi cơ sở, vật chất thiếu thốn, gian khổ nhưng cán bộ, chiến sĩ của Lữ đoàn luôn giữ nghiêm kỷ luật chiến trường, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Xạ thủ súng 12,7mm, Tàu 954, Hải đội 511, Lữ đoàn 127 tiêu diệt mục tiêu trên biển. Ảnh: Văn Định

Tham gia chiến dịch Tây Nam, Lữ đoàn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ đội hình đổ bộ, vận chuyển đổ bộ, đánh chiếm các mục tiêu được phân công, góp phần quan trọng trong việc giải phóng cảng Công-pông-xom, cảng Ream, tỉnh Cô Công và toàn bộ vùng biển, đảo Cam-pu-chia. Lữ đoàn đã tham gia chiến đấu 17 trận, huy động 449 lượt tàu thuyền, cơ động hơn 63.000 hải lý; chở 52 lượt chuyến với gần 21.000 người, 52 xe, 18 khẩu pháo và gần 1.500 tấn hàng; cùng các đơn vị bạn đưa đón, chuyên chở 8.000 người dân, phá hủy nhiều vũ khí, phương tiện chiến tranh của địch...

Thực hiện nhiệm vụ quốc tế giúp nhân dân Cam-pu-chia xây dựng chính quyền, hồi sinh đất nước, Lữ đoàn đã cùng với các lực lượng hiệp đồng truy quét tàn quân địch, ngăn chặn địch xâm nhập từ hướng biển và từ trong đất liền chạy ra biển. Lữ đoàn đã sử dụng tàu xua đuổi hàng nghìn lần tàu nước ngoài xâm phạm vùng biển Việt Nam và Cam-pu-chia.

Huấn luyện cấu tạo, tính năng kỹ, chiến thuật VKTB trên Tàu 253, Hải đội 512, Lữ đoàn 127. Ảnh: CTV

Hoàn thành nhiệm vụ quốc tế vẻ vang, tháng 9/1989, Lữ đoàn cùng các lực lượng của Vùng 5 trở về Tổ quốc. Lữ đoàn đã nhanh chóng củng cố lực lượng, kiện toàn tổ chức, nâng cao chất lượng tổng hợp thực hiện nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu, SSCĐ, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo trong khu vực được phân công và các nhiệm vụ khác được giao.

Xây dựng Lữ đoàn vững mạnh về chính trị, cấp ủy, chỉ huy các cấp đã đổi mới phương pháp, hình thức, nâng cao chất lượng giáo dục chính trị tư tưởng giúp cho bộ đội nắm chắc tình hình nhiệm vụ, xác định rõ đối tác, đối tượng và các âm mưu, thủ đoạn, hoạt động xâm phạm chủ quyền của nước ngoài. Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn luôn nắm vững tư tưởng chỉ đạo, phương châm, đối sách về xử trí các vấn đề trên biển của Đảng, Nhà nước.

Để nâng cao chất lượng huấn luyện, trình độ, khả năng SSCĐ, Lữ đoàn đã tập trung củng cố, xây dựng lực lượng theo hướng tinh, gọn, mạnh. Đơn vị duy trì nghiêm chế độ trực SSCĐ, nắm chắc tình hình trên không, trên biển; kịp thời tham mưu đề xuất với cấp trên xử trí tốt các tình huống, không để bị động, bất ngờ. Các cơ quan, đơn vị chủ động bổ sung, hoàn thiện các văn kiện, kế hoạch, phương án chiến đấu và tổ chức luyện tập thuần thục các phương án.

Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 127 phối hợp huấn luyện đổ bộ. Ảnh: CTV

Bám sát phương châm “Cơ bản, thiết thực, vững chắc”, Lữ đoàn tổ chức huấn luyện cho bộ đội từ thấp đến cao, từ cơ bản đến chuyên sâu; lấy thực hành làm trọng tâm đồng thời tăng cường huấn luyện khả năng cơ động, hiệp đồng và huấn luyện trong điều kiện thời tiết phức tạp. Để bảo đảm tốt công tác hậu cần, kỹ thuật cho các nhiệm vụ, Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn luôn quan tâm sâu sát, phát huy tinh thần tự chủ, năng động, sáng tạo, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc. Các cơ quan, đơn vị tăng cường huấn luyện thực hành, bảo đảm hậu cần cho các tàu xuất phát nhanh thực hiện nhiệm vụ. Lữ đoàn chú trọng nâng cao trình độ tổ chức, chỉ huy, quản lý, bảo đảm kỹ thuật, nhất là huấn luyện các quy tắc bảo đảm an toàn trong huấn luyện, diễn tập, khai thác, sử dụng VKTBKT.

Đáp ứng yêu cầu xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân trên biển vững mạnh, Lữ đoàn đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền biển đảo; triển khai hiệu quả Chương trình “Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển”, chương trình phối hợp thông tin về biển, đảo và hoạt động “Hải quân nhận đỡ đầu con ngư dân”...

Kế thừa và phát huy tinh thần đoàn kết quốc tế trong sáng, thủy chung, nghĩa tình, Lữ đoàn luôn làm tốt công tác đối ngoại quốc phòng. Mỗi chuyến tuần tra chung trên biển và tham gia đối ngoại quốc phòng của Lữ đoàn đều để lại ấn tượng, tình cảm tốt đẹp về hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ-Người chiến sĩ Hải quân”, góp phần giữ vững biên giới trên biển, xây dựng vùng biển hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển.

Trải qua 45 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành, lớp lớp cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 127 đã ra sức học tập, rèn luyện, cống hiến, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc và làm tròn nhiệm vụ quốc tế cao cả, xây đắp nên truyền thống vẻ vang: “Chiến đấu anh dũng; giúp bạn tận tình; đoàn kết, sáng tạo; làm chủ vùng biển”.

THÀNH TÍCH TIÊU BIỂU

Lữ đoàn 127 được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Nhì, hạng Ba; Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì, hạng Ba; Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Hải quân tặng 30 cờ thưởng thi đua; được Nhà nước Cam-pu-chia tặng thưởng Huân chương Angkor... Tàu HQ 232 thuộc Hải đội 513 vinh dự được phong tặng danh hiệu Đơn vị Anh hùng LLVT nhân dân.

 

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn