Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc hiện nay
HQ Online -
Đã 75 năm qua, “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 19/12/1946 vẫn như là lời hịch cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay.
Lịch sử đã lùi xa, nhưng giá trị và ý nghĩa to lớn của Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến không hề suy giảm mà càng trở nên có sức lay động lòng người, thôi thúc các tầng lớp nhân dân Việt Nam phấn đấu vươn lên thực hiện thắng lợi mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Trong mỗi thời điểm lịch sử, mỗi giai đoạn cách mạng khác nhau thì nội dung, ý nghĩa, cũng như việc quán triệt, vận dụng những tư tưởng cơ bản trong Lời kêu gọi đó có sự khác nhau.
Nhân dân Thủ đô Hà Nội dựng chiến lũy chống giặc Pháp tại phố Mai Hắc Đế. Ảnh: Tư liệu
Nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa trong điều kiện mới được Đảng ta chỉ rõ tại Đại hội XIII: “Phát huy cao nhất sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị kết hợp với sức mạnh thời đại, tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa, nền văn hóa và lợi ích quốc gia-dân tộc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, an ninh con người; xây dựng xã hội trật tự kỷ cương, an toàn, lành mạnh để phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa”[1].
Ý nghĩa thực tiễn của việc kỷ niệm ngày ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến là ở chỗ, phải nhận thức sâu sắc và vận dụng sáng tạo tư tưởng của Lời kêu gọi đó trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Có thể nêu lên nội dung vận dụng tư tưởng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay trên những vấn đề cơ bản sau:
Một là, kiên quyết giữ vững hoà bình, ổn định, ngăn ngừa, loại trừ nguy cơ chiến tranh, tạo môi trường thuận lợi cho sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước.
Một tư tưởng cơ bản trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến là chúng ta phải thực hiện mọi biện pháp có thể được, tuân thủ phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến” để giữ gìn, củng cố nền hoà bình, để nhân dân ta có điều kiện xây dựng và gia tăng sức mạnh đất nước.
Sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới chịu sự tác động sâu sắc bởi những diễn biến rất nhanh chóng, phức tạp, khó dự báo của tình hình quốc tế, sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch, cũng như những khó khăn, thách thức của tình hình đất nước. Yêu cầu chính yếu và là "thượng sách" trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc là không để đất nước xảy ra chiến tranh, là giữ vững môi trường hoà bình, ổn định cho sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế, hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc như Đảng ta xác định.
Trong các mối quan hệ quốc tế phức tạp, đa dạng, nhiều chiều như hiện nay, hơn lúc nào hết, Đảng và nhân dân ta phải “Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ đối ngoại”[2], “là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”[3]. Phải giải quyết và xử lý tốt các vấn đề đối tác và “đối tượng” trong quá trình hội nhập quốc tế; những cái gì là “bất biến” phải kiên định, để có thể “vạn biến” được với tình hình.
Sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, định hướng xã hội chủ nghĩa, độc lập chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích quốc gia-dân tộc, bản sắc văn hoá dân tộc, cuộc sống hoà bình của nhân dân…là những cái “bất biến” chúng ta phải kiên quyết bảo vệ, giữ gìn. Dù có thể có những áp lực từ những “luật chơi” trong các quan hệ quốc tế, những áp lực từ các quốc gia và tổ chức quốc tế là đối tác quan trọng, thì chúng ta cũng không bao gìờ vi phạm, từ bỏ những cái “bất biến” ấy; trái lại, càng phải với tinh thần chủ động, tích cực tranh thủ những điều kiện quốc tế thuận lợi vừa phục vụ tốt nhất cho sự phát triển đất nước, vừa bảo vệ vững chắc những cái gì thuộc về “bất biến”.
Nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc hiện nay đòi hỏi chúng ta phải thực hiện cho được “trong ấm, ngoài êm”, coi đó là một tư tưởng chỉ đạo cơ bản để khắc phục, loại trừ các “nguyên cớ” cả bên trong và bên ngoài, ngăn ngừa nguy cơ chiến tranh xâm lược từ sớm, từ xa, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định cho sự phát triển. Phải thực hiện tốt những biện pháp đối nội và đối ngoại theo “phương châm “thêm bạn, bớt thù”, vừa hợp tác, vừa đấu tranh, cố gắng gia tăng hợp tác, tránh xung đột; tránh bị đối đầu, lệ thuộc”[4], tạo ra sự “trong ấm” và củng cố sự “ngoài êm”, bảo đảm đất nước không bị cô lập, ngăn ngừa nguy cơ chiến tranh xâm lược; đồng thời tạo thuận lợi nhất định cho đất nước khi buộc phải tiến hành chống chiến tranh xâm lược của kẻ thù, nếu xảy ra.
Hai là, nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động phá hoại của các thế lực thù địch.
Tư tưởng cơ bản của Lời kêu gọi chỉ ra rằng, yêu chuộng hoà bình, khát khao và mong muốn hoà bình, không muốn xảy ra chiến tranh, nhưng không phải vì thế mà chờ đợi một cách thụ động, trái lại phải tích cực đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, cả bên trong và bên ngoài.
Trong tất cả các giai đoạn cách mạng, các thế lực thù địch không khi nào từ bỏ dã tâm chống phá cách mạng nước ta, chúng ta “càng nhân nhượng”, thì chúng “càng lấn tới”. Mọi sự lơ là, mất cảnh giác đều dẫn đến những hậu quả khôn lường, gây tổn thất cho cách mạng. Hiện nay không phải không có người còn tỏ ra lo ngại rằng, nếu quá kiên quyết đấu tranh thì sẽ “ảnh hưởng” đến quá trình hợp tác, nước ta sẽ bị cô lập, gây “bất lợi” cho sự nghiệp đổi mới, hội nhập quốc tế. Đây là vấn đề cần phải nhận thức đúng đắn, thấu đáo. Bởi đấu tranh làm thất bại âm mưu, hoạt động phá hoại của các thế lực thù địch không làm cản trở mà chính là do nhu cầu, là đòi hỏi của sự nghiệp đổi mới đất nước. Vấn đề đặt ra ở đây là phải biết đấu tranh. Môi trường hoà bình, ổn định, thuận lợi; định hướng xã hội chủ nghĩa của sự phát triển đất nước chỉ có thể có được và giữ vững được nếu chúng ta biết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá cách mạng Việt Nam của các thế lực thù địch.
Chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản động đã và đang thực hiện chiến lược “diễn biến hoà bình” kết hợp với bạo loạn lật đổ chống phá cách mạng nước ta. Chiêu bài “dân chủ”, “nhân quyền”, “tự do tôn giáo”, “dân tộc”, kích động, chia rẽ, phân hoá nhân tâm được chúng kết hợp chặt chẽ với việc chống phá ta về chính trị, tư tưởng, văn hoá, tạo điều kiện bạo loạn lật đổ và khi cần thiết thì can thiệp bằng quân sự, phát động chiến tranh xâm lược.
Những mưu toan xoá bỏ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, thủ tiêu chế độ xã hội chủ nghĩa của nhân dân ta được các thế lực thù địch thực hiện ráo riết vừa công khai trắng trợn, vừa che giấu kín đáo trong các quan hệ kinh tế, thương mại, văn hoá, làm cho sự chống phá của chúng càng trở nên nguy hiểm. Trong điều kiện đó, công cuộc bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa của nhân dân ta càng trở nên khó khăn phức tạp hơn, đòi hỏi chúng ta luôn phải tỉnh táo, nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng. Muốn ngăn ngừa nguy cơ chiến tranh, giữ vững nền hoà bình cho đất nước, bảo vệ vững chắc Tổ quốc, nhất thiết phải nâng cao cảnh giác, ra sức củng cố quốc phòng, an ninh, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân vững mạnh, đồng thời “Kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch”[5].
Ba là, nếu chiến tranh xảy ra, thì thực hiện chiến tranh nhân dân, cả nước một lòng, toàn dân đánh giặc, quyết tâm chiến thắng quân thù.
Ý chí sắt đá quyết tâm bảo vệ Tổ quốc và tư tưởng kháng chiến toàn dân, toàn diện là nội dung cơ bản, đặc biệt quan trọng trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Khi đã đến giới hạn mà chúng ta không thể “nhân nhượng” được nữa, bởi vì kẻ thù càng ngày càng “lấn tới”, thì chúng ta buộc phải cầm súng và sẵn sàng đương đầu chống xâm lược, quyết bảo vệ độc lập tự do và cuộc sống của mình. Yêu chuộng hoà bình, khát khao hoà bình phải gắn với việc kiên quyết đấu tranh để bảo vệ hoà bình, nếu kẻ thù quyết tâm xâm lược nước ta thì chúng ta "quyết không sợ", quyết đứng lên chiến đấu đến cùng, dù biết rằng chiến tranh là có tổn thất, là có mất mát, hy sinh, là tàn phá. Đó là thái độ và ý chí quyết tâm của nhân dân ta.
Tư tưởng cơ bản của Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến chỉ ra rằng, ý chí "quyết không sợ" không phải là tinh thần quả cảm chung chung, mà phải gắn bó chặt chẽ với việc biết đánh, biết chiến thắng kẻ thù. Lời giải cơ bản của bài toán biết chiến thắng kẻ thù là thực hiện chiến tranh nhân dân, "Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy, gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước"[6].
Tuy nhiên, trong điều kiện mới, nhất là trong điều kiện phải đối phó với chiến tranh xâm lược có sử dụng vũ khí công nghệ cao của kẻ thù, thì vấn đề chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc đặt ra có khác so với trước kia. Tinh thần “quyết không sợ”, ý chí “Không có gì quý hơn độc lập tự do” của nhân dân và quân đội ta đã từng làm nên chiến thắng huy hoàng trong các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ trước kia, trong điều chiến chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, phải được đặt lên mức độ cao hơn và với nội dung mới. Theo đó, vấn đề xây dựng và phát huy cao độ sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, của tất cả các lực lượng, các thành phần xã hội, các tầng lớp nhân dân, và đặc biệt sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, củng cố, tăng cường sức mạnh chính trị - tinh thần… là những vấn đề rất cơ bản để có thể tạo sức mạnh tổng hợp, đủ sức giành thắng lợi nếu chiến tranh xảy ra.
Phải quan tâm đúng mức đến việc "xây dựng và phát huy “thế trận lòng dân” trong nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân”[7], bảo đảm cho toàn dân tộc đồng thuận về tư tưởng, cùng một chí hướng, cùng một mục tiêu, cùng một quyết tâm: Trong thời bình thì hăng hái thi đua lao động sản xuất, làm cho “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”; khi chiến tranh xảy ra, thì cả nước một lòng, triệu người như một, quân với dân một ý chí, quyết tâm chiến thắng quân thù.
Nguyễn Văn Hùng, Nguyễn Văn Yêm
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2021, tr. 155-156
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2021, tr.161.
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam, Sđd, tr.162.
[4] Ban Tuyên giáo Trung ương, Tài liệu Học tập các văn kiện Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. 2014, tr. 47.
[5] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2021, tr. 156
[6] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 15, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.412
[7] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb Chính trị quôc gia, Hà Nội, 2021, tr. 157.
Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn
- Một số chiến dịch trong kháng chiến chống Pháp - ( 21-11-24 09:00 )
- Kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam tại Lào (30/10/1949 - 30/10/2024) - ( 29-10-24 07:00 )
- Nơi xuất phát của chuyến tàu Không số đặc biệt - ( 22-10-24 10:00 )
- Đồng chí Lý Tự Trọng - Người thanh niên yêu nước, bản lĩnh, khát khao lý tưởng và tràn đầy nhiệt huyết cách mạng - ( 17-10-24 09:00 )
- Đồng chí Lý Tự Trọng - Người đoàn viên thanh niên cộng sản đầu tiên (20/10/1914 - 20/10/2024) - ( 15-10-24 11:00 )