“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” - Kết tinh và lan tỏa sức mạnh chính trị - Tinh thần dân tộc

“Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến” vừa tiếp nối truyền thống dân tộc vừa là nguồn động lực kết tinh thành sức mạnh to lớn để dân tộc ta vượt qua tình thế hiểm nghèo, khó khăn, thử thách. Trong đó, nhân tố chính trị - tinh thần là một trong những nhân tố quan trọng được kết tinh và lan tỏa.

Truyền thống yêu nước Việt Nam được thử thách qua hàng ngàn năm lịch sử, được khẳng định bởi những thắng lợi chống kẻ thù lớn, mạnh gấp nhiều lần và bởi công cuộc dựng nước kiên trì, bền bỉ để có một Việt Nam tươi đẹp hôm nay. Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và đảm nhiệm sứ mệnh lãnh đạo đất nước, lịch sử hào hùng của dân tộc ta được tiếp nối bằng những mốc son chói lọi với những chiến công hiển hách trong cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và trong sự nghiệp đổi mới, hội nhập quốc tế. “Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến” vừa tiếp nối truyền thống dân tộc vừa là nguồn động lực kết tinh thành sức mạnh to lớn để dân tộc ta vượt qua tình thế hiểm nghèo, khó khăn, thử thách. Trong đó, nhân tố chính trị - tinh thần là một trong những nhân tố quan trọng được kết tinh và lan tỏa trong “Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến”.

CHÍNH TRỊ - TINH THẦN LÀ NHÂN TỐ CỐT LÕI, HỘI TỤ VÀ LAN TỎA SỨC MẠNH CỦA DÂN TỘC VIỆT NAM

Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 là bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử của dân tộc, chấm dứt ách đô hộ hơn 80 năm của thực dân Pháp, mở ra kỷ nguyên độc lập, dân chủ của dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng. Thế nhưng, ngay khi vừa giành lại độc lập, đất nước phải đối diện với tình thế “ngàn cân treo sợi tóc” bởi “thù trong, giặc ngoài”. Với dã tâm xâm lược nước ta một lần nữa, thực dân Pháp cùng với quân Tưởng Giới Thạch và bọn tay sai đã tiến hành nhiều hoạt động chống phá trắng trợn nhằm thực hiện mưu đồ tiêu diệt lực lượng, Chính phủ cách mạng và Đảng ta để thành lập chính quyền phản động, tay sai. Trong khi đó, tình hình kinh tế, chính trị, xã hội trong nước rơi vào khủng hoảng trầm trọng: sản xuất trì trệ, ngân khố quốc gia trống rỗng, nạn đói năm 1945 làm gần 2 triệu người chết chưa khắc phục xong, hơn 90% dân số mù chữ, tệ nạn xã hội còn rất phổ biến, các thế lực phản động ra sức hoạt động chống phá... Vận mệnh dân tộc nguy nan như “ngàn cân treo sợi tóc”.

Trong tình thế hiểm nghèo ấy, Đảng ta và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu đã đề ra những quyết sách đúng đắn, sáng tạo như: Tổ chức Tổng tuyển cử bầu Quốc hội, Hội đồng nhân dân nhằm củng cố chính quyền cách mạng, xây dựng nền móng cho chế độ mới; phát động phong trào tăng gia sản xuất, xóa bỏ mọi thứ thuế vô lý, thực hiện giảm tô, chia lại ruộng công, tịch thu ruộng đất của đế quốc, Việt gian chia cho nông dân nghèo; mở lớp Bình dân học vụ, kêu gọi toàn dân tham gia phong trào xóa nạn mù chữ; xây dựng “Quỹ độc lập” và phong trào “Tuần lễ vàng” huy động đóng góp tự nguyện của nhân dân; phát triển lực lượng vũ trang cách mạng theo nguyên tắc toàn diện cả về chính trị và quân sự, chú trọng cả số lượng và chất lượng... Nhờ đó, chỉ một thời gian ngắn, ta đã căn bản diệt được “giặc đói”, “giặc dốt”, giải quyết khó khăn về tài chính, từng bước tăng cường sức mạnh quốc phòng, an ninh, tạo tiền đề quan trọng để diệt “giặc ngoại xâm”.

Để tranh thủ được thời gian hòa bình nhằm củng cố chính quyền cách mạng, xây dựng lực lượng vũ trang và khắc phục những khó khăn về kinh tế, xã hội, đời sống của nhân dân và đẩy quân Tưởng ra khỏi lãnh thổ Việt Nam, ta đã phải ký với thực dân Pháp các hiệp định, nhượng bộ cho Pháp một số quyền ở Việt Nam. Thế nhưng, thực dân Pháp liên tục tiến hành các hành động khiêu khích, trắng trợn vi phạm các Hiệp định đã ký kết: tháng 11/1946, chúng chiếm đóng Hải Phòng, Lạng Sơn, chính thức gây ra cuộc chiến tranh xâm lược miền Bắc. Tại Hà Nội, từ đầu tháng 12/1946, quân Pháp liên tục dùng đại bác, súng cối bắn phá vào nhiều khu phố tàn sát dân thường... đưa quân chiếm một số trụ sở cách mạng. Đặc biệt, ngày 18 và 19/12/1946, thực dân Pháp đã liên tiếp gửi tối hậu thư buộc Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phải phá bỏ công sự trong thành phố, giải tán lực lượng tự vệ, giao quyền kiểm soát Thủ đô cho chúng.

Trước âm mưu, hành động xâm lược của kẻ thù, nhân dân Việt Nam không có con đường nào khác là cầm súng chiến đấu để bảo vệ độc lập, tự do, bảo vệ thành quả cách mạng.

Đêm 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ ra lời kêu gọi “Toàn quốc kháng chiến”, khẳng định: “Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa. Không! Chúng ta thà hi sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ!”(1). Đây là lời hiệu triệu mãnh liệt, là kết tinh truyền thống yêu nước hàng ngàn năm của dân tộc được hội tụ và lan tỏa sức mạnh thông qua vai trò lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng thời, là biểu hiện mạnh mẽ sức mạnh chính trị - tinh thần của dân tộc Việt Nam trong trong thời đại mới.

Trong Toàn quốc kháng chiến, ý chí quyết tâm bảo vệ độc lập tự do, cuộc sống của cả dân tộc vừa vươn lên làm chủ là động lực to lơn, trực tiếp để nhân dân ta đứng lên chống quân thù. Nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng đã làm cuộc cách mạng “long trời lở đất”, lần đầu tiên trong lịch sử, từ thân phận bị nô lệ, bị áp bức bóc lột đã giành chính quyền về tay mình, làm chủ và xây dựng xã hội mới. Đó là mơ ước, là khát vọng cháy bỏng của Nhân dân, của cả dân tộc Việt Nam mà đến khi cách mạng tháng Tám thắng lợi mới trở thành hiện thực. Bước vào Toàn quốc kháng chiến, chúng ta thiếu thốn, khó khăn mọi mặt, nhưng chúng ta “đoàn kết chặt chẽ dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân và Đảng của nó, đi đúng đường lối của chủ nghĩa Mác - Lênin, thì nhất định đánh thắng được đế quốc xâm lược”(2). Dân tộc ta được kế thừa truyền thống yêu nước được kết tinh qua hàng ngàn năm lịch sử và truyền thống ấy được kết tinh, hội tụ và lan tỏa, phát huy sức mạnh thông qua vai trò lãnh đạo của Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Lòng yêu nước nồng nàn, sự thống nhất về tinh thần và chính trị của nhân dân và quân đội xung quanh Đảng và Chính phủ đã giúp chúng tôi vượt qua những thử thách khó khăn không tưởng tượng được và tạo những điều kiện về chính trị, kinh tế và quân sự để chiến thắng”(3). Truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam được kết hợp với khát vọng, quyết tâm bảo vệ độc lập, tự do, dân chủ là động lực tinh thần to lớn cho những hành động dũng cảm, kiên cường, vượt qua mọi khó khăn ác liệt, hy sinh quên mình trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu, tham gia kháng chiến, lao động sản xuất của quân và dân ta trên khắp mọi miền Tổ quốc.

Nhân tố chính trị - tinh thần của nhân dân ta trong Toàn quốc kháng chiến đã mang nội dung mới, với chất lượng mới, là sự phát triển tất nhiên, trực tiếp từ khí thế cách mạng, tinh thần quật khởi trong cách mạng tháng Tám vào cuộc đụng đầu lịch sử mới với thực dân Pháp; và được nuôi dưỡng, phát triển suốt cả cuộc kháng chiến chống xâm lược. Nội dung mới và chất lượng mới của nhân tố chính trị - tinh thần biểu hiện ở những con người đã làm chủ vận mệnh, đứng lên bảo vệ quyền làm chủ và độc lập tự do. Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”(4) là tiếng gọi của non sông, là sự hiệu triệu của lãnh tụ đối với toàn thể nhân dân Việt Nam, đồng thời là ý chí, quyết tâm của cả dân tộc, của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta quyết đứng lên kháng chiến chống xâm lược, bảo vệ thành quả cách mạng vừa giành được.

Lời kêu gọi: “Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước”(5) của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hiệu triệu hàng triệu con tim, khơi dậy và phát huy cao độ truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam cùng đoàn kết, đồng lòng theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh với y chí, quyết tâm “vì chính nghĩa, công lý của thế giới, vì đất nước giống nòi của Việt Nam, mà toàn quốc đồng bào ta nổi lên tranh đấu quyết giữ vững nền độc lập của ta”(6).

Nhân dân Hà Nội và các thành phố lớn với tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” đã chiến đấu kiên cường, làm cho địch phải chịu những tổn thất rất nặng nề, làm cho các cuộc hành quân của địch không phải là những cuộc “dạo mát” như tuyên bố của chúng. Sự tham gia tích cực của già trẻ, trai gái, của các tầng lớp nhân dân trong cuộc kháng chiến không chỉ là sự đóng góp sức người, sức của cho chiến tranh; mà điều quan trọng là nhân dân thực sự đứng lên chiến đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc, tự do của họ, cho họ, “mỗi công dân là một chiến sĩ”, “mỗi bản làng, khu phố là một pháo đài”, tạo nên “bức thành đồng” vững chắc hướng về Đảng, về Chính phủ trong cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện. “Dân tộc Việt Nam có truyền thống yêu nước, ý chí quật cường. Tinh thần ấy càng sôi nổi khi đất nước bị xâm lăng. Thúc giục lòng yêu nước của các tầng lớp nhân dân, phát huy truyền thống dựng nước và giữ nước của cha ông, vận dụng sáng tạo những nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin về chiến tranh cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã khẳng định: Đường lối, phương châm kháng chiến của ta là toàn dân, toàn diện, trường kỳ, dựa vào sức mình là chính”(7). Đây là sự phát triển về chất của nghệ thuật chiến tranh nhân dân Việt Nam trong thời đại mới và cũng là một biểu hiện rất đặc sắc về sức mạnh chính trị - tinh thần của quân dân ta trong Toàn quốc kháng chiến.

Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 19/12/1946. (Ảnh Tư liệu)

Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 19/12/1946. Ảnh Tư liệu


NHIỆM VỤ CẤP THIẾT VÀ QUAN TRỌNG CỦA SỰ NGHIỆP BẢO VỆ TỔ QUỐC VIỆT NAM XÃ

HỘI CHỦ NGHĨATrong Toàn quốc kháng chiến, chính trị - tinh thần của quân dân ta ngày càng phát triển lớn mạnh, trở thành động lực to lớn chuyển hóa lực lượng, tạo sức mạnh tổng hợp làm nên thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Toàn quốc kháng chiến là kết tinh và phát huy cao độ sức mạnh của cả dân tộc, của toàn thể nhân dân Việt Nam, là thực hiện chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện, trường kỳ kháng chiến, tự lực cánh sinh. Bước vào cuộc kháng chiến, so sánh về kinh tế và quân sự giữa ta và địch hết sức chênh lệch, bất lợi cho ta. Tuy nhiên, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có đường lối, chủ trương kháng chiến đúng đắn, phát huy cao độ “ưu thế tuyệt đối” là tinh thần yêu nước nồng nàn, tình yêu quê hương tha thiết, lòng căm thù bọn xâm lược sâu sắc, ý chí quyết tâm giải phóng dân tộc, giành độc lập tự do cho Tổ quốc của quân dân cả nước để chuyển hoá lực lượng, tạo nên sức mạnh đánh giặc. Có hiểu sâu sắc giá trị của độc lập tự do thì chúng ta mới hiểu được sức mạnh chính trị - tinh thần, khí thế hừng hực của những con người chiến đấu vì độc lập tự do, mới hiểu được tinh thần “thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ” của một dân tộc vừa giành được độc lập, tự do. Tầm quan trọng đặc biệt của chính trị - tinh thần biểu hiện ở chỗ, nó nh­ư “chất keo” dính kết tất cả các nhân tố khác, làm tăng lên gấp bội sức mạnh của chiến tranh nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng. “Ở đây bọn thực dân xâm lược phải đánh nhau với cả một dân tộc; cả dân tộc Việt Nam, toàn thể nhân dân Việt Nam đang đứng dạy chống lại chúng. Chính vì thực dân không nhận thấy sự thật sâu sắc đó, cho nên chúng đã tưởng chừng dễ dàng giành được thắng lợi mà chung quy lại đi đến thất bại”(8). Với khí thế và quá trình chuyển hóa sức mạnh đó làm cho chiến lược đánh nhanh thắng nhanh của thực dân Pháp bị phá sản, chúng bị tổn thất rất nặng nề cả về người và của; quân dân ta giữ gìn và phát triển, lực lượng ngày càng lớn mạnh, để cuối cùng có đủ sức mạnh ra đòn quyết định trong Chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.’

Chính trị - tinh thần là nhân tố cốt lõi, hội tụ và lan tỏa sức mạnh của dân tộc Việt Nam trong Toàn quốc kháng chiến và trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Quán triệt và thực hiện quan điểm Đại hội XIII của Đảng “Động lực và nguồn lực quan trọng để phát triển đất nước là khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Phát huy sức mạnh của toàn hệ thống chính trị và nền văn hóa, con người Việt Nam … Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn nội sinh, nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất”(9), xây dựng, củng cố và phát huy nhân tố chính trị - tinh thần là nhiệm vụ cấp thiết và quan trọng của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong sự nghiệp đổi mới mà hội nhập quốc tế. Xây dựng, động viên chính trị - tinh thần trong điều kiện mới phải kết hợp chặt chẽ và nằm trong tổng thể chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại tạo thành sức mạnh tổng hợp phát triển đất nước. Xây dựng và phát huy cao độ sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, của tất cả các lực lượng, các thành phần xã hội, các tầng lớp nhân dân, và đặc biệt là sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, củng cố, tăng cường sự thống nhất về chính trị - tinh thần, sự đồng thuận xã hội. Trong đó, nhân tố quyết định thành công của sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc là tiếp tục xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền, sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện, xây dựng Nhà nước tinh, gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, người đứng đầu có đủ uy tín, phẩm chất, ngang tầm nhiệm vụ.

Hưởng ứng Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đêm 19-12-1946, quân dân Thủ đô Hà Nội đã nổ phát súng đầu tiên mở đầu cuộc kháng chiến, cùng quân và dân cả nước nhất tề vùng lên kháng chiến và đã giành được thắng lợi, giữ vững độc lập, chủ quyền của dân tộc. Trong ảnh: Đại đoàn quân ta từ các cửa ô tiến vào giải phóng Thủ đô.

Hưởng ứng Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đêm 19-12-1946, quân dân Thủ đô Hà Nội đã nổ phát súng đầu tiên mở đầu cuộc kháng chiến, cùng quân và dân cả nước nhất tề vùng lên kháng chiến và đã giành được thắng lợi, giữ vững độc lập, chủ quyền của dân tộc. Trong ảnh: Đại đoàn quân ta từ các cửa ô tiến vào giải phóng Thủ đô.

Phát huy tinh thần Toàn quốc kháng chiến trong điều kiện hiện nay, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, cần phải khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, sức mạnh của hệ thống chính trị và của nền văn hóa, con người Việt Nam. Làm cho các tầng lớp nhân dân, không phân biệt thành phần, giai cấp, dân tộc, tôn giáo… tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, vào thắng lợi của sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Hiện nay, thế giới đang trải qua những biến động to lớn, diễn biến rất nhanh chóng, phức tạp khó dự báo, trong khi đó “Bốn nguy cơ mà Đảng ta đã chỉ ra còn tồn tại, có mặt gay gắt hơn”(10). Tuy nhiên, những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử dưới sự lãnh đạo của Đảng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt là thành tựu của hơn 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới đã thế và lực, thời cơ và vận hội mới cho đất nước.“Đất nước ta chưa bao giờ có cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Đây là niềm tự hào, là động lực, là nguồn lực quan trọng, là niềm tin để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta bước qua mọi khó khăn, thử thách, tiếp tục vững bước trên con đường đổi mới toàn diện, đồng bộ; phát triển nhanh và bền vững đất nước.

Nguồn: Tạp chí Tuyên giáo Trung ương

(1) (4) (5) (6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2011, t.4, tr. 534, 534, 534, 103.

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr. 367.

(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr. 110 – 111.

(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.8.

(8) Võ Nguyên Giáp: Chiến tranh nhân dân và quân đội nhân dân, Nxb. Sự thật, H, 1959, tr. 100-101.

(9) (10) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t.I, tr. 34, 108.

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn