Lính thợ kể chuyện đóng tàu nhiều đáy
HQVN -
Tàu 2 đáy địch phát hiện thì ta làm 3 đáy. Ở đáy 1 và 2 chúng ta cất vũ khí, đáy thứ 3 trên cùng lót 2 lớp giấy dầu quét nhựa đường hòa loãng và làm cho thật bẩn để địch không muốn kiểm tra. Thế là các tàu của ta lại qua mắt được địch, “giải cơn khát” vũ khí trên chiến trường miền Nam. Đó là chia sẻ của ông Phan Hùng Sơn, nguyên công nhân Tổ mộc, Xưởng X46.
Thời điểm này, cái nắng oi ả của mùa Hè đã nhường chỗ cho không khí mát mẻ của mùa Thu. Chúng tôi tìm đến đường Bạch Đằng, quận Hồng Bàng, TP. Hải Phòng, nơi có khu tập thể của cán bộ, công nhân viên Nhà máy X46, Cục Kỹ thuật Hải quân (trước đây là Xưởng 46) để tìm gặp những người lính già trực tiếp tham gia các công đoạn sửa chữa những con tàu Không số.
Ngôi nhà của ông Phan Hùng Sơn hôm nay ấm cúng và rộn rã tiếng cười nói bởi sự có mặt của những người bạn, người đồng chí cùng ông công tác tại Xưởng 46 năm xưa. Bên ly nước trà, được nghe những câu chuyện về một thời gian khó mà hào hùng cách đây hơn nửa thế kỷ, chúng tôi thực sự cảm phục ý chí và sức sáng tạo của thế hệ ông cha.
Ông Nguyễn Danh Chương năm nay ở tuổi 82 mở đầu câu chuyện khi nhớ lại: Những năm 60 của thế kỉ trước, lúc đó cơ sở vật chất kỹ thuật của Xưởng 46 còn nhiều khó khăn, khu nhà xưởng chủ yếu là tận dụng những ngôi nhà của Pháp để lại. Máy móc, trang thiết bị thì lạc hậu, chắp vá. Để duy trì sản xuất, đóng mới, đơn vị tận dụng máy phay của Ba Lan, máy tiện của Hunggari, Tiệp Khắc hỗ trợ, phần còn lại chủ yếu là làm thủ công. Cán bộ, công nhân trong tay chỉ có quyển cẩm nang kỹ thuật của đồng chí Nguyễn Hữu Chất gối đầu giường. Nhiệm vụ lúc bấy giờ của đơn vị chủ yếu là đóng mới ca nô, sửa chữa tàu thuyền, vũ khí, khí tài cho các đơn vị hoạt động trên sông, biển.
Cựu chiến binh Phan Hùng Sơn và Nguyễn Danh Chương ôn lại kỷ niệm sửa chữa tàu Không số
Khi thành lập Đoàn 759 (tiền thân của Lữ đoàn 125), đơn vị chưa có phương tiện để thực hiện nhiệm vụ, Thường trực Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ cho Cục Hải quân bí mật, khẩn trương đóng mới phương tiện cho Đoàn 759. Xưởng 46 đã cử hàng chục cán bộ, công nhân kỹ thuật có tay nghề giỏi nhất tham gia chỉ đạo kỹ thuật đóng tàu thuyền vỏ gỗ giả dạng; phối hợp với Xưởng đóng tàu 1, 3 đóng tàu vận tải vỏ sắt. Xưởng còn tham gia sửa chữa tàu chở khách vỏ bọc đồng Bình Minh của tỉnh Quảng Ninh thành tàu vận tải vỏ sắt, bàn giao cho Đoàn 759 sử dụng. Trong quá trình đóng mới các tàu vận tải, sau khi Xưởng đóng tàu 1, 3 hoàn thành phần thân vỏ và các khoang, phần việc lắp đặt vũ khí và bố trí thuốc nổ để hủy tàu khi cần thiết đều do công nhân Xưởng 46 đảm nhiệm.
Ông Nguyễn Ngọc Tiến, nguyên Phó Giám đốc Nhà máy X46 cho biết: Những năm 60 của thế kỉ 20, ông làm công nhân tổ cơ khí nguội. “Ngày đó chúng tôi mới 20 tuổi, chưa được đào tạo bài bản mà chỉ mày mò tự học và truyền kinh nghiệm cho nhau. Tàu Không số sử dụng máy của Nhật. Bởi dùng máy của nước tư bản thì nếu như không may bị lực lượng tuần tra của Mỹ, ngụy lên tàu kiểm tra mới không bị lộ. Còn nếu dùng máy của các nước XHCN thì bị phát hiện ngay. Trên máy có một bộ phận truyền động bằng xích, có bánh xe chủ động và bị động dùng để tăng và giảm tốc. Bánh xe nối với động cơ bơm nước, trong quá trình tăng tốc, động cơ bơm nước bị mòn, vỡ, không bơm được nước thì máy không chạy và không có nước làm mát, tàu hoạt động rất hạn che”-Ông Tiến chia sẻ.
Sau chuyến công tác, tàu được đưa về Xưởng 46, anh thợ nguội Nguyễn Ngọc Tiến cùng đồng đội trăn trở tìm hiểu công nghệ gia công bánh xích. Bổ máy xong lúc đóng lại phải dập chữ tiếng Anh như máy nguyên bản của Nhật. Ông chủ động đề xuất với Tổ trưởng, Phòng Kỹ thuật, Ban Giám đốc Xưởng để làm thử. Phần chữ dùng bộ chữ của mình đóng lên trước khi mình nhiệt luyện (ram lại). Phần chi tiết máy sau khi qua công đoạn rèn, tiện, phay, nhiệt luyện, lại đảm bảo cho xích hoạt động tốt, máy hoạt động ổn định.
Nguyễn Ngọc Tiến làm thử 1 cái ổn định sau đó làm nhiều cái khác để anh em trên tàu Không số mang đi dự trữ. “Sau chuyến công tác trên biển trở về, cán bộ, chiến sĩ biết sản phẩm của mình và đơn vị làm ra chất lượng rất tốt mà không bị hỏng hóc. Tôi rất phấn khởi vì góp được phần nhỏ bé của mình vào việc bảo đảm kỹ thuật cho các con tàu Không số”- Ông Nguyễn Ngọc Tiến cho biết thêm.
Sau sự kiện Vũng Rô, Tàu C143 bị lộ và phải hủy tàu tháng 2/1965, cùng với việc sản xuất, sửa chữa VKTB, Bộ Tư lệnh Hải quân giao nhiệm vụ cho Xưởng 46 và Bộ phận nghiên cứu Phòng Sửa chữa tàu, Cục Hậu cần sửa chữa, cải dạng 20 chiếc tàu thuyền và đóng thuyền vỏ gỗ 2 đáy theo kiểu tàu thuyền đánh cá của ngư dân Nam Bộ và giao cho Đoàn 125 vận chuyển vũ khí theo phương thức mới.
Ông Phan Hùng Sơn năm nay gần 90 tuổi nguyên là công nhân tổ mộc, người trực tiếp thực hiện sáng kiến tàu 2 đáy nhớ lại: “Nói là tàu 2 đáy nhưng thực chất vẫn là 1 đáy chính và tạo ra đáy thứ 2 là phủ bên ngoài bằng gỗ. 2 đáy cách nhau từ 20-25 cm để vũ khí bên dưới đó”.
Sau nhiều chuyến thuận lợi thì có chuyến trên đường từ miền Nam trở ra địch nghi ngờ và bắt lật lớp vỏ gỗ ở đáy ra nhưng không có gì vì vũ khí mình đã chuyển đi rồi. Cấp trên yêu cầu cán bộ, nhân viên nhà máy phải làm thế nào để Mỹ, ngụy không thể kiểm tra được, có kiểm tra cũng không thấy vũ khí. Ông Phan Hùng Sơn cho biết thêm: “Tàu 2 đáy địch phát hiện thì ta làm 3 đáy. Ở đáy 1 và 2 chúng ta cất vũ khí, đáy thứ 3 trên cùng lót 2 lớp giấy dầu quét nhựa đường hòa loãng và làm cho thật bẩn để địch không muốn kiểm tra. Thế là các tàu của ta lại qua mắt được địch, “giải cơn khát” vũ khí trên chiến trường miền Nam”.
Trên mỗi đáy như vậy tổ mộc khéo léo làm cửa theo thứ tự to dần từ dưới lên trên để thủy thủ trên tàu sắp xếp, cất giấu và vận chuyển vũ khí lên bờ được thuận tiện. Anh em còn tận dụng diện tích giữa khoang máy và khoang hàng để đóng khoang mới với chiều cao hàng mét và bọc kín lại, bên trên có lỗ thông hơi để người ngồi vào và chuyên chở những mặt hàng cồng kềnh, đút vào đáy không vừa. Vì vậy, những chuyến tàu Không số sau này đã đưa được các lãnh đạo cách mạng miền Nam ra Bắc báo cáo Trung ương Đảng, Bác Hồ và đưa cán bộ miền Bắc tăng cường cho miền Nam an toàn trước sự vây ráp gắt gao của địch.
Khi đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, các tàu làm nhiệm vụ vận tải được lệnh sơ tán ra khu neo đậu bí mật, có những tàu sang căn cứ Hậu Thủy, trên đảo Hải Nam Trung Quốc (từ tháng 3/1966). Đồng thời, ta mở đường đi trong hải phận quốc tế, qua Hải Nam, Lôi Châu, Đông Hoàng Sa đến Song Tử Tây rồi qua Natuna (Indonesia) vào đến Cà Mau. Giai đoạn 1970-1975, Xưởng 46 tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Đoàn 125, Đoàn 950 (sau là Đoàn 371) sửa chữa hàng trăm lượt tàu vận tải, tàu cá giả dạng và tàu đánh cá hợp pháp. Mỗi địa điểm, bến đậu của tàu đều có dấu chân của thợ sửa chữa Xưởng 46. Đội sửa chữa cơ động từ 8-10 người luôn giúp đỡ các tàu sửa chữa trong thời gian nhanh nhất để tiếp tục chở VKTB vào chiến trường đánh địch.
Trò chuyện với những người lính thợ của Xưởng 46, chúng tôi nhớ mãi câu nói của ông Phan Hùng Sơn: “14 năm lặng thầm sửa chữa những con tàu Không số cũng là từng ấy thời gian cán bộ, công nhân viên Xưởng 46 nỗ lực hết mình vì nhiệm vụ. Chúng tôi làm việc quên ăn, quên ngủ, trong thời gian nhanh nhất sửa chữa để tàu kịp chở vũ khí vào chiến trường. Bởi mỗi con tàu cập bến an toàn là bộ đội và đồng bào miền Nam vơi đi sự hy sinh xương máu trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc”.
Bài, ảnh: Quang Minh
Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn
- Một số chiến dịch trong kháng chiến chống Pháp - ( 21-11-24 09:00 )
- Kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam tại Lào (30/10/1949 - 30/10/2024) - ( 29-10-24 07:00 )
- Nơi xuất phát của chuyến tàu Không số đặc biệt - ( 22-10-24 10:00 )
- Đồng chí Lý Tự Trọng - Người thanh niên yêu nước, bản lĩnh, khát khao lý tưởng và tràn đầy nhiệt huyết cách mạng - ( 17-10-24 09:00 )
- Đồng chí Lý Tự Trọng - Người đoàn viên thanh niên cộng sản đầu tiên (20/10/1914 - 20/10/2024) - ( 15-10-24 11:00 )