Kỷ vật của người chỉ huy giải phóng đảo Sơn Ca

“Đến bây giờ, mỗi lần nhớ về một thời chiến tranh, nhớ lại ngày đảo Sơn Ca được giải phóng, tôi lại nhớ những đồng đội cũ của mình. Đã có rất nhiều đồng đội của tôi không trở về… Những kỷ vật này còn in dấu tay của các đồng chí ấy....”, Chuẩn Đô đốc, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Đỗ Viết Cường, nguyên Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Hải quân tâm sự với chúng tôi trong ngày trao tặng kỷ vật cho Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.

Ngày gặp chúng tôi, Chuẩn Đô đốc Đỗ Viết Cường từ tốn chia sẻ về quá trình trưởng thành từ Đội 1, Đoàn Đặc công Hải quân 126[1] và những kỷ niệm đáng nhớ trong cuộc đời quân ngũ của mình. Nét mặt tươi cười, ông hào hứng nói: “Đặc biệt nhất và cũng vinh dự nhất đối với tôi là được Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng ngày 23 tháng 9 năm 1973 và được tham gia chỉ huy bộ đội giải phóng đảo Sơn Ca thuộc Quần đảo Trường Sa, năm 1975”.

Giải phóng đảo Sơn Ca

Khi biết chúng tôi có hứng thú với câu chuyện về trận đánh giải phóng đảo Sơn Ca, Chuẩn Đô đốc Đỗ Viết Cường hồ hởi kể lại tường tận cho chúng tôi nghe về sự kiện lịch sử này. 

Ngày 10/3/1975, quân ta làm chủ Buôn Ma Thuột, Quân uỷ Trung ương kiến nghị với Bộ Chính trị về việc sớm giải phóng các đảo, quần đảo bị quân nguỵ Sài Gòn chiếm đóng. Đây là vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, có vị trí quan trọng về kinh tế và quân sự. Kiến nghị này đã được ghi vào Nghị quyết của Bộ Chính trị ngày 25/3/1975.

Khoảng cuối tháng 3/1975, Đoàn 126 được lệnh tham gia giải phóng các tỉnh ở miền Nam. Ngày 6/4/1975, đồng chí Hoàng Hữu Thái, Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân, giao nhiệm vụ cho Đoàn 126 tiến công giải phóng các đảo thuộc quần đảo Trường Sa.


Chuẩn Đô đốc, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Đỗ Viết Cường, nguyên Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Hải quân. Ảnh sưu tầm

Trường Sa là một quần đảo lớn, gồm trên 100 đảo lớn nhỏ và bãi đá, bãi san hô ngầm, nằm ở phía Đông, Đông Nam, cách Cam Ranh khoảng 460km. Tham gia tiến công giải phóng quần đảo có lực lượng Sư đoàn 2 thuộc Quân khu 5,  Đoàn 125 và Đoàn 126 thuộc Quân chủng Hải quân. Chỉ huy trưởng là đồng chí Mai Năng (Đoàn 126), Chỉ huy phó là đồng chí Dương Tấn Kịch (Đoàn 125).

Đội 1, Đoàn 126 Hải quân nhận lệnh giải phóng đảo Song Tử Tây và đảo Sơn Ca. Lãnh đạo chỉ huy Đội 1 họp phân công nhau: Đồng chí Đội trưởng Nguyễn Ngọc Quế chỉ huy lực lượng trực tiếp tiến công đánh chiếm địch ở đảo Song Tử Tây, còn đồng chí Đỗ Viết Cường là Đội phó chỉ huy anh em đánh chiếm đảo Sơn Ca.

Khi nhận lệnh chỉ huy đơn vị đánh chiếm đảo Sơn Ca, đồng chí Đỗ Viết Cường không thể quên cái phút giây đặc biệt đó. Ông chậm rãi kể: “4h sáng ngày 21/4/1975, trời còn mờ sương, chúng tôi được lệnh lên tàu. Chiếc tàu số hiệu 641 được cải trang thành tàu đánh cá, do đồng chí thuyền trưởng Trần Tú điều khiển rời Đà Nẵng ra thẳng Trường Sa. Lúc này, miền Nam còn nhiều vùng chưa giải phóng, khu vực biển miền Trung có rất nhiều tàu nước ngoài hoạt động. Để tránh bị lộ, tàu của chúng tôi phải liên tục thay đổi biển số tàu. Chúng tôi phải nằm dưới khoang tàu 3 ngày liền, chờ ngày nổ súng.

Những ngày đó, biển lặng nên cuộc hành trình của chúng tôi khá thuận lợi. Khi đi ngang qua đảo Ba Bình do Đài Loan chiếm giữ, tôi thấy nhiều pháo sáng bắn lên sáng rực. Mặc cho pháo sáng lơ lửng trên đầu, tàu của chúng tôi vẫn tiến. Khoảng 21h30’ ngày 23/4/1975, Tàu 641 áp sát đảo Sơn Ca, cách đảo khoảng 2 hải lý. Lúc này nước chảy rất xiết, xuồng của chúng tôi không tiếp cận được đảo nên chúng tôi không thể đổ bộ. Tôi lệnh đồng chí Trần Tú cho tàu lùi ra, chạy lên phía trên đầu nguồn nước. Khoảng 23 giờ 30 phút, tôi lệnh cho anh em đổ bộ.


Ống thở của Chuẩn Đô đốc, anh hùng Đỗ Viết Cường được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Ảnh BTLSQSVN

Đêm đó trăng lên muộn. Có ánh trăng nên chúng tôi nhận ra mục tiêu khá dễ dàng. Tôi lệnh cho 20 anh em chia làm ba mũi tấn công lên đảo. Mũi thứ nhất do đồng chí Nguyễn Văn Học làm mũi trưởng. Mũi thứ hai do tôi trực tiếp chỉ huy. Mũi thứ ba do đồng chí Hội chỉ huy. Để tránh địch phát hiện, tôi lệnh cho anh em để xuồng cách xa đảo một đoạn, rồi bơi vào. Lần này ta bám được mép đảo không mấy khó khăn. 1h30’, các mũi đã bơi đến đảo mà địch không phát hiện được. Sau khi trinh sát xong, tôi giao nhiệm vụ cho các hướng, các mũi tấn công, phân công một đồng chí dùng B-41 diệt ổ đại liên và hiệp đồng đúng 4 giờ sáng sẽ nổ súng. Hiệu lệnh nổ súng là tiếng lựu đạn của tôi ném vào hầm chỉ huy.

Lúc 2 giờ 40 phút, tôi tiếp cận hầm chỉ huy, một con chó phát hiện người lạ sủa ầm lên. Biết đã bị lộ, tôi liền quăng luôn lưu đạn vào hầm chỉ huy. Đồng chí giữ B-41 cũng nhằm khẩu đại liên nhả đạn. Lúc đó, các cỡ súng của ta đồng loạt nổ. Bị đánh bất ngờ, quân địch chống cự yếu ớt rồi bỏ chạy tán loạn. Ta bắt được mấy tên tù binh, tiến hành khai thác rồi phát loa gọi hàng. Bọn địch biết không thể cầm cự được, kéo nhau ra hàng. 3h sáng, trận đánh kết thúc thắng lợi, ta làm chủ đảo Sơn Ca và thu được khá nhiều chiến lợi phẩm.

Khi trời vừa sáng, tôi lệnh cho anh em kéo cờ Giải phóng trên đảo Sơn Ca. Giữa biển khơi, lá cờ tung bay trong gió, khiến quân địch trên các đảo khác hoảng loạn. Chớp lấy thời cơ, lực lượng của ta nhanh chóng tiếp quản chốt giữ các đảo. Ngày 29/4/1975, sáu đảo thuộc Quần đảo Trường Sa đã được giải phóng”.

Kỷ vật thiêng liêng

Câu chuyện đang đến đoạn cao trào nhất, Chuẩn Đô đốc, Anh hùng Đỗ Viết Cường dừng lại, ông đi vào nhà trong và quay lại với chiếc địa bàn và ống thở trên tay, ông ngắm nghía từng thứ một: “Sau những năm tháng tham gia trận mạc với 40 trận đánh, tôi còn giữ được những kỷ vật này”.


Địa bàn của Chuẩn Đô đốc, Anh hùng Đỗ Viết Cường được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Ảnh BTLSQSVN

Ông nói: “Chiếc địa bàn có tác dụng xác định hướng khi đi biển. Lặn xuống nước, lúc ngoi lên phải dùng đến nó. Nhìn địa bàn để xác định chỗ neo đậu tàu địch, tìm hướng mà về đơn vị. Chiếc đồng hồ không chỉ dùng xem giờ giấc mà khi đánh trận phải xem đồng hồ tính giờ quy định để nổ súng, chỉ huy bộ đội hiệp đồng chiến đấu. Loại đồng hồ này do Liên xô sản xuất, nó chịu được nước, lại đo được độ sâu, chỉ có lính đặc công nước mới có đồng hồ này. Khi lặn xuống nước đồng hồ có dạ quang vừa xem giờ vừa biết được chỗ nước nông nước sâu”.

Quay sang chiếc ống thở trên tay, ông nói tiếp: “Còn thứ này, mọi người nhìn chẳng biết nó là thứ gì nhưng nó rất cần thiết với Đặc công nước. Chúng tôi lặn ra biển, đều phải mang theo thứ này, nó gọi là ống thở. Lúc bị địch bao vây, ngâm mình dưới nước biển chỉ hở trên mặt nước chiếc đầu nhỏ xíu của chiếc ống thở, địch có dùng ống nhòm quan sát cũng không phát hiện được”.

Chia tay chúng tôi, Chuẩn Đô đốc, anh hùng Đỗ Việt Cường trao tặng Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam chiếc ống thở và địa bàn, giọng ông bùi ngùi: “Đến bây giờ, mỗi lần nhớ về một thời chiến tranh, nhớ lại chiến trường Quảng Trị ác liệt, nhớ lại ngày đảo Sơn Ca được giải phóng, tôi lại nhớ những đồng đội cũ của mình. Đã có rất nhiều đồng đội của tôi không trở về… Những kỷ vật này còn in dấu tay của các đồng chí ấy....”.

[1] Nay là Lữ đoàn Đặc công Hải quân 126.

Nguồn: Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn