Ký ức miền bến đợi

HQVN -

Tình quân dân thắm thiết trong mưa bom, bão đạn, tình yêu quê hương, đất nước, sự ân cần hết lòng chăm sóc đồng đội khi bị thương… đó là  những ký ức mãi không thể nào quên của cán bộ, thủy thủ Đoàn tàu Không số cũng như quân dân ở mỗi bến. Những câu chuyện rất đỗi đời thường nhưng đầy cảm động giúp chúng tôi càng thấu hiểu được sự đùm bọc yêu thương lúc thường, cũng như lúc ra trận của người lính đã góp phần làm nên chiến thắng.

Nắm đất Vũng Rô

Ở Bảo tàng Hải quân còn lưu giữ rất nhiều kỷ vật về cựu chiến binh tàu Không số. Khăn mùi xoa gói nắm đất Vũng Rô là một minh chứng rõ nét về tình yêu quê hương, đất nước của nữ dân quân xinh đẹp gửi cho thuyền trưởng tàu Không số.

Đối với Trung tá Hồ Đắc Thạnh, Anh hùng LLVT nhân dân, người thuyền trưởng xông pha trận mạc, chỉ huy nhiều chuyến tàu đưa cán bộ, vũ khí, hàng hóa vào chiến trường thành công, mảnh đất Phú Yên là quê hương yêu dấu của ông. Ở vùng đất Vũng Rô (tỉnh Phú Yên), ông càng có nhiều kỷ niệm sâu sắc, nhất là chuyến thứ 3 ông chỉ huy tàu cập bến Vũng Rô vào đúng lúc giao thừa - Tết Ất Tỵ 1964 -1965.

Trung tá Hồ Đắc Thạnh cho biết: Chuyến đi này tôi đề nghị anh em tiết kiệm phụ cấp của mình mua gạo nếp, thịt, mua thuốc lá, bánh chưng, bánh tét, trà tàu. Một đồng chí qua Hải Phòng mua cành đào Nhật Tân, bọc trong túi nilon để trong hầm hàng. Vượt qua giới tuyến tuần tra của địch, đúng 23 giờ 50 phút tàu có mặt ở bến Vũng Rô. Lúc đang chuẩn bị tiếp nhận vũ khí thì thấy người ở bến ra gặp nhau. Ở khu vực dốc đèo Cả hàng loạt pháo sáng bắn lên, chúng tôi tưởng tàu mình lộ. Đang lo lắng thì chiến sĩ báo vụ cho biết: Pháo sáng bắn mừng giao thừa Chủ tịch Hồ Chí Minh đang chúc Tết. Anh em vui mừng khôn xiết bởi đây chuyến thứ 3 vào bến này thành công.

Bốc hàng xong, lúc tàu chuẩn bị rời bến thì một cô gái dân quân từ đằng xa chạy đến cầm một gói nhỏ bảo xin gặp thuyền trưởng. “Em xin gửi lại anh nắm đất Vũng Rô, đất này đã bị địch cày qua nhiều lần rồi nhưng chúng em vẫn kiên cường bám trụ”-cô gái đưa nắm đất màu và bày tỏ. Tôi là người Phú Yên, cầm nắm đất của cô gái đưa mà không kìm nén được cảm xúc của mình. Tôi cảm tưởng như muốn ôm cả quê hương Phú Yên vào lòng-Anh hùng LLVT nhân dân Hồ Đắc Thạnh xúc động nói.

Vợ chồng Đại tá Nguyễn Hoàng Hùng trong buổi giao lưu kỷ niệm 55 năm Ngày mở Đường Hồ Chí Minh trên biển

Cô dân quân lúc đó 16 tuổi là Nguyễn Thị Tản, làm nhiệm vụ ở bến K60. Giờ đây bà đã ở tuổi “xưa nay hiếm”, và sống cùng gia đình ở huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Khi nói về sự kiện cách đây hơn nửa thế kỷ bà nói chuyện cứ như mới xảy ra ngày nào: “Lúc bấy giờ không có cái gì để tặng. Đoàn dân quân gửi  lời hỏi thăm anh em tập kết và bà con ngoài đó mạnh khỏe. Các anh cứ yên tâm chiến đấu, quân dân Phú Yên luôn kiên trì bất khuất, dù có khó khăn mấy chăng nữa bà con chúng tôi cũng quyết tâm đánh địch bảo vệ quê hương, đất nước để sớm có ngày hòa bình.

Mấy anh em hỏi có gì tặng cho ngoài đó làm quà không? Suy nghĩ một hồi, tôi dùng khăn mùi xoa có sẵn trong túi và lấy một nắm đất ở quê hương gói lại và gửi tặng các anh.

Tôi nghĩ chết cũng cần đất, sống cũng cần đất, đất là nơi chôn nhau, cắt rốn của con người. Tôi muốn gửi nắm đất quê hương ra ngoài đó để các anh luôn nhớ có mảnh đất quê tôi”.

Trong chương trình truyền hình “Huyền thoại Vũng Rô” do VTV8 thực hiện vào dịp 27/7 vừa qua, công chúng đã được gặp gỡ hai nhân vật. Đó là người thuyền trưởng can trường và cô dân quân trẻ tuổi năm xưa có những chia sẻ đầy xúc động về kỷ niệm ở bến K60.

Làm bánh canh, bánh lọc đãi thủy thủ

Vợ chồng Đại tá Nguyễn Hoàng Hùng (Ba Hùng), nguyên Y sĩ của bến Cà Mau, Đoàn 962, Quân khu 9 và Thiếu úy Trần Kim Khuông là những "anh nuôi, chị nuôi" có nhiều kỷ niệm đẹp với cán bộ, thủy thủ tàu Không số. Mỗi chuyến tàu vào bến, lực lượng quân dân nhanh chóng liên lạc với tàu, hướng dẫn, bốc xếp và vận chuyển hàng hóa, bí mật, an toàn. Theo Thiếu úy Trần Kim Khuông, trong suốt những năm tháng chiến đấu, bà đã từng đón và chăm sóc gần 80 chuyến tàu, với khoảng 800 lượt cán bộ, thủy thủ.

Trong điều kiện chiến tranh vô cùng khó khăn thiếu thốn chị nuôi, anh nuôi ở bến và nhân dân luôn coi cán bộ, thủy thủ như người ruột thịt trong gia đình. Họ sẵn sàng dành mọi thứ để giúp cán bộ, thủy thủ bớt mệt nhọc sau hải trình dài ngày trên biển, với biết bao hiểm nguy. Ở Năm Căn, Cà Mau rất thiếu nước ngọt, anh nuôi, chị nuôi phải chưng cất nước, sử dụng rất tiết kiệm. Nhưng với thủy thủ tàu Không số thì anh chị nuôi luôn hào phóng để họ sử dụng theo nhu cầu nhằm đảm bảo sức khỏe. “Vùng đó rất nhiều cá nên anh em đánh bắt về, chị em tôi 3 đến 4 người luôn chân, luôn tay kho cá, nấu canh cá chua. Rồi còn làm một số món bánh đặc sản miền Nam nữa”-Bà Trần Kim Khuông nói.

Những người dân cùng với dân quân bến còn ngâm gạo, xay bột làm bánh canh, bánh lọc… đãi thủy thủ đoàn. Những đặc sản rất bình dân chứa đựng tình cảm chân thành của quân dân Nam Bộ đã đem đến cho người lính biển những bữa cơm ngon và thật ấm cúng.

Ba Hùng, Y sĩ của Đoàn 962 thì luôn tận tình chăm sóc sức khỏe cho thương, bệnh binh. “Lúc tôi điều trị thương binh là thủy thủ tàu Không số, các anh tặng những bưu ảnh về quê hương, đất nước, danh thắng của miền Bắc. Sau mấy chục năm chiến tranh, tôi vẫn còn giữ gìn rất nhiều bưu ảnh đó. Trong đó tôi nhớ nhất là bưu ảnh của anh Cao Sĩ Thập tặng hình Hồ Gươm Tháp Rùa. Phía sau tấm ảnh anh viết "Hẹn các em một ngày ra thăm quê hương Bác Hồ". Sau này anh Thập hy sinh, an táng tại nghĩa trang liệt sĩ huyện Năm Căn”-Đại tá Nguyễn Hoàng Hùng cho biết.

Nhớ từng rặng đước, rặng dừa

Những chuyến tàu Không số sau khi hoàn thành nhiệm vụ đưa hàng vào bến lại quay về nơi xuất phát. Để giữ bí mật, ngoài việc bơm thêm nước để có độ dằn cho tàu thì cây dừa nước, cây đước là vật dụng hữu ích được cán bộ, thuỷ thủ chất đầy lên tàu để bảo đảm trọng tải khi quay trở về bến xuất phát giống như khi chở vũ khí vào Nam. Rừng dừa, rừng đước cũng là nơi che giấu, ngụy trang trước sự tuần tra gắt gao của địch, khiến cho chúng không phát hiện ra tàu ta. Thậm chí khi vận chuyển những quả thủy lôi hơn 1 tấn vào bến, quân dân ở bến còn dùng cây dừa nước làm cẩu, làm tời để trợ lực đưa vũ khí về nơi cất giữ an toàn.

Dừa nước luôn được tái hiện trong các tiết mục văn nghệ về Đoàn tàu Không số

Đối với người Nam Bộ, rừng dừa, rừng đước đã gắn bó với cuộc sống hàng ngày. Cũng chính từ đó mà dừa, đước trở nên quá đỗi quen thuộc với thủy thủ tàu Không số. Khi tàu cập bến K15, K20, dừa, đước lại được vận chuyển lên bờ. Đặc biệt khu bến K20 và Sở chỉ huy Đoàn 125 (huyện Thủy Nguyên, TP. Hải Phòng) dừa nước đã mọc thành từng khóm xanh mướt. Đại tá Bùi Văn Tư, nguyên Chiến sĩ báo vụ Tàu 42 cho biết: Nhà khách Đoàn 125 lúc bấy giờ cũng lợp bằng lá dừa nước, có độ bền cao, chống nóng tốt, được cán bộ, thủy thủ sử dụng nhiều năm liền.

Cựu chiến binh Lê Văn Nhược, nguyên Chiến sĩ Hàng hải Tàu 135, Tàu 69 cũng có kỷ niệm khó quên về những tấm lá dừa nước. Đầu năm 1965, sau khi xây dựng gia đình, ông có lệnh xuống tàu làm nhiệm vụ. Chuyến đi nối tiếp chuyến đi, cuối năm 1968 đầu năm 1969 tàu về cảng K20 để sửa chữa. Người vợ trẻ ở nhà đằng đẵng 4 năm xa cách mới có dịp gặp lại chồng. Cựu chiến binh Lê Văn Nhược cho biết: Khi vợ tôi xuống thăm tại bến K20, vì điều kiện đơn vị chiến đấu, hoạt động bí mật, không có nơi ăn, ở riêng nên được đơn vị bố trí một căn phòng “hạnh phúc” ở gần khu cảng K20. Cột nhà làm bằng cành phi lao, lá dừa nước vây xung quanh làm tường, vỏ hòm đạn thì làm dát giường. Tối hôm đó, cán bộ, thủy thủ Tàu 67 lên chúc mừng hạnh phúc, lời ca, tiếng hát cất lên cùng với rượu chanh (rượu được đồng đội pha chế từ cồn thực phẩm, đường, vitamin C). 4 năm xa cách, có 3 ngày gặp nhau và chính “hạt giống” đầu tiên của gia đình được nảy nở từ đây - con gái Hải Yến.

Theo thời gian, cây dừa nước và cây đước giờ chỉ còn trong ký ức. Hầu hết các cựu chiến binh tàu Không số khi thăm lại K15 hay K20 mong muốn những khóm dừa nước, cây đước sẽ được trồng ở nơi đây, vừa tạo bóng mát, vừa để làm kỷ niệm. Thượng tá Trần Văn Hữu, Chủ tịch Hội truyền thống Đường Hồ Chí Minh trên biển Việt Nam cho biết: Khi địa phương xây dựng, tu bổ bến K15, chúng tôi sẽ phối hợp trồng cây dừa nước, cây đước, cây bàng quả vuông để đáp ứng nguyện vọng của các cựu chiến binh cũng như góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ về Đường Hồ Chí Minh trên biển.

Bài, ảnh: Vũ Hưởng

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn