Ký ức chuyến đi lập công dâng Bác

HQVN -

Trở về cuộc sống đời thường đã mấy chục năm nhưng những kỷ niệm đẹp, hào hùng về ý chí chiến đấu, chiến thắng giặc ngoại xâm vẫn còn nguyên vẹn trong ký ức của những cựu chiến binh Đoàn tàu Không số. Hôm nay, chúng tôi có dịp gặp lại Trung tá Vũ Trung Tính-người được mệnh danh là “Người ngắm sao trời dò đường đi” và được nghe ông kể về một chuyến đi đặc biệt.

Nối lại con đường chiến lược

Thân hình rắn rỏi, mái tóc bạc trắng như cước, nước da đỏ au, ánh mắt tinh anh… đó là ấn tượng ban đầu của chúng tôi khi gặp cựu chiến binh tàu Không số-Trung tá Vũ Trung Tính. Hiện ông đang sống tại xã Hải Ninh, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa. Trong đời binh nghiệp, ông có tổng cộng 18 lần đi biển cùng những chuyến tàu Không số huyền thoại, phục vụ chi viện chiến trường miền Nam. Trung tá Tính lật giở từng trang tư liệu thời chiến mà ông cẩn thận lưu giữ. Chợt ông dừng lại hồi lâu trước tấm ảnh tập thể Tàu 154 rồi kể:

Đầu năm 1968, chiến dịch Mậu Thân mở màn. Theo chỉ đạo của Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tham mưu, Quân chủng Hải quân tiếp tục thực hiện nhiệm vụ vận chuyển chi viện chiến trường miền Nam. Đoàn 125 cử 4 tàu tham gia vận chuyển thì cán bộ, chiến sĩ 3 tàu đã hy sinh; còn một tàu quay ra được miền Bắc. Lúc này Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ và Hải quân ngụy quyền Sài Gòn hoạt động ráo riết trên biển. Chúng tìm đủ mọi cách để ngăn chặn sự chi viện bằng đường biển từ miền Bắc vào miền Nam. Bộ Tư lệnh Hải quân đã phải tổ chức các đoàn cán bộ đi kiểm tra các vùng biển, nắm tình hình địch, chuẩn bị sẵn lực lượng để khi có thời cơ là tổ chức lực lượng vận chuyển.

Đoàn 125 xếp hàng lên tàu không số để vận chuyển chi viện chiến trường miền Nam. Ảnh: TL

Tháng 7-1969, Đoàn 125 chọn Tàu 42 do Thuyền trưởng Đỗ Văn Bé và Chính trị viên Trần Ngọc Ẩn chỉ huy, tổ chức một chuyến trinh sát tìm đường vận chuyển mới, phá vỡ thế phong tỏa của Mỹ-Ngụy; trinh sát một số đảo để đặt bến trung chuyển; nối lại con đường vận chuyển chiến lược trên biển sau một thời gian phải tạm ngừng.

Đêm 20-8-1969, Tàu 42 được cải dạng như tàu nghiên cứu biển rời bến. Tàu lần lượt vượt qua quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa rồi tiến sâu xuống vùng biển Xu-ma-tra và quay lại vịnh Thái Lan. Từ đây, Tàu 42 chuyển hướng vào sát vùng biển Tây Nam. Sau 20 ngày, Tàu 42 đã trở về an toàn.

Bộ phận chỉ đạo tác chiến miền Nam của Quân chủng đã tổng hợp tình hình trên biển báo cáo Bộ Tư lệnh, theo đó, trên Biển Đông có nhiều tàu thuyền của các nước đi lại theo các tuyến Sài Gòn-Hồng Kông, Sing-ga-po-Thượng Hải; Băng Cốc-Manila. Tàu chiến, máy bay Mỹ cũng thường xuyên hoạt động nhưng chúng chưa tấn công một tàu dân sự nào mà chỉ giám sát nếu nghi ngờ. Đây là một yếu tố ta có thể tận dụng.

Sau nhiều ngày đêm nghiên cứu, tìm tòi, tranh luận và dựa trên kinh nghiệm thực tế được đúc rút từ chính mồ hôi, công sức và máu của những người lính biển tàu Không số, phương án mở tuyến đường mới được cấp trên phê duyệt có hành trình: Từ Hải Phòng, tàu chạy vòng qua đảo Hải Nam (Trung Quốc), ra vùng biển quốc tế gần sát hải phận các nước láng giềng khu vực Đông Nam Á. Tùy theo nhiệm vụ của từng tàu và điểm đến, sau khi xác định tọa độ chính xác, tàu lợi dụng đêm tối, bão gió sử dụng tốc độ cao “chọc thẳng” vào địa điểm được xác định trước. Theo tính toán, đường “đi vòng” như vậy đến điểm xa nhất (Cà Mau) sẽ mất khoảng 20 ngày đêm nếu “thuận buồm xuôi gió”, không bị địch ngăn cản.

Đầu tháng 10-1969, mọi công tác chuẩn bị cho chuyến vận chuyển mới của Đoàn 125 đã cơ bản hoàn thành. Tàu 154 được giao nhiệm vụ đặc biệt-mở đầu đợt vận chuyển theo tuyến đường mới vào Tây Nam Bộ, nối lại con đường chiến lược Hồ Chí Minh trên biển.

Chuyến đi có nhiều cán bộ tàu nhất

Năm ấy, sau khi nhận tàu bảo ôn từ Quảng Châu về nước theo chỉ lệnh của Tư lệnh Hải quân Nguyễn Bá Phát. Tôi đang cùng anh em ở tại cảng K20, huyện Thủy Nguyên, TP.Hải Phòng thì nhận lệnh về Sở chỉ huy Đoàn 125 nhận nhiệm vụ mới.

Lúc này, Hội nghị Paris ở Pháp đang bế tắc. Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa qua đời. Chiến trường miền Nam đang thiếu vũ khí nghiêm trọng nên chuyến đi của Tàu 154 mang nhiều ý nghĩa lịch sử.

Tham mưu trưởng Đoàn 125 Nguyễn Văn Tê nói với tôi: “Đoàn đã lựa chọn 4 cán bộ tàu, trong đó có 2 đồng chí đã là thuyền trưởng (La Minh Tốt, Đỗ Văn Bé), 2 đồng chí đã là thuyền phó (Nguyễn Văn Đức, Nguyễn Xuân Quế), 1 chính trị viên (Lê Văn Viễn), 2 nhân viên hàng hải, 3 thợ máy, 2 báo vụ, 1 cơ yếu, 5 thủy thủ thực hiện nhiệm vụ này. Đây đều là những cán bộ, chiến sĩ có năng lực, trí tuệ và quyết tâm cao. Tuy nhiên sau khi rà soát lại, để đảm bảo cho chuyến đi chắc thắng, Đoàn quyết định điều động đồng chí tăng cường cho Tàu 154”.

Đồng chí Tê nói thêm: “Cậu giỏi về hàng hải, thiên văn và có nhiều kinh nghiệm đường dài, đặc biệt là chuyến đi tái mở đường sau sự kiện Vũng Rô tháng 10-1965 của Tàu 42 thành công. Đoàn phân công cậu phụ trách vị trí Thuyền phó hàng hải để cộng tác cùng với Thuyền trưởng Đỗ Văn Bé đảm bảo cho chuyến đi thắng lợi. Nhiệm vụ của Đoàn giao, cậu có băn khoăn gì không?”

Tôi liền trả lời: “Được thủ trưởng Đoàn giao nhiệm vụ, tôi rất phấn khởi, không có điều gì băn khoăn và hứa sẽ đem hết khả năng của mình cùng toàn Tàu 154 hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đặc biệt này. Nếu có hy sinh vì nhiệm vụ thì đây là trách nhiệm của tôi khi Tổ quốc lâm nguy”.

Đúng 12 giờ 30 phút ngày 17-10-1969, xe ô tô đến K20 đón tôi. Hai giờ sau, xe đưa tôi đến cảng Cửa Ông, Quảng Ninh thì có chiếc ca nô chờ sẵn chở tôi đến cảng Vạn Hoa. Bước lên Tàu 154, tôi được các đồng chí La Minh Tốt, Đỗ Văn Bé, Nguyễn Văn Viễn cùng các đồng chí khác đón tiếp rất phấn khởi. Như vậy, chuyến đi này thành viên của Tàu 154 có 19 cán bộ, chiến sĩ trong đó có tới 5 cán bộ tàu và 1 chính trị viên. Có lẽ đây là chuyến đi có nhiều cán bộ tàu nhất trong lịch sử hoạt động của Đoàn tàu Không số.

Lập công dâng Bác

7 giờ tối 17-10-1969, khi cả nước đang chìm trong nỗi đau vì Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, lợi dụng hướng gió mùa chuyển đổi mạnh, Tàu 154 chở theo 59 tấn vũ khí lặng lẽ rời bến mở đầu đợt vận chuyển theo tuyến đường mới vào Tây Nam Bộ. Với quyết tâm “Lập công dâng Bác”, thủy thủ toàn tàu tự hứa sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Trung tá Vũ Trung Tính (ngồi phía trong bên phải) kể lại kỷ niệm chuyến đi với các cựu chiến binh Hải quân huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Minh Phát

Chấp hành nghiêm kỷ luật đã đề ra, suốt hải trình, cán bộ, chiến sĩ Tàu 154 đã cương quyết, khéo léo tránh địch. Tàu phải đi ra ngoài vùng biển tự do, vòng qua các nước Philippin, Indonesia, Malaysia rồi mới quay vào miền Nam Việt Nam. Để tận dụng tối đa trọng tải chở vũ khí nên con tàu đã bớt đi khá nhiều lượng nước ngọt và thực phẩm dự trữ. Vì thế lượng nước ngọt cho mỗi người, mỗi ngày chỉ là 1 ca to (khoảng 1 lít). Anh em trên tàu ngày bình thường thì tắm nước mặn sau đó lấy khăn dấp nước ngọt lau lại người. Những ngày có mưa, chúng tôi tranh thủ tắm ngay trên boong tàu.

Trong đêm cuối, khi tàu đi từ Malaysia sang đảo Hòn Khoai (Cà Mau), trời mưa tầm tã, thuyền của ngư dân thắp đèn sáng rực trên biển. Mưa gió và tàu thuyền nhiều khiến ra đa trinh sát của địch bị nhiễu. Tận dụng cơ hội này, Tàu 154 đã len lỏi vào vùng đánh cá rồi chuyển hướng vào cửa Bồ Đề. Nhưng sau đó chúng tôi nhận được điện của Đoàn báo là đang có tàu địch đón lõng, yêu cầu vào bến Vàm Hang Hố (gần bến Vàm Lũng, Cà Mau). 1 giờ sáng, tàu cập Vàm Hang Hố.

Sau gần một tháng lênh đênh trên biển, tàu đã đến đích. Bến Vàm Hang Hố đón được chuyến hàng đầu tiên như giải tỏa cơn “khát” vũ khí của quân và dân nơi đây. Khỏi phải nói lính tàu và lính bến vui mừng như thế nào. Những cái ôm xiết chặt, những giọt nước mắt cảm động. Ngay trong đêm, toàn bộ số vũ khí trên tàu đã được bốc dỡ an toàn và vài hôm sau, con tàu lại trở ra Bắc.

“Mọi người cho rằng, vong linh Bác Hồ đã phù hộ nên tàu mới cập bến trót lọt. Chuyến tàu đó, chúng tôi chở được 59 tấn vũ khí để chi viện, góp phần không nhỏ vào ổn định chiến trường, giữ vững vùng giải phóng. Thành công của chuyến đi nằm ngoài sức tưởng tượng. Chuyến hàng “Lập công dâng Bác” này đã chính thức mở ra một tuyến mới cho con đường Hồ Chí Minh trên biển. Ngay chỉ huy Đoàn còn không tin nổi, gọi điện yêu cầu xác nhận liên tục”, ông Tính kể.

Những cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ trên chuyến tàu đặc biệt ngày ấy giờ chỉ còn lại 2 người: Ông Vũ Trung Tính và ông Nguyễn Văn Đức (hiện nay là Chủ tịch Hội truyền thống đường Hồ Chí Minh trên biển tại TP.Hồ Chí Minh). Cựu chiến binh Vũ Trung Tính vẫn thường nhớ lại những hồi ức đẹp về những đồng chí, đồng đội đã sát cánh cùng mình thời mưa bom, bão đạn. Khi chúng tôi nhắc tới nỗi gian nan mà ông đã từng trải qua thời đó, ông cười hồn hậu: “Có phải mỗi mình vất vả đâu, nhiều người còn mất mát hơn mình nhiều lần. Thậm chí, nhiều đồng đội đã mãi mãi nằm xuống con đường chiến lược này. Mình được trở về, được sống trong độc lập, hòa bình đã là niềm may mắn. Hạnh phúc nhất là thành quả cách mạng hôm nay có một phần đóng góp công sức của mình”.

Phúc Vinh (Ghi theo lời kể của Trung tá Vũ Trung Tính)

Trong 14 năm (từ năm 1961 đến 1975), cán bộ, chiến sĩ Đoàn tàu Không số của Hải quân Nhân dân Việt Nam vượt qua hơn 20 cơn bão lớn, hàng trăm cuộc vây ráp của kẻ thù; huy động gần 2 nghìn lượt chuyến tàu; vận chuyển được gần 8 vạn lượt người, trên 15 vạn tấn vũ khí, đạn dược và hàng vạn tấn hàng hóa chi viện đắc lực chiến trường miền Nam. Hành trình của những “con tàu Không số” đã đóng góp công lao to lớn vào chiến thắng giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước…

 

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn