Kỷ niệm sâu sắc của cựu chiến binh đoàn tàu không số: Kỳ 1- CHUYẾN HÀNG ĐẶC BIỆT
HQVN -
Trung tá Hồ Đắc Thạnh, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cùng con tàu Không số HQ 671-Bảo vật quốc gia đã vượt qua mưa bom, bão đạn để vận chuyển vũ khí, đạn dược chi viện vào chiến trường Khu V và Tây Nguyên, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Với thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh, những hải trình đưa vũ khí và lương thực chi viện cho chiến trường miền Nam là những kỷ niệm không thể nào quên.
Mặc dù tuổi đã cao, tóc bạc như cước nhưng ông Hồ Đắc Thạnh vẫn khỏe mạnh và minh mẫn. Mắt ông ngời sáng, tinh anh khi kể về những chuyến đi trên con đường Hồ Chí Minh trên biển: Sau mấy ngày được nghỉ phép và chuẩn bị, chúng tôi báo cáo kết quả chuyến đi mở đường vào bến Vũng Rô của Tàu 41. Thay mặt cán bộ tàu, tôi báo cáo tình hình chuyến đi, hoạt động của địch trên từng khu vực, việc tổ chức đón nhận hàng tại bến… Cả gian phòng lặng im khi nghe tôi báo cáo: “Các anh ở bến mấy tuần nay phải ăn trái sung làm nhiệm vụ chờ đón tàu ta vào”.
Sau khi đánh giá kết quả chuyến đi, Tư lệnh Hải quân nói: “Từ nay, trong hoạt động vận chuyển chi viện chiến trường, chúng ta có thêm một bến mới-bến Vũng Rô. Qua chuyến đi của Tàu 41, tuy điều kiện đón tiếp, tổ chức bốc dỡ hàng có nhiều khó khăn nhưng bến vẫn đảm bảo được. Qua theo dõi vẫn chưa thấy địch có phản ứng gì, đây vẫn còn là nơi địch sơ hở. Thường vụ Đảng ủy và Tư lệnh Quân chủng có trao đổi và quyết định chuyến đi thứ hai của Tàu 41. Chuyến đi này ngoài số hàng là vũ khí, trang bị, theo đề nghị của cán bộ, chiến sĩ tàu, ta nên chuyển một số gạo chi viện trực tiếp cho lực lượng bến”.
Anh hùng Hồ Đắc Thạnh (người đội mũ kê pi) kể chuyện về Đoàn tàu Không số tháng 12/2019. Ảnh: Hoàng Minh
“Gạo! Có gạo, có vũ khí sẽ mở rộng địa bàn giành dân và khi đã có dân rồi sẽ có gạo”. Câu nói mà người chiến sĩ bảo vệ bến nói với tôi trong đêm bốc hàng tuy không lý luận cao siêu nhưng đầy tính thuyết phục. Tuy thế, việc chuyển một số gạo vào miền Nam (tuy rất ít) nhưng trong tình hình nhu cầu vũ khí chi viện chiến trường cấp thiết cũng làm nảy sinh nhiều ý kiến. Nào là: “Trong lúc ta tận dụng từng khoảng trống nhỏ của tàu để xếp vũ khí thì đem xếp 2-3 tấn gạo vào chiếm hết chỗ!”, “Chở gạo vào miền Nam là chở củi về rừng”…
Gạo! Chỉ có chúng tôi mới hiểu hết sự cấp thiết của gạo lúc này đối với các đồng chí ở bến là như thế nào. Vì vậy nên khi đã có quyết định của Tư lệnh rồi, ngoài việc lo sắp xếp vũ khí trang bị, tàu cử một số đồng chí lo tiếp nhận vận chuyển gạo xuống tàu. Gạo để nơi khô ráo nhất trong khoang hàng đề phòng gió mùa Đông Bắc tạt nước vào ẩm ướt. Thế là chuyến đi thứ hai này ngoài vũ khí trang bị xuống tàu, tôi còn thêm 3 tấn gạo tám thơm. Số lượng gạo không nhiều nhưng đó là món quà đặc biệt của nhân dân miền Bắc đã vất vả, một nắng hai sương làm ra dưới làn bom ác liệt của máy bay giặc Mỹ gửi đến những chiến sĩ đang ngày đêm đối mặt với quân thù nơi miền Nam tiền tuyến bến Vũng Rô.
Chuyến đi thuận lợi. Sau 4 ngày đêm vật lộn với sóng to gió lớn, lách tránh một vài lần tàu tuần tiễu của địch, chúng tôi vào đúng bến Vũng Rô. Khi còn cách bờ 1km, tàu nhận được tín hiệu của bến dẫn dắt vào nơi trú đậu, ngụy trang. Vui mừng khi gặp lại nhau. Những cái bắt tay, những nụ cười rạng rỡ chúc mừng chuyến đi thành công tốt đẹp.
Mọi công việc lại tấp nập và khẩn trương. Nào cho tàu đi giấu và ngụy trang trước khi trời sáng; nào tổ chức lực lượng chốt chặn các trọng điểm, nhưng bận rộn nhất vẫn là việc chuẩn bị dân công bốc dỡ hàng. Đã có kinh nghiệm của chuyến trước nhưng việc bốc dỡ hàng chuyến này phức tạp hơn vì đoạn đường xa và phải vận chuyển tới nơi cất giấu trong đêm.
Tôi báo cáo với anh Sáu, chỉ huy bến: “Chuyến này, ngoài hàng vũ khí trang bị còn có 3 tấn gạo tám thơm dành riêng cho lực lượng bảo vệ bến”. Nỗi xúc động dâng trào trên hai khóe mắt người lãnh đạo bến. Vốn biết anh là người rất nghiêm khắc ngay cả với bản thân trong việc sử dụng lương thực những năm tháng gian khổ của cuộc chiến tranh. Tuy biết vậy nhưng tôi vẫn mạnh dạn đề nghị anh: “Tranh thủ phát gạo cho anh em ăn lấy sức tối mai bốc dỡ hàng”. Dừng một lát như đắn đo, sau cùng, anh chấp nhận đề nghị của tôi. Thế là nắp hầm hàng được mở ra, từng bao gạo cấp cho các đơn vị được tiến hành ngay trong đêm.
Một con tàu của Lữ đoàn 125 vận chuyển vũ khí, trang bị chi viện cho miền Nam. Ảnh: TL
Cầm bao gạo trong tay, anh chiến sĩ bảo vệ bến rưng rưng nước mắt. Hạt gạo trắng trong như tấm lòng người miền Bắc. Hạt gạo nghĩa tình lắng sâu ngưng đọng. Ai đã trải qua những ngày ăn trái sung, rau rừng càng thấy quý hạt gạo, bát cơm. Có gạo rồi nhưng vẫn phải ăn dè xẻn. Không cần phải ai ra lệnh mà tất cả mọi người đều chung một ý nghĩ vì công việc dài lâu của bến.
Núi rừng Vũng Rô qua một đêm yên tĩnh. Mọi hoạt động của địch vẫn bình thường. Khi màn đêm buông xuống, núi rừng Vũng Rô như sôi động hẳn lên. Những chiếc cầu tàu bằng cây rừng làm tạm, hàng chục dân công tấp nập chuyển hàng.
Gần 4 sáng, mọi công việc hoàn tất. Giờ phút chia tay biết bao lưu luyến. Những ánh mắt, những nụ cười và bao dòng lệ chảy. Tàu từ từ rời bến. Tạm biệt Vũng Rô, trong lòng tôi tràn đầy niềm vui sướng. Trước mắt tôi, hình ảnh của một miền quê Phú Yên đang vang dậy tiếng reo hò xông lên diệt lũ ác ôn phá thế kìm kẹp mở rộng vùng giải phóng. Trong sức mạnh vũ bão đó có phần đóng góp của những hạt gạo, những khẩu súng trong chuyến hàng đặc biệt hôm nay.
Phan Hằng
----------------------------
Kỳ 2: Tàu vào bãi ngang
Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn
- Một số chiến dịch trong kháng chiến chống Pháp - ( 21-11-24 09:00 )
- Kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam tại Lào (30/10/1949 - 30/10/2024) - ( 29-10-24 07:00 )
- Nơi xuất phát của chuyến tàu Không số đặc biệt - ( 22-10-24 10:00 )
- Đồng chí Lý Tự Trọng - Người thanh niên yêu nước, bản lĩnh, khát khao lý tưởng và tràn đầy nhiệt huyết cách mạng - ( 17-10-24 09:00 )
- Đồng chí Lý Tự Trọng - Người đoàn viên thanh niên cộng sản đầu tiên (20/10/1914 - 20/10/2024) - ( 15-10-24 11:00 )