Kỷ niệm 80 năm Ngày Bác Hồ về nước, trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam (28-1-1941 - 28-1-2021): “Tôi chỉ có một mong ước là sớm trở về Tổ quốc tôi”

Là một nhà dự báo chiến lược thiên tài, sau khi dự Đại hội VII Quốc tế Cộng sản (7-1935), trả lời nhà văn I.Êrenbua khi được hỏi cảm nghĩ về mùa xuân này, Nguyễn Ái Quốc nói: “Tôi chỉ có một mong ước là sớm trở về Tổ quốc tôi”...


Nguyễn Ái Quốc phát biểu tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XVIII Đảng Xã hội Pháp ở thành phố Tua, tháng 12-1920. Ảnh: Tư liệu

Với một khả năng thấy trước, tiên đoán khoa học của bậc kỳ tài về tình hình thế giới và trong nước đang từng bước có những chuyển biến mau lẹ, Người thấy phải sớm về nước để tranh thủ và chớp thời cơ lãnh đạo toàn dân vùng lên giải phóng. 

Trong 2 năm làm việc ở Viện Nghiên cứu các vấn đề dân tộc và thuộc địa và học ở lớp nghiên cứu sinh do Viện mở (từ khoảng tháng 6-1936 đến tháng 6-1938), Nguyễn Ái Quốc luôn luôn nung nấu kế hoạch về nước. Ngày 6-6-1938, Nguyễn Ái Quốc (Lin) viết Thư gửi một đồng chí ở Quốc tế Cộng sản. Thư nhắc đến ngày kỷ niệm lần thứ 7 việc Người bị bắt giữ ở Hồng Công, đó là mở đầu năm thứ 8 tình trạng không hoạt động của Người. Thư đề nghị phân công Người đi đâu đó, giao cho Người làm một việc gì có ích. Thư nhấn mạnh: “Điều tôi muốn đề nghị với đồng chí là đừng để tôi sống quá lâu trong tình trạng không hoạt động và giống như là sống bên cạnh, ở bên ngoài của Đảng”.

Hai ngày sau, ngày 8-6-1938, Nguyễn Ái Quốc được Phòng Tổ chức cán bộ của Quốc tế Cộng sản gửi báo cáo Tổng Bí thư Quốc tế Cộng sản đề nghị giải quyết dứt điểm cho về nước. Tháng 10-1938, Nguyễn Ái  Quốc đáp xe lửa từ ga Iarôxlápxki rời Mátxcơva đi về phương Đông.

Con đường trở về Tổ quốc từ tháng 10-1938 của Nguyễn Ái Quốc gian nan, vất vả. Trong vai Thiếu tá bát lộ quân, với bí danh Hồ Quang, Người di chuyển từ Diên An, Tây An đến Quế Lâm qua Trùng Khánh… Từ cuối tháng 7-1939 đến đầu năm 1941, Nguyễn Ái  Quốc tiếp tục di chuyển nhiều nơi trên đất nước Trung Quốc và có nhiều hoạt động tích cực. Người có báo cáo gửi Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản về tình hình chính trị ở Đông Dương (từ năm 1936 đến năm 1938). Người làm việc ở Quế Lâm (tỉnh Quảng Tây), Quý Dương (tỉnh Quý  Châu), Côn Minh (Vân Nam)… Từ đầu năm 1940, Nguyễn Ái Quốc bắt đầu liên hệ được với nhiều đồng chí Việt Nam đang ở Trung Quốc và Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng. 

Tháng 6-1940, Nguyễn Ái  Quốc đã giới thiệu Phạm Văn Đồng (bí danh Lâm Bá Kiệt), Võ Nguyên Giáp (bí danh Dương Hoài Nam) đi học Trường Quân chính của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Khoảng 20 ngày sau, nghe tin Pari bị quân Đức chiếm (20-6-1940), Người triệu tập một cuộc họp và phân tích “việc Pháp mất nước là một cơ hội rất thuận lợi cho cách mạng Việt Nam. Ta phải tìm cách về nước ngay để tranh thủ thời cơ. Chậm trễ lúc này là có tội với cách mạng”. Người điện ngay cho Phạm Văn Đồng và Võ Nguyên Giáp nói không đi Diên An học tập nữa mà phải tìm cách về nước. Khi đi Trùng Khánh, Người dặn đi dặn lại Vũ Anh và các đồng chí ở Côn Minh lo chuẩn bị mọi mặt để khi Người trở lại có thể lên đường về nước ngay. Khi biết Nhật vào Đông Dương, Người nhận định:“Đồng minh sẽ thắng. Nhật, Pháp ở Đông Dương chóng chày sẽ bắn nhau. Việt Nam sẽ giành được độc lập”.

Từ tháng 10-1940, khi được tin hơn 40 thanh niên các dân tộc Cao Bằng vì bị đế quốc Pháp khủng bố mạnh đã vượt biên giới sang Quảng Tây (Trung Quốc), Nguyễn Ái Quốc có ý định tổ chức lớp huấn luyện cho các anh em, sau đó đưa anh em về củng cố và mở rộng phong trào ở Cao Bằng, tổ chức đường liên lạc về nước, phát triển xuống Thái Nguyên và tiếp xúc với toàn quốc. Đầu tháng 1-1941, Người bắt đầu tổ chức lớp học, trực tiếp huấn luyện chính trị.

Cao Bằng, mảnh đất “phên dậu” phía Đông Bắc của Tổ quốc chính là sự lựa chọn của Người. Ngày 28-1-1941 (tức ngày mùng hai Tết Tân Tỵ), Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc vượt qua mốc 108 (nay là cột mốc 675) biên giới Việt Nam-Trung Quốc về đến Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Đồng bào Pác Bó-nhân dân các dân tộc Cao Bằng vinh dự, tự hào thay mặt nhân dân cả nước đón Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sau 30 năm bôn ba hoạt động ở nước ngoài trở về Tổ quốc, trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam.

Bảo Ngọc (Tổng hợp)

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn