Kỷ niệm 80 năm Ngày Bác Hồ về nước, trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam (28-1-1941 - 28-1-2021): Người về mang tới những mùa Xuân

HQ Online -

Sau gần 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, trưa ngày mồng 2 Tết Tân Tỵ (28-1-1941), lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã trở về Tổ quốc, trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng cả nước. Có thể nói, đây là một trong những sự kiện lịch sử quan trọng trong cuộc đời hoạt động cách mạng đầy gian truân song rất đỗi vinh quang của Người.

Những ngày đầu về nước, Bác Hồ ở lại nhà ông Lý Quốc Súng (Máy Lỳ), dân tộc Nùng, ở thôn Pác Bó. Sau đó, để tiện cho công tác. Người chọn hang Cốc Bó (tiếng Nùng có nghĩa là “đầu nguồn”)-một hang núi kín đáo ở thôn Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, làm nơi đứng chân đầu tiên. Hang ăn thông ra một con đường kín dẫn sang bên kia biên giới, có thể rút lui an toàn khi bị lộ.

Từ ngày 8-2-1941, Người bắt đầu sống và làm việc tại đây và nhanh chóng hòa nhập với cuộc sống mới. Mặc dù thiếu thốn, gian khổ, nhưng tâm hồn của Bác luôn ung dung, thanh thản, tràn đầy tinh thần lạc quan cách mạng đúng như trong lời thơ của Người:

Sáng ra bờ suối tối vào hang

Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng

Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng

Cuộc đời cách mạng thật là sang.

Ngày ngày, Người dậy sớm tập thể dục, leo núi rồi xuống suối tắm, sau đó bắt tay vào công việc. Có khi xuống làng hỏi chuyện đồng bào, có khi lên núi hái củi cùng anh em, tối về tranh thủ bồi dưỡng kinh nghiệm hoạt động cách mạng cho cán bộ…

Nơi Bác Hồ nghỉ và làm việc trong hang Cốc Bó

Trước sự biến động sâu sắc của tình thế cách mạng trên thế giới nói chung, đặc biệt là phong trào đánh Pháp, đuổi Nhật của nhân dân ta đang trên đà phát triển, nhận thấy thời cơ thuận lợi đang đến gần, với danh nghĩa đại diện Quốc tế Cộng sản, tháng 5-1941, Bác Hồ đã triệu tập và chủ trì Hội nghị lần thứ 8 của Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương. Hội nghị làm việc từ ngày 10 đến 19-5-1941 tại một cái lán bên dòng Khuổi Nậm (Pác Bó). Hội nghị đề cập nhiều vấn đề quan trọng như: Cuộc cách mạng Đông Dương trong giai đoạn hiện tại là cuộc cách mạng “giải phóng dân tộc”; kẻ thù chính của nhân dân Đông Dương là “phát xít Pháp-Nhật và các lực lượng phản cách mạng tay sai cho chúng”; nguyện vọng của nhân dân Đông Dương lúc này là “đánh đuổi Pháp-Nhật, làm cho xứ Đông Dương độc lập”…

Hội nghị nhất trí cần giương cao ngọn cờ độc lập và có sự thay đổi cả về chiến lược, sách lược cách mạng nhằm động viên toàn dân thực hiện thắng lợi mục tiêu lớn lao ấy. Nghị quyết Hội nghị nêu rõ, trong lúc này, quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải đặt dưới sự sinh tử, tồn vong của quốc gia, của dân tộc. Nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được.

Hội nghị cũng đề ra nhiều biện pháp về tư tưởng, chính trị và tổ chức để động viên tinh thần yêu nước của nhân dân ta nhằm tập trung sức mạnh cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Trên cơ sở những kinh nghiệm thực tiễn đã được tổng kết qua việc tổ chức thí điểm các hội quần chúng như: Thanh niên cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc… ở Cao Bằng, theo đề nghị của Bác Hồ, Hội nghị đã quyết định thành lập thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất mang tên Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là Mặt trận Việt Minh).

Ngày 19-5-1941, Mặt trận Việt Minh chính thức ra đời với Tuyên ngôn và Chương trình cụ thể, nêu rõ những chính sách cơ bản về chính trị, kinh tế, văn hóa giáo dục, xã hội, ngoại giao và chính sách đối với các tầng lớp nhân dân nhằm liên hiệp hết thảy các giới đồng bào yêu nước, không phân biệt giàu nghèo, già trẻ, gái trai, không phân biệt tôn giáo và xu hướng chính trị cùng nhau thực hiện 2 điều: Làm cho nước Việt Nam được hoàn toàn độc lập; làm cho dân Việt Nam được hoàn toàn sung sướng, tự do.

Để động viên đồng bào tham gia xây dựng và mở rộng Mặt trận Việt Minh, ngày 6-6-1941, Bác Hồ viết thư Kính cáo đồng bào, gửi đến các tầng lớp nhân dân trong cả nước. Sau khi nêu lên nỗi khổ cực của dân ta “một cổ hai tròng”, đã “làm trâu ngựa cho Tây” lại phải “làm nô lệ cho Nhật" và khơi dậy truyền thống oanh liệt của các bậc anh hùng cứu quốc tiền bối, Người kêu gọi hơn 20 triệu con Lạc cháu Hồng: “Hiện thời muốn đánh Pháp, Nhật, ta chỉ cần một điều: Toàn dân đoàn kết”; “Việc cứu quốc là việc chung. Ai là người Việt Nam đều phải kề vai gánh vác một phần trách nhiệm: người có tiền góp tiền, người có của góp của, người có sức góp sức, người có tài năng góp tài năng... Chúng ta hãy tiến lên! Toàn thể đồng bào tiến lên. Đoàn kết thống nhất đánh đuổi Pháp, Nhật”.

Suối Lê-nin ở khu di tích Pác Bó, tỉnh Cao Bằng

Cùng trong quá trình này, Bác đặc biệt quan tâm mở các lớp huấn luyện để đào tạo và bồi dưỡng cán bộ. Người cho mở những lớp huấn luyện ngắn ngày cho cán bộ địa phương. Với tầm nhìn chiến lược xa rộng, Người yêu cầu chọn một số thanh niên ưu tú ở Cao Bằng gửi đi học vô tuyến điện ở Liễu Châu (Trung Quốc), mở lớp huấn luyện quân sự, tổ chức một đội vũ trang thoát ly đầu tiên ở Cao Bằng... nhằm chuẩn bị lực lượng nòng cốt cho công cuộc khởi nghĩa vũ trang sau này. Không chỉ trực tiếp tham gia giảng bài tại các lớp học, Người còn biên soạn một số tài liệu quan trọng phục vụ cho công tác huấn luyện, đào tạo cán bộ như: Cách đánh du kích; Lịch sử nước ta; Lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô (tóm tắt)…Đây là những tài liệu đặc biệt quan trọng trong quá trình phát triển của cách mạng Việt Nam.

Như vậy là, sau gần 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, vượt qua biết bao khó khăn, trở ngại tưởng chừng không thể vượt qua nổi, mong ước được trở về nước cùng đồng bào đấu tranh giải phóng dân tộc của Bác Hồ đã trở thành hiện thực.

Dưới sự chủ trì của Người, Hội nghị Trung ương lần thứ 8 của Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương với sự thay đổi chiến lược, sách lược cách mạng trong việc giải quyết một cách đúng đắn mối quan hệ giữa nhiệm vụ dân tộc và giai cấp, dân tộc và dân chủ trong điều kiện cụ thể của Việt Nam chính là sự hoàn chỉnh nội dung các nghị quyết của Hội nghị Trung ương lần thứ 6 và 7 trước đó. Sự thay đổi chiến lược một cách kịp thời, đầy sáng tạo này đã đáp ứng được khát vọng độc lập, tự do của toàn dân tộc, phù hợp với bối cảnh cụ thể của cách mạng nước ta, góp phần thúc đẩy phong trào cách mạng ngày càng phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ và rộng rãi; đưa cách mạng đến thắng lợi…

Với ý nghĩa lớn lao của sự kiện Bác Hồ về nước, mùa Xuân năm 1941 đã trở thành một mùa Xuân đặc biệt trong cuộc đời của Người, của dân tộc Việt Nam.

Xuân này, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta kỷ niệm tròn 80 năm ngày Bác Hồ về nước (28-1-1941 – 28-1-2021). Nhớ về Bác Hồ, chúng ta càng nhớ những lời dạy của Người. Lớp lớp cán bộ ngày ấy được Người bồi dưỡng, huấn luyện trở thành những người đưa đường lối, chính sách của Đảng đến với quần chúng; tổ chức, giáo dục và đưa họ ra đấu tranh từ thấp đến cao, tiến dần từng bước đến vùng dậy khởi nghĩa giành chính quyền, xây đời sống mới… Đó chính là bài học từ thực tiễn lịch sử để hôm nay chúng ta tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tạo thành nguồn sức mạnh cổ vũ toàn Đảng, toàn quân và toàn dân thi đua, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

 Bảo Ngọc (Tổng hợp)

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn