Kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam tại Lào (30/10/1949 - 30/10/2024)
Sống, chiến đấu trong lòng nhân dân Lào
Cuối năm 1972, ở chiến trường Nam Lào, Quân tình nguyện Việt Nam và bộ đội giải phóng Lào đã giải phóng hoàn toàn tỉnh Attapeu, Salavan và Cao nguyên chiến lược Boloven, ép quân địch vào gần thành phố Pakse, thủ phủ vùng Nam Lào. Sư đoàn 968 Quân tình nguyện Việt Nam của chúng tôi được lệnh chuẩn bị tiến công thành phố Pakse.
Khi ấy, tôi được giao chỉ huy một tổ trinh sát luồn sâu điều tra các mục tiêu sân bay quân sự, sở chỉ huy địch để chuẩn bị đường tiến công thành phố. Từ sở chỉ huy Sư đoàn, chúng tôi cắt rừng đến bờ sông Sê Đon, chờ đến đêm thì vượt sông vào vùng địch hậu. Theo hiệp đồng, chúng tôi được đồng chí cán bộ cơ sở bí mật của bạn đón. Chúng tôi vừa đi vừa quan sát, gần sáng thì vào đến cơ sở bí mật. Ở đó, cơm nước được bà con để sẵn, dấu hiệu quy ước là khi thấy cầu thang lên nhà được cất đi là an toàn. Cứ thế, chúng tôi thuận lợi vào đến điểm tập kết nằm giữa Quốc lộ 13 và sông Mê Công.
Thiếu tướng Nguyễn Như Huyền
Bàn giao chúng tôi cho một gia đình cách mạng bí mật của bạn, người dẫn đường rời đi ngay. Người chủ nhà sau khi đóng cửa liền tắt đèn, chỉ nhóm bếp lửa nhỏ, vừa nấu thức ăn cho chúng tôi vừa phổ biến tình hình địch, giới thiệu địa hình... Mờ sáng hôm sau, anh dẫn chúng tôi ra giấu ở các lùm cây ngoài cánh đồng. Cuối năm là mùa khô, thu hoạch lúa xong, bà con đều trở về bản, chỉ một vài nhà dùng “thiêng na” (nhà chòi) để chứa lúa và nuôi gà nên việc giấu quân ở đây khá thuận lợi. Đồ ăn của chúng tôi được cơ sở mang đến vào buổi sáng, đủ dùng cho cả ngày.
Thiếu tướng Nguyễn Như Huyền và đoàn công tác Cục Tác chiến, Bộ Tổng Tham mưu QĐND Việt Nam thăm và làm việc với Cục Tác chiến QĐND Lào, năm 2002
Trong 3 đêm liền, chúng tôi cải trang thành người dân, đi trinh sát dọc Quốc lộ 13 vào thành phố Pakse để ghi nhớ các chốt quân sự, vật cản, hàng rào, sân bay, cầu Pakse... Công việc diễn ra khá thuận lợi vì được cơ sở cung cấp thông tin, chúng tôi chỉ việc xác minh cụ thể và đánh giá lại dưới góc độ quân sự.
Chiều ngày thứ tư, khi chúng tôi đang ẩn nấp thì nghe thấy nhiều tiếng súng nổ phía Quốc lộ 13. Một lúc sau, có hai tên lính mang súng chạy về phía chúng tôi. Đưa mắt nhìn nhau lo lắng, rồi không ai bảo ai, chúng tôi đều cầm chắc súng, lên đạn sẵn sàng. Nhưng thấy chỉ có hai tên, chúng tôi thống nhất nhanh là để cho chúng đến gần rồi xông ra bắt sống, trường hợp xấu nhất mới nổ súng, vì chúng tôi khi ấy đang ở sâu trong vùng địch, nếu phải chiến đấu thì khả năng thương vong rất cao.
Khi hai tên địch đến gần, chúng tôi nhận ra bọn chúng đang đuổi bắt gà của người dân chứ không phải chúng phát hiện ra chúng tôi. Nhưng bất ngờ một con gà lại bay đúng vào lùm cây chúng tôi đang ẩn nấp. Ngay lúc đó có tiếng một cô gái gọi lớn bằng tiếng Lào: “Anh ơi đừng bắt! Gà của em đấy!”. Nghe tiếng gọi, hai tên lính quay nhìn cô gái. Cô lại bảo: “Các anh về nhà em đi, em hái dừa uống nước rồi nấu cơm mời các anh ăn!”. Thì ra là cô con gái nhà cơ sở thấy hai tên địch chạy về hướng nhà chòi nơi chúng tôi đang ẩn nấp liền đi theo và kịp thời đánh lạc hướng địch, cứu chúng tôi thoát hiểm trong gang tấc...
Thiếu tướng Nguyễn Như Huyền và đồng chí Cục trưởng Cục tác chiến QĐND Lào, năm 2002. Ảnh do nhân vật cung cấp
Sau những ngày phơi nắng, phơi sương, thức đêm làm nhiệm vụ, đồng chí Nguyễn Hữu Huỳnh, thành viên trong tổ, bị sốt rét. Khi đi làm nhiệm vụ, đồng chí Sư đoàn trưởng Phạm Thanh Sơn dặn rất kỹ: “Các đồng chí tuyệt đối không được mang giấy tờ, tài liệu nào trong người, bản đồ công tác cũng không được ghi chép bất kỳ thông tin gì”. Và thế là cả thuốc sốt rét chúng tôi cũng không dám mang theo. Vì hồi đó, thuốc sốt rét đều do Liên Xô và Trung Quốc viện trợ, nếu mang trong người dễ bị lộ thân phận. Bí quá, tôi đành nhờ cơ sở bạn mua hộ thuốc giảm sốt.
Dù địch kiểm soát gắt gao nhưng cơ sở vẫn kịp thời mang thuốc đến ngay trong buổi sáng. Nhưng đến sẩm tối lại thấy một tốp 5 người từ bản đi ra, đi đầu là bà chủ nhà. Chúng tôi hơi chột dạ, chưa kịp hỏi thì bà đã nói: “Nghe tin bộ đội Việt Nam bị sốt, bà con ra thăm và mang thêm thức ăn”. Thấy chúng tôi nhìn nhau có chút lo lắng, một cụ già nói: "Các con yên tâm, chỉ cần giữ bí mật với địch thôi, còn với dân bản thì không phải lo gì nhé. Nhìn các con là bố mẹ biết là bộ đội Việt Nam rồi, thương lắm!”. Tổ chúng tôi, trừ tôi và đồng chí Nguyễn Hữu Huỳnh nói tiếng Lào kém hơn, 3 đồng chí còn lại nói tiếng Lào y như người Lào. Nhưng có lẽ nước da của chúng tôi khác nên không giấu được bà con...
Hơn 40 năm trôi qua nhưng những kỷ niệm về người dân Lào đã không sợ hiểm nguy, không tiếc tính mạng để che giấu, nuôi dưỡng Quân tình nguyện Việt Nam là điều chúng tôi không thể nào quên. Nhờ những tình cảm ấy mà chúng tôi an toàn sống, chiến đấu trong vùng địch và hoàn thành nhiệm vụ trở về. Sau chuyến công tác đó, cả tổ chúng tôi đều được khen thưởng. Nhưng chúng tôi đều hiểu, nếu không có sự giúp đỡ, che chở của bà con nhân dân Lào, nhiệm vụ của chúng tôi sẽ không thể hoàn thành...
Theo QĐND điện tử
Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn
- Một số chiến dịch trong kháng chiến chống Pháp - ( 21-11-24 09:00 )
- Kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam tại Lào (30/10/1949 - 30/10/2024) - ( 29-10-24 07:00 )
- Nơi xuất phát của chuyến tàu Không số đặc biệt - ( 22-10-24 10:00 )
- Đồng chí Lý Tự Trọng - Người thanh niên yêu nước, bản lĩnh, khát khao lý tưởng và tràn đầy nhiệt huyết cách mạng - ( 17-10-24 09:00 )
- Đồng chí Lý Tự Trọng - Người đoàn viên thanh niên cộng sản đầu tiên (20/10/1914 - 20/10/2024) - ( 15-10-24 11:00 )