Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Đồng Lộc và tưởng niệm 10 Nữ liệt sỹ thanh niên xung phong (24-7-1968 – 24-7-2018)

Bản anh hùng ca-Ngã ba Đồng Lộc

Sau Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, đế quốc Mỹ tập trung toàn bộ sức mạnh không quân, hải quân đánh phá ác liệt 4 tỉnh khu IV cũ (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình). Ngã ba Đồng Lộc thuộc xã Đồng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh-đoạn đường huyết mạch trong mạng lưới giao thông chiến lược Bắc-Nam bị đánh phá ác liệt nhất.

Chiến thắng Đồng Lộc

Ngã ba Đồng Lộc nằm gọn trong một thung lũng hình tam giác, hai bên đồi núi trọc, ở giữa là con đường độc đạo, mặt đường giống như một lòng máng. Tất cả mọi con đường từ Bắc vào Nam đều phải đi qua ngã ba Đồng Lộc. Đây được xem như một "yết hầu" quan trọng nên từ tháng 4 đến tháng 10-1968, đế quốc Mỹ đã đánh vào Ngã ba Đồng Lộc 1.863 lần, ném gần 50.000 quả bom các loại, chưa kể rốc két và đạn 20 mm. Ước tính, mỗi mét vuông ở Ngã ba Đồng Lộc phải gánh chịu ít nhất 3 quả bom tấn.

Tượng nữ TNXP tại Ngã ba Đồng Lộc. Ảnh: T.G

Cuộc chiến đấu trên mặt trận giao thông vận tải càng ngày càng quyết liệt nhưng mọi âm mưu và thủ đoạn của địch đều bị thất bại. Với quyết tâm sắt đá "đường chưa thông không tiếc xương tiếc máu" và tinh thần "địch phá một ta làm mười", nhân dân Hà Tĩnh đã ngày đêm chịu đựng mọi gian khổ, hy sinh để bảo toàn cho những tuyến đường. Để mở những con đường mới, đường tránh, nhân dân nhiều địa phương như các xã Thiên Lộc, Tiến Lộc (Can Lộc), Cẩm Quan (Cẩm Xuyên)… đã tạm dời làng xóm, nhà cửa đi nơi khác để lấy đất làm đường. Nhân dân huyện Kỳ Anh đã làm thêm hàng chục con đường xế, đường tránh…

Trong cuộc chiến đấu quyết liệt đầy khó khăn và vô cùng dũng cảm này, tất cả các lực lượng đã kiên cường, mưu trí, sáng tạo trong đánh địch, rà phá bom mìn, sửa chữa đường, kịp thời chi viện cho chiến trường miền Nam. Đồng Lộc trở thành đỉnh cao của cuộc chiến tranh nhân dân, là sức mạnh tổng hợp của nhiều lực lượng trực tiếp tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu. 465 cán bộ, chiến sĩ thuộc lực lượng thanh niên xung phong (TNXP), giao thông vận tải, dân quân tự vệ, nhân dân Đồng Lộc và đơn vị Pháo cao xạ 210 đã anh dũng hy sinh để giữ vững mạch máu giao thông thông suốt, góp phần quyết định chiến thắng trên chiến trường miền Nam. Trong đó, TNXP là lực lượng chủ công, đội quân xung kích đảm nhận nhiệm vụ chính là lấp hố bom, bắc cầu, làm ngầm, làm đường vòng, đường tránh qua Ngã ba Đồng Lộc để đảm bảo cho Đồng Lộc không lúc nào tắc xe. Đây là nhiệm vụ vô cùng khó khăn, gian khổ và đầy nguy hiểm. Địa danh Ngã ba Đồng Lộc cũng gắn liền với tên tuổi của các Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, tiêu biểu như các anh hùng La Thị Tám, Nguyễn Tri Ân, Nguyễn Tiến Tuẩn, Vương Đình Nhỏ, Uông Xuân Lý, liệt sỹ Võ Triều Chung…

Bản anh hùng ca bất tử

Ngã ba Đồng Lộc đi vào lịch sử như một bản anh hùng ca về quyết tâm sắt đá tất cả vì miền Nam ruột thịt, vì độc lập tự do, thống nhất Tổ quốc; về sự hy sinh cao cả của 10 cô gái TNXP tuổi mười tám, đôi mươi. Tiểu đội 4, Đại đội 552, Tổng đội TNXP 55 Hà Tĩnh gồm 10 cô gái còn rất trẻ do chị Võ Thị Tần làm Tiểu đội trưởng. Tiểu đội thường trực tại Ngã ba Đồng Lộc, chịu trách nhiệm san lấp hố bom ở đoạn đường này để không đứt mạch giao thông nối hậu phương với tiền tuyến. Với khẩu hiệu “máu có thể chảy, tim có thể ngừng nhưng mạch máu giao thông không bao giờ tắt”, mưa bom, bão đạn không làm khuất phục ý chí anh hùng của lực lượng TNXP, Tiểu đội thường hoạt động về đêm để lấp hố bom mà máy bay đã bắn phá vào ban ngày.

Các tầng lớp nhân dân đến viếng mộ 10 cô gái TNXP nhân kỷ niệm 50 năm chiến thắng Đồng Lộc. Ảnh: Trọng Thiết

Tinh thần ấy được thể hiện rất rõ trong bức thư gửi mẹ đầy xúc động của chị Võ Thị Tần: “Mẹ ơi, ở đây vui lắm mẹ ạ, ban đêm chúng nó thắp đèn để chúng con làm đường, còn ban ngày chúng mang bom giết cá để chúng con cải thiện. Bom đạn của chúng có thể làm rung chuyển cả núi rừng nhưng không thể làm rung chuyển những trái tim của chúng con. Mẹ ơi, thời gian này mặc dù địch đánh phá ác liệt nhưng bọn con vẫn tập được nhiều bài hát mới. Cuốn sổ tay mẹ mới gửi cho con dạo nọ đã gần hết giấy rồi, mẹ gửi thêm cho con ít giấy. Mới về thăm mẹ mà sao con thấy nhớ mẹ quá, mẹ nhớ giữ gìn sức khỏe và đừng lo cho con nhiều”.

Trưa 24-7-1968, Tiểu đội 4 được lệnh san lấp hố bom sau khi máy bay Mỹ liên tục ném bom phá nát tuyến đường vận tải để nhanh chóng thông đường cho xe qua. Nhận nhiệm vụ xong, các cô đến hiện trường gấp rút triển khai công việc. Họ làm việc không ngơi tay, vừa cười, vừa nói và đã 3 lần các cô bị bom Mỹ vùi lấp nhưng đều giũ đất đá đứng dậy tiếp tục làm việc. 16 giờ 30 phút, trận bom thứ 15 trong ngày dội xuống Đồng Lộc. Một quả bom rơi xuống ngay sát miệng hầm-nơi 10 cô gái của Tiểu đội 4, Đại đội 552 đang tránh bom.

Tất cả các chị đã hy sinh khi đang ở độ tuổi mười tám, đôi mươi và vẫn chưa có ai lập gia đình. Để khắc sâu chiến tích anh hùng vẻ vang đó, ngày 7-6-1972, Quốc hội và Chính phủ đã truy tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” cho 10 liệt sỹ TNXP hy sinh tại chiến trường Ngã ba Đồng  Lộc.

Chiến thắng Đồng Lộc mãi mãi là niềm tự hào của nhân dân ta và nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới. Những chiến sĩ dũng cảm hy sinh tại Ngã ba Đồng Lộc là biểu tượng thiêng liêng, cao quý của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Những tấm gương nghĩa liệt đó không chỉ sáng mãi trong cuộc chiến tranh ái quốc mà còn là được vinh danh muôn đời để nhân dân ta, nhất là thế hệ trẻ noi theo.

 Long Sơn

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn