Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Lê Quang Đạo (8/8/1921 - 8/8/2021)

Người chỉ huy chính trị, quân sự-Anh cả của Ngành Tuyên huấn Quân đội Nhân dân Việt Nam

HQ Online -

Trong hơn 60 năm liên tục hoạt động, cống hiến cho cách mạng Việt Nam, đồng chí Lê Quang Đạo có tới 28 năm hoạt động trong Quân đội Nhân dân Việt Nam (1950-1978). Dù ở cương vị nào, đồng chí cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, thể hiện là một cán bộ lãnh đạo đức độ và tài năng. Với những cống hiến lớn lao cho Quân đội, đồng chí được Nhà nước phong quân hàm Thiếu tướng năm 1958 và quân hàm Trung tướng năm 1974.

Năm 1950, đồng chí Lê Quang Đạo được Đảng điều động vào quân đội, với trách nhiệm Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Chân dung Trung tướng Lê Quang Đạo, Phó Chủ nhiệm Tổng cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam (1976). Ảnh: TTXVN

Trong những năm tháng ác liệt của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, đồng chí được Quân ủy Trung ương giao phụ trách công tác Đảng, công tác chính trị trong các chiến dịch lớn. Đồng chí đã trực tiếp tham gia lãnh đạo, chỉ huy nhiều chiến dịch quan trọng: Phó Chủ nhiệm Chính trị Chiến dịch Biên giới (1950); Phó Chủ nhiệm Chính trị Chiến dịch Điện Biên Phủ, Quyền Chính ủy Đại đoàn 308 trong cuộc tiến công sang Thượng Lào (1954); Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Chiến dịch Đường 9-Khe Sanh (1968), Chiến dịch Đường 9-Nam Lào (1971), Chiến dịch Trị-Thiên (1972). Trên cương vị được giao, đồng chí luôn đi sát mặt trận, gần gũi chiến sĩ, phát huy tinh thần tập thể, dân chủ, động viên bộ đội quyết tâm chiến đấu giành thắng lợi.

Ðồng chí Lê Quang Ðạo (thứ hai, từ trái sang) tại chiến dịch Ðường 9-Khe Sanh (năm 1968). Ảnh: TL

Đồng chí Lê Quang Đạo có những đóng góp rất lớn trong xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị và tổ chức, hiệp đồng chiến đấu. Đồng chí khẳng định: “Công tác giáo dục chính trị là linh hồn, là mạch sống của bộ đội. Muốn nâng cao trình độ giác ngộ chính trị, tư tưởng, nâng cao sức chiến đấu của toàn quân cần phải tăng cường giáo dục chính trị trong quân đội”.

Đồng chí chủ động đề xuất những nội dung quan trọng của công tác giáo dục chính trị cho bộ đội và được phân công biên soạn, viết nhiều tài liệu về công tác chính trị, tư tưởng, xây dựng Đảng, đặc biệt là các tài liệu chỉnh huấn, chỉnh quân. Điển hình là các bài viết: “Học tập cách xem xét vấn đề đúng đắn” (1959); “Về công tác tư tưởng và công tác tổ chức” (1962); “Nâng cao quyết tâm kiên trì và đẩy mạnh cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến toàn thắng” (1970); “Mấy bài học về công tác chính trị của bộ đội chủ lực trong chiến dịch, chiến đấu” (1971); “Báo cáo tại Hội nghị Trung ương lần thứ 21” (1973); “Tăng cường công tác tư tưởng, nâng cao ý chí chiến đấu, hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ của lực lượng vũ trang trong giai đoạn mới” (1974)...

Đồng chí Lê Quang Đạo còn trực tiếp tham gia giảng dạy trong nhiều lớp chỉnh huấn của quân đội nhằm làm cho cán bộ, chiến sĩ hiểu rõ hơn cuộc cách mạng giải phóng dân tộc do Đảng lãnh đạo; bản chất của quân đội ta là một quân đội từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu; quán triệt sâu sắc đường lối cách mạng của Đảng, nâng cao cảnh giác, mài sắc ý chí chiến đấu, quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ…

Đồng chí Lê Quang Đạo (giữa) cùng thư ký và bảo vệ. Ảnh: TL

Từ thực tiễn khởi nghĩa vũ trang và chiến tranh cách mạng Việt Nam, đồng chí đã rút ra vấn đề có tính quy luật trong xây dựng quân đội cách mạng: Quan trọng bậc nhất là tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội, làm cho quân đội luôn tuyệt đối trung thành với Đảng, một lòng một dạ phục vụ nhân dân. Chỉ có trên cơ sở tăng cường sự lãnh đạo của Đảng mới giải quyết được đúng và tốt các mối quan hệ về tổ chức, giữa chính trị với quân sự, giữa con người với vũ khí, giữa lãnh đạo và chỉ huy, giữa trang bị huấn luyện và chiến đấu của quân đội.

Đồng chí cũng khái quát kinh nghiệm hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị trong chiến dịch, chiến đấu: Nắm vững phương châm kết hợp chặt chẽ xây dựng với tác chiến; xây dựng quyết tâm chiến đấu cao; phát huy vai trò của tổ chức đảng; xây dựng đội ngũ cán bộ có năng lực lãnh đạo, chỉ huy giỏi; kết hợp chặt chẽ địch vận với tác chiến; thực hiện tốt kỷ luật chiến trường; chống chiến tranh gián điệp, chiến tranh tâm lý của địch.

Đồng chí Lê Quang Đạo cho rằng, công tác giáo dục, bồi dưỡng phẩm chất, đạo đức cách mạng cho cán bộ, chiến sĩ phải là một nội dung quan trọng của công tác tư tưởng, nhằm phát huy cao độ sức mạnh của mọi người, mọi lực lượng trong thực hiện nhiệm vụ. Đồng chí nhiều lần nhấn mạnh: “... phải luôn luôn bồi dưỡng cho cán bộ, chiến sĩ phẩm chất cách mạng; đạo đức cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; nếp sống trong sạch, lành mạnh, giản dị; tác phong khẩn trương, sâu sắc”.

Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo thăm và chúc tết chiến sĩ, lực lượng vũ trang nhân dân tỉnh Lạng Sơn (1992). Ảnh: Đình Trân/TTXVN

Đánh giá về phẩm chất và những đóng góp của đồng chí Lê Quang Đạo, Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết: “Đồng chí Lê Quang Đạo là một cán bộ lãnh đạo có đức độ và tài năng của Đảng và quân đội ta”.  

Những cống hiến của đồng chí Lê Quang Đạo đối với Quân đội Nhân dân Việt Nam về lý luận và thực tiễn vẫn còn nguyên giá trị, để chúng ta tiếp tục vận dụng, phát huy trong sự nghiệp xây dựng quân đội, bảo vệ Tổ quốc trong thời đại ngày nay.

Hải Thanh (Tổng hợp)

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn