Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Đại tướng Văn Tiến Dũng (2-5-1917/2-5-2017)

Đồng chí Đại tướng Văn Tiến Dũng là học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã dành trọn đời mình đi theo con đường cách mạng mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn; có nhiều đóng góp đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Đồng chí không chỉ là nhà quân sự, chính trị mưu lược, vị tướng chỉ huy - tham mưu chiến lược mà còn là một nhà ngoại giao quân sự xuất sắc của Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam, nhất là đã dành nhiều tâm huyết và có đóng góp to lớn đối với công tác đối ngoại quân sự.

Mềm dẻo, linh hoạt trong đàm phán

Ngày 8-5-1954, một ngày sau khi tập đoàn cứ điểm Ðiện Biên Phủ bị tiêu diệt, Hội nghị Giơ-ne-vơ về lập lại hòa bình ở Ðông Dương bắt đầu, với sự tham gia của 9 bên, 8 nước(1). Ngày 20-7-1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết; hai bên Việt Nam và Pháp ký Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, bản “Tuyên bố cuối cùng” của Hội nghị Giơ-ne-vơ được công bố ngày 21-7-1954.

Một Ủy ban quốc tế kiểm soát đình chiến ở Việt Nam do Ấn Độ làm Chủ tịch và hai ủy viên là Ba Lan và Ca-na-đa. Theo quy định của Hội nghị Giơ-ne-vơ, từ ngày 4-7 đến 27-7-1954, Đoàn đại biểu QĐND Việt Nam do đồng chí Thiếu tướng, Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng làm Trưởng đoàn và Đoàn đại biểu quân đội Liên hiệp Pháp do Đại tá Len-nuy-ơ (Lennuyeux) làm Trưởng đoàn họp Hội nghị quân sự tại Trung Giã (cách thị xã Thái Nguyên hơn 30km về phía nam) để bàn và quyết định biện pháp thực hiện những vấn đề về quân sự mà Hiệp định Giơ-ne-vơ quy định.

Tại hội nghị, đồng chí Văn Tiến Dũng một mặt bám sát chỉ đạo của trên, mặt khác tranh thủ ý kiến đóng góp của đoàn, mềm dẻo, linh hoạt, sáng tạo, nhưng kiên quyết đấu tranh, giữ vững lập trường, yêu cầu phía Pháp chấp thuận các thủ tục, biện pháp ngừng bắn, về trao trả tù binh, về chuyển quân tập kết… Đồng thời, ta và Pháp thống nhất tổ chức Ủy ban Liên hiệp đình chiến Trung ương và địa phương. Thành phần của Ủy ban Liên hiệp Trung ương của Việt Nam do các đồng chí tham dự Hội nghị Trung Giã đảm nhiệm; đồng chí Văn Tiến Dũng làm Trưởng đoàn. Phía Pháp do Thiếu tướng Đờ-ten (Delteil) từ chính quốc sang làm Trưởng đoàn. Dưới sự chỉ huy trực tiếp của đồng chí Văn Tiến Dũng, Đoàn đại biểu quân sự Việt Nam đã hoàn thành tốt nhiệm vụ đấu tranh tại hội nghị đàm phán.

Đại tướng Văn Tiến Dũng thăm nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào (năm 1982). Ảnh tư liệu

Hội nghị quân sự Trung Giã diễn ra trong 24 ngày, song có một ý nghĩa lịch sử to lớn. Nếu Hội nghị Giơ-ne-vơ đưa ra giải pháp toàn bộ nhằm chấm dứt chiến tranh ở Ðông Dương, thì Hội nghị quân sự Trung Giã bàn cách thực hiện ngừng bắn và chính sách đối với tù binh, kiến nghị những vấn đề liên quan gửi đến Hội nghị Giơ-ne-vơ và đặc biệt đã chuẩn bị tốt những điều kiện cần thiết để thực hiện ngừng bắn đúng ngày giờ như Hiệp định Giơ-ne-vơ đã quy định, đồng thời tạo cơ sở thuận lợi cho hoạt động của Ủy ban Liên hiệp Trung ương. Ðoàn đàm phán Việt Nam ở Hội nghị quân sự Trung Giã đã hoàn thành tốt nhiệm vụ do Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh giao, dưới sự chỉ đạo của Tổng Quân ủy (nay là Quân ủy Trung ương) và Bộ Tổng tư lệnh, góp phần tô thắm trang sử vàng của nền ngoại giao Việt Nam.

Đấu tranh kiên quyết trong thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954

Tháng 5-1954, trong những ngày cả nước vui mừng về thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ, Thiếu tướng Văn Tiến Dũng, Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam được cử làm Trưởng đoàn đại biểu của Bộ Tổng tư lệnh QĐND Việt Nam trong Ủy ban Liên hiệp đình chiến, thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ về Việt Nam. Để giám sát và điều hành việc thực hiện Hiệp định đình chiến giữa hai bên, theo Chương 6 của Hiệp định (từ Điều 28 đến Điều 47), quy định cách tổ chức và hoạt động của Ủy ban Liên hiệp và Ủy ban Giám sát quốc tế ở Việt Nam. Ủy ban Liên hiệp đình chiến bắt đầu hoạt động từ tháng 7-1954 và đến tháng 4-1956 thì ngừng hoạt động.

Theo Điều 21 của Hiệp định Giơ-ne-vơ, tất cả tù binh và thường dân bị giam giữ của hai bên sẽ được thả trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày thực hiện ngừng bắn. Trong một phiên họp của Ủy ban Liên hiệp đình chiến, đồng chí Văn Tiến Dũng đã nói với phía Pháp bằng một giọng rất kiên quyết: "Chúng tôi không muốn và không cần giữ một người nào của các ông, nhưng các ông đừng hòng nhận được những người của mình mà lại vẫn tiếp tục giam giữ các đồng chí của chúng tôi". Trước sự đấu tranh kiên quyết của Trưởng đoàn ta, phía Pháp đã phải thực hiện theo đúng thỏa thuận.

Trong thực hiện nội dung chuyển quân, tập hợp lực lượng của hai bên, chuyển giao và tiếp quản Hà Nội, Thiếu tướng Đờ-ten, Trưởng đoàn Pháp đề nghị Việt Nam cho một đơn vị quân đội vào trước cùng với quân đội Pháp bảo vệ nhà máy điện và nhà máy nước. Thoạt nghe, đề nghị của phía Pháp có vẻ thiện chí, song đồng chí Văn Tiến Dũng đã báo cáo, xin ý kiến cấp trên và trên đã nhất trí là ta không nên cho bộ đội vào trước cùng với Pháp bảo vệ nhà máy điện, nước vì nếu như ta có mặt mà nhà máy bị phá hoại thì trách nhiệm là thuộc hai bên. Hơn nữa, bộ đội ta không có trình độ kỹ thuật, nếu như nhà máy bị phá hỏng thì anh em ta cũng không biết. Ðồng chí Văn Tiến Dũng đã khước từ đề nghị của Pháp một cách lịch sự và đề nghị họ cứ bảo đảm việc bảo vệ cho đến lúc chuyển giao. Kết quả là với công tác tổ chức chu đáo, với chính sách tiếp quản đúng đắn, với tinh thần đoàn kết, đấu tranh của anh chị em công nhân, viên chức, với cuộc đấu tranh đúng mức trên bàn đàm phán và dư luận, việc tiếp quản thành phố Hà Nội đã diễn ra an toàn, trật tự, các dịch vụ công cộng về cơ bản hoạt động bình thường.

Chỉ đạo sâu sát công tác đối ngoại quân sự

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng về ý nghĩa và tầm quan trọng của sự ủng hộ về chính trị, tinh thần của các nước xã hội chủ nghĩa và nhân dân yêu chuộng hòa bình, tiến bộ trên thế giới đối với cuộc đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược của nhân dân ta, đồng chí Văn Tiến Dũng đã chỉ đạo Bộ Tổng tham mưu phải sâu sát trong công tác đối ngoại quân sự; thường xuyên căn dặn những cán bộ làm công tác đối ngoại quân sự phải luôn thấm nhuần chủ trương của Đảng là Việt Nam phải gắn với thế giới, tranh thủ tối đa mọi nguồn lực từ bên ngoài, kết hợp với nội lực bên trong, tạo thành sức mạnh tổng hợp, bảo đảm đánh thắng kẻ thù. Để thực hiện chủ trương đó, công tác đối ngoại quân sự phải đi tiên phong, giữ trọng trách chính để làm sáng tỏ tính chất chính nghĩa cuộc đấu tranh của Việt Nam với bạn bè quốc tế, góp phần tập hợp và mở rộng lực lượng, từng bước chuyển hóa thế trận đấu tranh, phân hóa, cô lập kẻ thù trên trường quốc tế.

Tháng 7-1963, tại Bắc Kinh, đồng chí Văn Tiến Dũng đã thay mặt Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương Việt Nam cùng với đồng chí La Thụy Khanh thay mặt cho Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương Trung Quốc ký hai bản hiệp định về hỗ trợ, chi viện cho nhau khi chiến tranh lớn xảy ra. Các hiệp định trên đã được Bộ Chính trị Trung ương Đảng Lao động Việt Nam phê chuẩn ngày 7-9-1963; Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc phê chuẩn ngày 7-11-1963. Nhờ những hiệp định này, chính quyền Mỹ từ Ken-nơ-đi (Kenedy) đến Giôn-xơn (Johnson), Ních-xơn (Nixon) đều phải tính đến khả năng hạn chế cao nhất không để cuộc chiến tranh Việt Nam trở thành cuộc chiến khu vực. Trong thực tế, những hiệp định này đã giúp hạn chế được thiệt hại về người, tài sản và được coi là thắng lợi lớn về đối ngoại quân sự của ta trong giai đoạn này.

Sau năm 1975, trước những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, khu vực, trên cương vị Tổng Tham mưu trưởng và sau này là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, đồng chí Văn Tiến Dũng đã chỉ đạo Bộ Tổng tham mưu và Bộ Quốc phòng có những kiến nghị, chủ trương, dự kiến xu hướng phát triển của công tác đối ngoại quân sự một cách kịp thời, đúng đắn. Đặc biệt, đã xác định rõ phương hướng đối ngoại quân sự trong thời kỳ mới là: Tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ, giúp đỡ về tinh thần, vật chất của các nước xã hội chủ nghĩa và phong trào cách mạng thế giới đối với Quân đội ta; ra sức làm tốt nghĩa vụ quốc tế của quân đội; tích cực góp phần vào các hoạt động đối ngoại chung của Đảng và Nhà nước(2).

Quan tâm sâu sắc đến việc tăng cường đối ngoại quân sự với các nước

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc thắng lợi, đất nước ta tạm thời bị chia cắt làm hai miền. Miền Bắc được giải phóng, bắt đầu công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội; chuyến thăm Trung Quốc và Liên Xô tháng 7-1955 của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mở ra một trang sử mới trong quan hệ đồng minh chiến lược với các nước xã hội chủ nghĩa. Tiếp đó là các đoàn đại biểu Đảng, Chính phủ, Quốc hội do các đồng chí: Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Văn Tiến Dũng... dẫn đầu đến thăm và làm việc với nhiều nước trên thế giới.

Đối với các chuyến thăm và làm việc của đồng chí Văn Tiến Dũng vào thời gian này, tác giả Giu-đi Xtâu (Judy Stowe) đã viết: “Vào cuối những năm 1950-1960, ông Dũng đã đi Trung Quốc và Liên Xô nhiều lần, một phần để tham gia các khóa đào tạo quân sự và khi Mỹ ngày càng leo thang can thiệp vào Việt Nam, ông là người trực tiếp đề nghị Trung Quốc, Liên Xô viện trợ quân sự cho Việt Nam”(3). Trong những lần đến thăm các nước anh em, đồng chí Văn Tiến Dũng đã kêu gọi sự ủng hộ, giúp đỡ của các nước đối với cuộc đấu tranh của nhân dân ta. Nhân dân và Chính phủ Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa đã ủng hộ cuộc kháng chiến chính nghĩa của ta cả về vật chất và tinh thần.

Trước khi lên đường làm nhiệm vụ ở Mặt trận Tây Nguyên (ngày 5-2-1975 tức ngày 25 Tết âm lịch), đồng chí Đại tướng Văn Tiến Dũng trên cương vị là Tổng Tham mưu trưởng đã ký sẵn các bức điện mừng Ngày kỷ niệm thành lập Quân đội Liên Xô và Cộng hòa Dân chủ Đức (tháng 2) và Quân đội Mông Cổ (tháng 3), đồng thời tự tay chuẩn bị những món quà nhỏ và thư chúc mừng năm mới gửi đến các gia đình cơ sở cách mạng đã giúp đỡ đồng chí và cách mạng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Từ năm 1980-1989, đồng chí Đại tướng Văn Tiến Dũng trên cương vị là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã có những chuyến thăm hữu nghị chính thức tới các nước: Liên Xô, Ba Lan, Tiệp Khắc, Hung-ga-ri, Bun-ga-ri, Cộng hòa Dân chủ Đức và Mông Cổ, nhằm thắt chặt hơn nữa quan hệ hợp tác hữu nghị với các nước. Đặc biệt, đồng chí đã có những chuyến thăm hữu nghị chính thức tới Ấn Độ (tháng 4-1984) và In-đô-nê-xi-a (năm 1984) ngay sau khi hai nước nối lại quan hệ đối ngoại quân sự.

Đồng chí Văn Tiến Dũng đặc biệt quan tâm đến nhiệm vụ giới thiệu kinh nghiệm, đào tạo cán bộ cho các nước và các đảng anh em. Cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược của nhân dân ta được thế giới đặc biệt quan tâm nghiên cứu, nên mặc dù trong điều kiện chiến tranh ác liệt, Quân đội ta vẫn sẵn sàng đón và tổ chức giới thiệu kinh nghiệm chiến đấu cho nhiều đoàn quốc tế đến Việt Nam. Tính đến năm 1975, ta đã trao đổi kinh nghiệm với 118 đoàn quốc tế, gồm 875 người, đến từ 35 quốc gia khác nhau (trong đó, có 9 nước xã hội chủ nghĩa, 6 nước Đông Nam Á, 12 nước Trung Cận Đông và châu Phi, 8 nước Mỹ La-tinh). Thành phần của các đoàn gồm cán bộ quân sự của các nước có phong trào đấu tranh vũ trang cách mạng, những nước mới giành được độc lập và các nước xã hội chủ nghĩa anh em(4).

Đồng chí Văn Tiến Dũng đã tiếp, nói chuyện với rất nhiều đoàn khách nước ngoài để trao đổi về nội dung nghiên cứu, từ đường lối quân sự đến chiến lược, chiến thuật, kỹ thuật; từ chiến tranh du kích đến tác chiến bằng các binh đoàn chủ lực. Về chính trị, các đoàn đến Việt Nam đều là đại diện cho các lực lượng vũ trang ủng hộ và đoàn kết với Việt Nam, muốn học tập kinh nghiệm của Việt Nam. Vì thế, đồng chí Văn Tiến Dũng cũng luôn quan tâm, chỉ đạo Cục Liên lạc đối ngoại, Bộ Quốc phòng phối hợp chặt chẽ với Ban Đối ngoại Trung ương, Bộ Ngoại giao để nghiên cứu hiểu rõ đối tượng và yêu cầu cụ thể của từng nước; trình độ quân sự và khả năng đáp ứng của ta để lập kế hoạch tiếp nhận và chuẩn bị nội dung, dự kiến phân công các cơ quan, đơn vị thực hiện và kế hoạch bảo đảm vật chất.

Đối với Lào và Cam-pu-chia, đồng chí Văn Tiến Dũng rất quan tâm đến mối quan hệ hữu nghị hợp tác giữa Việt Nam với hai nước. Thực hiện nhiệm vụ quốc tế của Đảng, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, QĐND Việt Nam đã sát cánh cùng với lực lượng vũ trang cách mạng Lào và Cam-pu-chia với tinh thần “giúp nhân dân nước bạn tức là mình tự giúp mình”(5). Trong điều kiện chiến tranh ác liệt, chúng ta vẫn tận tình thực hiện nghĩa vụ quốc tế với Lào và Cam-pu-chia. Lực lượng Quân tình nguyện Việt Nam đã kề vai sát cánh chiến đấu cùng lực lượng vũ trang yêu nước Lào và Cam-pu-chia, giúp cách mạng Lào và Cam-pu-chia đến ngày toàn thắng. Sau năm 1975, đồng chí vẫn tiếp tục chỉ đạo sâu sát các hoạt động đối ngoại nhằm tăng cường, củng cố quan hệ quân sự với Lào và Cam-pu-chia.

Quan tâm đối với công tác tổ chức và đào tạo nguồn nhân lực đối ngoại quân sự

Đồng chí Văn Tiến Dũng là người rất quan tâm đến công tác tổ chức và đào tạo nguồn nhân lực đối ngoại quân sự. Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của công tác đối ngoại quân sự và kiện toàn đội ngũ làm công tác đối ngoại quân sự, đồng chí Văn Tiến Dũng đã chỉ đạo và phê chuẩn tổ chức lại Cục Liên lạc đối ngoại tạo cơ sở để Cục Liên lạc đối ngoại có điều kiện đẩy mạnh công tác nghiên cứu cơ bản, soạn thảo các quy chế; đồng thời, quyết định thành lập các cơ quan đối ngoại của Tổng cục Kỹ thuật, Quân chủng Hải quân, Quân khu 5, Quân khu 7, tại văn phòng các tổng cục khác có biên chế trợ lý đối ngoại.

Trước yêu cầu ngày càng cao của công tác đối ngoại quân sự, đồng chí Văn Tiến Dũng đã chỉ thị cho Cục Liên lạc đối ngoại chủ động nghiên cứu, tích cực tranh thủ sự giúp đỡ của Bộ Ngoại giao, các cơ quan chuyên môn để ban hành nhiều văn bản pháp quy, chỉ đạo, hướng dẫn công tác đối ngoại quân sự như: Quy chế Tùy viên Quân sự bên cạnh Đại sứ quán nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài; Quy chế hoạt động của Tùy viên Quân sự nước ngoài tại Việt Nam; các tiêu chuẩn, chế độ đối với khách quốc tế, chuyên gia, học sinh quốc tế tại nước ta; những văn bản đó từng bước thể chế hóa và chính quy hóa công tác nghiệp vụ của Cục Liên lạc đối ngoại nói riêng và của các lực lượng làm công tác đối ngoại quân sự nói chung; đồng thời, là cơ sở pháp lý để tiến hành công tác đối ngoại quân sự đúng chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, của Quân đội, tạo sự thống nhất cao trong công tác đối ngoại quân sự.

Ngày 11-4-1980, dưới sự chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Văn Tiến Dũng, lần đầu tiên Cục Liên lạc đối ngoại giúp Bộ Quốc phòng tổ chức Hội nghị Tùy viên Quân sự lần thứ nhất và Hội nghị bồi dưỡng những kiến thức cơ bản phục vụ công tác đối ngoại quân sự để nắm bắt, chỉ đạo hiệu quả hơn công tác đối ngoại quân sự ở ngoài nước. Tại hội nghị, đồng chí Đại tướng Văn Tiến Dũng đã có bài phát biểu quan trọng nhấn mạnh đến tình hình, nhiệm vụ và chức trách của Tùy viên quân sự, yêu cầu các cán bộ phải tranh thủ thời gian hội nghị để nghiên cứu các vấn đề cơ bản về đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; những vấn đề chính trị, quân sự, đối ngoại, kinh tế; tình hình thế giới và khu vực; những hướng dẫn công tác nghiệp vụ như: Nghiên cứu tình hình địa bàn, quản lý lưu học sinh, công tác đảng, công tác chính trị và tài chính…

Với những cống hiến to lớn cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong đó có công tác đối ngoại quân sự, đồng chí Đại tướng Văn Tiến Dũng được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng cùng nhiều huân chương, huy chương và phần thưởng cao quý khác.

Thượng tướng NGUYỄN CHÍ VỊNH, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương,Thứ trưởng Bộ Quốc phòng

(1) Tham dự Hội nghị Giơ-ne-vơ gồm đại diện 8 nước: Anh, Mỹ, Liên Xô, Trung Quốc, Pháp, Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Vương quốc Lào, Vương quốc Cam-pu-chia và 1 bên là Quốc gia Việt Nam.

(2) Cục Đối ngoại Bộ Quốc phòng, 45 năm Cục Đối ngoại Bộ Quốc phòng, Nxb QĐND, Hà Nội, 2009.

(3)  Giu-đi Xtâu, General Van Tien Dung (Đại tướng Văn Tiến Dũng), The Independent, 20-3-2002.

(4) Cục Đối ngoại Bộ Quốc phòng, 45 năm Cục Đối ngoại Bộ Quốc phòng, Nxb QĐND, Hà Nội, 2009.

(5) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 8, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 105.

Theo QĐND điện tử

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn