Kinh nghiệm tạo nguồn xây dựng đội ngũ cán bộ chính trị ở Lữ đoàn 162

* Thiếu tá Bùi Xuân Bình, Chính ủy Lữ đoàn 162, Vùng 4 Hải quân

HQ Online -

Quán triệt sâu sắc và toàn diện các quan điểm của Đảng, Quân ủy Trung ương, Đảng ủy Quân chủng về xây dựng đội ngũ cán bộ, Lữ đoàn 162 đã xây dựng thế hệ đội ngũ cán bộ chính trị vừa “hồng” vừa “chuyên”, góp phần xây dựng Lữ đoàn cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

 

Lữ đoàn 162 là binh đoàn chiến thuật hoạt động độc lập hoặc hiệp đồng với các lực lượng để thực hiện nhiệm vụ tác chiến bảo vệ chủ quyền biển, đảo; cùng các lực lượng Vùng 4 tham gia bảo vệ chủ quyền vùng biển được phân công phụ trách và cơ động chiến đấu theo nhiệm vụ của Quân chủng.

Đảng ủy Lữ đoàn 162 nhận thức sâu sắc rằng, đội ngũ cán bộ nói chung và cán bộ chính trị nói riêng là lực lượng nòng cốt, có vai trò quyết định trong việc làm chủ VKTBKT, xây dựng nhân tố chính trị tinh thần để đơn vị thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao.

Cán bộ Lữ đoàn 162 tự tin tham gia nhiệm vụ đối ngoại quốc phòng. Ảnh: Vũ Hưởng

Từ nhận thức đó, Đảng ủy Lữ đoàn, cấp ủy các cấp đã tổ chức thực hiện nghiêm túc chủ trương, quy định, quy chế của trên về xây dựng đội ngũ cán bộ giai đoạn 2013-2020 và những năm tiếp theo. Số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ của Lữ đoàn không ngừng nâng cao: 100% cán bộ được đào tạo cơ bản trong đó sĩ quan cấp phân đội là 85,62%, cán bộ có trình độ đại học đạt 91,18%, đào tạo ở nước ngoài 12,09%… Số cán bộ hoàn thành khá và tốt nhiệm vụ hàng năm đạt trên 98%, hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ đạt 89,7%.

Đối với đội ngũ cán bộ chính trị, những năm qua, nhờ chủ động trong công tác tạo nguồn, Lữ đoàn 162 luôn có đội ngũ cán bộ chính ổn định và vững mạnh, có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc nâng cao hiệu lực CTĐ, CTCT. Từ năm 2015 đến nay, có 20 đồng chí được tạo nguồn và đào tạo chuyển loại chính trị, 14 đồng chí được đào tạo chính ủy trung, sư đoàn.

Phần lớn cán bộ chính trị có lập trường tư tưởng, bản lĩnh chính trị kiên định, phong cách, năng lực lãnh đạo, chỉ huy giỏi; có tư duy đổi mới, phương pháp làm việc khoa học, khả năng phân tích, xử lý tốt các tình huống; có tinh thần trách nhiệm cao, dám nghĩ, dám làm, vì lợi ích của tập thể, được cán bộ, chiến sĩ tin tưởng, yêu mến.

Nhờ đó, Đảng bộ Lữ đoàn luôn đạt TSVM, đơn vị VMTD, được tặng nhiều phần thưởng cao quý: Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; Cờ đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua và Cờ đơn vị huấn luyện giỏi của Bộ Quốc phòng; Danh hiệu "Đơn vị thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, rèn luyện kỷ luật, xây dựng nền nếp chính quy tiêu biểu, xuất sắc nhất Quân chủng Hải quân"; Danh hiệu "Cơ quan chính trị tiêu biểu xuất sắc nhất Quân chủng"…

Từ thực tiễn tạo nguồn cán bộ chính trị thời gian qua, Lữ đoàn 162 rút ra một số kinh nghiệm sau:

Một là, xây dựng kế hoạch tạo nguồn cán bộ chính trị khoa học, hiệu quả, thiết thực.

Công tác tạo nguồn cán bộ chính trị của Lữ đoàn phải luôn đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất của Đảng ủy Lữ đoàn và cấp ủy các cấp. Cấp ủy các cấp cần nắm vững mục đích và có nhận thức đầy đủ, thống nhất về công tác tạo nguồn cán bộ chính trị; thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ và nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công tác giới thiệu tạo nguồn.

Kế hoạch tạo nguồn phải nêu rõ mục đích, yêu cầu, đối tượng, tiêu chí; yêu cầu về độ tuổi, số lượng tạo nguồn và các giải pháp thực hiện. Kế hoạch phải xây dựng dài hạn để đảm bảo đội ngũ cán bộ chính trị có sự ổn định, kế thừa liên tục, tránh sự hụt hẫng hoặc dư thừa cán bộ.

Đối tượng được đưa vào tạo nguồn là cán bộ đang công tác tại Lữ đoàn, phải đáp ứng tốt các tiêu chí về lập trường tư tưởng, phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, hiệu quả công tác, khả năng đoàn kết, tập hợp, năng lực điều hành và tổ chức thực hiện. Mặt khác, thông qua lấy phiếu tín nhiệm hàng năm và kết quả kiểm tra đánh giá chức trách cán bộ đạt giỏi về quân sự, chính trị để tao nguồn. Cán bộ diện tạo nguồn phải đủ sức khỏe và triển vọng phát triển, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ khi được bố trí vào chức vụ cao hơn.

Sỹ quan tham mưu thực hành huấn luyện. Ảnh: Lê Ngọc

Hai là, tạo nguồn cán bộ chính trị trên cơ sở đánh giá cán bộ hàng năm theo tiêu chuẩn chức danh.

Thực tế ở Lữ đoàn 162, công tác đánh giá cán bộ được tiến hành thận trọng, công tâm, khách quan, tuân thủ đúng nguyên tắc, quy trình. Khi đánh giá phải theo hướng xuyên suốt, liên tục, đa chiều, với các tiêu chí cụ thể như bằng sản phẩm, thông qua khảo sát, công khai kết quả và so sánh với chức danh tương đương; gắn đánh giá cá nhân với tập thể và kết quả thực hiện nhiệm vụ của đơn vị.

Cấp ủy, chỉ huy các cấp bám sát và căn cứ vào tiêu chuẩn chức danh cán bộ đã được cụ thể hóa theo từng cấp để đánh giá. Trong đó, chú trọng kết quả hoàn thành nhiệm vụ, chức trách của từng người trên cương vị thực tế, gắn với kết quả hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị và mức độ tín nhiệm để xem xét, đánh giá, lấy đó làm căn cứ tạo nguồn cán bộ.

Ba là, tạo nguồn cán bộ thông qua hoạt động thực tiễn gắn với chức danh.

Thời gian qua, Lữ đoàn 162 đã tạo được nguồn cán bộ dồi dào, có đủ tiêu chuẩn cần thiết để hoàn thành các nhiệm vụ và tạo nguồn cán bộ cho cấp trên. Để cán bộ tạo nguồn được rèn luyện thì cấp trên bồi dưỡng cho cấp dưới; lãnh đạo chỉ huy bồi dưỡng cho đơn vị; thuyền trưởng, chính trị viên bồi dưỡng cho cán bộ tàu mình là cách làm hiệu quả.

Phương pháp được Lữ đoàn sử dụng là gắn cán bộ với chức danh tạo nguồn. Cán bộ dự định chuyển loại chính trị, có thể đưa lên các cơ quan để học tập, rèn luyện, thử thách với các hoạt động CTĐ, CTCT. Sau khi học xong chuyển loại chính trị, có thể điều động về vị trí chính trị viên, chính trị viên phó các tàu hoặc trợ lý cơ quan chính trị để tiếp tục học tập, rèn luyện và thử thách. Trên cơ sở đó, tạo nguồn để tiếp tục đào tạo cán bộ trung, sư đoàn và tương đương.

Nội dung bồi dưỡng cần toàn diện, bao gồm cả kiến thức lý luận và thực tiễn, kiến thức chuyên ngành và liên ngành. Cùng với đó, cần phải làm tốt công tác liên kết với các nhà trường để đào tạo, bồi dưỡng gắn với chức danh và thực tế đơn vị đạt hiệu quả cao.

Lữ đoàn 162 duy trì có hiệu quả Câu lạc bộ ngoại ngữ trên các tàu. Ảnh: Lê Ngọc

Bốn là, tạo nguồn cán bộ chính trị gắn liền với công tác quy hoạch, sử dụng.

Muốn tạo nguồn cán bộ chính trị vững chắc, ổn định thì cấp ủy các cấp phải thường xuyên làm tốt công tác quy hoạch, sử dụng. Đây vừa là vấn đề khoa học, vừa là nghệ thuật, tạo nên sự vững mạnh của cả đội ngũ cán bộ, bảo đảm được sự kế thừa, chuyển tiếp liên tục, tránh được sự hẫng hụt hoặc ùn tắc.

Để tạo nguồn cán bộ chính trị vững chắc, ổn định, có tầm nhìn xa, cấp ủy, chỉ huy căn cứ vào nhiệm vụ chính trị xây dựng quy hoạch cán bộ toàn diện, tích cực, chủ động tuyển chọn, tạo nguồn tại chỗ.

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn