Khoa Chỉ huy-Tham mưu, Học viện Hải quân: Nâng cao chất lượng diễn tập tổng hợp cuối khóa

HQVN -

Những năm qua, Khoa Chỉ huy-Tham mưu (CH-TM), Học viện Hải quân có nhiều giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng diễn tập tổng hợp cuối khóa cho các đối tượng học viên, góp phần hoàn thành tốt mục tiêu, yêu cầu đào tạo của Học viện.

Diễn tập tổng hợp cuối khóa (DTH) là hình thức diễn tập dành cho học viên đào tạo sĩ quan CH-TM, chỉ huy kĩ thuật (CHKT) cấp lữ đoàn, vùng hải quân; học viên đào tạo sĩ quan cấp phân đội trình độ đại học và đào tạo theo chức vụ khác, nhằm đánh giá khả năng thực hiện chức trách ban đầu của học viên chuẩn bị ra trường theo mục tiêu, yêu cầu đào tạo. Mặt khác, DTH còn giúp cán bộ cơ quan, giảng viên các khoa chuyên ngành rèn luyện, nâng cao trình độ tham mưu, đề xuất, tổ chức chuẩn bị, triển khai, đạo diễn, điều hành các cuộc diễn tập cho học viên.

Thành phần tham gia DTH hằng năm của Học viện Hải quân khá đa dạng, không thống nhất về biên chế, tổ chức như diễn tập ở các đơn vị trong Quân chủng. Đặc biệt, học viên tham gia DTH trong những năm gần đây được mở rộng, trong đó ngoài hai đối tượng chính là học viên đào tạo CH-TM, CHKT và đào tạo sĩ quan cấp phân đội, còn có nhiều đối tượng đào tạo theo chức vụ khác.

Hướng dẫn học viên làm kế hoạch trên hải đồ. Ảnh: Khắc Ngọc

Khoa CH-TM giữ vai trò nòng cốt, là trung tâm hiệp đồng, trực tiếp chuẩn bị nội dung và chỉ đạo, hướng dẫn các đối tượng tham gia DTH theo kế hoạch của Giám đốc Học viện Hải quân. Để đổi mới, nâng cao chất lượng DTH hằng năm, cấp ủy, chỉ huy, cán bộ, giảng viên trong Khoa thường xuyên quán triệt, thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, kế hoạch diễn tập của trên. Ngay từ đầu năm học, Chi bộ Khoa đã đưa nội dung DTH vào nghị quyết để lãnh đạo; làm cơ sở để chỉ huy Khoa, các tổ giáo viên, bộ môn xây dựng kế hoạch chuẩn bị và thực hành diễn tập theo chức năng, nhiệm vụ.

Trước mỗi cuộc DTH, Khoa tổ chức giao nhiệm vụ cụ thể cho các nhóm, các bộ phận triển khai làm tốt công tác chuẩn bị nội dung; tiến hành tập huấn, bồi dưỡng cho các đối tượng tham gia diễn tập theo đúng quy định của Điều lệ công tác tham mưu-tác chiến; yêu cầu các vai tập kiểm tra lại nội dung kiến thức, công việc mà bản thân phải đảm nhiệm. Đặc biệt, Khoa chú trọng hướng dẫn cho học viên thực hiện đầy đủ trình tự, nội dung công tác tham mưu thông qua quá trình xây dựng kế hoạch chiến đấu.

Trình tự, nội dung cần thiết thể hiện lên kế hoạch chiến đấu được các giảng viên trong Khoa hướng dẫn thực hiện bằng hai phương pháp: Bằng tay và bằng phần mềm trên máy tính. Điều này giúp học viên nắm chắc kiến thức tham mưu-tác chiến đồng thời rèn luyện kĩ năng xây dựng kế hoạch, ứng dụng các phương tiện hỗ trợ hiện đại, tự động hóa quá trình chỉ huy tác chiến.

Cùng với đó, Khoa CH-TM phát huy hiệu quả các trung tâm mô phỏng tác chiến và mô phỏng chiến thuật tại Học viện Hải quân trong chuẩn bị và thực hành DTH. Nhờ đó, học viên có thể kiểm nghiệm được các kế hoạch mà mình xây dựng, tìm ra phương án hợp lí và tối ưu nhất; vận dụng nhuần nhuyễn kiến thức đã học vào sát thực tiễn; thực hành xử trí tình huống chiến thuật linh hoạt, kịp thời, chính xác. Đây cũng là nội dung, giải pháp quan trọng góp phần hình thành tư duy nghệ thuật quân sự nhạy bén cho học viên, đáp ứng yêu cầu tác chiến trong điều kiện chiến tranh có sử dụng vũ khí công nghệ cao.

Qua các cuộc DTH, đã thể hiện được sự phối hợp, hiệp đồng nhịp nhàng, chặt chẽ giữa các cấp chỉ huy, các chuyên ngành kể từ khi bắt đầu xây dựng kế hoạch chiến đấu cho đến việc đưa kế hoạch chiến đấu vào kiểm nghiệm trên các hệ thống mô phỏng và tổ chức diễn tập thực binh. Hầu hết học viên đã tự tin thực hiện tương đối tốt chức trách, nhiệm vụ của mình theo từng vai tập, từng vị trí chuyên ngành đảm nhiệm sau khi ra trường.

Thời gian tới, Khoa CH-TM sẽ tiếp tục tổng kết, rút kinh nghiệm những lần diễn tập trước nhằm bổ sung, hoàn thiện hệ thống lý luận về DTH; tích cực nghiên cứu, đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tổ chức chuẩn bị và thực hành DTH cho các đối tượng học viên của Học viện Hải quân.

Trên cơ sở quán triệt sâu sắc các chỉ thị, kế hoạch, mệnh lệnh của trên, Khoa xây dựng đầy đủ hệ thống các văn kiện diễn tập; bảo đảm tính thống nhất, gắn kết và lô gic giữa kế hoạch diễn tập với kế hoạch điều hành diễn tập. Với tư cách là cơ quan tham mưu cho Ban chỉ đạo diễn tập của Học viện, Khoa nghiên cứu thiết lập hệ thống đạo diễn, xây dựng tưởng định, đầu bài cơ bản và kết cấu tình huống diễn tập phù hợp, khoa học, cập nhật kiến thức, vũ khí trang bị mới.

Diễn tập trên hệ thống mô phỏng. Ảnh: CTV

Khoa có kế hoạch tổ chức bồi dưỡng cho hệ thống đạo diễn các kiến thức và kĩ năng cần thiết về nội dung, phương pháp đạo diễn từng chuyên ngành. Sau bồi dưỡng, các đạo diễn soạn thảo kế hoạch đạo diễn trình tổng đạo diễn thông qua. Trên cương vị vai tập của mình, người học được bố trí đủ thời gian để tiến hành soạn thảo và báo cáo thông qua kế hoạch các ngành cũng như chuẩn bị các nội dung công việc cần thiết khác. Sau khi nhận vai tập, người học chủ động nghiên cứu, soạn thảo kịch bản tập một cách chu đáo. Cán bộ, giảng viên trong Khoa nêu cao vai trò, trách nhiệm, phát huy kiến thức, kinh nghiệm, giúp Ban chỉ đạo Học viện chỉ đạo, điều hành diễn tập đúng lịch trình, đạt mục đích, yêu cầu đề ra, bảo đảm an toàn tuyệt đối.

DTH vừa là hình thức diễn tập chỉ huy-cơ quan cho học viên đào tạo CH-TM, CHKT, vừa là hình thức luyện tập chuyên ngành cho học viên đào tạo sĩ quan cấp phân đội. Qua DTH hàng năm, trình độ chuyên môn và kiến thức thực tế của mỗi cán bộ, giảng viên Khoa CH-TM và các đối tượng học viên của Học viện Hải quân không ngừng nâng lên, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học trong tình hình hiện nay.

 Nguyễn Đăng Thành 

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn