Học viện Hải quân “Trái ngọt” từ phương pháp đào tạo sát thực tiễn
HQVN -
Năm 2017 đã khép lại với nhiều thành công nổi bật của thầy và trò Học viện Hải quân. Đội tuyển Tin học đạt giải Khuyến khích tại cuộc thi lập trình quốc tế ACM/ICPC 2017. Đội tuyển tiếng Anh của Học viện đạt giải Ba trong cuộc thi Olympic toàn quân. Tàu buồm 286 - Lê Qúy Đôn hoàn thành tốt nhiệm vụ huấn luyện trên biển quốc tế kết hợp đối ngoại quốc phòng… Những “trái ngọt” đã khẳng định hướng đi đúng của phương thức đào tạo theo chuẩn đầu ra.
Khát vọng tuổi trẻ
Tết đến, Xuân về, hẳn ai trong chúng ta cũng luôn ấp ủ những ước mơ, hoài bão tốt đẹp về cuộc sống. Đối với những học viên đang học tập, rèn luyện tại Học viện Hải quân, ước mơ đó chính là khát vọng chinh phục các đỉnh cao, cống hiến tài năng, trí tuệ của mình vào sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Thượng sĩ Nguyễn Hoàng Giang, Học viên Lớp KH33B, Tiểu đoàn 3 - người vừa đạt giải Ba cá nhân tại kỳ thi Olympic tiếng Anh toàn Quân không giấu được cảm xúc của mình: Em rất vui và hạnh phúc vì thành tích của mình cũng như của Đội tuyển Olympic tiếng Anh. Việc đạt kết quả tốt tại kỳ thi năm nay, ngoài nỗ lực của mỗi thành viên trong đội tuyển còn phải kể đến sự quan tâm, tạo mọi điều kiện của các thầy, cô giáo và các đồng chí cán bộ quản lý.
Đội tuyển Học viện Hải quân tham gia thi Olympic tiếng Anh trên Internet
Chàng trai đất mỏ Nguyễn Hoàng Giang cũng chia sẻ bí quyết thành công trong việc học ngoại ngữ. Ngoài giờ học chính khóa, học viên phải tận dụng thời gian để tiếp cận tiếng Anh theo nhiều cách khác nhau như: Xem phim, thời sự, ca nhạc nước ngoài hoặc nghe đọc chuyện tiếng Anh trên radio… Việc làm này giúp người học tiếp nhận tiếng Anh một cách thường xuyên, rèn luyện khả năng nghe, cách phát âm và nâng cao kỹ năng giao tiếp. Được biết, Giang cũng là một trong những học viên của Học viện Hải quân được cử đi giao lưu với học viên Hải quân Indonesia tại TP.Hồ Chí Minh tháng 11 vừa qua.
Nếu như kỳ thi Olympic tiếng Anh toàn quân lần đầu tiên được tổ chức thì Olympic Tin học sinh viên toàn quốc và lập trình quốc tế đã có từ lâu. Cuộc thi lập trình quốc tế ACM/ICPC được nhiều quốc gia Châu Á như: Trung quốc, Đài Loan, Thái Lan, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines… cử sinh viên tham gia. Kỳ thi thực sự là ngày hội lớn của những người đam mê tin học, công nghệ truyền thông và lập trình. Học viện Hải quân là một trong những nhà trường của Quân đội tích cực tham gia hoạt động này. Mặc dù, trong chương trình đào tạo, học viên chỉ được tiếp cận chương trình tin học cơ bản, không chuyên nhưng thầy, trò Đội tuyển Tin học đã tích cực ôn luyện, bám sát nội dung thi hàng năm và kết quả ngày càng được nâng cao. Thượng sĩ Võ Phú An, Học viên Lớp KH33B, Tiểu đoàn 3, đạt giải Ba khối chuyên Tin tại kỳ thi Olympic Tin học sinh viên toàn quốc năm 2017 tâm sự: Em rất vui và tự hào khi cả 6 thành viên trong Đội tuyển tham gia thi đều đạt giải. Em mong sau khi ra trường sẽ tiếp tục phát huy thế mạnh của mình để phục vụ tốt và cống hiến nhiều hơn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ ở đơn vị.
Không chỉ Nguyễn Hoàng Giang, Võ Phú An mà còn nhiều học viên ở các ngành học khác nhau đều có những khát vọng trước thềm năm mới. Trong khi tiêu chí của học viên năm đầu là học giỏi, rèn nghiêm thì học viên năm cuối lại có những ước mơ thực tế hơn trong việc trở thành thuyền trưởng giỏi, ngành trưởng giỏi về vũ khí trang bị… Những “trái ngọt” không chỉ khẳng định năng lực, trình độ của của thầy, trò trong nhà trường mà còn là nguồn cổ vũ động viên tuổi trẻ của Học viện tích cực học tập, rèn luyện, cống hiến sức lực, trí tuệ, tài năng của mình vào sự nghiệp xây dựng Quân chủng chính qui, hiện đại.
Vươn ra biển lớn
Vượt qua hơn 2 nghìn hải lý, lần đầu tiên Tàu buồm 286, Lê Quý Đôn cùng hơn 50 giảng viên, học viên Học viện Hải quân đã hoàn thành tốt nhiệm vụ huấn luyện trên biển quốc tế và đối ngoại quốc phòng. Trong chuyến công tác, các học viên đã tích cực giao lưu, trao đổi kinh nghiệm cùng Hải quân hai nước Philippines và Brunei, góp phần xây dựng tình cảm chân thành, củng cố tình hữu nghị giữa lực lượng Hải quân cũng như quân đội các nước trong khu vực. Phó đô đốc Ronald Joseph S.Mercado, Tư lệnh Hải quân Philippines khẳng định: “Chuyến thăm này đã thêm một chỉ dấu nữa cho mối quan hệ tốt đẹp giữa Hải quân Việt Nam và Philippines, giúp các học viên sĩ quan trẻ của hai nước giao lưu, học hỏi lẫn nhau”.
Đến thăm Trường đào tạo sĩ quan thuộc Học viện Quốc phòng Brunei, các học viên Hải quân Việt Nam được giới thiệu về chương trình đào tạo sĩ quan, các mô hình học cụ và nơi ăn ở, làm việc của các học viên trong Học viện. Tại đây, các thành viên đoàn công tác đã trực tiếp đặt câu hỏi và giao lưu cùng cán bộ, học viên của Học viện Quốc phòng Brunei. Một học viên sĩ quan Hải quân Brunei (xin được dấu tên - PV) chia sẻ: Tôi đã từng biết đến Hải quân Việt Nam qua nhiều phương tiện truyền thông nhưng đây là lần đầu tiên tôi được giao lưu với các bạn học viên Hải quân. Tôi rất vui được gặp các bạn hôm nay, các bạn thật là thông minh, hiểu biết rộng và rất thân thiện nữa. Tôi hi vọng sẽ còn nhiều dịp được giao lưu, làm việc cùng các bạn.
Trong hải trình công tác, các học viên được chia thành các tổ, trực tiếp đi ca, thực hiện các nội dung điều khiển tàu hành trình, quan sát tình hình mặt biển, tác nghiệp xác định vị trí tàu, vận hành hệ thống động lực, xử lý các tình huống trên biển quốc tế … Dưới sự hướng dẫn của giảng viên và thuỷ thủ đoàn, học viên nhanh chóng nắm bắt tình năng kỹ, chiến thuật, cách khai thác sử dụng các trang thiết bị máy móc trên tàu, xử lý hiệu quả các tình huống đặt ra. Trong các phiên ca, các học viên hoàn toàn có thể chủ động khai thác các thông tin từ máy thu NAVTEX, khai thác các bản tin từ INMASAT-C, khai thác sử dụng các thông tin, số liệu từ ECDIS… theo Luật Hàng hải quốc tế.
Cán bộ, học viên Học viện Hải quân thăm và chụp ảnh lưu niệm cùng học viên Học viện Quốc phòng Brunei
Huấn luyện thực hành trên biển quốc tế, các học viên đã thực hiện tốt các bài toán vận động tàu như: Xác định yếu tố chuyển động của mục tiêu, tính trước các yếu tố trận địa của tàu vận động, thay đổi trận địa, vận động vớt người rơi xuống nước, vận động tránh va… Các bảng bố trí chiến đấu, phương tiện đấu tranh bảo vệ sức sống tàu là những nội dung học viên được huấn luyện nhuần nhuyễn và thường xuyên luyện tập. Thượng sĩ Ngô Sĩ Mạnh Linh, học viên chuyên ngành Hàng Hải, Tiểu đoàn 1 chia sẻ: Để thực hiện được các bài toán vận động chiến thuật chúng tôi phải vận dụng nhiều kỹ năng của bản thân, nhiều kiến thức căn bản. Huấn luyện thực tế trên biển, huấn luyện trong điều kiện phức tạp, khó khăn sẽ giúp chúng tôi nâng cao trình độ tổ chức chỉ huy, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ.
Những trải nghiệm trên Tàu buồm 286 – Lê Quý ĐÔn sẽ là những bài học bài học bổ ích cho mỗi cán bộ, sĩ quan trong tương lai, giúp họ vững vàng trước công việc, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Đào tạo theo chuẩn đầu ra
Học viện Hải quân là một trong những trường đầu tiên của Quân đội tiếp thu và phát triển phương thức đào tạo hiện đại tiếp cận CDIO - mô hình đào tạo theo chuẩn đầu ra. Đổi mới nội dung chương trình dạy và học đáp ứng chuẩn đầu ra là khâu đột phá cơ bản trong công tác giáo dục, đào tạo, góp phần xây dựng đội ngũ sĩ quan trẻ đủ phẩm chất, năng lực, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Những tiêu chí cụ thể của phương pháp CDIO được áp dụng cho chương trình đào tạo bậc đại học, nhằm nâng cao kiến thức chuyên môn, kĩ năng toàn diện, giúp cho học viên nhanh chóng làm chủ nhiều trang thiết bị tiên tiến. Học viên tốt nghiệp ra trường phải đạt chuẩn đầu ra trên các vấn đề cốt lõi, đó là: Kiến thức, kĩ năng cá nhân, chuyên môn nghề nghiệp; phẩm chất, kĩ năng giao tiếp và làm việc nhóm; năng lực thực hiện chức trách, nhiệm vụ quản lý, khai thác, vận hành vũ khí trang bị kỹ thuật; tổ chức chỉ huy ngành, thực hiện nhiệm vụ, năng lực tự học, tự nghiên cứu.
Đại tá Phan Văn Vân, Phó Giám đốc Học viện Hải quân cho biết: “Thời gian vừa qua, Học viện đã đột phá vào đổi mới xây dựng chương trình đào tạo, phương pháp dạy và học, nâng cao chất lượng thực hành thực tập và kiểm tra đánh giá theo chuẩn đầu ra. Chúng tôi chủ động đổi mới phương pháp theo hướng giảng dạy tích cực, lấy người học làm trung tâm. Hiện tại, công tác giáo dục - đào tạo, quản lý, rèn luyện học viên có nhiều bước tiến bộ rõ rệt”.
Giao lưu sĩ quan trẻ Học viện Hải quân Việt Nam và Học viện Quốc phòng Brunei trên Tàu buồm 286 Lê Quý Đôn
Những giờ học trên lớp không còn nhàm chán, thụ động, đọc, chép đơn thuần mà thay vào đó là không khí sôi nổi thảo luận theo nhóm. Các học viên được trao đổi trực tiếp với giảng viên và mỗi người có thể tự tin trình bày quan điểm của mình trước tập thể. Là học viên năm cuối, được tiếp xúc với phương pháp học tập hiện đại, Thượng sĩ Đào Khả Tráng, lớp trưởng Lớp KRS19 và các bạn của mình hoàn toàn chủ động trong việc học tập, nghiên cứu: “Phương pháp học tập mới rất thiết thực và hiệu quả đối với chúng tôi. Thời gian thực hành, thực tế ở đơn vị giúp chúng tôi có cơ hội kiểm tra các kiến thức mà mình học được, từ đó bổ sung để nắm sâu kiến thức. Phương pháp học tập mới giúp chúng tôi nhanh chóng nắm bắt kiến thức, thành thạo kỹ năng trong thao tác sử dụng vũ khí và các trang bị kỹ thuật”.
Trung tá Nguyễn Hữu Tài, Chủ nhiệm Bộ môn Thiên văn, Khoa Hàng hải là một trong những giảng viên đi tiên phong ứng dụng phương pháp giảng tích cực, đồng chí Tài chia sẻ: “Phương pháp dạy học mới đòi hỏi rất cao đối với mỗi giảng viên. Trước khi lên lớp, các giảng viên phải chuẩn bị tốt nội dung bài giảng, bảo đảm sát với tình hình thực tiễn đơn vị. Phương pháp dạy học tích cực lấy người học làm trung tâm, khuyến khích sự năng động và sáng tạo của học viên. Như vậy, học viên sau khi tốt nghiệp ra trường mới đạt được các chuẩn đầu ra theo mục tiêu đào tạo”.
Một mùa xuân mới đang về, mùa xuân sẽ chắp cánh cho những ước mơ, khát vọng của tuổi trẻ Học viện Hải quân bay xa hơn, cao hơn. Những khát vọng ấy đang từng bước trở thành hiện thực, họ sẽ là những cán bộ có đủ trình độ, năng lực tiếp bước cha anh, góp phần xây dựng Quân chủng Hải quân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.
Bài, ảnh: Hoàng Minh, Anh Mão
Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn
- Lữ đoàn 169 tập huấn hàn, cắt, gia công cơ khí - ( 23-11-24 01:00 )
- Cục Hậu cần - Kỹ thuật Hải quân: Công bố quyết định sáp nhập và tổ chức lại các phòng, ban trực thuộc - ( 22-11-24 04:00 )
- Quân chủng Hải quân kiểm tra đơn vị VMTD mẫu mực, tiêu biểu tại Vùng 4 - ( 22-11-24 02:00 )
- Vùng 4 rút kinh nghiệm công tác huấn luyện, đào tạo các đơn vị khối binh chủng hợp thành - ( 22-11-24 08:00 )
- Lữ đoàn 679 bế mạc Hội thi VKTBKT, kho trạm tốt và 4 chuyên ngành hậu cần năm 2024 - ( 21-11-24 06:00 )