Hải quân Việt Nam-ASEAN 2020: Trách nhiệm và sứ mệnh

HQVN -

Năm 2019, thế giới chứng kiến nhiều thời khắc lịch sử, nhiều nốt thăng trầm của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội: Nền kinh tế thế giới có những chuyển biến tích cực đan xen với những rủi ro tiềm ẩn; quá trình toàn cầu hóa đang có những điều chỉnh quan trọng; cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ làm thay đổi nền tảng của tăng trưởng và phát triển trên phạm vi toàn cầu; sự già hóa dân số, biến đổi khí hậu... Những thay đổi mau lẹ, rất khó đoán định đã và đang đặt ra hàng loạt thách thức đối với chiến lược đối ngoại của các quốc gia.

Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu ngày càng diễn biến phức tạp, hiệu quả kinh tế chung của khối ASEAN vẫn đầy hứa hẹn sau sự ra đời của Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) năm 2015. Hội nhập kinh tế ASEAN tiếp tục đóng góp vào vị trí mới nổi của khu vực với tư cách là động lực tăng trưởng toàn cầu. ASEAN đã trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 trên thế giới với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) khoảng 3 nghìn tỷ USD năm 2018, một sự gia tăng đáng kể so với vị trí là nền kinh tế thứ 7 của thế giới cách đây 5 năm.

ASEAN 2020: Mục tiêu và thách thức

Đông Nam Á ngày càng trở nên đoàn kết, gắn bó thông qua sự hình thành Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á-ASEAN hướng tới mục tiêu: “Một tầm nhìn, một cộng đồng, một bản sắc” thông qua 3 trụ cột: Cộng đồng an ninh-chính trị, cộng đồng kinh tế và cộng đồng văn hóa-xã hội. Sau 50 năm, ASEAN đã cố gắng lớn và có những thành công để hướng đến xu thế chung của thế giới và thời đại là: Hoà bình, an ninh, hợp tác phát triển.

Thủ tướng nhận chiếc búa Chủ tịch ASEAN từ Thủ tướng Thái Lan. Ảnh: VGP

Nhưng ASEAN cũng còn nhiều khó khăn, thách thức trong tiến trình phát triển của Hiệp hội ở thế kỷ 21. Đó là: Bối cảnh thế giới và khu vực có những biến đổi sâu sắc với nhiều diễn biến nhanh, khó lường. Các mối đe dọa an ninh truyền thống, phi truyền thống tiếp tục có diễn biến phức tạp như: Chủ nghĩa khủng bố và bạo loạn cực đoan; cướp biển và trộm cắp trên biển; buôn lậu, tội phạm xuyên quốc gia; nhập cư bất hợp pháp, tai nạn hàng hải, thiên tai; tranh chấp chủ quyền; nguy cơ xung đột sắc tộc, tôn giáo; ô nhiễm môi trường biển, rác thải nhựa; khai thác hải sản bất hợp pháp; biến đổi khí hậu...

Cùng với những khó khăn, thách thức ấy, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt làm cho Biển Đông có thời điểm trở thành “điểm nóng”, thậm chí có nguy cơ dẫn đến xung đột, ảnh hưởng đến lợi ích của các quốc gia liên quan, đe doạ hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải, hàng không trong khu vực.

Việt Nam: Nâng cao trách nhiệm về hợp tác quốc phòng-quân sự

Sau 25 năm tham gia ASEAN, là Chủ tịch ASEAN năm 2010, Chủ tịch ASEAN năm 2020, Việt Nam đã tham gia tích cực, chủ động, đầy đủ vào cơ chế hợp tác của khu vực và có những đóng góp quan trọng, trách nhiệm vào các vấn đề an ninh chung.

Theo Thượng tướng Phạm Ngọc Minh, nguyên Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, tại hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) năm 2010, Việt Nam đã đưa ra 5 sáng kiến về hợp tác quốc phòng, quân sự là: Tham gia gìn giữ hòa bình của Liên hiệp quốc; hợp tác về quân y; hợp tác về an ninh biển; hợp tác về hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa; hợp tác về chống khủng bố. Đó là 5 sáng kiến giúp đảm bảo an ninh, hòa bình, ổn định không chỉ cho ASEAN mà cho cả châu Á, Thái Bình Dương.

Hiện tại, 5 sáng kiến này cùng với các sáng kiến về quốc phòng, quân sự của các nước ASEAN tiếp tục phát huy tốt vai trò, hiệu quả trong xây dựng lòng tin và quản lý an ninh khu vực.

Từ chủ đề Quốc gia trong năm Việt Nam Chủ tịch ASEAN 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ công bố ngày 4-11-2019 tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 35 là “ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng”, Bộ Quốc phòng Việt Nam xác định chủ đề các hội nghị quốc phòng-quân sự ASEAN năm 2020 là “Hợp tác Quốc phòng vì một ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng”.

Hải quân Việt Nam: Duy trì sự đồng thuận về các vấn đề an ninh biển

Hội nghị Tư lệnh Hải quân ASEAN (ANCM) lần thứ 14 sẽ tập trung vào các vấn đề: Chủ động định hình tương lai khu vực để không bị ảnh hưởng tiêu cực bởi sự cạnh tranh chiến lược của các siêu cường. Tiếp tục triển khai sáng kiến của các nước Chủ tịch trước cũng như chia sẻ, đề xuất các sáng kiến, hình thức hợp tác mới, mang tính thực chất, hiệu quả, thích ứng với cách mạng 4.0, phù hợp với đặc điểm văn hóa chiến lược của ASEAN và phục vụ lợi ích chung của ASEAN. Tăng cường xây dựng lòng tin, thúc đẩy đối thoại, hợp tác quốc phòng Hải quân ASEAN và giữa Hải quân ASEAN với các nước đối tác.

Các đại biểu dự Hội nghị lập kế hoạch ban đầu cho duyệt binh hàng hải quốc tế (IMR 2020) và Hội nghị lập kế hoạch giữa kỳ cho diễn tập đa phương Hải quân ASEAN lần thứ 2 năm 2020 (AMNEX 2/2020) tại TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: Đức Thu

Tại hội nghị Tư lệnh Hải quân các nước ASEAN lần thứ 13 (ANCM-13) được tổ chức tại Cam-pu-chia, Phó Đô đốc Phạm Hoài Nam đã khẳng định: Trước những nguy cơ vi phạm luật pháp quốc tế; chuẩn mực quốc tế bị đe dọa hoặc bị phá vỡ, Hải quân ASEAN không nên né tránh các vấn đề và thách thức đang phải đối mặt. Hải quân ASEAN cần đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật, nhất là Công ước của Liên hiệp quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982 và các cam kết khu vực; tôn trọng lẫn nhau trong quan hệ quốc tế cũng như trong giải quyết các mâu thuẫn, bất đồng; tôn trọng độc lập chủ quyền, lợi ích chính đáng của mọi quốc gia; tìm cách thu hẹp khác biệt. Hải quân ASEAN không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực cũng như không có hành động làm phức tạp thêm tình hình, từng bước giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp...

Trách nhiệm và sứ mệnh

Quả lắc sẽ không tự nó chuyển động trở lại nếu không có lực hút trái đất. Tiến bộ chung sẽ không tự nhiên có được mà cần có sự thúc đẩy tích cực từ các bên. Không thể giành giật hòa bình từ chiến tranh bởi nó sẽ là thành quả ngắn hạn trong một chuỗi rủi ro dài hạn. Những tiêu cực trong việc giải quyết tổng thể tình hình Biển Đông vẫn còn hiện hữu và rõ ràng các nước ASEAN không thể phớt lờ. Đó là những điều được cảnh báo từ sớm, từ xa, nhất là đối với tư duy đối ngoại của nhiều nước trong khu vực.

Với vai trò là Chủ tịch ASEAN và cũng là thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc trong năm 2020, Việt Nam mong muốn có sự đồng thuận lớn của ASEAN để từ đó, có một tiếng nói mạnh mẽ hơn trong vấn đề Biển Đông cũng như tìm kiếm sự bình ổn cho khu vực.

Việc duy trì sự đồng thuận và vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc an ninh khu vực là lợi ích chung của các bên và trách nhiệm của các nước đối tác. Thành công của năm ASEAN 2020 tại Việt Nam sẽ là thành công chung của ASEAN và “Hợp tác Quốc phòng Hải quân vì một ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng” là nghĩa vụ và trách nhiệm của các nước ASEAN.

Hải Nam

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn