Hải Phòng hiện thực hoá khát vọng chuyển đổi số

HQVN -

Dành 400 tỉ đồng để thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số, Hải Phòng đã xác định chuyển đổi số là động lực mới trong phát triển thành phố; là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài; phải tiến hành kiên quyết, kiên trì, liên tục với những bước đi vững chắc, tích cực, chủ động và có trọng tâm, trọng điểm.

Trong những ngày cuối năm 2024, chúng tôi được tham dự Diễn đàn Chuyển đổi số - Hải Phòng 2024 với chủ đề “Chuyển đổi số xanh - Động lực phát triển kinh tế, xã hội”. Đây là năm thứ 2 chương trình được tổ chức đồng thời cũng là bắt đầu một dấu mốc mới trong tiến trình chuyển đổi số của thành phố Cảng.

400 tỉ đồng và 81 nhiệm vụ chuyển đổi số

Theo đồng chí Hoàng Minh Cường, Phó Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng, năm 2024, thành phố tiếp tục lựa chọn chủ đề “Đẩy mạnh chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị - Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu - Tăng cường thực hiện các chính sách xã hội và chuyển đổi số”, trong đó xác định 81 nhiệm vụ cụ thể trong lĩnh vực chuyển đổi số, với kinh phí 400 tỉ đồng.

Với sự quyết tâm cao độ của thành phố và các sở, ngành, địa phương, Hải Phòng đã đạt được nhiều dấu ấn quan trọng. Hạ tầng mạng viễn thông, internet đã được đầu tư rộng khắp; phủ sóng 4G đạt 100% các khu dân cư, nâng tốc độ tải khoảng 16% so với cuối năm 2023; kho dữ liệu chung được hình thành, đã cập nhật 1.941 trường thông tin và hơn 437.000 bản ghi dữ liệu; cổng dữ liệu mở đã công bố 50/98 bộ dữ liệu mở do 7/20 sở, ngành cung cấp.

Nhấn nút khai trương Dự án Chính quyền số Hải Phòng

Bên cạnh đó, thành phố còn tích hợp thành công 1.579/1.937 dịch vụ công trực tuyến lên cổng quốc gia, đạt tỷ lệ 81.51%; tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình đạt trên 90%; 100% các cơ sở khám, chữa bệnh đã kết nối liên thông giấy khám sức khỏe lái xe, giấy chứng sinh, giấy báo tử lên cổng giám định bảo hiểm y tế; triển khai mô hình khám chữa bệnh sử dụng sinh trắc học, Kios tự phục vụ, mô hình khám chữa bệnh sử dụng thẻ căn cước công dân và VneID; triển khai ký số học bạ, sổ điểm điện tử ở các cấp học. Số lượng doanh nghiệp triển khai hợp đồng điện tử đạt trên 80%; số lượng doanh nghiệp nộp thuế điện tử đạt 99%; 100% các cảng triển khai hệ thống quản lý cảng thông minh; kinh tế số chiếm 29,7% GRDP...

Hải Phòng tiếp tục được xếp hạng trong top đầu các tỉnh, thành phố trên nhiều phương diện: chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) xếp vị trí thứ 3/63 tỉnh, thành phố; chỉ số cải cách hành chính (PAR index) xếp thứ 2; chỉ số hài lòng với sự phục vụ hành chính (SIPAS) đứng thứ 5; chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII) xếp thứ 3; tiếp tục được vinh danh địa phương top công nghiệp 4.0...

Gần đây nhất, huyện Thủy Nguyên (nay là TP. Thuỷ Nguyên) đã khai trương Trung tâm điều hành thông minh IOC. Đây được coi là bộ não số của TP. Thủy Nguyên với khối lượng dữ liệu thông tin khổng lồ. Trung tâm IOC được xây dựng với mục tiêu cung cấp số liệu toàn diện về các hoạt động trên địa bàn thành phố.

Đồng chí Uông Minh Long, Phó Chủ tịch UBND TP. Thủy Nguyên cho biết: Trung tâm điều hành của chúng tôi đang tích hợp các báo cáo kinh tế - xã hội theo quý, theo tháng, theo tuần và tích hợp hệ thống camera giám sát tầm cao phục vụ giám sát trật tự xây dựng, tài nguyên khoáng sản, là bước tiến quan trọng của huyện trong áp dụng các giải pháp về đầu tư công nghệ thông minh vào quá trình quy hoạch, điều hành phát triển hạ tầng đô thị…

Hải Phòng đã có những bước chuyển mình căn bản hướng tới xây dựng thành phố thông minh, kiến tạo nền tảng vững chắc để đến năm 2030 trở thành thành phố công nghiệp phát triển hiện đại, văn minh, bền vững tầm cỡ khu vực Đông Nam Á theo tinh thần Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị.

Chuyển đổi số xanh - Động lực mới cho nền kinh tế

Cũng tại diễn đàn, các đại biểu, chuyên gia đã thảo luận và thống nhất khuyến nghị Hải Phòng tập trung xây dựng và hoàn thiện các hạ tầng số bao gồm: hạ tầng dữ liệu, hạ tầng kết nối - nhất là 5G, hạ tầng xanh để thu hút nhà đầu tư; hoàn thiện dữ liệu số và phát triển nguồn nhân lực số.

Đặc biệt, phiên chuyên đề “Kinh tế số - Kinh tế xanh”, tập trung vào tư vấn xây dựng mô hình khu công nghiệp xanh và thông minh, doanh nghiệp sản xuất xanh thông minh, hướng tới tạo dựng môi trường đầu tư, sản xuất, phát triển kinh tế bền vững.

Các đại biểu tham quan gian hàng tại Triển lãm thành tựu và giải pháp công nghệ năm 2024

Đồng chí Bùi Ngọc Hải, Phó trưởng ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng chia sẻ tại diễn đàn: Hải Phòng hiện có 14 khu công nghiệp đang hoạt động, cũng là địa phương có số lượng bến cảng lớn nhất cả nước với 49 bến cảng. Các khu công nghiệp phát triển hạ tầng xanh sẵn có hấp dẫn các nhà đầu tư với điện xanh, nước sạch, môi trường xanh, xử lý rác thải xanh, hạ tầng các nhà xưởng có sẵn, xanh - thông minh với các hệ thống kiểm soát; tài chính xanh với sự phát triển các hạ tầng số bao gồm: hạ tầng dữ liệu, hạ tầng truyền dẫn (cáp quang, 5G), hạ tầng các giải pháp số.

Chúng tôi được tham quan Triển lãm thành tựu và giải pháp công nghệ với gần 20 gian hàng trưng bày các thành tựu chuyển đổi số của Hải Phòng và các giải pháp chuyển đổi số của các doanh nghiệp công nghệ lớn như Viettel, VNPT, Mobifone… thu hút hàng nghìn lượt khách tham quan.

Tại gian hàng của Tập đoàn Bưu chính viễn thông (VNPT) chi nhánh Hải Phòng, chúng tôi được hướng dẫn viên giới thiệu nhiều hoạt động của VNPT. Hiện nay, VNPT tham gia xây dựng nhiều giải pháp công nghệ thông tin, chuyển đổi số quan trọng như: hệ thống kỳ họp số cho HĐND thành phố và triển khai đến tất cả các cấp huyện; cơ sở dữ liệu điều hành cho các quận, huyện; đồng hành triển khai các nền tảng công nghệ số, lấy người dân làm trung tâm, nâng cao dân trí và chất lượng cuộc sống. Trong đó tập trung vào một số lĩnh vực như: giáo dục, y tế, văn hóa, an toàn, an ninh xã hội…

Đồng chí Nguyễn Hải Anh, Giám đốc VNPT Hải Phòng cho biết, thời gian tới VNPT Hải Phòng sẽ tiếp tục đầu tư mạnh mẽ hạ tầng mạng viên thông - công nghệ thông tin; nghiên cứu, phát triển, cung cấp nhiều giải pháp, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hiệu quả cải cách hành chính, xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số… Theo chiến lược VNPT 4.0, VNPT Hải Phòng cũng đang chuyển đổi từ đơn vị cung cấp các dịch vụ viễn thông truyền thống sang nhà cung cấp dịch vụ truyền thông kỷ nguyên số, bao gồm các dịch vụ giá trị gia tăng và công nghệ. VNPT sẽ chú trọng phát triển những sản phẩm, dịch vụ, giải pháp sáng tạo, đột phá, kiến tạo nền tảng vững chắc để đến năm 2030, Hải Phòng trở thành thành phố công nghiệp phát triển hiện đại, văn minh, bền vững theo tinh thần Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Đưa ứng dụng chuyển đổi số vào cuộc sống

Cùng với cả nước, ở Hải Phòng chuyển đổi số đã và đang lan toả vào cuộc sống của người dân, từ xem sách báo, cập nhật thông tin qua quét mã QR, thưởng thức ẩm thực Food tour qua bản đồ số đến gọi xe grap hay mua hàng online…
Chị Hoàng Thị Phương ở TP. Thuỷ Nguyên cùng nhóm bạn tham quan thành phố bằng xe đạp và thưởng thức Food tour Hải Phòng. Chỉ với vài thao tác đơn giản trên ứng dụng di động, chị đã dễ dàng thuê xe tại các trạm xe đạp công cộng (TNGo) trên một số trục đường Hải Phòng. Với bản đồ Food tour, chị Phương cùng nhóm bạn đã trải nghiệm và thưởng thức trọn vẹn một buổi chiều đầy ý nghĩa.

Chị Phương cho biết, từ tháng 8/2022 TP. Hải Phòng đã xây dựng bản đồ số về Food tour. Theo đó, du khách chỉ cần quét mã QR là có thể truy cập đường link, gõ tìm kiếm món ăn mình yêu thích. Chỉ cần một cú nhấp chuột sẽ hiện ra tất cả những quán trên bản đồ số.

Giới trẻ, học sinh và du khách tỏ ra hào hứng với dịch vụ cho thuê xe đạp ở Hải Phòng

Khi du khách chọn một quán bất kỳ sẽ hiện ra giờ đóng, mở cửa, mức độ đánh giá, bình chọn, giá cả từng món của quán ra sao… Sau khi trải nghiệm thực tế tại quán, du khách có thể tham gia bình chọn, đánh giá chất lượng món ăn giống như mua sản phẩm trên các trang thương mại điện tử.

Để “số hóa” bản đồ Food tour thành công, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch cũng đã đề xuất, phối hợp với Công an Hải Phòng triển khai các biện pháp đảm bảo an ninh trật tự, hướng dẫn du khách tham gia giao thông đúng luật, an toàn. Đồng thời kết nối với các đơn vị kinh doanh xe điện mở thêm tuyến đến các phố tập trung món ăn ngon của Hải Phòng… Sở còn đẩy mạnh hỗ trợ tổ chức các buổi tuyên truyền, hướng dẫn đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng giao tiếp cho đội ngũ nhân viên và lái xe taxi…

Còn chị Nguyễn Thị An ở phố Nguyễn Công Hoà, phường Trần Nguyên Hãn, quận Lê Chân, TP. Hải Phòng thì cho biết, khi giấy phép lái xe ô tô đã hết hạn sử dụng chị đã làm thủ tục đổi với hình thức online. Sau khi có giấy khám sức khỏe điện tử và chụp ảnh căn cước công dân, chị An đã đăng ký trên Cổng dịch vụ công quốc gia theo thứ tự hướng dẫn. Chỉ 3 ngày sau chị An đã kiểm tra được tiến độ xử lý hồ sơ của mình trên trang thông tin điện tử và 7 ngày sau khi làm thủ tục đổi, nhân viên bưu điện đã giao giấy phép lái xe ô tô tại nhà cho chị…

Những kết quả đạt được trong thời gian qua và những định hướng chiến lược trong chuyển đổi số là minh chứng cho nỗ lực của cả hệ thống chính trị thành phố Cảng. Tuy nhiên việc chuyển đổi số vẫn còn nhiều khó khăn, bởi đây là nhiệm vụ mới đối với các ngành, địa phương. Và hơn nữa, chuyển đổi số là nhiệm vụ không có điểm kết thúc. Do vậy, các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị của thành phố đã và đang tiếp tục nỗ lực mạnh mẽ hơn nữa trong quá trình hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Hải Phòng trở thành hình mẫu của các địa phương về chuyển đổi số, để thành phố tiếp tục cất cánh trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Bài, ảnh: Hoàng Việt

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn