Hải đội 7, Lữ đoàn 170: 60 năm hoàn thành tốt nhiệm vụ trên các vùng biển, đảo

HQVN -

Trước yêu cầu xây dựng, phát triển lực lượng và thực hiện kế hoạch thành lập các đoàn tàu chiến đấu theo quyết định của Bộ Quốc phòng, ngày 22-12-1959, Cục trưởng Cục Hải quân ra quyết định thành lập Tiểu đoàn 135 tàu tuần tiễu gồm 3 phân đội 5, 6, 7. Tiểu đoàn 135 đóng quân tại Cửa Hội, Sông Gianh có nhiệm vụ huấn luyện kết hợp với tuần tiễu, bảo vệ vùng biển từ Nghệ An đến Cửa Tùng. Từ đó, ngày 22-12-1959 trở thành Ngày truyền thống của Phân đội 7 (Hải đội 7, Lữ đoàn 170, Vùng 1 Hải quân ngày nay).

Tàu T181, Phân đội 7 chiến đấu tại Quảng Bình, năm 1965. Ảnh: Tư liệu

Trong quá trình xây dựng và phát triển, Phân đội 7 lần lượt trực thuộc Tiểu đoàn 140 tàu tuần tiễu, Khu tuần phòng 2, Trung đoàn 171, Hạm đội 171 (thời điểm này Phân đội 7 được nâng cấp thành Hải đội 7) và Lữ đoàn 172.

Ngày 19-4-1983, Tư lệnh Hải quân ra quyết định hợp nhất Hải đội 7 của Lữ đoàn 172 với Hải đội 137 của Lữ đoàn 170 lấy phiên hiệu là Hải đội 7, trực thuộc Lữ đoàn 170. Từ đó đến nay, Hải đội 7 trực thuộc Lữ đoàn 170, Vùng 1 Hải quân.

Những ngày đầu thành lập, đơn vị còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất. Một bộ phận cán bộ, chiến sĩ mới được bổ sung và hầu hết chưa qua đào tạo kỹ, chiến thuật Hải quân. Để hoàn thành nhiệm vụ được giao, cán bộ, chiến sĩ Phân đội 7 vừa tích cực củng cố, ổn định về mọi mặt vừa chủ động tổ chức huấn luyện SSCĐ kết hợp với huấn luyện kỹ, chiến thuật; kết hợp giữa huấn luyện với duy trì nghiêm việc chấp hành điều lệnh, qui định, qui tắc trên tàu… Chỉ trong một thời gian ngắn, cán bộ, thủy binh đã thực hiện được chức trách nhiệm vụ khi đi biển ban đêm, trong điều kiện sóng gió cấp 4 trở xuống. Phân đội đã đúc rút được nhiều kinh nghiệm để nâng cao chất lượng huấn luyện SSCĐ trong thời gian sau.   

Bước vào cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ sử dụng không quân và hải quân phá hoại miền Bắc từ năm 1964-1972, với tinh thần dám đánh, biết đánh và quyết đánh, Phân đội 7 đã tham gia nhiều trận chiến đấu cùng quân, dân miền Bắc. Tiêu biểu là các trận chiến đấu ngày 5-8-1964 tại Sông Gianh, Quảng Bình; tại Hạ Long, Quảng Ninh; chiến đấu bảo vệ Thủ đô Hà Nội, cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa), khu công nghiệp Quảng Ninh và TP.Hải Phòng. Trong các trận chiến đấu này, các tàu T181, T183, T185, T187 của Phân đội đã cùng với các lực lượng bắn rơi 3 máy bay Mỹ và làm bị thương nhiều chiếc khác.

Biên đội tàu 266, 267 Hải đội 7 tuần tiễu quản lý bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Ảnh: PV

Đến năm 1972, Phân đội 7 đã tích cực tham gia rà phá thủy lôi, khơi thông luồng lạch ở cửa biển Nam Triệu (Hải Phòng). Năm 1975, Phân đội 7 tham gia chiến đấu giải phóng các đảo Phú Quốc, Thổ Chu, Nam Du, Trường Sa. Từ năm 1978-1979, Phân đội 7 tiếp tục tham gia chiến đấu bảo vệ vùng biển Tây Nam của Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế giúp Cam-pu-chia thoát khỏi họa diệt chủng, hồi sinh đất nước Chùa Tháp.

Thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc trong thời kỳ mới, cán bộ, chiến sĩ Hải đội 7 luôn nắm chắc tình hình, kịp thời tham mưu, đề xuất với Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn 170 Hải quân xử trí tốt các tình huống trên biển; không ngừng nâng cao chất lượng huấn luyện, khả năng SSCĐ; tích cực học tập, nghiên cứu, huấn luyện làm chủ VKTBKT hiện có; kết hợp tốt giữa khai thác, sử dụng với bảo quản, bảo dưỡng, duy trì hệ số kỹ thuật. Cấp ủy, chỉ huy Hải đội thường xuyên quan tâm chăm lo nâng cao đời sống, sức khỏe bộ đội, kịp thời bảo đảm hậu cần cho các nhiệm vụ.

Cùng với hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị trọng tâm, Hải đội 7 còn là điểm sáng về thực hiện tốt công tác dân vận với các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, hậu phương quân đội, giúp đỡ nhân nhân phòng chống thiên tai, bão lũ, tìm kiếm cứu nạn trên biển, góp phần làm ngời sáng thêm phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ-Người chiến sĩ Hải quân” trong thời kỳ mới.

Những năm tới, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo ngày càng nặng nề, khẩn trương. Cùng với sự phát triển của Lữ đoàn, Hải đội 7 tiếp tục xây dựng đơn vị vững mạnh về mọi mặt, lấy xây dựng về chính trị làm cơ sở; nắm chắc tình hình nhiệm vụ, đối tượng, đối tác, SSCĐ thắng lợi trong mọi tình huống. Cấp ủy, chỉ huy Hải đội duy trì nghiêm lực lượng, phương tiện trực SSCĐ theo quy định; kịp thời tham mưu cho cấp trên xử trí có hiệu quả các tình huống trên biển, không để bị động, bất ngờ.

Trải qua 60 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, lớp lớp cán bộ, chiến sĩ Hải đội 7 cùng với Lữ đoàn 170 xây đắp nên truyền thống vẻ vang “Đoàn kết hiệp đồng, khắc phục khó khăn, huấn luyện giỏi, sẵn sàng chiến đấu tốt”. Truyền thống đó là tài sản tinh thần vô giá, là hành trang để thế hệ cán bộ, chiến sĩ Hải đội 7 hôm nay tiếp tục vượt qua khó khăn, đoàn kết, lập nên những chiến công mới.

Lê Đình Du

Hải đội 7 đã được phong tặng danh hiệu Đơn vị Anh hùng LLVTND; Huân chương Chiến công hạng Nhì. Tàu 199 (202) và 203 được tặng Huân chương Quân công hạng Ba và được tặng danh hiệu Đơn vị Anh hùng LLVTND. Tàu 201 được ơhomg tặng danh hiệu Đơn vị Anh hùng LLVTND trong thời kỳ đổi mới.

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn