Giúp chiến sĩ mới sớm hòa nhập môi trường quân ngũ

HQVN -

Cuộc sống quân ngũ có nhiều đặc thù riêng, với chế độ sinh hoạt, học tập, rèn luyện, vui chơi theo từng giờ trong ngày. Làm thế nào để chiến sĩ mới (CSM) nhanh chóng hòa nhập với môi trường mới, an tâm tư tưởng, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ của người thanh niên với Tổ quốc là điều mà các cán bộ ở Tiểu đoàn 158, Vùng 1 Hải quân trăn trở.

Cán bộ cùng chiến sĩ vượt khó

Tròn 1 tuần sau ngày đón nhận CSM, chúng tôi trở lại Tiểu đoàn 158, Vùng 1 Hải quân để tìm hiểu về tiến độ hòa nhập môi trường quân ngũ của các bạn trẻ.

Lúc này, CSM đang chia thành từng nhóm để ôn luyện lại 4 bài thể dục buổi sáng. Hầu hết CSM đã cơ bản thuộc và thực hành động tác khá chuẩn xác. Quan sát thấy vài đồng chí có động tác đánh tay chưa đúng, Trung úy Đinh Hồng Đăng, Trung đội trưởng Trung đội 7, Đại đội 3 lập tức đến gần, nhẹ nhàng hướng dẫn và làm mẫu lại động tác. Sau đôi, ba lần tập đi tập lại cùng với sự chỉ bảo tận tình của các tiểu đội trưởng và trung đội trưởng, động tác của bộ đội trở nên mạnh mẽ và đều hơn.

 Tiểu đội trưởng hướng dẫn chiến sĩ mới gấp chăn màn

Trao đổi với chúng tôi, Trung tá Vũ Văn Thành, Tiểu đoàn trưởng nói: “Hầu hết các CSM đều bỡ ngỡ khi bước vào môi trường mới. Ngoài việc chuẩn bị chu đáo về cơ sở vật chất nơi ăn ở cho bộ đội, chỉ huy Tiểu đoàn cùng đội ngũ cán bộ luôn sâu sát trên tất cả các mặt để theo dõi, uốn nắn, hướng dẫn, động viên bộ đội. Hiện tại đang là thời điểm giao mùa ảnh hưởng đến sức khỏe, việc luyện tập của bộ đội rất nhiều, vì vậy, cán bộ phải chịu khó, kiên trì tập đi, tập lại nhiều lần. Phương pháp hướng dẫn, rèn luyện bộ đội được thực hiện từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp để bộ đội tiếp nhận dần dần và thấy tự tin trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Mọi hiện tượng rèn luyện gấp gáp, theo kiểu “liệu pháp sốc” đối với CSM là không cần thiết và đôi khi phản tác dụng.

Có lẽ, khó khăn lớn nhất đối với CSM là làm sao để sớm bắt nhịp được cuộc sống trong môi trường quân ngũ có tính kỷ luật và cường độ huấn luyện, rèn luyện cao. Nhiều chiến sĩ trước khi vào quân đội đã quen nếp sống ở gia đình, ăn uống, sinh hoạt không theo giờ giấc; nay phải làm việc, sinh hoạt theo giờ giấc chuẩn mực sẽ cảm thấy bị gò bó, dễ nảy sinh tư tưởng chán nản. Vì thế sự gần gũi, thân ái của cán bộ, đặc biệt là cán bộ cấp trung đội, tiểu đội là rất cần thiết để giúp họ vượt qua cái ngưỡng ban đầu. Hơn nữa sự bám nắm, cùng ăn cùng ở với chiến sĩ cũng là để nghe được, hiểu được tâm tư của bộ đội, kịp thời phát hiện những vướng mắc trong tư tưởng, những hoàn cảnh đặc biệt của chiến sĩ, từ đó có biện pháp giúp đỡ kịp thời.

Chiến sĩ Đào Anh Sơn, quê ở tỉnh Hưng Yên là một ví dụ. Biết Sơn nhập ngũ mang theo nỗi canh cánh trong lòng về người mẹ sức khỏe yếu ở nhà một mình vì bố mất đã lâu, nhà lại chỉ có một mình, Trung úy Nguyễn Quang Mạnh, Trung đội trưởng Trung đội 8 và cán bộ Đại đội 3 thường xuyên trò chuyện, động viên, hướng dẫn, giúp đỡ chàng trai trẻ. Đào Anh Sơn tâm sự: “Đây là lần đầu tiên xa nhà nên em nhớ nhà, thương và lo cho mẹ nhiều lắm. Được các anh cán bộ thường xuyên quan tâm, giúp đỡ, chỉ bảo; cuối tuần các anh còn cho phép em gọi điện về chuyện trò với mẹ, dần dần em thấy vững tâm hơn để gắn bó với đơn vị”.

Xây dựng các “hạt nhân” nòng cốt

Không chỉ gần gũi, sẻ chia những khó khăn với chiến sĩ trẻ, đội ngũ cán bộ các cấp Tiểu đoàn 158 còn chú trọng việc phát huy vai trò, khả năng của từng người. Trung tá Nguyễn Văn Lợi, Chính trị viên Tiểu đoàn 158 chia sẻ: “Trong số CSM nhập ngũ năm nay có 33 đồng chí tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung cấp và 1 đảng viên. Những đồng chí này không chỉ có trình độ học thức mà còn nhiều tuổi và có kinh nghiệm cuộc sống hơn, do đó tiếng nói trong tiểu đội, trung đội cũng có uy tín hơn. Bởi vậy, đơn vị đã bồi dưỡng cách thức, kinh nghiệm để những chiến sĩ này cùng với cán bộ tiểu đội tham gia nắm bắt, động viên tư tưởng và giúp các đồng đội khắc phục khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ, chấp hành kỷ luật”.

 Hướng dẫn các động tác thể dục tay không cho chiến sĩ mới

Để giúp CSM yên tâm, phấn khởi thực hiện nhiệm vụ, Đảng ủy, chỉ huy Tiểu đoàn còn chỉ đạo cấp ủy, chỉ huy các đơn vị chủ động phối hợp với gia đình nắm tình hình, có biện pháp giáo dục, quản lý bộ đội hiệu quả; tổ chức tuyên truyền, cổ vũ kịp thời những cá nhân điển hình tiên tiến trên các mặt.

Đoàn Thanh niên cũng đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc kết nối, gắn bó chiến sĩ với nhau. Tham dự một buổi sinh hoạt của các CSM ở Đại đội 1, chúng tôi cảm nhận được không khí rất cởi mở, ấm áp. Cả đơn vị cùng hòa trong nhịp điệu của những bài hát hào hùng, khích lệ tinh thần tuổi trẻ. Thiếu úy Phạm Trung Kiên, Bí thư Chi đoàn Đại đội 1 cho biết thêm: Trong quản lý, giáo dục, huấn luyện CSM, các chi đoàn đã tổ chức nhiều hoạt động thể dục thể thao, văn hóa, văn nghệ, trò chơi trong các ngày nghỉ, giờ nghỉ, giờ giải lao trên thao trường góp phần tạo tinh thần phấn khởi giúp chiến sĩ hăng say học tập, gắn bó với đơn vị. Đoàn Thanh niên cũng đã chuẩn bị và tổ chức chu đáo việc tiếp đón thân nhân chiến sĩ đến thăm vào ngày cuối tuần. Trao đổi qua điện thoại, mẹ của chiến sĩ Phạm Văn Nam ở huyện Thủy Nguyên, TP.Hải Phòng xúc động: Chủ nhật vừa rồi vào thăm con, gia đình tôi rất vui khi thấy con học tập, huấn luyện trong môi trường chính quy, sạch đẹp. Thấy con tự lập, trưởng thành hơn trong suy nghĩ, chúng tôi rất yên tâm khi gửi gắm con em mình cho đơn vị”.

Mới ngày nào còn bịn rịn tạm biệt người thân lên đường làm nghĩa vụ thiêng liêng với Tổ quốc, những bỡ ngỡ của CSM đã dần lùi xa. Chính tình thương và trách nhiệm của cán bộ các cấp đã giúp chiến sĩ tiến bộ từng ngày, yên tâm học tập, huấn luyện và phấn đấu trở thành người quân nhân thực thụ.

Bài, ảnh: Thanh Thủy

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn